Kết quả điều tra dân số (năm 2009) chưa cho biết tỷ lệ thất nghiệp

Rất mừng là tỷ lệ tăng dân số bình quân trong mười năm qua (1999 – 2009) đã giảm một cách đáng kể, từ 1,7%/năm của thời kỳ 1989 – 1999 còn 1,2%/năm (dù mỗi năm dân số tăng gần một triệu người). Tỷ lệ này cho thấy sự tăng trưởng kinh tế có hiệu quả hơn vì GDP đầu người sẽ tăng cao hơn, gánh nặng xã hội sẽ nhẹ hơn. Tỷ lệ tăng dân số đáng khích lệ Riêng về sự chênh lệch giới tính càng ngày càng cao thì “sự tranh đấu” của phái nam khi có vợ càng cao, phái nữ càng có “giá” hơn do khan hiếm. Nếu không có biện pháp hợp lý về kế hoạch hoá gia đình thì chắc trong vòng mười năm tới, thanh niên sẽ phải sang các nước khác để tìm vợ như Trung Quốc, Hàn Quốc… hiện nay. Nông thôn không đô thị hoá kịp Tiến về thành thị là một xu hướng tự nhiên của bất cứ nhân dân nào trên thế giới và chính quyền nào cũng lo “o bế” thành thị, đầu tư vào thành thị nhiều tiện nghi cho cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, quyền lợi chính trị xã hội, từ đó lại dẫn đến tiếp tục thu hút dân từ nông thôn đến để để kiếm sống, hưởng tiện nghi, để có “tiếng nói” hơn… Thành thị nào có tỷ lệ đô thị hoá càng cao thì tốc độ tăng trưởng dân số cũng càng cao, như Đông Nam bộ có tỷ lệ đô thị hoá đạt 57,1% thì tốc tăng dân số rất cao: TP.HCM 3,5%/năm, Bình Dương 7,3%/năm. Sự tập trung dân số cao vào đô thị, đầu tiên sẽ dẫn đến sự “ô nhiễm do mật độ” mà chúng ta đã thấy hiện nay tại các đô thị lớn của Việt Nam như TP.HCM, TP Hà Nội, và một số đô thị loại 1, loại 2, thậm chí loại 3, trong mọi lĩnh vực: kiến trúc, giao thông, thoát nước, thải rác, giáo dục, y tế, các tệ nạn xã hội, giá cả tăng vọt, đời sống khó khăn… Nhà nước sẽ phải tiếp tục đầu tư chỉnh trang, nâng tầng cao, mở rộng đô thị, phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật – xã hội. Sự đổ xô về thành thị trong mười năm gần đây đã khiến nông thôn thiếu lao động, mặc dù giá công lao động tại nông thôn hiện nay nhiều nơi còn cao hơn giá lao động tại thành thị. Tôi nhớ trước đây nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười có đề cập đến định hướng “ly nông bất ly hương”, trong đó có vấn đề phát triển các tiểu đô thị tại nông thôn, giảm áp lực dân số đổ xô về đô thị lớn. Tiếc thay các biện pháp đầu tư của chính quyền các cấp không theo kịp. Thậm chí, các quy định về tiêu chuẩn đô thị cũng chưa hợp lý với thực trạng các xã, việc lập hồ sơ để hình thành đô thị (thị trấn, thị tứ) cũng được các sở xây dựng thực hiện rất ít. Từ đó, làm sao có kinh phí đầu tư đô thị hoá nông thôn? Việc dân nông thôn, nhất là giới trẻ, bỏ nông thôn ra thành thị là lẽ đương nhiên. Kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 Tính đến 0h ngày 1.4.2009, dân số Việt Nam là 85.789.573 người, đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 13 thế giới. Nam giới chiếm 49,5%, nữ chiếm 50,5%; tỷ số giới tính là 98,1 nam/100 nữ. Cũng theo số liệu mới hiện có, dân cư khu vực thành thị là 25.374.262 người (29,6%) và 60.415.311 người (70,4%) thuộc khu vực nông thôn. Trong thời kỳ 1999-2009, dân số thành thị đã tăng lên với tỷ lệ tăng bình quân là 3,4%/năm, trong khi ở khu vực nông thôn tỷ lệ tăng dân số chỉ có 0,4%/năm. Dân số khu vực thành thị tăng nhanh được đánh giá chủ yếu là do di dân và quá trình đô thị hóa. Tỷ lệ thất nghiệp chờ điều tra chuyên sâu Liên quan đến vấn đề dân số, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của mọi người là tỷ lệ thất nghiệp. Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành riêng một cuộc điều tra về việc làm trong tháng 9.2009, dự kiến sẽ có báo cáo vào cuối năm 2009. Điều này, theo tôi, vì ý nghĩa quan trọng của nó và vì đã và đang có những vấn đề thuộc về “kỹ thuật” khi tiến hành điều tra việc này. Nếu GDP là một chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng nặng về kinh tế thì tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là một chỉ tiêu kinh tế xã hội quan trọng nặng về xã hội. Hiện nay, khi đánh giá nền kinh tế các nước đã phục hồi chưa, người ta cũng chỉ nói đến hai chỉ tiêu này mà thôi. Thống kê Việt Nam trong hai cuộc tổng điều tra dân số 1989 và 1999 không hề đề cập đến chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp mà chỉ có hai số liệu: - Số người trong độ tuổi có khả năng lao động không làm việc (không có nhu cầu làm việc); - Số người trong độ tuổi có khả năng lao động đang không có việc làm (có nhu cầu làm việc). Cả hai số liệu này, trên nguyên tắc, có thể cộng lại và chia cho số lao động trong độ tuổi để thành chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng thống kê không làm, có thể có nhiều nguyên do, trong đó có lẽ có nguyên do nhận thấy mức độ chính xác của các con số này không cao (có thể do điều tra viên, có thể do người được điều tra). Thí dụ khi hỏi một lao động ở nông thôn đang làm nghề gì, có thể ông ta trả lời là không có việc làm, nhưng ông ta vẫn đi cấy lúa, cắt lúa mướn; hoặc ông ta đang lãnh gia công hàng đan lát, phụ hồ, phụ mộc… Nếu điều tra viên cứ nghe trả lời như thế mà ghi vào trường hợp 2 thì ông nông dân này sẽ là người thất nghiệp. Ngược lại, cũng không hiếm trường hợp người được điều tra trả lời là đang có công ăn việc làm “vững chắc”, nhưng thực ra là họ đang bị mất việc (trường hợp của sáu tháng đầu năm nay). Các yếu tố tâm lý (thể diện…) thường tạo ra các thông tin sai. Nếu tất cả tiền lương, tiền công đều được trả qua ngân hàng thì sẽ không có những sai sót này. Trong nhiều số liệu khác về lao động cũng xảy ra nhiều trường hợp sai lầm khác, như số lao động được đào tạo (có người chỉ được đào tạo ba hoặc sáu tháng cũng được ghi vào lao động có văn bằng chứng chỉ, thực ra tối thiểu phải là hai năm), hoặc một công chức cứ khai mình là nông dân vì có vài công vườn cây ăn trái… Kết quả tổng điều tra dân số 1999 tại đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tỷ lệ thất nghiệp dưới các dạng (gồm hai số liệu nêu trên) bình quân khoảng 10,5%. Thú thực, tôi không tin lắm vào số liệu thống kê này. Qua các buổi làm việc trực tiếp với chính quyền huyện, xã, và những cuộc điều tra thực tế trong dân, tỷ lệ thất nghiệp không cao do họ có nhiều việc làm phụ (mùa cấy, mùa thu hoạch, mùa xây dựng…) nhưng tỷ lệ thất nghiệp theo mùa rất cao (giữa các mùa nêu trên). Do đó cần có những điều tra sát sườn hơn, chính xác cao hơn, sau đó quy về một chuẩn (thí dụ của một nước có mức phát triển tương đương hoặc cao hơn một chút như Indonesia hay Malaysia hay Thái Lan) để tính toán tỷ lệ thất nghiệp dưới các dạng. Tỷ lệ càng cao thì sự phát triển càng kém bền vững bấy nhiêu. Hy vọng là cuộc điều tra lần này sẽ khắc phục được các sai sót nêu trên và đưa chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp một cách công khai, minh bạch, chính xác cao, để làm chỉ hướng cho các nhà lãnh đạo có chính sách, biện pháp định hướng phát triển kinh tế xã hội. SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ  - NGUYỄN VĂN SƠN  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật