Hỏi cung trẻ em không có mặt người giám hộ là sai

Mới đây, Công an TP. Sóc Trăng đã xin lỗi gia đình một học sinh lớp 8 vì trước đó đã tạm giữ và lấy lời khai em T. mà không có mặt cha mẹ em. Việc công an tạm giữ, lấy lời khai người chưa thành niên mà không thông báo và không có mặt người giám hộ là sai pháp luật. Nhiều vụ hỏi cung trẻ em không có người giám hộ Báo Tuổi trẻ ngày 8-9-2009 đưa tin thượng tá Nguyễn Thanh Tiền - phó Công an TP Sóc Trăng đã trực tiếp nhận lỗi với gia đình em T..Tại buổi xin lỗi, thượng tá Tiền thừa nhận sai sót, để xảy ra sự việc đáng tiếc khi nghe con trai kêu mất điện thoại đã đưa cả nhóm thanh niên chơi chung với con mình về trụ sở Công an TP Sóc Trăng bằng xe jeep để ghi lời khai, trong đó có em T.. Đối với cán bộ lấy lời khai em T. mà không có cha mẹ em là sai nguyên tắc, nên xem đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc. Thực tế những vụ lấy khai trẻ em mà không có cha mẹ như vậy không phải là hiếm. Ngày 22-1-2008, từ việc nghi ngờ 5 thanh thiếu niên (ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên và phường 10, TP Sóc Trăng ) trộm xe máy, công an phường 10 cũng đã "mời" các em về lấy lời khai và sau đó tiếp tục đưa về Công an TP Sóc Trăng để tiếp tục làm rõ. Tất cả quá trình trên đều không có người giám hộ của các em tham dự. Sau đó ngày 7-3-2009, phía công an cũng đã phải xin lỗi công khai. Tháng 2-2008, một nữ sinh lớp 9 cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì nghi ngờ em Trần Thị Thanh Thủy, học sinh lớp 9 Trường THCS An Khánh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), lấy cắp tang vật vụ án là chiếc ĐTDĐ, Công an xã Phú Túc, huyện Châu Thành đưa Thủy về xã hỏi cung mà không có người giám hộ. Sau đó, em Thủy có dấu hiệu rối loạn tâm lý. Tháng 4-2008, một vụ như vậy cũng đã xảy ra ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tối ngày 3 và sáng ngày 4 tháng 4-2008, từ việc nghi ngờ lấy cắp một chiếc điện thoại di động, công an xã Tân Lý Đông đã cách ly em Thanh để "hỏi cung", khi công an xã đưa em Thanh, một học sinh mới 11 tuổi đi một số nơi để xác minh tối 3-4 và sáng 4-4 mà không thông báo cũng như không cho người thân của Thanh đi cùng. Vụ này, phía công an sau đó cũng đã phải xin lỗi. Luật qui định phải có người giám hộ Theo qui định của pháp luật, khi một người chưa đến tuổi thành niên (chưa được xem là có đủ năng lực hành vi dân sự) thì các giao dịch liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các em phải do “người giám hộ” (cha mẹ) các em thực hiện. ( Xin xem thêm về “năng lực hành vi dân sự” trong mục thuật ngữ pháp lý – trên website này) Cụ thể, trong luật dân sự qui định người giám hộ của người chưa đủ mười lăm tuổi có nghĩa vụ “đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ”. Đó là trong lĩnh vực dân sự, hành chính. Trong lĩnh vực hình sự, hoặc có “hơi hám” của hình sự ( tức có dấu hiệu phạm tội - theo qui định trong pháp luật hình sự) như các trường hợp nêu trên, pháp luật còn qui định rõ ràng và chặt chẽ hơn nhiều. Cụ thể, Bộ luật tố tụng hình sự qui định các cơ quan chức năng chỉ có quyền bắt, tạm giữa, tạm giam người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi những người này có dấu hiệu “phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”. Ngoài ra, việc bắt, tạm giữ, tạm giam nhất thiết phải thông báo về cho gia đình, người đại diện hợp pháp của các em “ngay sau khi bắt, tạm giữ” và “ khi lấy lời khai, hỏi cung những người này nhất thiết phải có mặt đại diện của gia đình. Chiếu theo các qui định của pháp luật, có thể thấy những sự việc như trên là rất đáng tiếc và có thể xem là những sai phạm hết sức ... cơ bản ! Và qua đó, không những đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các em, của gia đình các em mà thậm chí còn có thể để lại những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển bình thường của các em. Mong sao những việc như vậy sẽ không còn xảy ra nữa.

-------------------------------- Qui định của pháp luật :

Việc bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên 1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ theo quy định, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. 2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ theo quy định, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. 3. Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam. Việc lấy lời khai, hỏi cung người chưa thành niên Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra. Tại phiên toà xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng, đại diện của nhà trường, tổ chức. ( Theo các điều 303 và 306 Bộ luật tố tụng hình sự) (Theo: Ecolaw.vn)  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật