Điều 410 BLDS năm 2005 viện dẫn việc áp dụng các quy định từ Điều 127 đến Điều 138 vì hợp đồng là một loại giao dịch dân sự, do đó, cần áp dụng những quy định về giao dịch dân sự vô hiệu đối với hợp đồng vô hiệu.
Theo quy định tại Điều 127 BLDS, giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 BLDS thì vô hiệu. Về lý thuyết, có thể phân chia thành hai loại vô hiệu của giao dịch: đó là giao dịch đương nhiên vô hiệu (hay còn gọi là giao dịch vô hiệu tuyệt đối) và giao dịch dân sự vô hiệu theo đề nghị của người có quyền, lợi ích liên quan ( hay còn gọi là giao dịch vô hiệu tương đối). Nếu không có đề nghị hoặc có đề nghị nhưng không được Toà án chấp nhận thì giao dịch vẫn có hiệu lực pháp luật. BLDS quy định 7 trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu. Đây chỉ là những trường hợp vô hiệu nói chung. Ngoài ra, Điều 411 quy định về hợp đồng dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được, cụ thể :Trong trường hợp ngay từ thời điểm ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu.
Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.Quy định này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được, nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.
Đồng thời, BLDS năm 2005 giải quyết mối quan hệ giữa vô hiệu của hợp đồng chính và vô hiệu của hợp đồng phụ, trong đó sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thoả thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.
Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu được giải quyết theo Điều 137 BLDS năm 2005, theo đó hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Trong trường hợp này, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
1.1.11. Về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu
Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu tại Điều 136 được áp dụng đối với yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, vì hợp đồng là một loại phổ biến của giao dịch dân sự.
Xuất phát từ đó, thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của BLDS năm 2005 là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Đối với các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 128 và Điều 129 của BLDS năm 2005 thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế, có nghĩa là yêu cầu Toà án vào bất kỳ thời điểm nào cũng được.
1.1.12. Thực hiện hợp đồng
Đây là một trong những giai đoạn quan trọng của hợp đồng, vì mục đích của các bên có đạt được hay không phụ thuộc vào vấn đề hợp đồng được thực hiện tốt hay không. Do đó, khi thực hiện hợp đồng, các bên phải tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 412 BLDS.
1.1.13. Cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ
Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang chiếm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận.
Bên cầm giữ có quyền cầm giữ toàn bộ hoặc một phần tài sản; thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ và được dùng để bù trừ nghĩa vụ; yêu cầu bên có tài sản bị cầm giữ thanh toán các chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản đó và phải bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.
Quyền cầm giữ chấm dứt theo thỏa thuận của các bên; khi bên cầm giữ vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ hoặc bên có tài sản bị cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ.
1.1.14. Về phạt vi phạm đối với vi phạm hợp đồng
BLDS năm 2005 không quy định phạt vi phạm là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như quy định của BLDS năm 1995, mà quy định đó là một trong các nội dung của hợp đồng, nếu các bên có thoả thuận và tùy từng loại hợp đồng (khoản 7 Điều 402).
Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng về việc bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận. Về quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, BLDS quy định: các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.
1.1.15. Sửa đổi hợp đồng
Xuất phát từ nguyên tắc tự do ý chí trong việc giao kết hợp đồng, các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó.
1.1.16. Chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Hợp đồng đã được hoàn thành:
Các bên đã thực hiện xong các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, ví dụ, bên bán đã giao tài sản cho bên mua, bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán.
- Theo thoả thuận của các bên.
Ví dụ, A cho B vay tiền. Nếu A thoả thuận với B xoá khoản nợ đó cho B thì hợp đồng vay tiền giữa A và B chấm dứt.
- Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện.
Đây là những loại hợp đồng bắt buộc người có nghĩa vụ phải tự họ thực hiện, không được chuyển cho người khác. Ví dụ, A ký hợp đồng với hoạ sĩ B vẽ cho mình bức tranh; B chưa vẽ xong thì không may bị chết; hợp đồng này sẽ chấm dứt vì bức tranh đó phải do chính hoạ sĩ B vẽ theo hợp đồng đã giao kết.
- Hợp đồng bị huỷ bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện.
- Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại.
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
1.1.17. Huỷ bỏ hợp đồng
Một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Hậu quả pháp lý là: khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.
Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị huỷ bỏ phải bồi thường thiệt hại.
1.1.18. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Hậu quả pháp lý là: Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.
Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.
1.1.19. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.
Trong quá trình soạn thảo BLDS, có ý kiến đề nghị thời hạn nêu trên cần được tính từ thời điểm bên có quyền bị vi phạm biết hoặc phải biết quyền của mình bị vi phạm; nếu tính thời điểm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm, thì quyền lợi của bên có quyền trong nhiều trường hợp không được bảo vệ tốt, vì họ có thể không biết quyền của họ đã bị vi phạm. BLDS năm 2005 không thể hiện ý kiến này, mà giải quyết mục tiêu tương tự bằng cách tính thời hạn của thời hiệu khởi kiện, cụ thể: nếu người có quyền khởi kiện gặp trở ngại khách quan, trong đó có trường hợp không biết hoặc không thể biết quyền của mình bị xâm phạm, thì thời gian này cũng không tính vào thời hạn của thời hiệu (đoạn 3 khoản 1 Điều 161 BLDS năm 2005).
Theo: Lelawfirm
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"