HOÀN THIỆN TỔ CHỨC THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẬP TRUNG

TẠ THANH BÌNH 1. Mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tập trung theo pháp luật một số nước trên thế giới Thị trường giao dịch chứng khoán tập trung là thị trường chứng khoán nơi các giao dịch chứng khoán được tổ chức tập trung theo một địa điểm vật chất dưới dạng các Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK)1, tại đó người mua và người bán (hay đại diện và những nhà môi giới của họ) gặp nhau để tiến hành giao dịch. Vì vậy, người ta còn gọi SGDCK là thị trường tập trung, nơi giao dịch mua bán, trao đổi các chứng khoán của các công ty lớn, hoạt động có hiệu quả2. Giá cả của chứng khoán tại thị trường giao dịch tập trung được xác lập chủ yếu qua cơ chế đấu lệnh tập trung. Thị trường giao dịch chứng khoán tập trung được tổ chức dưới hình thức các SGDCK. Theo Liên đoàn các SGDCK thế giới (WFE), hiện nay trên thế giới đang tồn tại 4 mô hình tổ chức SGDCK phổ biến. Mỗi mô hình có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, được các nước áp dụng tuỳ theo từng giai đoạn phát triển nhất định của thị trường, bao gồm: i) SGDCK tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn được sở hữu bởi các thành viên (còn gọi là mô hình thành viên). Theo mô hình này, SGDCK do các thành viên là các công ty chứng khoán (CTCK) sở hữu. Thành viên vừa là người tham gia giao dịch vừa là người quản lý SGDCK, nên có thể phát huy tối ưu vai trò tự quản, nâng cao tính hiệu quả và nhanh nhạy trong việc xử lý các vấn đề phát sinh của thị trường. SGDCK theo mô hình thành viên thường hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận, chủ yếu là mang tính chất phục vụ cho hoạt động giao dịch cho chính các thành viên tại SGDCK. Những lợi ích kinh tế gắn bó với tư cách thành viên được phân chia một cách công bằng hoặc trên cơ sở phần đóng góp của thành viên vào SGDCK. Hiện nay có tới 16,3% SGDCK áp dụng mô hình này như: Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Sri Lanka…   Ví dụ: SGDCK Colombo của Sri Lanca (CSE) được thành lập ngày 2/12/1985 sau khi tiếp quản TTCK do Hiệp hội các nhà môi giới Colombo điều hành từ năm 1896 – 1985. CSE được tổ chức theo mô hình công ty TNHH do các công ty thành viên góp vốn thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mọi nguồn thu của CSE từ phí giao dịch, phí niêm yết hàng năm và phí đóng góp của các công ty chứng khoán thành viên được dùng để phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường vốn. Là một tổ chức tự quản, nhưng CSE vẫn thuộc sự giám sát của Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) Srilanca. CSE có các chức năng chính là thực hiện niêm yết cho các công ty để huy động vốn qua TTCK; cung cấp các tiện ích giao dịch cho thị trường thứ cấp; cung cấp các dịch vụ đăng ký, thanh toán bù trừ và lưu ký chứng khoán. Cơ cấu của CSE gồm có Hội đồng quản trị (HĐQT) và Giám đốc. Hội đồng quản trị gồm 9 thành viên là cơ quan quyết định các chính sách của CSE. Các thành viên có quyền bầu 5 đại diện của mình vào HĐQT, 4 thành viên HĐQT còn lại do Chính phủ (Bộ Tài chính) bổ nhiệm. Chủ tịch HĐQT có nhiệm kỳ 3 năm, được chọn từ 5 đại diện của các thành viên Sở GDCK. ii) SGDCK tổ chức theo mô hình công ty cổ phần hữu hạn. Trong khoảng hơn một thập kỷ gần đây, các SGDCK được tổ chức theo mô hình thành viên đã dần đi theo xu hướng tư nhân hoá để chuyển đổi hình thức tổ chức dưới dạng các công ty cổ phần hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Mở đầu là SGDCK Stockholm năm 1993, theo sau là SGDCK Helsinki năm 1995 và SGDCK Copenhagen năm 1996, SGDCK Amsterdam năm 1997, SGDCK Australia năm 1998. Và rồi các SGDCK Toronto, Frankfurt, Singapore, Hongkong, London, Paris, Tokyo, New York… cũng lần lượt được tư hữu hoá và chuyển sang hình thức công ty cổ phần. Lý do của trào lưu cổ phần hoá tiến tới đại chúng hoá các SGDCK theo mô hình thành viên chủ yếu là vì mô hình thành viên không cho phép các thị trường giao dịch tập trung này có đủ khả năng tài chính để hiện đại hoá sàn giao dịch và cạnh tranh với các đối thủ cả về phương diện công nghệ lẫn phương diện tài chính3. Hơn nữa, với mô hình sở hữu thành viên (chủ yếu là hoạt động phi lợi nhuận), các SGDCK truyền thống cũng rất khó có thể đương đầu với những thách thức của quá trình toàn cầu hoá thị trường chứng khoán. Hiện nay có khoảng 26,5% SGDCK trên thế giới áp dụng mô hình này. Ví dụ: SGDCK Tokyo (TSE) trước đây được tổ chức theo mô hình thành viên. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán và Sở giao dịch (sửa đổi) đã cho phép TSE chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/11/2001. TSE có các chức năng: cung cấp các tiện ích cho hoạt động giao dịch chứng khoán và chứng khoán phái sinh; cung cấp thông tin thị trường; đảm bảo công bằng cho các giao dịch thực hiện trên SGDCK, bảo vệ quyền và lợi ích của công chúng đầu tư; thực hiện các chức năng kinh doanh khác có liên quan đến lĩnh vực chứng khoán và TTCK. TSE được quyền ban hành các quy chế về giao dịch chứng khoán, thành viên giao dịch, niêm yết chứng khoán, giám sát và các quy định cần thiết khác cho hoạt động điều hành của SGDCK. Mô hình quản lý của TSE bao gồm: Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Hội đồng quản trị (HĐQT), Uỷ ban kiểm toán nội bộ, Hội đồng tư vấn và Ban giám đốc. ĐHĐCĐ là cơ quan có quyền lực cao nhất quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ quy định theo Luật Thương mại. HĐQT do ĐHĐCĐ bầu, có nhiệm kỳ là 2 năm. HĐQT có số lượng không quá 12 người, trong đó phải có tối thiểu 1 thành viên độc lập không tham gia điều hành hoặc kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, có nhiệm vụ đưa ra các đánh giá độc lập đối với các hoạt động của thị trường chúng khoán. Uỷ ban kiểm toán nội bộ gồm tối đa 4 thành viên do ĐHĐCĐ bầu, có nhiệm kỳ 4 năm, trong đó có tối thiểu một thành viên độc lập không tham gia vào hoạt động chứng khoán. Hội đồng tư vấn được thành lập theo đề nghị của HĐQT, thực hiện chức năng tư vấn, đưa ra ý kiến lên HĐQT về các vấn đề quan trọng có liên quan đến hoạt động điều hành hoạt động thị trường của SGDCK. Ban giám đốc đứng đầu là giám đốc điều hành, là thành viên HĐQT và do HĐQT bổ nhiệm, là đại diện theo pháp luật của SGDCK. Hiện nay Ban giám đốc TSE có 9 người, trong đó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. iii) SGDCK tổ chức theo mô hình công ty cổ phần niêm yết (công ty niêm yết đại chúng). Theo mô hình này, SGDCK thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng và niêm yết trên chính SGDCK do mình quản lý. Đây là mô hình đang được nhân rộng hiện nay trên thế giới. Hiện nay có khoảng 26,5% SGDCK trên thế giới áp dụng mô hình này, ví dụ SGDCK Phillipines, Australia, Malaysia… SGDCK Singapore (SGX) là SGDCK đầu tiên ở Châu Á – Thái Bình Dương chuyển từ mô hình thành viên sang công ty cổ phần và cũng là SGDCK đầu tiên hợp nhất giữa giao dịch chứng khoán và giao dịch các công cụ phái sinh. Ngày 23/11/2000, SGX là SGDCK đầu tiên ở Châu Á – Thái Bình Dương niêm yết sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng. Vốn của SGX được nắm giữ bởi 3 cổ đông chính là: thành viên của SGX, SEL Holdings Pte Ltd (một pháp nhân được thành lập để nắm giữ cổ phần của SGX cho Quỹ phát triển thị trường vốn) và các cổ đông mới. Hiện vốn pháp định của SGX là 1 tỷ đôla Singapore. Luật chứng khoán Singapore quy định SGX có vai trò quan trọng và duy nhất trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng và địa điểm giao dịch, bù trừ và thanh toán chứng khoán và công cụ phái sinh ở Singapore. SGX có nhiệm vụ đề ra và cưỡng chế thực thi các quy định áp dụng cho các công ty muốn huy động vốn qua SGDCK. Tuy nhiên, các quy định này của SGX phải được MAS (Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore) phê chuẩn. Ngoài chức năng trên, SGX còn được thực hiện các chức năng như giám sát thị trường để phát hiện các giao dịch bất thường trên SGDCK, giám sát các công ty chứng khoán trong việc tuân thủ các quy định của SGX. Mô hình tổ chức của SGX bao gồm ĐHĐCĐ, HĐQT, Uỷ ban kiểm toán, Uỷ ban bầu cử, Uỷ ban phúc thẩm, Uỷ ban khen thưởng, Uỷ ban quản lý rủi ro, Uỷ ban giải quyết xung đột và Uỷ ban điều hành. ĐHĐCĐ là cơ quan quyền lực cao nhất của SGDCK. HĐQT gồm 12 thành viên, được đề cử bởi Uỷ ban bầu cử. Thành viên của HĐQT được bầu thông qua ĐHĐCĐ. Nhiệm kỳ của các thành viên HĐQT không tham gia điều hành từ 4-6 năm. Tại mỗi kỳ Đại hội thường niên sẽ có 1/3 số thành viên của HĐQT hết nhiệm kỳ. iv) SGDCK tổ chức theo mô hình nhà nước sở hữu hoàn toàn hoặc một phần. Thực chất mô hình này là Chính phủ hoặc một cơ quan của Chính phủ đứng ra thành lập và quản lý SGDCK. Kinh phí để xây dựng và vận hành SGDCK do Chính phủ cung cấp. Ví dụ: SGDCK Warsava, Istanbul, Việt Nam… Mô hình này có ưu điểm là các chi phí cho giao dịch thấp, đảm bảo được tính định hướng trong quá trình phát triển thị trường chứng khoán và dung hoà được lợi ích của các chủ thể trên thị trường. Tuy nhiên, mô hình này cũng có những hạn chế nhất định là thiếu tính độc lập và khá cứng nhắc, nên hoạt động thường kém hiệu quả. Qua các mô hình tổ chức SGDCK trên cho thấy, đặc điểm nổi bật là SGDCK các nước trên thế giới chủ yếu là các tổ chức tự quản (SROs), nghĩa là các thành viên /cổ đông tự thiết lập các quy chế điều chỉnh hoạt động của các thành viên cũng như của SGDCK. SGDCK có thẩm quyền quyết định việc kết nạp thành viên, cơ chế niêm yết và giao dịch chứng khoán tại SGDCK, cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm của các thành viên liên quan tới hoạt động giao dịch tại SGDCK. C ơ chế tự quản đã tồn tại trong lịch sử gần một trăm năm của TTCK thế giới. Đa số các SGDCK trước đây lựa chọn cơ cấu sở hữu thành viên đều áp dụng cơ chế tự quản. Gần đây, khi quá trình chuyển đổi cơ cấu sở hữu đã biến nhiều SGDCK thành công ty cổ phần thì cơ chế tự quản vẫn tiếp tục tồn tại. 2. Thực trạng mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tập trung theo pháp luật của Việt Nam và một số đề xuất hoàn thiện Những quy định pháp luật đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời và vận hành thị trường giao dịch tập trung tại Việt Nam là Nghị định 48/1998/NĐ-CP (Điều 19, 20) và Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg, theo đó, Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) 4 là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp. TTGDCK có chức năng quản lý, điều hành, giám sát các hoạt động mua bán chứng khoán tại Trung tâm, nhằm đảm bảo cho Trung tâm hoạt động an toàn, công khai, công bằng và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi người đầu tư. Xuất phát từ quan điểm giảm sự can thiệp của nhà nước trong quá trình xây dựng và vận hành các thị trường giao dịch chứng khoán, đồng thời tăng cường vai trò tự quản của các TTGDCK trong hoạt động của mình, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 163/2003/QĐ-TTg ngày 5/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ đã lần đầu tiên khẳng định thời điểm và bước chuyển từ TTGDCK lên SGDCK. Tiếp theo, Luật Chứng khoán (LCK) năm 2006 quy định mô hình và địa vị pháp lý độc lập của SGDCK, TTGDCK là “pháp nhân thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần” (Điều 34). Căn cứ quy định của LCK 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc chuyển đổi TTGDCK Thành phố Hồ Chí Minh thành SGDCK theo mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu của nhà nước. Tuy nhiên, SGDCK Việt Nam vẫn chưa được tổ chức theo mô hình thành viên đúng nghĩa như các SGDCK trên thế giới, điều đó thể hiện ở những khía cạnh sau đây: Một là, với mô hình là một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu nhà nước như vậy, theo quy định hiện hành, cơ cấu quản lý SGDCK sẽ bao gồm: HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc do cơ quan quản lý nhà nước bổ nhiệm. Như vậy, có thể thấy rằng các thành viên giao dịch (Công ty chứng khoán thành viên) sẽ chỉ có vai trò mang tính danh nghĩa trong quá trình sở hữu và điều hành hoạt động của thị trường. Hay nói cách khác, họ vẫn chỉ là các “thành viên giao dịch” (khoản 5 Điều 37 LCK), chứ không phải là “thành viên” theo nghĩa đầy đủ như thành viên của các SGDCK theo mô hình thành viên trên thế giới. Các thành viên này sẽ không có, hoặc rất ít có tiếng nói trong quá trình điều hành quản lý các hoạt động của SGDCK, TTGDCK, chưa nói đến việc xác định chiến lược phát triển cũng như các vấn đề lớn khác liên quan tới “vận mệnh” của SGDCK, TTGDCK. Hai làH, LCK 2006 mặc dù đã trao cho SGDCK, TTGDCK khá nhiều quyền hạn thể hiện tính chất tự quản trong hoạt động của mình, như ban hành các quy chế hoạt động, tổ chức và điều hành hoạt động giao dịch chứng khoán, chấp thuận, huỷ bỏ tư cách thành viên giao dịch… (Điều 37), tuy nhiên, LCK 2006 chưa quy định thẩm quyền xử phạt của SGDCK, TTGDCK đối với các thành viên giao dịch của mình. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để SGDCK, TTGDCK trở thành một tổ chức tự quản đúng nghĩa, đó là khả năng tự cưỡng chế thực thi. Tất cả thẩm quyền của SGDCK, TTGDCK liên quan đến việc xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp chỉ dừng lại ở mức độ: “Làm trung gian hoà giải theo yêu cầu của thành viên giao dịch khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán” (khoản 8 Điều 37 LCK 2006). Xuất phát từ những hạn chế về mô hình tổ chức thị trường giao dịch tập trung đã phân tích trên, chúng tôi cho rằng, pháp luật điều chỉnh mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tập trung tại Việt Nam trong thời gian tới cần được hoàn thiện theo các hướng sau đây: Thứ nhất, cần có quy định nhằm đa dạng hoá sở hữu của SGDCK để SGDCK trở thành một tổ chức tự quản đúng nghĩa theo mô hình thành viên hoặc mô hình công ty cổ phần như thông lệ quốc tế. Mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc sở hữu 100% vốn nhà nước mặc dù đã nâng cao đáng kể khả năng tự chủ và độc lập của SGDCK so với mô hình đơn vị sự nghiệp có thu trước đây, tuy nhiên, cần đẩy nhanh tiến độ đa dạng hoá sở hữu của SGDCK bằng cách sớm chuyển một phần vốn nhà nước sang cho các thành viên khác của thị trường sở hữu, trước hết là các công ty chứng khoán thành viên. Đây cũng là vấn đề mà một số SGDCK của các nước theo mô hình sở hữu thuộc 100% vốn nhà nước trong giai đoạn đầu thực hiện. Thứ hai, trong mô hình phát triển tiếp theo của SGDCK, cần nghiên cứu việc cổ phần hoá tiến tới đại chúng hoá SGDCK gắn với mục tiêu niêm yết SGDCK. Xu hướng chuyển đổi các SGDCK thành sở hữu tư nhân, nghĩa là chuyển đổi từ cơ cấu câu lạc bộ (membership) hay cơ cấu tổ chức giống như hợp tác thành các công ty cổ phần và tiến tới thành các công ty niêm yết là xu hướng rất phát triển của các SGDCK trên thế giới. Hầu hết các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đều khuyến khích (thậm chí bắt buộc như trong trường hợp Philippines) vì cho rằng, mục đích của quá trình này là giải phóng SGDCK khỏi những lợi ích cục bộ và đưa các Sở này tiến tới chịu những áp lực thương mại. Khi được giải phóng theo cách này, các SGDCK sẽ tập trung vào phát triển toàn bộ thị trường chứ không dành quá nhiều thời gian làm trung lập trong cuộc đấu tranh vì lợi ích cục bộ. Mặt khác, việc tiến tới bước cuối cùng là trở thành một tổ chức niêm yết trên thị trường, xét từ kinh nghiệm của các SGDCK đã được niêm yết là rất quan trọng, bởi vì chỉ thay đổi cơ cấu để các thành viên trở thành chủ sở hữu không giải phóng SGDCK khỏi những lợi ích cục bộ. Để làm được điều này, cần tách biệt người sử dụng với chủ sở hữu, và chỉ đạt được điều này sau khi bán cổ phiếu cho một nhóm lớn những người không phải trung gian môi giới chứng khoán, và là các cổ đông công chúng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thành sở hữu tư nhân và niêm yết đặt ra vấn đề phải xem xét: liệu một SGDCK có tính thương mại sẽ thực hiện đúng vai trò cơ quan quản lý hay tổ chức tự quản; Sở giao dịch này có giảm bớt nguồn lực quản lý để tiết kiệm chi phí hay nó sẽ làm giảm năng lực của cơ quan quản lý trong việc thu hút thêm công ty tham gia niêm yết? SGDCK có thực hiện một cách công bằng vai trò của cơ quan quản lý hay tổ chức tự quản hay không? nó có hoạt động theo cách độc quyền hay không? Trong trường hợp này, quá trình cổ phần hoá SGDCK Tokyo (TSE) của Nhật Bản cũng là một bài học mà chúng ta cần tham khảo[5]. Kế hoạch cổ phần hoá và niêm yết ngay tại “sân nhà” của TSE bị trì hoãn nhiều lần, một trong những lý do là bởi Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) kịch liệt phản đối kế hoạch cổ phẩn hoá do lo ngại có sự đối nghịch về lợi ích giữa chủ thể hay chủ sở hữu vốn với người đại diện hay nhà quản trị trên thị trường chứng khoán. Theo FSA, với tư cách vừa là nhà điều hành thị trường chứng khoán, vừa theo đuổi mục tiêu lợi nhuận cho bản thân, nên TSE sẽ khó có thể dung hoà lợi ích để cùng có lợi và cùng phát triển. Tuy nhiên, không thể cưỡng lại xu thế phát triển của thế giới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ với các trung tâm tài chính khác của Mỹ, Anh, TSE vẫn kiên định con đường cổ phần hoá của mình, song vẫn cố gắng tìm kiếm những giải pháp để cân bằng giữa trách nhiệm cung cấp cơ sở hạ tầng tài chính cho công chúng và mục tiêu lợi nhuận6. Việt Nam cũng có thể học tập Nhật Bản để cân bằng mối quan hệ về lợi ích giữa bản thân SGDCK với tư cách là một tổ chức hoạt động vì lợi nhuận với lợi ích chung của thị trường – một tổ chức cung cấp dịch vụ đặc biệt thông qua việc quy định mô hình tổ chức quản lý SGDCK chặt chẽ với khả năng kiềm chế xung đột như TSE. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà nước vẫn cần giữ vai trò và sự can thiệp của mình vào quản trị thị trường, nhà nước có thể vẫn nắm giữ một lượng cổ phần đủ để vẫn giữ quyền kiểm soát. Với sự lựa chọn này, chủ sở hữu của thị trường giao dịch tập trung sẽ được đa dạng hoá và nhờ đó, hoạt động quản trị SGDCK sẽ được tiến hành một cách hiệu quả hơn. Thứ ba, cần xây dựng các quy định pháp luật tiến tới hợp nhất SGDCK Thành phố Hồ Chí Minh và TTGDCK Hà Nội để tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh cạnh tranh tài chính khốc liệt trên thế giới và khu vực. Theo mô hình này, SGDCK Thành phố Hồ Chí Minh và TTGDCK Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển theo những định hướng thị trường khác biệt theo quy định của LCK 2006, song về cơ quan tổ chức và quản lý thị trường sẽ đơn giản và hiệu quả hơn, đồng thời, việc tổ chức giao dịch của thị trường nói chung sẽ tiết kiệm hơn nhờ lợi thế kinh tế do quy mô. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của SGDCK nhiều nước trên thế giới để tăng cường sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trường hợp của Hàn Quốc là một ví dụ. Năm 2003, nhằm mục đính tăng cường tính cạnh tranh của thị trường chứng khoán và tăng sự thuận tiện của các thành viên tham gia thị trường, Chính phủ Hàn Quốc đã thông báo về quyết định hợp nhất 3 SGDCK hiện hành: KSE (Sở Giao dịch chứng khoán), KOSDAQ (thị trường OTC) và KOFEX (Sở Giao dịch các hợp đồng tương lai Hàn Quốc) thành một Sở Giao dịch hợp nhất (KRX). Để tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thành lập KRX, Quốc hội Hàn Quốc đã sửa đổi Luật Chứng khoán và Giao dịch và thông qua “Luật Giao dịch các Hợp đồng tương lai và chứng khoán Hàn Quốc” vào tháng 1/2004, thống nhất các quy định riêng rẽ hiện hành điều chỉnh hoạt động của các SGDCK khác nhau, loại bỏ những mâu thuẫn và chồng chéo trong các quy định hiện hành. Các hoạt động ban đầu đã được thực hiện là chuyển Thị trường Quyền chọn và Hợp đồng tương lai KOSPI 200 đến KOFEX tại Busan vào cuối năm 2003 và chuyển Phòng Quyền chọn và Hợp đồng tương lai của KSE đến KOFEX để điều hành thị trường: thị trường chính, thị trường các doanh nghiệp đang phát triển và thị trường các công cụ phái sinh. SGDCK sẽ có một Uỷ ban Giám sát thị trường và Trung tâm Hỗ trợ quản lý. Uỷ ban Giám sát thị trường sẽ chịu trách nhiệm đối với việc điều tra và giám sát thị trường, giám sát các CTCK thành viên, và đưa ra các biện pháp xử lý. /. Chú thích: [1]. Xem: TS. Phạm Giang Thu, Một số vấn đề về pháp luật chứng khoán và thị trư­ờng chứng khoán ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002. tr.17. [5] Xem: Vân Linh, Mô hình nào cho sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tạp chí chứng khoán số 5/2006, tr.52.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật