HẬU CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN

LG. CAO BÁ KHOÁT Ngày 01 tháng 7 năm 2010 đã qua và câu chuyện về chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành công ty TNHH một thành viên cũng không còn được bàn tán quá nhiều. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là chúng ta đã thành công, đã làm được những điều tưởng chừng như không thể. Bởi đây mới chỉ là một điểm dừng của con tàu doanh nghiệp Nhà nước trên con đường “hội nhập” vào sân chơi chung cùng các loại hình doanh nghiệp khác. Liệu đã đúng với cam kết WTO? Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam thì Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước mà can thiệp bình đẳng giống như các cổ đông, thành viên khác. Vậy, khi các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên thì có thể coi là thực hiện đúng cam kết hay không? Thật khó có câu trả lời! Thứ nhất, các công ty TNHH một thành viên sau chuyển đổi chỉ có chủ sở hữu (thành viên) duy nhất là Nhà nước nên câu chuyện bình đẳng giữa các thành viên, cổ đông trong công ty tất nhiên không cần bàn đến. Thứ hai, về sự can thiệp của Nhà nước. Ta có thể lý luận rằng Nhà nước cũng chỉ đóng vai trò là chủ sở hữu của các công ty sau chuyển đổi, có quyền và nghĩa vụ giống như chủ sở hữu của những công ty TNHH một thành viên khác (theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005) có chăng chỉ khác nhau ở năng lực chịu trách nhiệm giữa tư nhân và Nhà nước. Tư nhân là hữu hạn còn Nhà nước là hữu hạn hay vô hạn xưa nay chưa ai định được vì công ty lỗ thì Nhà nước lại cấp vốn. Cứ thế tạo thành vòng luẩn quẩn và công ty Nhà nước theo đó chẳng thể nào phá sản. Khung pháp lý nào cho các doanh nghiệp chưa chuyển đổi? Tuy hiện nay chưa có con số thống kê chính thức còn bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước chưa kịp chuyển đổi sau ngày 1 tháng 7 năm 2010. Nhưng có không ít câu hỏi lớn đã đặt ra. Các doanh nghiệp này sẽ hoạt động theo luật nào? Phải giải thể, phá sản, chuyển đổi hay tiếp tục hoạt động với tư cách cũ?   Nếu cứ tiếp tục hoạt động với tư cách cũ thì sẽ mang đến rất nhiều rủi ro cho các đối tác vì các doanh nghiệp chưa chuyển đổi không có năng lực pháp luật để tham gia vào các giao dịch. Nếu có tranh chấp xảy ra các giao dịch gần như chắc chắn sẽ bị vô hiệu. Các doanh nghiệp của tư nhân tốn nhiều thời gian, tiền bạc mà không thu được gì, trái lại còn phải đi khắc phục hậu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa chuyển đổi không phải tất cả đều do làm ăn thua lỗ đến mức không trả được nợ vì vậy mở thủ tục phá sản hay giải thể cũng không dễ. Hơn nữa việc giải thể, phá sản gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động, sẽ nhiều người mất việc làm, không còn nguồn sống mà câu chuyện chưa chuyển đổi thì không phải do lỗi của họ. Giải pháp tối ưu xem ra vẫn là tiếp tục chuyển đổi các doanh nghiệp này. Tránh tình trạng trì trệ, tất nhiên nên đưa ra một thời hạn. Nhưng đáng quan tâm hơn là chuyển đổi thành loại hình gì và chuyển đổi thế nào? Rồi vấn đề rất nhức nhối từ trước đến nay là quản lý vốn Nhà nước sao cho hiệu quả và minh bạch. Thiết nghĩ không chỉ các doanh nghiệp chưa chuyển đổi mà các doanh nghiệp đã chuyển đổi đều phải giải quyết triệt để vấn đề này. Khi Vinashin đi vay vốn qua trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường vốn quốc tế với lãi suất 7,5% một năm thì nhiều người đã dự đoán được việc nợ nần chồng chất của Tập đoàn này. Tuy nhiên, việc công bố thông tin tài chính đều được làm rất hình thức. Nhiều thông tin còn bị ém lại, không được công bố. Các báo cáo tài chính đều được làm rất đẹp. Thế cho nên, quyết định tái cơ cấu Vinashin đã gấp rút được đưa ra trước ngày 1/7/2010, nếu sau 1/7/2010 thì việc dùng quyết định hành chính để can thiệp sẽ gặp phải nhiều khó khăn và lúng túng về mặt pháp lý. Mô hình lý tưởng, quản lý vốn Nhà nước hiệu quả, minh bạch? Có 2 mô hình lý tưởng nên xây dựng cho các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay là công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần trong đó tư nhân nắm giữ trên 35% phần vốn. Nhằm bảo vệ lợi ích của mình đương nhiên tư nhân sẽ không để cổ đông, thành viên Nhà nước làm ăn một cách mập mờ, thiếu hiệu quả. Với hơn 35% phần vốn, tư nhân sẽ đủ khả năng tự vệ và phản kháng. Cổ đông, thành viên Nhà nước không thể tự quyết định đưa tư nhân vào một cuộc đua tăng vốn hòng “nuốt chửng” công ty. Một lần nữa chúng ta lại phải trả lời câu hỏi: Nhà nước cần giữ cái gì? Giữ đến đâu? Làm những gì?Chức năng của Nhà nước là quản lý xã hội do đó không thể lấy lợi nhuận làm mục tiêu cho doanh nghiệp Nhà nước. Nhà nước chỉ nên giữ quyền chi phối trong những lĩnh vực trọng yếu nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Những lĩnh vực khác để cho tư nhân làm, Nhà nước thu thuế và quản lý. Ngoài ra, không thể đem tư duy nhiệm kỳ của Nhà nước vào kinh doanh vì khi làm việc theo tư duy này những người quản lý công ty ra sức tìm cách đầu tư nhằm vụ lợi mà không quan tâm đến hiệu quả. Để xây dựng theo 2 mô hình nói trên thì các công ty Nhà nước đã chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên cũng phải tiếp tục cổ phần hóa hoặc bán vốn cho tư nhân, chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Và như vậy con tàu doanh nghiệp Nhà nước lại tiếp tục chuyển bánh. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng ở đây không có chuyện xóa sổ doanh nghiệp Nhà nước mà là bãi bỏ các công ty hoạt động theo luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003, xây dựng thống nhất theo định nghĩa tại khoản 22 Điều 4 luật Doanh nghiệp 2005: “Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ). Việc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành công ty TNHH một thành viên mới chỉ là “công ty hóa”chứ chưa thay đổi về bản chất(về sở hữu). Thực ra việc chuyển đổi sao cho đúng theo cam kết với thế giới, xây dựng mô hình hoạt động sao cho hiệu quả không phải những người có trách nhiệm không biết bởi trình độ của họ không hề thấp và tiếng nói phản biện của xã hội là rất nhiều. Tuy nhiên để có thể làm được cần có những sự cách mạng về tư duy quản lý Nhà nước, đòi hỏi sự quyết tâm làm đến cùng của đội ngũ lãnh đạo. Đừng để qua thời gian chúng ta lại phải nhận lấy những bài học cay đắng như Vinashin đang mang đến.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật