Giới thiệu những quy định mới về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự

Nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự. Trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã bổ sung nhiều điểm mới quan trọng, trong đó đặc biệt là những quy định mới về bộ máy hệ thống tổ chức và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thi hành án dân sự về công tác tổ chức cán bộ, ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2009), Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định số 74/2009/NĐ-CP). Nghị định này gồm 4 chương, 55 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2009. Mặc dù đã được hướng dẫn khá chi tiết, tuy nhiên vẫn còn một số điều, khoản của Nghị định 74/2009/NĐ-CP sẽ còn tiếp tục được hướng dẫn cụ thể hơn tại các Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ, ngành có liên quan hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, v.v… như: Hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án; Tiêu chuẩn ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên Trung cấp, Chấp hành viên cao cấp; Điều kiện, việc sơ tuyển, hồ sơ thi tuyển đối với người không phải là cán bộ, công chức tham gia thi tuyển Chấp hành viên và trường hợp công chức từ các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh này tham gia thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự tỉnh khác; Nội dung và hình thức thi nâng ngạch Thẩm tra viên thi hành án; Điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án trong quân đội; Mẫu thẻ, việc cấp phát, thay đổi và thu hồi thẻ Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án; Danh sách các cơ quan thi hành án dân sự được tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển; Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong trường hợp bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển; v.v… Để cung cấp một cách có hệ thống, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, nắm bắt những quy định mới của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, bảo đảm việc áp dụng thống nhất, có hiệu quả ngay sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các quy định mới về từng lĩnh vực của công tác tổ chức cán bộ trong thi hành án dân sự, bao gồm: - Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự; - Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong lĩnh vực thi hành án dân sự; - Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên; - Trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái Chấp hành viên; - Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên thi hành án; - Tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án; - Sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự; - Thẻ, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu đối với Chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự; - Lương, phụ cấp của Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự; - Về việc tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển; - Quy trình, thủ tục và điều kiện để bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên cấp huyện, Chấp hành viên cấp tỉnh, Chấp hành viên quân khu sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp. Phần 1: Quy định mới về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp Điều 13 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự bao gồm cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan quản lý thi hành án dân sự gồm cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan thi hành án dân sự gồm cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh); cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện); cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án cấp quân khu). Hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án dân sự, Điều 2 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định: “Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (trừ hệ thống tổ chức thi hành án trong quân đội quy định tại Điều 8 Nghị định này) được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất, gồm có: 1. Ở Trung ương: Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan quản lý thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp; 2. Ở cấp tỉnh: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự tỉnh) là cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; 3. Ở cấp huyện: Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự huyện) là cơ quan thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự huyện sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Tổng cục Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự địa phương có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, trụ sở và tài khoản riêng”. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự được quy định cụ thể như sau: Ở Trung ương: Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2009, Cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp sẽ được đổi thành Tổng cục Thi hành án dân sự. Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Tổng cục Thi hành án dân sự có cơ cấu tổ chức gồm các đơn vị sau đây: Văn phòng; Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, phá sản, trọng tài thương mại (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 1); Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự, hành chính và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 2); Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự. Tổng Cục Thi hành án dân sự có cơ cấu cán bộ, công chức gồm Tổng Cục trưởng, không quá 03 Phó Tổng cục trưởng; Vụ trưởng và tương đương, Phó Vụ trưởng và tương đương; Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án và công chức khác. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, số lượng, cơ cấu cán bộ, tổ chức và biên chế của các tổ chức giúp việc Tổng Cục trưởng. Tổng Cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục Thi hành án dân sự. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Tổng cục Thi hành án dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định: dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; dự thảo Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ về thi hành án dân sự; chiến lược, chương trình quốc gia, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm, dự thảo quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ về thi hành án dân sự. - Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định hoặc ban hành: Thông tư, Quyết định, Chỉ thị về thi hành án dân sự; thành lập, giải thể cơ quan thi hành án dân sự địa phương; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ trưởng và tương đương, Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương; bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án; quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, biểu mẫu, giấy tờ về thi hành án dân sự; quy định về thống kê thi hành án dân sự. - Tổ chức thực hiện văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về thi hành án dân sự sau khi được phê duyệt, ban hành; ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thi hành án dân sự, văn bản cá biệt, văn bản quy phạm nội bộ theo quy định của pháp luật. - Tổ chức kiểm tra: việc thực hiện trình tự, thủ tục và áp dụng pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự; chế độ thống kê và báo cáo về thi hành án dân sự; Việc thu, chi tiền, giao, nhận tài sản trong thi hành án dân sự; việc thu nộp các khoản phí, lệ phí và chi phí tổ chức cưỡng chế thi hành án; các hoạt động khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. - Giải quyết khiếu nại về thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự; thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. - Thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đánh giá kết quả về hợp tác quốc tế trong công tác thi hành án dân sự; tuyên truyền, giáo dục, vận động tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm bản án và quyết định dân sự của Toà án có hiệu lực pháp luật; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra về thi hành án dân sự và xử lý hành vi không chấp hành án theo quy định của pháp luật; giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội. - Nghiên cứu, quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin và hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật trong hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự.; thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án dân sự. - Quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, công chức của các cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức đối với một số chức vụ và bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch đối với một số chức danh quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. - Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên, cán bộ, công chức của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. - Quản lý, thực hiện phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất – kỹ thuật, phương tiện hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; quản lý khoản thu phí do cơ quan thi hành án dân sự địa phương nộp cho Tổng cục Thi hành án dân sự để thực hiện việc điều hoà phí thi hành án và sử dụng theo quy định của pháp luật. - Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao. Ở cấp tỉnh:Thi hành án dân sự cấp tỉnh theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 sẽ được đổi tên thành Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự tỉnh) kể từ ngày 01/11/2009. Cục Thi hành án dân sự tỉnh là cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện chức năng thi hành án dân sự, có nhiệm vụ giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Cục Thi hành án dân sự tỉnh có các phòng chuyên môn trực thuộc. Cục Thi hành án dân sự tỉnh có Cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; Phó Cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; Chấp hành viên sơ cấp; Chấp hành viên trung cấp; Chấp hành viên cao cấp; Thẩm tra viên thi hành án; Thẩm tra viên chính thi hành án; có thể có Thẩm tra viên cao cấp thi hành án; Thư ký thi hành án và công chức khác. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Cục Thi hành án dân sự tỉnh chịu sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 173 Luật Thi hành án dân sự, có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp về chủ trương, biện pháp tăng cường công tác thi hành án dân sự trên địa bàn và thực hiện báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật. Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Quản lý, chỉ đạo về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự; chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự cho Chấp hành viên, công chức khác của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn; kiểm tra công tác thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. - Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự; lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan Công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người c�� nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. - Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. - Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 173 của Luật Thi hành án dân sự; báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp khi có yêu cầu. Ở cấp huyện: Thi hành án dân sự cấp huyện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 sẽ được đổi tên thành Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự huyện) kể từ ngày 01/11/2009. Chi cục Thi hành án dân sự huyện là cơ quan thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Chi cục Thi hành án dân sự huyện là cơ quan trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thực hiện chức năng thi hành án dân sự và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Chi cục Thi hành án dân sự huyện có Chi cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Phó Chi cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án và công chức khác. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục Thi hành án dân sự huyện. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Chi cục Thi hành án dân sự huyện chịu sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 174 Luật Thi hành án dân sự, có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp về chủ trương, biện pháp tăng cường công tác thi hành án dân sự trên địa bàn và thực hiện báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật. Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. - Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện hoạt động được giao theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. - Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh; lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự. - Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 của Luật Thi hành án dân sự; báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân khi có yêu cầu. Phần II: Quy định mới về trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp trong công tác thi hành án dân sự Trước tiên, có thể khẳng định rằng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương do Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước. Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Ở địa phương thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 173 Luật Thi hành án dân sự và báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp khi có yêu cầu, ngoài ra phải báo cáo công tác tổ chức; hoạt động thi hành án dân sự với Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Ở cấp huyện cũng tương tự, Chi cục Thi hành án dân sự huyện có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 Luật Thi hành án dân sự và báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân khi có yêu cầu, ngoài ra phải báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án trước Cục Thi hành án dân sự tỉnh và theo quy định của pháp luật. Như vậy, khác với quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định trách nhiệm tham mưu, giúp việc trực tiếp của cơ quan thi hành án dân sự địa phương đối với Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân các cấp trong công tác thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, cụ thể: 1. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh. - Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh; quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự. - Yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh báo cáo, kiểm tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương. 2. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện. - Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện; yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện tự kiểm tra, đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh kiểm tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương. - Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự; yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì trong phạm vi quyền hạn do pháp luật quy định, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo và tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thực thi chính sách, pháp luật về thi hành án dân sự; chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện tốt việc quản lý hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn. Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP đã quy định hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức tập trung, thống nhất, nhưng đây là hoạt động đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành có liên quan ở địa phương, nhất là đối với những vụ việc thi hành án phức tạp, cần phải cưỡng chế. Do Luật Thi hành án dân sự chưa quy định cơ chế, phương thức phù hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong thi hành án dân sự nên Nghị định số 74/2009/NĐ-CP đã quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp. Thành phần Ban chỉ đạo thi hành án dân sự gồm: Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Phó Trưởng Ban chỉ đạo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; các ủy viên gồm: đại diện lãnh đạo cơ quan Tư pháp, Công an, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, mời đại diện lãnh đạo cơ quan Toà án nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cùng cấp. Để phù hợp với điều kiện của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thể mời đại diện các cơ quan liên quan khác làm ủy viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự. 3. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân cấp xã có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực thi hành án dân sự được quy định như sau: “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn” (Điều 175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008). Ngoài ra, để giúp cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tùy từng trường hợp cụ thể mà Ủy ban nhân dân cấp xã còn có thể có các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm khác được quy định ở các điều khác trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan, như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự; nhận Quyết định cưỡng chế thi hành án, Kế hoạch cưỡng chế thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự gửi; giúp cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thông báo, niêm yết công khai các văn bản, giấy tờ về thi hành án, như thông báo về việc cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản để thi hành án; chuyển các quyết định về thi hành án, giấy báo tự nguyện thi hành án cho các đương sự, giấy báo gọi đương sự đến cơ quan thi hành án hoặc trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã để giải quyết việc thi hành án; xác nhận vào biên bản xác minh điều kiện thi hành án; ký xác nhận vào biên bản kê biên tài sản thi hành án; tham gia vào quá trình Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất cho người được thi hành án; xác nhận về các trường hợp do xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hay do trở ngại khách quan khác xảy ra tại địa phương nên người được thi hành án không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn theo quy định; xác nhận vào đơn xin miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án; xác nhận vào văn bản thỏa thuận về thi hành án của đương sự; tham gia vào việc giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; tạo điều kiện thuận lợi tổ chức việc phối hợp các cơ quan hữu quan, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng, tổ dân phố, tổ an ninh và các cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi địa phương mình quản lý đối với việc thi hành án; cung cấp địa chỉ, tài liệu, điều kiện về thu nhập, tài sản của người phải thi hành án là công dân, tổ chức thuộc phạm vi địa phương mình quản lý cho cơ quan thi hành án; tạo điều kiện thuận lợi, bố trí địa điểm, chỗ làm việc để cơ quan thi hành án triệu tập đương sự đến làm việc và những công việc khác theo quy định của pháp luật; v.v… Để tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn và phát huy vai trò của cơ quan này trong công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án cần chú trọng vai trò của các đơn vị chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp xã, trong đó đặc biệt là vai trò của Ban Tư pháp và cán bộ Tư pháp – hộ tịch cấp xã trong công tác thi hành án dân sự. Phần III: Quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định ngạch chấp hành viên theo cấp hành chính, gồm có hai cấp là chấp hành viên cấp tỉnh và chấp hành viên cấp huyện, thực tiễn cho thấy đã phát sinh bất cập, gây khó khăn cho việc sắp xếp, điều động, luân chuyển chấp hành viên. Để tạo thuận lợi và linh hoạt hơn trong công tác điều động, luân chuyển chấp hành viên nhằm đáp ứng yêu cầu công việc thi hành án, khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, khoản 1 Điều 17 Luật Thi hành án dân sự đã quy định: “Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2[1] của Luật này. Chấp hành viên có ba ngạch là chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp và chấp hành viên cao cấp”. Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 thì tiêu chuẩn để được bổ nhiệm chấp hành viên bao gồm các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, có trình độ cử nhân luật trở lên, đã được đào tạo về nghiệp vụ thi hành án, có đủ sức khoẻ và thời gian làm công tác pháp luật theo quy định (từ bốn năm trở lên đối với chấp hành viên cấp huyện và đã làm chấp hành viên cấp huyện từ 05 năm trở lên đối với chấp hành viên cấp tỉnh). Những người đủ tiêu chuẩn này sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm chấp hành viên trên cơ sở Tờ trình đề nghị của Hội đồng tuyển chọn chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Kế thừa Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên bao gồm các tiêu chuẩn chung như là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao và các điều kiện cụ thể đối với từng ngạch chấp hành viên, cụ thể: Một là,đối với ngạch Chấp hành viên sơ cấp còn phải có đủ các điều kiện sau đây: - Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên; - Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự; - Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp. Hai là,đối với ngạch Chấp hành viên trung cấp còn phải có đủ các điều kiện sau đây: - Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên; - Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp. Ba là,đối với ngạch Chấp hành viên cao cấp còn phải có đủ các điều kiện sau đây: - Có thời gian làm Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm trở lên; - Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên cao cấp. Ngoài ra, người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên chuyển công tác đến cơ quan thi hành án dân sự có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển. Như vậy, điểm mới cơ bản trong tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên theo quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự đó là thứ nhất, Luật quy định cụ thể hơn về thời gian làm công tác pháp luật đối với từng ngạch chấp hành viên. Trong trường hợp đặc biệt, người có đủ tiêu chuẩn là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp. Thứ hai, một trong các tiêu chuẩn bắt buộc để được bổ nhiệm làm chấp hành viên đó là phải tham gia và trúng tuyển kì thi tuyển chấp hành viên ở các ngạch tương ứng. Quy định mới về thi tuyển chấp hành viên này nhằm khắc phục hạn chế trong quy trình, thủ tục tuyển chọn bổ nhiệm chấp hành viên theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, thông qua thi tuyển sẽ cho phép lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, năng lực để bổ nhiệm chấp hành viên, tạo khả năng thu hút cán bộ hoạt động ở những lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Tuy nhiên, việc thi tuyển chấp hành viên trong thời gian trước mắt cũng có trường hợp ngoại lệ đểphù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại cácđịa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn hiện nay.Nghị quyết số 24/2008/NQ-QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự đã nhất trí giao cho Chính phủ quy định nhữngcơ quan thi hành án dân sự cụ thể ở các địa bàn nàyđược tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn năm năm, kể từ ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lựcthi hành. Theo quy định tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì điều kiện tham dự thi tuyển Chấp hành viên đó là: có đủ tiêu chuẩn của ngạch Chấp hành viên quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật nhưng chưa có kết luận và quyết định cuối cùng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc xác định tiêu chuẩn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong một số trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 16 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP như sau: Một là, trường hợp điều động cán bộ, công chức từ cơ quan khác sang cơ quan thi hành án để bổ nhiệm Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 7 Điều 18[2]Luật Thi hành án dân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp hoặc cao cấp mà không phải qua thi tuyển. Hai là,trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của cơ quan thi hành án, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18[3]Luật Thi hành án dân sự tuy chưa làm Chấp hành viên sơ cấp hoặc đã làm Chấp hành viên sơ cấp trong thời gian chưa đủ 05 năm nhưng có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự có thể được thi tuyển Chấp hành viên trung cấp. Ba là,trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của cơ quan thi hành án, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự, tuy chưa làm Chấp hành viên trung cấp nhưng có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh có thể được thi tuyển Chấp hành viên cao cấp. Phần IV: Trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định việc bổ nhiệm Chấp hành viên phải thông qua Hội đồng tuyển chọn chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Trên cơ sở Tờ trình của Hội đồng tuyển chọn chấp hành viên, hồ sơ bổ nhiệm và các tài liệu khác có liên quan, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ xem xét quyết đ��nh việc bổ nhiệm chấp hành viên theo quy định. Theo đó, Chấp hành viên sẽ được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm và việc bổ nhiệm chấp hành viên chưa được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển. Thực tế việc bổ nhiệm Chấp hành viên theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 trong thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn nhất định, ảnh hưởng phần nào đến kết qủa hoạt động của công tác thi hành án dân sự. Do đó, để từng bước khắc phục những bất cập này, góp phần nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm chấp hành viên, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đó là “tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn”; “nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp, tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh tư pháp”, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP đã có nhiều quy định hoàn toàn mới về trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự, cụ thể: 1. Trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định việc bổ nhiệm vào ngạch chấp hành viên phải qua kỳ thi tuyển, trừ trường hợp quy định tại Điều 48 của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP[4]. Việc thi tuyển Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương sẽ do Bộ Tư pháp tổ chức và Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ quy định nội dung và hình thức thi tuyển Chấp hành viên. Để tham gia thi tuyển chấp hành viên, người dự thi phải có đủ tiêu chuẩn của ngạch Chấp hành viên[5] quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật nhưng chưa có kết luận và quyết định cuối cùng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trình tự, thủ tục thi tuyển và bổ nhiệm chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự sẽ được thực hiện như sau: Một là, việc sơ tuyển và cử người tham dự thi tuyển Chấp hành viên: - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện cử người của đơn vị mình tham dự thi tuyển Chấp hành viên. - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cử người tham dự thi tuyển Chấp hành viên đối với các trường hợp sau đây: công chức thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh; công chức thuộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện nhưng được đề nghị tham dự thi tuyển Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh hoặc tham dự thi tuyển Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự huyện khác trong phạm vi địa bàn tỉnh. - Tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện sơ tuyển đối với những người được đề nghị tham dự thi tuyển Chấp hành viên. Đối với người không phải là cán bộ, công chức tham gia thi tuyển Chấp hành viên và trường hợp công chức từ các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh này tham gia thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự tỉnh khác thì điều kiện, việc sơ tuyển, hồ sơ thi tuyển sẽ do Bộ Tư pháp quy định. Hai là, hồ sơ đề nghị tham dự thi tuyển Chấp hành viên bao gồm: - Đơn tham dự thi tuyển của người dự thi. - Sơ yếu lý lịch theo mẫu do Bộ Nội vụ ban hành, có dán ảnh (4 x 6 cm), có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ. - Bản kê khai tài sản. - Bản sao các văn bằng, chứng chỉ. - Bản nhận xét, đánh giá của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức của người được đề nghị tham dự thi tuyển Chấp hành viên về quá trình công tác, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của người đó. - Văn bản đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Ba là, việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ thi tuyển Chấp hành viên được thực hiện như sau: Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp nhận và xét hồ sơ dự thi; thông báo danh sách những người đủ điều kiện và tiêu chuẩn dự thi đối với việc thi tuyển Chấp hành viên của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Bốn là, về Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên: Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Danh sách người tham gia Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp cử theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển Chấp hành viên và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Thông báo kế hoạch thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên; thể lệ, quy chế thi; môn thi, hình thức thi, thời gian thi, địa điểm thi. - Tổ chức việc ra đề thi; thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi. - Chỉ đạo và tổ chức thi; báo cáo kết quả thi lên cơ quan có thẩm quyền để xem xét và ra quyết định công nhận kết quả kỳ thi. - Giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dự thi. Năm là, bổ nhiệm Chấp hành viên: Căn cứ kết quả kỳ thi, Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên gửi kết quả kỳ thi về Tổng cục Thi hành án dân sự để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên theo quy định. 2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên Điều 19 Luật Thi hành án dân sự quy định việc miễn nhiệm Chấp hành viên được thực hiện như sau: - Chấp hành viên đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác. - Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Chấp hành viên trong các trường hợp sau đây: + Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Chấp hành viên; + Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm Chấp hành viên. Trên cơ sở Luật Thi hành án dân sự, Điều 23 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định cụ thể về trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên được thực hiện như sau: - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh chuẩn bị hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương. - Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên gồm có: + Đơn xin miễn nhiệm Chấp hành viên (nếu có), trong đó nêu rõ lý do của việc xin miễn nhiệm Chấp hành viên; + Các tài liệu chứng minh lý do xin miễn nhiệm Chấp hành viên: giấy chứng nhận sức khỏe do bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên cấp (còn trong thời hạn 6 tháng), giấy chứng nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc các giấy tờ phù hợp khác (nếu có); + Văn bản đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh đối với Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương. 3. Quy định mới về cách chức chức danh Chấp hành viên Điều 24 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định Chấp hành viên có thể bị cách chức chức danh Chấp hành viên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án chưa đến mức bị buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy cần phải áp dụng hình thức kỷ luật cách chức chức danh Chấp hành viên. - Vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 21[6] Luật Thi hành án dân sự mà xét thấy cần thiết phải áp dụng hình thức kỷ luật cách chức chức danh Chấp hành viên. Trình tự, thủ tục xét đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cách chức chức danh Chấp hành viên thực hiện theo quy định hiện hành về kỷ luật đối với cán bộ, công chức[7]. 4. Quy định mới về việc điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên Việc điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau: - Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên hiện đang giữ các chức vụ Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh từ tỉnh này đến tỉnh khác. - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương từ tỉnh này đến tỉnh khác. Phần V - Quy định mới về bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên THADS và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm tra viên THADS Trên cơ sở Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và cán bộ, công chức làm công tác THADS, đã có một số văn bản quy định về Thẩm tra viên THADS như Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Quyết định số 86/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1327/QĐ-BTP ngày 18/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, v.v… Những quy định trong các văn bản này về tiêu chuẩn ngạch, chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề của Thẩm tra viên, v.v… không trái với Luật THADS và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì vẫn được tiếp tục áp dụng cho đến khi có văn bản khác sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Kế thừa những quy định nêu trên, Luật THADS năm 2008 và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP tiếp tục quy định trong cơ cấu cán bộ, công chức của hệ thống tổ chức THADS, bên cạnh chức danh Chấp hành viên của các cơ quan THADS địa phương và các chức danh khác, còn có các chức danh Thẩm tra viên THADS, cụ thể: Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp có Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án; Cục THADS tỉnh có Thẩm tra viên thi hành án, Thẩm tra viên chính thi hành án và có thể có Thẩm tra viên cao cấp thi hành án; Chi cục THADS huyện có Thẩm tra viên thi hành án. Theo quy định của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì Thẩm tra viên thi hành án là công chức, có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ thẩm tra thi hành án và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án, Thẩm tra viên chính thi hành án và Thẩm tra viên cao cấp thi hành án. Việc bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên THADS và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm tra viên thi hành án được quy định như sau: 1. Bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên thi hành án Trước khi có Luật THADS năm 2008 và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh Thẩm tra viên THADS được quy định tại điểm a khoản 1 Mục IV Quyết định số 1327/QĐ-BTP ngày 18/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án triển khai thực hiện các quy định về thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp THADS như sau: -  Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với chức danh thẩm tra viên chính THADS thuộc các cơ quan THADS địa phương và Cục THADS theo đề nghị của Cục trưởng Cục THADS. - Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Cục trưởng Cục THADS quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với chức danh thẩm tra viên thuộc các cơ quan THADS địa phương và Cục THADS. - Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định bổ nhiệm thẩm tra cao cấp THADS thuộc Cục THADS. Kế thừa và phát triển những quy định trước đây về bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch Thẩm tra viên THADS, Điều 167 Luật THADS năm 2008 quy định Bộ Tư pháp có trách nhiệm đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm tra viên. Cục THADS mà nay là Tổng cục THADS (theo quy định của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP) trực thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác THADS và thực hiện quản lý chuyên ngành về THADS theo quy định của Chính phủ. Về công tác bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch Thẩm tra viên THADS, Điều 29 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định: việc bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch Thẩm tra viên thi hành án thực hiện theo quy định của Luật THADS và quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; Bộ Tư pháp tổ chức thi nâng ngạch từ Thẩm tra viên thi hành án lên ngạch Thẩm tra viên chính thi hành án, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức thi nâng ngạch từ Thẩm tra viên chính thi hành án lên ngạch Thẩm tra viên cao cấp thi hành án; nội dung và hình thức thi nâng ngạch Thẩm tra viên thi hành án do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; hàng năm, cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức căn cứ vào cơ cấu ngạch công chức, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thi nâng ngạch gửi Bộ Tư pháp để quyết định kế hoạch, chỉ tiêu và tổ chức thi theo quy định. Ngoài ra, khoản 17 Điều 4 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định Tổng cục THADS có trách nhiệm bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch đối với một số chức danh làm công tác THADS theo quy định và theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Để bảo đảm thực hiện thống nhất, có hiệu quả Luật THADS và Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, theo Quyết định số 2235/QĐ-BTP ngày 02/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, thì Tổng cục THADS đang được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp và các đơn vị chuyên môn có liên quan thuộc Bộ Nội vụ xây dựng Thông tư của Bộ Tư pháp về phân cấp quản lý cán bộ trong hệ thống THADS. Nội dung Thông tư này sẽ hướng dẫn cụ thể thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức đối với một số chức vụ và bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch đối với một số chức danh làm công tác THADS theo quy định. Việc điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên thi hành án được quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP như sau: Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên thi hành án các cơ quan THADS địa phương từ tỉnh này đến tỉnh khác. Việc điều động Thẩm tra viên thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn sẽ được thực hiện trên cơ sở quy định tại điểm i khoản 1 Điều 23 Luật THADS, cụ thể: “Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh có quyền điều động, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với Chấp hành viên, công chức cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn và những việc khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp”. 2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên THADS Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì Thẩm tra viên thi hành án có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS và cơ quan THADS. Trong trường hợp thẩm tra, kiểm tra mà phát hiện có sai sót phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền tạm dừng việc thực hiện quyết định sai sót đó để khắc phục, sửa chữa và chịu trách nhiệm về những kiến nghị của mình. - Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết theo nhiệm vụ được phân công. - Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền. - Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao. Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì Thẩm tra viên thi hành án có các trách nhiệm sau đây: - Thẩm tra viên thi hành án phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, giữ vững tiêu chuẩn Thẩm tra viên thi hành án. - Khi tiến hành thẩm tra, kiểm tra, Thẩm tra viên thi hành án phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng cơ quan về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. - Thẩm tra viên thi hành án không được làm những việc sau đây: + Việc mà pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật liên quan khác quy định không được làm; + Thông đồng với đối tượng thẩm tra và những người có liên quan trong việc thẩm tra, kiểm tra; + Thẩm tra, kiểm tra khi không có quyết định phân công của người có thẩm quyền; + Can thiệp trái pháp luật vào việc thẩm tra, kiểm tra hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình để tác động đến người có trách nhiệm khi người đó thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thẩm tra, kiểm tra để thực hiện hành vi trái pháp luật; sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng kiểm tra, thẩm tra; bao che cho đối tượng thẩm tra, kiểm tra và những người liên quan; + Tiết lộ, cung cấp thông tin, tài liệu thẩm tra, kiểm tra cho những người không có trách nhiệm khi chưa có kết luận. - Thẩm tra viên thi hành án không được tham gia thẩm tra, kiểm tra trong trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của những người sau đây: + Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; + Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thẩm tra viên thi hành án, của vợ hoặc chồng của Thẩm tra viên thi hành án; + Cháu ruột mà Thẩm tra viên thi hành án là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

[1]Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành “Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm: 1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật: a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm; c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án; d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án; e) Quyết định của Trọng tài thương mại. 2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị: a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. [2]Khoản 7 Điều 18. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên “Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp”. [3]Khoản 1 Điều 18. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên”. [4]Điều 48. Tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển “1. Chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, không phải là đơn vị thủ phủ của tỉnh, có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên, thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo; b) Người được tuyển chọn để bổ nhiệm Chấp hành viên có đơn cam kết tình nguyện công tác tại cơ quan thi hành án dân sự nêu tại khoản 1 Điều này từ 05 năm trở lên; c) Thời gian áp dụng quy định trên kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2014. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên đối với các trường hợp quy định tại Điều này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên. 2. Căn cứ khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách các cơ quan thi hành án dân sự được tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển”. [5] Xem Phần III. Quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự. [6]Điều 21. Những việc Chấp hành viên không được làm “1. Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm. 2. Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật. 3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án. 4. Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án. 5. Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây: a) Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; b) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên; c) Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì. 6. Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 7. Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án. 8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật”. [7]Xem thêm Chương II từ Điều 15 đến Điều 19 và Điều 24 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP - THS. NGUYỄN VĂN NGHĨA – Cục Thi hành án, Bộ Tư pháp (Civillawinfor Tổng hợp)  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật