HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP RA NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

GS.TS. VÕ THANH THU & TS. NGÔ THỊ NGỌC HUYỀN 1. Nhận thức về vai trò của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp VN Năm 2009 kỷ niệm 10 năm kể từ khi có cơ chế mang tính pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhưng trước đó đã có hàng chục dự án của các nhà đầu tư VN ở nhiều nước, điều này chứng tỏ sức sống, sức hấp dẫn của hoạt động đầu tư này (chưa cần có thể chế chính thức đã tiến hành). Cho đến nay đã có gần 400 dự án đầu tư vào 44 nước ở khắp 5 châu lục địa bất chấp khủng hoảng kinh tế, hoạt động đầu tư ra nước ngoài vẫn gia tăng. Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2009 mỗi năm sẽ có 500 triệu USD chuyển ra khỏi VN để thực hiện các dự án ở nước ngoài. Tuy nhiên sau 20 năm, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của VN còn mang tính tự phát của doanh nghiệp, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng: Số lượng và quy mô các dự án còn nhỏ so với các nước có điều kiện tương tự; nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn mà không có sự hỗ trợ từ các cấp có thẩm quyền. Ngoài nguyên nhân năng lực tài chính của bản thân doanh nghiệp có hạn, và đây không phải là nguyên nhân chính yếu (vì doanh nghiệp có thể đi vay hoặc lập công ty cổ phần), còn có nhiều nguyên nhân nằm ngoài doanh nghiệp. Nguyên nhân quan trọng nhất tác động toàn diện đến chiến lược, thể chế chính sách, thủ tục hành chính đối với  các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đó là các cấp quản lý nhà nước có thẩm quyền, xã hội chưa coi trọng vai trò của đầu tư ra nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện trong nước còn thiếu nguồn lực tài chính, phải tăng cường kêu gọi vốn FDI để tham gia  xây dựng đất nước. Ủng hộ nhận định này về vai trò của hoạt động ĐTRNN, một số nhà kinh tế cho rằng các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh hiện nay vì chính lợi ích của nhà đầu tư hơn là lợi ích quốc gia cho nên việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư VN ở nước ngoài không mang tính cấp thiết và cấp bách. Theo chúng tôi nhận định về vai trò của hoạt động ĐTRNN như trên là chưa thỏa đáng, khiến cho việc hoàn thiện cơ chế chính sách cho loại hình đầu tư này diễn ra chậm. Theo nghiên cứu của chúng tôi: nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển vẫn khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài vì vai trò tích cực đối với nước xuất khẩu vốn và nhà đầu tư ở nước ngoài, cụ thể:   Thứ nhất, đối với quốc gia: - Giúp củng cố vai trò chính trị và vị thế kinh tế của VN trong khu vực và trên thế giới. - Giúp nền kinh tế VN thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở VN. - Thông qua hoạt động đầu tư ra nước ngoài, VN có thêm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu…phục vụ cho sự phát triển kinh tế trong nước. Ví dụ, đầu tư của Tập đoàn dầu khí VN vào hoạt động khai thác dầu mỏ tại nhiều nước trên thế giới sẽ tạo nguồn cung cấp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất khi mà khả năng khai thác dầu trong nước có xu hướng giảm sút. - Đầu tư ra nước ngoài tạo tiền đề cho hoạt động kinh tế đối ngoại của VN đa dạng và phong phú, hoạt động ngoại giao đi vào chiều sâu. - Đầu tư ra nước ngoài thành công sẽ tác động ngược lại nền kinh tế trong nước theo hướng thúc đẩy công cuộc cải tổ nền kinh tế: về thể chế chính sách, về thuế, về thủ tục hành chính, về hệ thống thông tin đối ngoại, về chính sách điều hành vĩ mô. - Đầu tư ra nước ngoài góp phần tạo đội ngũ thương nhân năng động, có kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, góp phần làm tăng năng lực quốc gia. - Đầu tư ra nước ngoài góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của VN theo hướng ổn định và có hiệu quả hơn vì chính cơ sở sản xuất và dịch vụ ở nước ngoài là điểm đến của hàng hóa, thiết bị, bí quyết công nghệ (y khoa, chế biến thực phẩm…), nhân công của VN. Thứ hai, đối với doanh nghiệp: - Đầu tư ra nước ngoài giúp các doanh nghiệp thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn, nhờ đó mà nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ví dụ nhiều công ty chế biến mì ăn liền đầu tư vào Nga, Ucraina… đã tạo ra các sản phẩm mì ăn liền hợp với khẩu vị người châu Âu và sử dụng sản phẩm bột mì tại chỗ, nhờ đó mà giảm giá thành sản xuất. - Đầu tư ra nước ngoài giúp các doanh nghiệp tăng nội lực kinh doanh: tích lũy kinh nghiệm trên thương trường quốc tế; học hỏi tiếp thu công nghệ và bí quyết công nghệ; sử dụng đội ngũ quản lý và khoa học kỹ thuật bản xứ…và áp dụng những thành công ở nước ngoài vào hoạt động kinh doanh của công ty mẹ trong nước. - Đầu tư ra nước ngoài tạo ra khả năng cho doanh nghiệp thực hiện ”chuyển giá” để giảm thiểu mức thuế đóng góp cho toàn bộ hệ thống công ty đóng ở các nước khác nhau. Nhờ đó mà tối đa hóa lợi nhuận thu được. Hiện nay nhiều công ty VN mở công ty con của mình tại Singapore để thực hiện mục tiêu ”chuyển giá”, vì Singapore có môi trường kinh doanh tốt với hệ thống thuế thấp. - Đầu tư ra nước ngoài giúp các công ty phát triển vốn vô hình của mình: thương hiệu, công nghệ, bí quyết công nghệ. Ví dụ: thương hiệu cà phê Trung Nguyên, Phở 24, bệnh viện Châm cứu… - Đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp có điều kiện phân tán rủi ro kinh doanh, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thế giới đầy biến động về kinh tế – chính trị như hiện nay. Tóm lại, hoạt động ĐTRNN thể hiện mối quan hệ hữu cơ ”Ích nước, lợi cho nhà đầu tư”, cho nên cần có những giải pháp mang tính chủ động làm cho hoạt động này phát triển có hiệu quả, và làm giảm tác động hạn chế như sau của hoạt động đầu tư ra nước ngoài: - Đầu tư ra nước ngoài làm phân tán nguồn lực về tài chính, về con người, làm giảm bớt khả năng tạo việc làm ở trong nước. - Quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài không tốt có thể dẫn tới chảy máu ngoại tệ, tạo kẻ hở cho hoạt động rửa tiền. - Về mặt nào đó, đầu tư ra nước ngoài làm cho hoạt động kinh tế đối ngoại phức tạp hơn, tốn kém hơn. - Đối với doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài là hoạt động đầu tư phức tạp, nhiều rủi ro, liên quan đến luật lệ khác biệt, văn hóa, ngôn ngữ, chính trị, xã hội, sắc tộc… Tuy có những hạn chế, nhưng theo khảo sát của UNCTAD thì lợi ích khi đầu tư ra nước ngoài vẫn nhiều hơn, mang lại lợi ích cho các nước đi đầu tư lẫn nước tiếp cận đầu tư, cho nên hoạt động này vẫn phát triển và ngày càng khẳng định vai trò đối với quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, mà VN không phải là ngoại lệ. 2. Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp VN trong thời gian qua: Từ khi chưa có những văn bản pháp lý của nhà nước chính thức quy định về hoạt động ĐTRNN (trước năm 1999) đã có gần 20 dự án được cấp giấy phép, sau 2 lần hoàn thiện nghị  định có liên quan đến hoạt động này thì các dự án ĐTRNN gia tăng mạnh mẽ (Bảng 1) Bảng 1: Tình hình đầu tư ra nước ngoài của VN (tính đến 19/12/2008)  
STT Năm Số dự án Tổng vốn đầu tư (USD)
1 1989 1 563,318
2 1990 1 -
3 1991 3 4.000.000
4 1992 3 5.282.051
5 1993 5 690.831
6 1994 3 1.306.811
7 1998 2 1.850.000
8 1999 10 12.337.793
9 2000 15 7.165.370
10 2001 13 7.696.452
11 2002 15 191.459.576
12 2003 24 62.390.970
13 2004 17 12.463.114
14 2005 37 437.905.179
15 2006 36 349.106.156
16 2007 80 911.819.885
17 2008 103 2.386.201.934
Tổng cộng 368 4.391.676.122
(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bảng 2: Đầu tư ra nước ngoài phân theo nước tiếp nhận đầu tư (Tính tới 19/12/2008 – chỉ tính dự án còn hiệu lực)  
STT Nước tiếp nhận Số dự án TVĐT (USD)
1 Lào 147 1.531.259.492
2 Liên bang Nga 17 945.347.407
3 Malaysia 7 812.472.740
4 Angiêri 1 243.000.000
5 Campuchia 39 211.259.268
6 Madagascar 1 117.360.000
7 Irắc 1 100.000.000
8 Iran 1 82.070.000
9 Mỹ 40 80.114.754
10 Indonesia 3 46.180.000
11 34 nước khác 129 178.655.841
Tổng cộng 368 4.392.239.502
(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và đầu tư) Bảng 3: Đầu tư ra nước ngoài phân theo ngành (Tính tới ngày 19/12/2008 - chỉ tính các dự án còn hiệu lực)  
Ngành Số dự án Tỷ trọng (%) TVĐT- USD Tỷ trọng (%)
Công nghiệp 155 42,12 3.146.005.631 77,77
CN dầu khí 17 4,62 2.247.986.125 51,18
CN nặng 80 21,74 1.056.174.890 24,05
CN nhẹ 20 5,43 26.214.810 0,60
CN thực phẩm 16 4,35 31.011.080 0,71
Xây dựng 22 5,98 54.618.726 1,24
Nông nghiệp 70 19,02 557.472.764 12,69
Nông – lâm nghiệp 62 16,85 545.272.764 12,41
Thủy sản 8 2,17 12.200.000 0,28
Dịch vụ 143 38,86 418.761.107 9,53
Dịch vụ 78 21,19 103.315.076 2,35
GTVT – Bưu điện 29 7,88 70.925.832 1,61
Khách sạn – Du lịch 8 2,17 18.383.589 0,42
Tài chính – Ngân hàng 6 1,63 26.792.500 0,61
Văn hóa-Y tế-Giáo dục 9 2,44 21.807.239 0,50
XD văn phòng-Căn hộ 13 3,53 177.536.871 4,00
368 100 4.392.239.502 100
(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và đầu tư) 2.1. Nhận định về những thành công của đầu tư ra nước ngoài a. Thể chế chính sách liên quan đến đầu tư ra nước ngoài ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ tạo hành lang pháp lý cho hoạt đng đầu tư của các doanh nghiệp VN ở nước ngoài: mười năm (1999 – 2009) kể từ khi có Nghị định Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài, cơ chế đã 2 lần sửa đổi và hiện đang được xem xét sửa đổi. b. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài mang tính đa dạng: - Đa dạng về thị trường (cả 5 châu lục) – các nước có nền công nghiệp phát triển lẫn nước đang phát triển. Bao gồm: 44 nước (Bảng 2). - Đa dạng về ngành đầu tư: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. (Bảng 3) - Đa dạng về quy mô đầu tư: có nhiều dự án chỉ vài trăm ngàn USD, có những dự án vài trăm triệu USD (có dự án trên 1 tỷ USD – đã được cấp giấy phép tại Lào). - Đa dạng về hình thức đầu tư: 100% vốn liên doanh; hợp đồng hợp tác kinh doanh; hợp đồng phân chia sản phẩm (dầu khí); chuyển nhượng quyền thương hiệu… - Đa dạng về các thành phần kinh tế tham gia đầu tư ra nước ngoài: doanh nghiệp Nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài (Vietsovpetro); cá nhân… - Đa dạng về loại hình doanh nghiệp tham gia đầu tư: Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp có quy mô vừa, doanh nghiệp có quy mô nhỏ. c. Có một số dự án đầu tư thành công ở nước ngoài: dầu khí, bưu chính viễn thông chẳng những mang doanh thu ngoại tệ cho đất nước, mà còn nâng cao vị thế hình ảnh của VN trên trường quốc tế. d. Hình thành một đội ngũ doanh nhân có năng lực đàm phán trong đấu thầu quốc tế (ngành dầu khí, xây dựng) trong liên doanh với nước ngoài để tổ chức thực hiện đầu tư ở nước ngoài. Tóm lại, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã mở ra một “mặt trận” kinh tế thứ hai khai thác thị trường và lợi thế cạnh tranh của các nước khác để bổ sung, hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong nước và nâng cao vị thế kinh tế của VN trong khu vực và trên thế giới. 2.2. Những hạn chế trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài ở tầm vĩ mô: a. Về thể chế chính sách: Chưa hoàn chỉnh, luôn đi chậm so với thực tế, tác động đến sự phát triển hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa mạnh, thậm chí còn gây trở ngại cho hoạt động đầu tư. b. Quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn nhiều bất cập: Quản lý khâu tiền đầu tư chưa hợp lý và phức tạp: Nếu như hoạt động thu hút đầu tư FDI vào VN có 4 nơi có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố và Ban quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất, khu công nghệ cao) thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài dù dự án có quy mô nhỏ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi duy nhất cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Việc này khiến các doanh nghiệp miền Trung và phía Nam tốn kém thời gian và tiền bạc để có được giấy phép đầu tư. Ngoài ra, nhiều thủ tục bất hợp lý có liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, mở tài khoản, chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư: Ví dụ muốn được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài ở VN, Chủ đầu tư phải nộp giấy chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền ở nước tiếp nhận vốn đầu tư. Trong khi đó có những nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc…đòi hỏi phải có giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của VN thì mới cấp giấy phép đầu tư (Lưu ý: Khi cấp giấy chứng nhận đầu tư FDI vào VN, cơ quan có thẩm quyền không đòi hỏi chủ đầu tư nước ngoài phải xuất trình giấy chấp thuận hoặc giấy phép đầu tư ra nước ngoài của nước xuất khẩu vốn và nhiều nước cùng làm như vậy). Và thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài phức tạp, thời gian kéo dài gây khó khăn hoặc làm mất cơ hội của nhà đầu tư ra nước ngoài. Quản lý khâu triển khai và kết thúc dự án đầu tư ra nước ngoài còn lỏng lẻo: - Hiện chưa xác định rõ cơ quan nhà nước nào quản lý khâu triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài? Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay cơ quan quản lý ngành? Hay địa phương (cấp tỉnh, thành phố)? Cho nên các dự án đầu tư ra nước ngoài triển khai như thế nào? Còn hoạt động hay không? Không một cơ quan nào nắm rõ. - Công tác quản lý các dự án đầu tư ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do việc thực hiện chế độ báo cáo của các dự án đầu tư ra nước ngoài chưa đầy đủ, trong khi chế tài chưa quy định rõ và thực hiện nghiêm túc. - Thiếu thông tin về chính sách đầu tư của một số địa bàn nên khó khăn cho công tác xúc tiến đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp VN đầu tư ra nước ngoài. - Chưa thường xuyên tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài để rút bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý và đề xuất những biện pháp thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư ra nước ngoài. c. Đại diện của Chính phủ VN ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán, đại diện thương mại) chưa tham gia quản lý nhà nước và hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, các cơ quan đại diện của VN ở nhiều nước không nắm rõ số lượng dự án, ai đầu tư, khó khăn thuận lợi của nhà đầu tư, cho nên không có phương án hỗ trợ, trong khi đó các nhà đầu tư không gặp gỡ, báo cáo hoạt động đầu tư… Và đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào các tình trạng: hoặc “tự tung, tự tác” gây phiền phức cho môi trường đầu tư nước bạn, hoặc “bơ vơ lạc lõng” hụt hơi trong giải quyết các khó khăn trong triển khai dự án ở nước ngoài. d. VN chưa có chiến lược đầu tư ra nước ngoài, trừ ngành dầu khí có những kế hoạch dài hạn đầu tư ra nước ngoài, còn từ cấp Trung ương, địa phương, ngành…chưa xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài, cho nên Chính phủ chưa xây dựng những biện pháp hỗ trợ sự phát triển hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiện nay của VN vẫn chủ yếu mang tính tự phát của các doanh nghiệp. e. Các thông tin về môi trường đầu tư ở nước ngoài chưa được coi trọng: Nếu như Chính phủ Trung Quốc có chỉ thị cho các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở nước ngoài phải có trách nhiệm nghiên cứu môi trường đầu tư bao gồm cơ chế pháp lý, đặc điểm môi trường đầu tư; các cơ hội đầu tư…thông báo về trong nước và hệ thống thông tin về thị trường đầu tư được thiết lập từ Trung ương đến các Bộ ngành, đến các hiệp hội và doanh nghiệp…, thì ở VN, trên trang web của Cục xúc tiến đầu tư chỉ đề cập một số quy chế đầu tư ở Lào, còn chưa cơ quan nào của Chính phủ được giao nhiệm vụ thông tin về môi trường đầu tư, cơ hội đầu tư ở các nước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn thiếu bài bản, thiếu nhạc trưởng, doanh nghiệp tự khai thác thông tin tốn kém và không đầy đủ. f. Công tác xúc tiến đầu tư ở nước ngoài chưa được quan tâm: Nếu ở các quốc gia khác, sau khi cơ quan phi chính phủ, hiệp hội các doanh nghiệp nhận được danh mục các cơ hội đầu tư ở nước ngoài, họ tổ chức cho các doanh nghiệp đi tìm hiểu môi trường đầu tư ở nước ngoài, còn ở VN chỉ mới thực hiện xúc tiến để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành, địa phương, chứ việc xúc tiến đầu tư ra nước ngoài chưa được tổ chức vì chưa có chiến lược và chưa được quan tâm. 2.3. Những hạn chế trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài về phía doanh nghiệp (Chủ đầu tư): a. Năng lực cạnh tranh yếu: Trừ một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực VN… đa số các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có tiềm năng khiêm tốn: vốn ít, khó tiếp cận nguồn vốn, trình độ có hạn, khả năng kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh doanh quốc tế bị hạn chế, thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chưa có… nên gặp khó khăn trong cạnh tranh với các nhà đầu tư đến từ các nước khác trong giành thầu, thực hiện liên doanh, liên kết với các đối tác ở nước tiếp nhận vốn đầu tư. b. Triển khai dự án chậm: Ngoài khó khăn về thủ tục hành chính thì việc triển khai dự án đầu tư chậm còn có nguyên nhân là do chủ đầu tư thiếu vốn, tìm hiểu môi trường đầu tư không kỹ, nên sau khi được cấp giấy phép nhiều khó khăn mới phát sinh làm chậm tiến trình triển khai dự án. c. Các ngân hàng trong nước vươn ra nước ngoài để lập doanh nghiệp hoặc lập chi nhánh còn quá ít:  Điều này khiến các nhà đầu tư ra nước ngoài của VN trong tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án, ngoài ra việc ngân hàng VN đầu tư ra nước ngoài ít cũng ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thanh toán thương mại quốc tế của VN. d. Các doanh nghiệp VN đầu tư ra nước ngoài thiếu tính liên kết với nhau: Khi đầu tư vào VN các nhà đầu tư nước ngoài liên kết, giúp đỡ nhau thông qua thành lập hiệp hội các doanh nhân: Hiệp hội các doanh nhân Nhật, Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc…trên 30 hiệp hội như thế. Tronmg khi đó các nhà đầu tư của VN hoạt động mang tính riêng lẻ, manh mún, không những không liên kết với nhau mà còn cạnh tranh không lành mạnh, chụp giựt, gây khó khăn cho nước bạn. Chính bởi vậy, tại Lào, Trung Quốc, các doanh nghiệp (áp dụng riêng đối với VN) muốn đầu tư vào nước họ, nhà đầu tư phải có giấy giới thiệu của các cơ quan quản lý nhà nước của VN. e. Nhiều nhà đầu tư ra nước ngoài không thực hiện báo cáo định kỳ cho cơ quan có thẩm quyền của nhà nước về quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài; thậm chí có công ty thay đổi chức năng kinh doanh; hình thức đầu tư; hoặc giải thể doanh nghiệp cũng không thông báo về nước. Đây cũng là nguyên nhân làm cơ quan quản lý nhà nước nắm không chắc hoạt động đầu tư ra nước ngoài và không thường xuyên tổng kết đánh giá tình hình để đề xuất với Chính phủ các giải pháp phát triển hình thức đầu tư này. 3. Các giải pháp nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động ĐTRNN 3.1. Quan điểm đề xuất các giải pháp: Những giải pháp được xây dựng dựa trên các quan điểm sau đây: a. Đầu tư ra nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế VN: ĐTRNN giúp bổ sung nguồn tài nguyên, hàng hóa, ngoại tệ… cho nền kinh tế trong nước; và giúp thâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Với quan điểm này đòi hỏi: Chính phủ phải xây dựng chiến lược phát triển ĐTRNN; có chính sách hỗ trợ; hoàn thiện hệ thống quản lý để kịp thời nắm bắt tình hình, giúp doanh nghiệp nắm bắt các thời cơ và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc khi hoạt động ở nước ngoài. b. Quan điểm bình đẳng cần được quán triệt trong quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài: Nếu hoạt động quản lý dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ VN như: cấp giấy chứng nhận đầu tư; chỉnh sửa, bổ sung giấy phép đầu tư; ưu đãi thuế… được Chính phủ phân quyền mạnh mẽ cho các khu công nghiệp; cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện thì ĐTRNN các công việc kể trên đều do Bộ Kế hoạch Đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ thực hiện gây khó khăn không ít cho các nhà đầu tư không ở Hà Nội. Cho nên, để đảm bảo sự bình đẳng ở được dự án ĐTRNN qui mô vừa và nhỏ Chính phủ nên phân quyền cho các địa phương quản lý (nơi nhà đầu tư có công ty đang hoạt động). Ngoài ra, sự bình đẳng đòi hỏi Nhà nước cũng phân bổ ngân sách cho hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, hỗ trợ vốn, giảm thuế cho hoạt động này, hãy coi đầu tư ra nước ngoài là hình thức xuất khẩu đặc biệt. c. Coi mỗi nhà đầu tư là một sứ giả đại diện cho hoạt động kinh tế VN ở nước ta. Với quan điểm này Nhà nước phải xây dựng cơ chế buộc các cơ quan đại diện ngoại giao, kinh tế của VN ở nước ngoài phải nắm được tình hình hoạt động của các nhà đầu tư VN ở nước mình phụ trách, kịp thời giúp đỡ giải quyết các khó khăn vướng mắc. Ngược lại Nhà nước phải có biện pháp chế tài buộc các nhà đầu tư có nghĩa vụ thông báo định kỳ tình hình triển khai dự án với đại sứ quán hoặc đại diện thương mại của VN ở nước ngoài. 3.2. Các giải pháp đề xuất a. Xây dựng chiến lược phát triển ĐTRNN: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ xây dựng Chiến lược ĐTRNN chung của quốc gia, nội dung của chiến lược phải đề cập đến các vấn đề: - Mục tiêu và định hướng phát triển ĐTRNN của VN theo kế hoạch 5 năm và cụ thể hóa từng năm. - Ngành, lĩnh vực khuyến khích ĐTRNN. - Thị trường đầu tư trọng điểm. - Những chính sách khuyến khích của Nhà nước trong hỗ trợ ĐTRNN. Từng ngành kinh tế: dầu khí, xây dựng, nông – lâm – ngư nghiệp… Trong kế hoạch phát triển của ngành phải có nội dung về chiến lược phát triển ĐTRNN và các biện pháp hỗ trợ khuyến khích của ngành đối với hoạt động đầu tư này. b. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ĐTRNN: - Miễn hoàn toàn các loại thuế, kể cả thuế chuyển lợi nhuận về nước trong 5 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động. - Lập quỹ hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài. - Đối tượng được hỗ trợ vay vốn: những dự án có tầm ảnh hưởng lớn đối với nước tiếp nhận vốn; những dự án có tính khả thi cao; Những dự án khai thác nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước… - Tăng cường ký kết các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước, để đảm bảo các nhà ĐTRNN không bị nộp thuế trùng. - Xây dựng cơ chế tôn vinh: thưởng, tặng những danh hiệu đối với nhà đầu tư thành đạt ở nước ngoài, có đóng góp cho nền kinh tế nước nhà. c. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư ra nước ngoài: Coi hoạt động ĐTRNN là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế VN cho nên Nhà nước phải phân bổ một phần kinh phí xúc tiến đầu tư. d. Xây dựng Trung tâm thông tin thương mại – đầu tư quốc gia: - Trung tâm cung cấp thông tin miễn phí cho doanh nghiệp. - Trang web của Trung tâm  nằm trong trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.mpi.gov.vn) và nối kết với các trang web của Bộ Công thương (www.moit.gov.vn) và các trang web thị trường nước ngoài). - Chính phủ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ để cung cấp thông tin cho Trung tâm thông tin thương mại – đầu tư. e. Tăng cường hoạt động ngoại giao hỗ trợ hoạt động ĐTRNN: - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư ra nước ngoài. - Giúp các nhà đầu tư VN bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. f. Hoàn thiện cơ chế và bộ máy quản lý hoạt động ĐTRNN: - Nhằm giảm thiểu sự gây trở ngại về thủ tục hành chính từ trong nước cho các nhà đầu tư ra nước ngoài. - Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích ĐTRNN m. Khuyến khích thành lập Hiệp hội đầu tư ở nước ngoài: - Giúp tiếng nói của các nhà đầu tư VN có trọng lượng với cơ quan có thẩm quyền của nước chủ nhà khi phản ánh tâm tư nguyện vọng của họ về cơ chế, chính sách có liên quan đến nhà đầu tư VN. - Các nhà đầu tư VN hỗ trợ lẫn nhau tìm hiểu và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc có liên quan đến hoạt động đầu tư ở nước sở tại. Hoạt động ĐTRNN của VN đã có 20 năm phát triển, bên cạnh những thành tựu vẫn còn gặp không ít những khó khăn thách thức. Thách thức lớn nhất là chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước và XH về vai trò tích cực  của nó đối với nền kinh tế VN. Qua bài báo này chúng tôi muốn  đưa ra những đánh giá mang tính khoa học về vai trò và hoạt động ĐTRNN nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận với mong mỏi các giải pháp và kiến nghị được ứng dụng trong thực tế góp phần phát triển có hiệu quả hoạt động ĐTRNN đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tài liệu tham khảo 1. Cục đầu tư – Bộ Kế hoạch đầu tư (2008)), Báo cáo Tổng kết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, (www.mpi.gov.vn) 2. Trần Thị Châu, Phạm Tấn Đạt, Phạm Thành Nhân, Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nước đang phát triển ở châu Á và bước chuẩn bị cho VN, ĐHKT TP.HCM, 2003. 3. Nghị định 22/1999/NĐ-CP ngày 14/04/1999, Quy định đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp VN. 4. Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp VN ngày 09/09/2006. 5. Nghị định 121/2007/NĐ-CP ngày 25/07/2007 – “Quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí”. 6. Công Lý, “Khuyến khích đầu tư ra nước ngoài – 3 giải pháp thúc đẩy đầu tư vào thị trường trọng điểm”, Thời báo Kinh tế VN, 25/04/2008, trang 6 7. Website: - http://fia.mpi.gov.vn Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). - http://www.mofa.gov.vn Bộ Ngoại giao VN.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật