GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ CHO HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM Ở VIỆT NAM

NGUYỄN TIẾN HÙNG Kể từ khi Nghị định 100 CP của Chính phủ được ban hành (18.12.2003) – chính thức xóa bỏ độc quyền nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm – đến nay, thị trường bảo hiểm VN đã có hơn 12 năm hình thành, phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Đến nay có tất cả 37 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên đủ các lĩnh vực (bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm) với mạng lưới gần 100.000 đại lý trên toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Đến năm 2006, doanh thu toàn ngành đạt 17.752 tỷ đồng xấp xỉ 2% GDP, trong đó: nhân thọ – 8.483 tỷ đồng, phi nhân thọ – 6.445 tỷ đồng, doanh thu hoạt động đầu tư – 2.824 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 30.676 tỷ đồng. Cũng với sự phát triển đó của thị trường, môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện. Hình thành khung pháp lý Luật kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội thông qua (12.2000) và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.4.2001. Tiếp đến là các Nghị định số 42.2001.NĐ-CP ngày 1.8.2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm (Hiện nay đã được thay thế bằng Nghị định 45.2007.NĐ-CP ngày 27.3.2007) và Nghị định số 43.2001.NĐ-CP ngày 1.8.2001 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (Hiện nay đã được thay thế bằng Nghị định 46.2007.NĐ-CP ngày 27.3.2007).   Nhằm thực hiện tốt các nghị định trên của Chính phủ, Bộ tài chính đã có thông tư số 71.2001.TT-BTC ngày 28.8.2001, sau đó thay thế bằng thông tư số 98.2004.TT-BTC ngày 19.10.2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và thông tư số 72.2001.TT-BTC ngày 28.8.2001 sau đó thay thế bằng thông tư số 99.2004.TT-BTC ngày 19.10.2004 quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và môi giới bảo hiểm (hiện nay các thông tư thay thế đang được dự thảo để hướng dẫn thưc hiện hai nghị định mới ban hành năm 2007). Đặc biệt, năm 2003, Thủ tướng chính phủ ký Quyết định số 175/2003/QĐ-Ttg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm VN từ năm 2003 đến năm 2010. Hàng loạt các văn bản pháp lý được ban hành trong những năm 2001 – 2007 đã giúp cho người dân VN nói chung, người lao động VN nói riêng có điều kiện tìm hiểu hoạt động bảo hiểm thương mại, nắm được quyền và nghĩa vụ của công ty bảo hiểm và của chính mình với tư cách là người được bảo hiểm trên hợp đồng bảo hiểm, hiểu được lợi ích hợp pháp và quyền được bảo vệ lợi ích hợp pháp khi tham gia vào các loại hình bảo hiểm. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp, kế hoạch phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm nói chung, nhu cầu đảm bảo bảo hiểm cho các rủi ro con người nói riêng của người dân trong xã hội nói riêng. Những bất cập Mặc dù thị trường bảo hiểm VN tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia là kết quả đạt được chưa xứng với tiềm năng, vẫn chỉ mới tiếp cận được một lượng dân cư nhỏ. Một cách biện chứng, những bất cập của môi trường pháp lý chắc chắn là một trong những vấn đề có liên quan nếu không nói là ảnh hưởng quan trọng đối với kết quả trên: Một là, sở dĩ người dân chưa tiếp cận được các đảm bảo bảo hiểm là do nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế, trong đó, là sự thiếu hiểu biết về pháp luật bảo hiểm. Nguyên nhân của tình trạng này thường được cho là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo hiểm cho người dân còn thiếu, yếu kém; Hai là, do thiếu vắng một cơ chế hỗ trợ cho việc soạn thảo, ban hành và thực thi hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm. Mặc dù Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội VN thông qua vào năm 1996, sửa đổi bổ sung năm 2002 có quy định việc tham gia góp ý kiến của người dân nhưng thực tế việc lập pháp, lập quy, cũng như hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động bảo hiểm vẫn chủ yếu dựa trên nhu cầu, kinh nghiệm quản lý nhà nước (các Bộ) và ý kiến tham vấn của tổ chức bảo hiểm (Doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm) chứ chưa thực sự dựa trên ý kiến, nhu cầu của đông đảo dân chúng; Ba là, việc quá phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm làm xuất hiện liên tục những đối tượng mới cần quản lý, điều chỉnh làm cho các thiết chế pháp lý của nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm trở nên khiếm khuyết hoặc nhanh chóng bất cập. Vì vậy, nó đòi hỏi việc công tác lập pháp, lập quy cũng phải vận động liên tục. Một số giải pháp hoàn thiện ° Hình thành Hội đồng tư vấn quốc gia về bảo hiểm. Việc hình thành Hội đồng tư vấn quốc gia về bảo hiểm như là thiết lập một cơ chế “mở” nhằm hỗ trợ cho việc soạn thảo, ban hành và thực thi hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm. Hội đồng tư vấn bảo hiểm tồn tại song song với cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Vụ bảo Hiểm – Bộ tài chính) và trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng quyết định thành lập. Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn bảo hiểm như sau: - Tham luận, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những chủ trương chính sách, đề án lớn và những vấn đề quan trọng về thị trường bảo hiểm; - Tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định các chính sách về thị trường bảo hiểm trong từng thời kỳ, các biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện có hiệu quả các chính sách, kế hoạch đã được quyết định; - Tư vấn một số vấn đề khác liên quan đến việc thực hiện kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm khi được Thủ tướng Chính phủ giao. Thành viên của Hội đồng tư vấn bảo hiểm phải có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại diện tiêu biểu cho những ý kiến đóng góp liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (quản lý nhà nước, tổ chức hoạt động bảo hiểm, trung gian bảo hiểm, người được bảo hiểm, đại diện cho lợi ích chung kinh tế xã hội và đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống luật pháp). Cụ thể, thành viên Hội đồng dự kiến như sau: - Chủ tịch hội đồng: một đại diện của cơ quan chính phủ, do một phó thủ tướng đảm nhiệm. - Các phó chủ tịch hội đồng: Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư. Các Ủy viên Hội đồng: - Lãnh đạo cấp Bộ, Bộ thương mại; - Một đại diện của Toà án nhân dân tối cao; - Một đại diện của Viện kiểm soát nhân dân tối cao; - Lãnh đạo Mặt trận tổ quốc VN; - Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm VN; - Đại diện của các tổ chức môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm; - Đại diện của một số nghiệp đoàn, hiệp hội nghề có số lượng thành viên lớn; - Một chuyên gia kinh tế cao cấp; - Một chuyên gia pháp luật cao cấp. Việc cử và thay thế thành viên hội đồng tư vấn bảo hiểm quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc triệu tập thành phần làm việc khi cần tham vấn cho Chính phủ đối với từng lĩnh vực bảo hiểm sẽ do Chủ tịch Hội đồng quyết định. ° Kiện toàn khung pháp lý bảo hiểm Các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan các mặt của bảo hiểm thong mại, kết hợp kết quả làm việc của Hội đồng tư vấn bảo hiểm để thu thập ý kiến đầy đủ và rộng rãi các bên có liên quan, tiến hành kiện toàn khung pháp lý cho từng lĩnh vực. Hiện nay, tình trạng phổ biến là nhiều văn bản pháp lý về chế độ bảo hiểm đã được nhiều lần bổ sung, thay đổi kéo theo hàng loạt văn bản hướng dẫn thay đổi riêng rẻ dẫn đến tình trạng rối rắm phức tạp, khó tiếp cận đặc biệt đối với người dân, người lao động bình thường. Đây là thời điểm cần thiết và thuận lợi cho việc kiện toàn khung pháp lý về bảo hiểm. Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có Luật kinh doanh bảo hiểm ra đời và đến nay thị trường bảo hiểm đã khá phát triển, định hình đầy đủ các đối tượng cần điều chỉnh. Hơn nữa, việc bổ sung, luật hóa các cam kết song phương, đa phương của VN đối với các đối tác quốc tế (BTA, WTO) ở thời điểm này thực sự cấp thiết. Mặt khác, việc kiện toàn khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn phải theo hướng khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức kinh tế – xã hội tham gia bảo hiểm, khuyến khích công ty bảo hiểm giúp ích cho nên kinh tế – xã hội quản lý tốt rủi ro, ngăn ngừa tình trạng kiếm lời quá đáng của doanh nghiệp bảo hiểm (ví dụ như trong kinh doanh trên rủi ro con người). ° Tăng cường kiểm tra, giám sát Sự tăng trưởng thị trường nhanh, mạnh trong thời gian qua với nhiều công ty bảo hiểm ra đời, mạng lưới phân phối sản phẩm triển khai nhanh chóng và rộng rãi trên toàn quốc, thị trường diễn ra sôi động và cạnh tranh không kém phần khốc liệt. Hơn nữa, ở đây, người thực hiện triển khai là doanh nghiệp bảo hiểm nên không thể tránh tâm lý hoài nghi, chưa an tâm của khách hàng. Điều này càng đòi hỏi bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải đủ lớn, đủ năng lực quản lý toàn diện thị trường bảo hiểm nói chung, các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng. Cần có quy định xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp bảo hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, công bố công khai hàng năm, có hệ thống cảnh báo sớm tình trạng tài chính xấu để các doanh nghiệp bảo hiểm có phương án khắc phục, phát hiện và phạt thích đáng các hành vi trục lợi bảo hiểm, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm nguyên tắc hoạt động chung của thị trường. ° Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo hiểm Việc tăng cường dân chủ trong quá trình dự thảo, ban hành (ví dụ, thông qua cơ chế cho phép đại diện các tổ chức nghề nghiệp, xã hội tham gia góp ý với tư cách thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia bảo hiểm) có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đảm bảo nội dung gắn với thực tế của đối tượng điều chỉnh mà còn có tác dụng tuyên truyền pháp luật ngay từ trong giai đoạn hình thành. Tuy nhiên, để thực thi pháp luật bảo hiểm hiệu quả, việc tuyên truyền giáo dục cần phải đuợc thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức và bằng nhiều công cụ khác nhau (các phương tiện truyền thông, các diễn đàn nghề nghiệp, …) và cần có sự hiệp lực của nhiều phía có liên quan.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật