GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TÍN DỤNG PHI CHÍNH THỨC Ở NÔNG THÔNG

PGS.,TS. LÊ KHƯƠNG NINH – Đại học Cần thơ Mục tiêu của bài viết là tìm kiếm giải pháp hạn chế tín dụng phi chính thức ở nông thôn thông qua việc phân tích các rào cản khiến các tổ chức tín dụng chính thức hạn chế cho vay ở khu vực nông thôn, dẫn đến việc nhiều người dân nông thôn phải lệ thuộc vào tín dụng phi chính thức. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất giải pháp tăng cường hoạt động của các tổ chức tín dụng chính thức để hạn chế tín dụng phi chính thức ở khu vực nông thôn. 1. Giới thiệu Hiện tượng cho vay nặng lãi ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân nông thôn là mối quan tâm thường xuyên của chính phủ lẫn các nhà nghiên cứu. Lập luận thường được sử dụng để giải thích nguyên nhân của hiện tượng này là: vì không có sự hiện diện của các tổ chức tín dụng chính thức nên những người cho vay phi chính thức gần như độc quyền, do đó ấn định lãi suất cao. Nhận thấy điều đó, chính phủ nhiều nước đã thành lập các tổ chức tín dụng chính thức ở nông thôn với hy vọng hạn chế và đi đến loại trừ tín dụng phi chính thức nhằm xóa bỏ hiện tượng cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, bất chấp sự cố gắng đó, nhiều người dân nông thôn vẫn khó tiếp cận tín dụng chính thức nên phải vay phi chính thức để đáp ứng nhu cầu chi tiêu phát sinh hằng ngày cũng như nhu cầu vốn cho sản xuất. Từ đó, tín dụng phi chính thức có cơ hội để tồn tại, thậm chí còn rất phát triển, ở nhiều nơi. Thật vậy, các nghiên cứu (như Tsai, 2004; Conning và Udry, 2007; Mansuri, 2007; Boucher và Guirkinger, 2007; Fletschner, 2009; Turvey và Kong, 2010; v.v.) đã ghi nhận sự hiện diện của tín dụng phi chính thức ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, Phi-lip-pin, Bangladesh, Kenya, Peru, Nigeria, Ghana, Guatemala, … Ở Việt Nam, theo Barslund và Tarp (2008), có đến 36% số giao dịch tín dụng ở nông thôn là phi chính thức; đặc biệt ở Phú Thọ, tín dụng phi chính thức chiếm đến 50% tổng số giao dịch và ở Hà Tây (cũ) con số này là 48%. Khảo sát của Dương (2010) đối với 480 nông hộ ở An Giang cho thấy có đến 199 hộ (41,5%) có vay phi chính thức. Theo các nghiên cứu trên, tín dụng phi chính thức tiếp tục hiện diện ở nông thôn nhờ những ưu thế mà các tổ chức tín dụng chính thức không có được như sự am hiểu người vay (do đó giảm thiểu được hiện tượng thông tin bất đối xứng), chi phí giao dịch thấp, khả năng kiểm soát và cưỡng chế trả nợ tốt, tính linh hoạt trong quyết định cho vay,… do rất gần gũi với người vay. Các nghiên cứu đã phân tích nguyên nhân của việc mặc dù được xác định là đối tượng cho vay chủ yếu của các tổ chức tín dụng chính thức nhưng nhiều người dân nông thôn (nhất là người nghèo ở những vùng xa xôi) vẫn bị từ chối cho vay nên tiếp tục bị lệ thuộc vào tín dụng phi chính thức. Theo các nghiên cứu này, vấn đề mấu chốt là các tổ chức tín dụng không thể điều chỉnh lãi suất để bù đắp chi phí và rủi ro cao khi cho vay ở nông thôn do người vay thường gặp các bất trắc khó lường ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ như mất mùa, dịch bệnh, giá nông sản bấp bênh,… trong khi lại thiếu tài sản thế chấp và không có cơ chế bảo hiểm cây trồng, vật nuôi. Kết quả là các tổ chức tín dụng sẽ hạn chế cho vay ở nông thôn, từ đó mở ra cơ hội cho tín dụng phi chính thức phát triển vì người dân nông thôn rất cần vốn cho sản xuất, cần tiền để trang trải cho các nhu cầu đột xuất (như bệnh tật, ma chay, cưới hỏi, học hành của con cái,…) trong khi thu nhập nhiều lúc không đủ để đáp ứng. Mục tiêu của bài viết là phân tích nguyên nhân của việc các tổ chức tín dụng chính thức ngần ngại cho vay ở nông thôn, dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của tín dụng phi chính thức ở đây. Trên cơ sở phân tích này, bài viết sẽ đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tín dụng phi chính thức thông qua việc tăng cường hoạt động của các tổ chức tín dụng chính thức ở nông thôn, đặc biệt là ở những vùng xa xôi.   2. Nguyên nhân của hạn chế tín dụng bởi các tổ chức tín dụng chính thức 2.1. Thông tin bất đối xứng, sự không chắc chắn và rủi ro trong cho vay Các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn khi cho vay ở nông thôn do không thật am hiểu người vay vì ít gần gũi họ như những người cho vay phi chính thức. Khi đó, sẽ xuất hiện hiện tượng thông tin bất đối xứng giữa các tổ chức tín dụng và người vay, nghĩa là các tổ chức tín dụng không biết rõ người vay bằng chính bản thân họ nên khó kiểm soát việc sử dụng tiền vay và sẽ gặp rủi ro khi cho vay. Để thấy điều đó, hãy phân tích một tình huống trong đó một tổ chức tín dụng xem xét cho vay hai dự án có tỷ suất sinh lợi lần lượt là 15% (Dự án 1) và 20% (Dự án 2), mỗi dự án cần vay 100 đơn vị tiền (đvt) để đầu tư, lãi suất cho vay là 10%. Giả sử hai dự án chắc chắn mang lại thu nhập lần lượt là 115 đvt (Dự án 1) và 120 đvt (Dự án 2). Khi đó, sẽ có sự tương thích giữa lợi ích của tổ chức tín dụng và lợi ích của người vay. Thật vậy, tổ chức tín dụng muốn thu được lãi suất 10% (dĩ nhiên là cùng với tiền gốc) nên muốn người vay thực hiện dự án có tỷ suất sinh lợi cao hơn (Dự án 2). Nếu người vay muốn có lợi nhất thì cũng sẽ thực hiện Dự án 2. Như vậy, cả hai đều hài lòng và vốn vay được sử dụng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thu nhập của các dự án thường không chắc chắn vì thực tế luôn biến động khó lường. Để phản ánh thực tế này, giả sử Dự án 1 sẽ mang lại thu nhập là 230 đvt nếu thành công với xác suất là 50% và mất hết nếu thất bại với xác suất 50%; thu nhập của Dự án 2 vẫn chắc chắn như trước. Như vậy, thu nhập kỳ vọng của Dự án 1 bằng với thu nhập trước đây: (1/2) x 230 + (1/2) x 0 = 115 đvt. Hãy xem xét lợi ích của tổ chức tín dụng và của người vay trong trường hợp không chắc chắn này, với giả định là nếu dự án thất bại, người vay sẽ không trả nợ vì đã mất hết. Rõ ràng, tổ chức tín dụng vẫn muốn người vay thực hiện Dự án 2 với tỷ suất sinh lợi là 20% vì dự án này giúp hoàn trả đầy đủ tiền vay cộng với tiền lãi một cách chắc chắn trong khi Dự án 1 chỉ có thể hoàn trả đầy đủ với xác suất 50%. Song, người vay sẽ không thực hiện Dự án 2 vì thu nhập từ Dự án 2 chỉ là: 120 đvt – (100 + 100 x 10%) = 10 đvt, trong khi thu nhập kỳ vọng từ Dự án 1 là: (1/2)x(230 – 110) + (1/2)x0 = 60 đvt. Rõ ràng, người vay sẽ thực hiện Dự án 1 (rủi ro) và tổ chức tín dụng sẽ không hài lòng nhưng không thể hay quá tốn kém để kiểm soát và cưỡng chế người vay thực hiện điều mình muốn (đó là thực hiện Dự án 2). Sự khác biệt về lợi ích như trên phát sinh do trách nhiệm hữu hạn của người vay, nghĩa là người vay chỉ trả nợ nếu dự án thành công và không trả nợ nếu thất bại. Nói cách khác, trách nhiệm hữu hạn là nguyên nhân của việc người vay sẽ thực hiện các dự án rủi ro vì sẽ được lợi nếu thành công và không mất mát gì nếu thất bại (do không trả nợ). Một cách để các tổ chức tín dụng tránh hiện tượng này là yêu cầu người vay thế chấp tài sản. Thế chấp tài sản là cần thiết nhưng sẽ làm cho nhiều người dân nông thôn càng khó tiếp cận tín dụng chính thức vì thiếu tài sản thế chấp hay tài sản thế chấp của họ quá đặc thù nên không được chấp nhận. Chẳng hạn, một hộ nghèo có một mảnh đất rất nhỏ để thế chấp nhưng các tổ chức tín dụng sẽ không chấp nhận vì chi phí bán đấu giá tài sản này là quá cao nếu người vay không trả nợ mà xác suất không trả nợ lại cao do người vay nghèo. Tương tự, một người nghèo khác muốn thế chấp sức lao động của bản thân để vay tiền điều trị căn bệnh hiểm nghèo cho con nhưng không tổ chức tín dụng nào chấp nhận vì có thể vi phạm pháp luật hay người này không thể làm được công việc mà tổ chức tín dụng cần, do đó sẽ từ chối cho vay. Kết quả là họ phải vay phi chính thức, tạo cơ hội cho loại hình tín dụng này tồn tại vì có cầu ắt sẽ có cung. 2.2. Khả năng kiểm soát và cưỡng chế trả nợ Một yếu tố khác khiến cho các tổ chức tín dụng chính thức ngần ngại cho vay ở nông thôn chính là các khó khăn gặp phải trong việc kiểm soát và cưỡng chế người vay trả nợ. Nếu kiểm soát tốt, người cho vay có thể can thiệp kịp thời để thu hồi vốn ngay khi người vay có biểu hiện lệch lạc. Tính phong phú của thị trường tín dụng nông thôn là tài sản hiện có hay thu nhập sắp có dùng để thế chấp khó được chấp nhận bởi các tổ chức tín dụng chính thức nhưng lại dễ dàng được chấp nhận bởi những người cho vay phi chính thức. Hiện tượng này có thể thấy rõ khi nghiên cứu mối quan hệ giữa một người cho thuê đất với thỏa thuận chia sẻ kết quả thu hoạch với người thuê đất và đồng thời cho người thuê đất vay. Người thuê đất cần vay một số tiền để sản xuất và đề nghị người cho vay (cũng là chủ đất) cho mình thế chấp khoản thu hoạch sắp tới để vay. Rõ ràng, không tổ chức tín dụng nào chấp nhận loại thế chấp này vì thu hoạch sắp tới của người vay rất khó xác định, phụ thuộc vào nỗ lực của chính anh ta, thời tiết, giá sản phẩm và nhiều yếu tố khác mà các tổ chức tín dụng gần như không thể kiểm soát. Trái lại, người cho thuê đất sẽ chấp nhận thế chấp đó và đồng ý cho người thuê đất vay. Điều gì khiến người cho thuê đất chấp nhận kết quả thu hoạch của người vay trong khi cũng phải đối mặt với rủi ro không trả nợ giống như các tổ chức tín dụng. Nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy người cho thuê đất có lợi thế hơn. Đồng ý chia sẻ kết quả thu hoạch với người thuê đất nghĩa là người cho thuê đất gắn lợi ích của mình với kết quả thu hoạch và do đó, sẽ có động cơ cho người thuê đất vay tiền để chăm sóc mùa màng cho tốt. Ngược lại, người thuê đất cũng có động cơ chăm sóc mùa màng tốt hơn vì nếu không thì người cho vay sẽ phát hiện (do sống cạnh bên hay gần đó) và sẽ không tiếp tục cho thuê đất cũng như không cho vay. Như vậy, người cho thuê đất phụ thuộc vào người thuê đất để có thu nhập; đồng thời, người thuê đất phụ thuộc vào người cho thuê đất để có đất canh tác và vốn sản xuất. Mối quan hệ tương hỗ này làm tăng lợi ích cho đôi bên nhưng không tổ chức tín dụng nào xây dựng được nên ngại cho vay vì sợ không thu hồi được tiền cho vay. Một nguyên nhân khác của việc các tổ chức tín dụng ngại cho vay ở nông thôn trong khi những người cho vay phi chính thức vẫn đều đặn làm việc này là khả năng cưỡng chế trả nợ nhằm giảm thiểu rủi ro. Để thấy điều đó, hãy phân tích một tình huống trong đó một người vay có xác suất trả nợ là p   muốn vay số tiền L. Gọi r là chi phí cơ hội của vốn (thường được đo lường bằng lãi suất trên thị trường tín dụng chính thức) và i là lãi suất cho vay của một người cho vay phi chính thức. Do xác suất trả nợ là p nên lợi nhuận kỳ vọng của người cho vay phi chính thức khi cho vay số tiền L sẽ là: p (1 + i) L – (1 + r) L. Cạnh tranh sẽ đưa lãi suất (dài hạn) về điểm cân bằng mà tại đó, lợi nhuận cho vay bằng không, nghĩa là: clip_image001.               (1) Kết quả trên cho thấy nếu p càng cao thì i càng thấp. Thật vậy, nếu p = 1 (người vay chắc chắn trả nợ) thì i = r hay lãi suất phi chính thức sẽ bằng với lãi suất chính thức. Do p giảm thì i tăng nên nếu p < 1 (nghĩa là có rủi ro không trả nợ) thì i > r hay lãi suất phi chính thức phải cao hơn lãi suất chính thức để bù đắp rủi ro không trả nợ. Do đó, khi quyết định cho vay, người cho vay phải tính toán rủi ro (hay xác suất không trả nợ) để ấn định lãi suất sao cho phù hợp. Từ công thức (1), ta có thể hình thành công thức tính xác suất không trả nợ (đo lường bởi đại lượng 1 – p) như sau: clip_image002.        (2) Sử dụng công thức (2) và số liệu khảo sát của một số nghiên cứu trước đây, ta có thể ước lượng xác suất không trả nợ (1 – p) ngầm chứa trong một số giao dịch tín dụng phi chính thức như trong bảng Ước lượng xác suất trả nợ dưới đây: Ước lượng xác suất trả nợ  
Tác giả (năm) Quốc gia i (%) r (%) 1 – p (%)
Boucher và Guirkinger (2007) Peru 117,0 69,0 22,1
Barslund và Tarp (2008) Việt Nam 21,4 10,4 9,1
Dương (2010) Việt Nam 65,7 12,3 32,2
Nguồn: Tự tính toán dựa vào số liệu của các nghiên cứu được đề cập. Kết quả ở bảng trên cho thấy những người cho vay phi chính thức ấn định lãi suất cao do phải đối mặt với rủi ro không trả nợ cao. Khác với những người cho vay phi chính thức, các tổ chức tín dụng chính thức không thể ấn định lãi suất cao như vậy do bị ràng buộc bởi quy định của chính phủ (chẳng hạn, ở nước ta, Ngân hàng Nhà nước không cho phép các tổ chức tín dụng cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản) và do ảnh hưởng của sự chọn lựa sai lầm và động cơ lệch lạc – các hệ quả của hiện tượng thông tin bất đối xứng ở thị trường tín dụng. Trong lĩnh vực tín dụng, thông tin bất đối xứng ngụ ý rằng các tổ chức tín dụng không hiểu rõ mức độ rủi ro của người vay như chính bản thân họ cho nên không thể phân biệt giữa người vay rủi ro và người vay an toàn. Nếu không phân biệt được, điều tự nhiên là các tổ chức tín dụng sẽ yêu cầu mọi người vay trả lãi suất cao hơn để bù đắp thiệt hại do rủi ro gây ra. Song, việc tăng lãi suất như vậy có thể làm giảm lợi nhuận của các tổ chức tín dụng do sự chọn lựa sai lầm của chính các tổ chức tín dụng và động cơ lệch lạc của người vay. Luận điểm này có thể được giải thích như sau (Stiglitz và Weiss, 1981). Việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các tổ chức tín dụng theo hai hướng đối nghịch nhau. Một mặt, lãi suất tăng sẽ làm tăng lợi nhuận nếu các yếu tố khác không đổi. Mặt khác, lãi suất tăng lại có thể làm giảm lợi nhuận của các tổ chức tín dụng do ảnh hưởng của sự chọn lựa sai lầm với cơ chế tác động như nhau. Trong thực tế, các dự án đầu tư càng rủi ro thì khả năng sinh lợi càng cao và ngược lại. Do đó, khi lãi suất tăng, khách hàng với dự án ít rủi ro sẽ không vay vì khả năng sinh lợi của dự án khó đủ để trả nợ. Vì vậy, nếu các tổ chức tín dụng tăng lãi suất thì chỉ có khách hàng rủi ro cao chấp nhận vay nên rủi ro của các tổ chức tín dụng sẽ tăng. Hiện tượng này được gọi là sự chọn lựa sai lầm, nghĩa là nếu tăng lãi suất thì các tổ chức tín dụng chỉ chọn được những người vay rủi ro hơn. Chọn lựa sai lầm sẽ làm giảm lợi nhuận của các tổ chức tín dụng vì rủi ro cao hơn đồng nghĩa với xác suất trả nợ của khách hàng thấp đi. Bên cạnh đó, sự gia tăng của lãi suất cũng sẽ làm thay đổi cách lựa chọn dự án đầu tư của người vay. Lãi suất tăng sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn cho các dự án ít rủi ro nhưng có khả năng sinh lợi thấp so với các dự án rủi ro cao nhưng có khả năng sinh lợi cao vì với lãi suất cao các dự án có khả năng sinh lợi thấp dễ bị rơi vào tình trạng lỗ và phá sản. Do đó, sau khi vay vốn, người vay sẽ có xu hướng thực hiện các dự án rủi ro hơn nếu phải trả lãi suất cao hơn. Đây chính là động cơ lệch lạc của người vay. Hiện tượng này cũng làm tăng rủi ro và do đó làm giảm lợi nhuận của các tổ chức tín dụng. Chính vì hai lý do trên nên các tổ chức tín dụng chỉ tăng lãi suất khi khoản lợi nhuận tăng do lãi suất tăng vẫn còn lớn hơn khoản lợi nhuận giảm dưới ảnh hưởng của chọn lựa sai lầm và động cơ lệch lạc và sau đó không cho vay thêm hay hạn chế tín dụng. Như vậy, để không phải hạn chế tín dụng, các tổ chức tín dụng phải tìm cách giảm thiểu rủi ro, nhưng điều này rất khó vì chi phí chọn lọc, kiểm soát và cưỡng chế khách hàng rất cao vì người dân nông thôn thường vay các khoản nhỏ mà lại sống rải rác trên một địa bàn nông thôn rộng lớn. Ngược lại, do gần gũi nên người cho vay phi chính thức rất hiểu người vay và vì vậy có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế trả nợ rất hiệu quả với chi phí thấp trong khi vẫn có thể duy trì lãi suất cao để thu lợi (Barslund và Tarp, 2008). 3. Bất lợi của người dân nông thôn khi vay tín dụng phi chính thức Hệ quả của việc các tổ chức tín dụng chính thức hạn chế cho vay ở nông thôn là nhiều người dân nông thôn bị lệ thuộc vào tín dụng phi chính thức nên phải chịu lãi suất rất cao, như đã phân tích ở phần trước. Đặc biệt, ở nông thôn, nhiều khoản vay phi chính thức bằng tiền được thực hiện trước khi mùa thu hoạch bắt đầu (thời điểm giá lương thực cao và những người thiếu ăn cần vay tiền để mua lương thực) phải được hoàn trả bằng hiện vật sau khi thu hoạch, khiến cho lãi suất vay rất cao. Để thấy điều đó, hãy xem phân tích sau. Giả sử một người nghèo cần vay số tiền là L0 để mua lương thực với giá P0 vào thời điểm trước thu hoạch. Gọi Q0 là số lương thực mua được, ta có: L0 = P0Q0. Nếu lãi suất cho vay là i thì người vay phải trả số tiền là: L1 = (1 + i)L0 sau khi thu hoạch. Do giá lương thực vào thời điểm sau khi thu hoạch (P1) thấp nên P1 < P0 và số lương thực mà người vay phải trả là: Q1 = L1/P1 > QA = L1/P0. Chênh lệch giữa Q1 và QA được quyết định bởi chênh lệch giữa P0 và P1. Chẳng hạn, nếu Q0 = 30 kg, P0 = 3 đvt/kg (nghĩa là L0 = 90 đvt) và i = 20%. Khi đó, người vay sẽ phải trả số tiền là: L1 = (1 + 0,2)clip_image00390 = 108 đvt. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch giá lương thực lại giảm đi, giả sử còn 1,5 đvt/kg. Khi đó, số lương thực mà người vay phải dùng để trả nợ sẽ là: 108 đvt/1,5 đvt/kg = 72 kg. Nếu tính bằng hiện vật (số lương thực) thì người vay phải trả lãi suất là: clip_image004. Lãi suất này quá cao, khiến cho người nghèo ở nông thôn dễ bị lâm vào tình trạng đói nghèo triền miên một khi đã lỡ vay phi chính thức. 4. Giải pháp Các phân tích trên cho thấy việc nhiều người dân nông thôn phải phụ thuộc vào tín dụng phi chính thức là do các tổ chức tín dụng chính thức hạn chế cho vay ở nông thôn bởi gặp rủi ro và chi phí giao dịch quá cao trong khi không thể điều chỉnh lãi suất cho thích hợp do bị ràng buộc bởi quy định của chính phủ hay do hệ quả của hiện tượng thông tin bất đối xứng. Do đó, giải pháp hạn chế tín dụng phi chính thức cũng đồng thời là giải pháp tăng cường hoạt động của các tổ chức tín dụng chính thức ở nông thôn. (i) Trong hệ thống giải pháp trên, chính sách kinh tế vĩ mô đóng vai trò then chốt, nhất là các chính sách ổn định nền kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát nhằm giúp các tổ chức tín dụng thẩm định năng lực trả nợ của người vay chính xác hơn để giảm thiểu rủi ro và mạnh dạn mở rộng hoạt động ở khu vực nông thôn. Chính phủ cần hướng dẫn nông dân điều chỉnh cơ cấu mùa vụ hay vật nuôi để tránh hiện tượng thu hoạch quá dồn dập trong khi thị trường đầu ra chưa đảm bảo, khiến cho giá nông sản giảm mạnh khi vào vụ thu hoạch và dẫn đến việc cả thu nhập lẫn khả năng trả nợ của người dân nông thôn bị giảm sút đáng kể. Điều này cũng có nghĩa là phát triển thị trường sản phẩm, đặc biệt là thị trường nông sản, là rất quan trọng. Ngoài ra, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, v.v.) cũng sẽ góp phần tăng cường việc trao đổi thông tin (kể cả thông tin tín dụng) và mua bán sản phẩm, qua đó làm giảm hiện tượng thông tin bất đối xứng và làm tăng thu nhập của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xây dựng hệ thống bảo hiểm cây trồng, vật nuôi để giúp ổn định thu nhập cho người dân nông thôn. Một khi thu nhập của người vay ổn định thì các tổ chức tín dụng sẽ mạnh dạn hơn trong việc cho vay, từ đó hạn chế tín dụng phi chính thức. (ii) Các tổ chức tín dụng cũng cần chú trọng đến các sáng kiến giúp tăng hiệu quả hoạt động, như cho vay theo nhóm, trả nợ đều đặn, tuyển dụng người ở địa phương vào làm việc (vì những người này hiểu rất rõ người vay),… cùng với việc đa dạng hóa hoạt động (như huy động tiết kiệm, cung cấp dịch vụ tư vấn hay cung cấp thông tin thị trường) để vừa kinh doanh vừa thu thập thêm thông tin và qua đó am hiểu khách hàng của mình hơn. (iii) Lý thuyết cũng như thực tiễn đã chứng minh rằng loại hình hợp tác xã tín dụng có rất có ưu thế trong việc khắc phục hiện tượng thông tin bất đối xứng bởi có nhiều ưu điểm: Thứ nhất, người vay sẽ được thẩm định bởi các thành viên trong ban quản lý hợp tác xã, mà các thành viên này sống ngay ở địa phương nên có đầy đủ thông tin về tài sản, rủi ro và cách thức sử dụng vốn vay của người vay. Thông tin địa phương sẽ giúp các hợp tác xã tín dụng ước lượng được rủi ro của người vay cũng như giảm chi phí giao dịch. Thứ hai, các hợp tác xã tín dụng sẽ giúp làm giảm tính không hiệu quả của thị trường tín dụng do thông tin không hoàn hảo. Chẳng hạn, việc một xã viên giàu bảo lãnh cho một xã viên nghèo vay sẽ tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn ở địa phương và cũng là dấu hiệu về uy tín của người vay. Hợp tác xã tín dụng cũng hiệu quả hơn trong việc kiểm soát và cưỡng chế các hợp đồng tín dụng bằng cách kết hợp thông tin địa phương với quan hệ cộng đồng, qua đó nâng cao tỷ lệ trả nợ. Do người vay sống gần nhau và hiểu biết lẫn nhau nên năng lực và hành vi của từng người có thể được theo dõi một cách sát sao và chịu ảnh hưởng rất lớn của các quy ước đạo đức xã hội ở địa phương. Các hợp tác xã tín dụng còn có một đặc thù quan trọng nữa là cung cấp dịch vụ tiền gửi để huy động các khoản tiết kiệm nhỏ. Việc huy động tiết kiệm của các hợp tác xã tín dụng là điểm mấu chốt để đảm bảo rằng việc trả nợ được quan tâm và kiểm soát một cách đầy đủ. Nếu các khoản cho vay chủ yếu là từ tiền tiết kiệm ngay tại địa phương thì người gửi tiền tiết kiệm sẽ tham gia (mặc dù có thể là gián tiếp) vào quá trình kiểm soát cách thức sử dụng vốn của người vay và quyết định cho vay của các hợp tác xã tín dụng. Khi đó, nguồn tiền tiết kiệm sẽ được sử dụng tốt hơn để làm lợi cho cả người tiết kiệm và người vay. Chính vì những lý do trên nên cần khuyến khích thành lập các hợp tác xã tín dụng ở nông thôn. 5. Kết luận Việc các tổ chức tín dụng chính thức ngần ngại cho vay ở nông thôn do gặp phải chi phí giao dịch và rủi ro cao đã dẫn đến tình trạng là nhiều người dân nông thôn phải bị phụ thuộc vào tín dụng phi chính thức và phải trả lãi suất rất cao. Do đó, cần có biện pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng chính thức tăng cường cho vay ở nông thôn thông qua việc tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi bằng cách giảm thiểu các khuyết tật của thị trường như thông tin không bất đối xứng, giá sản phẩm không ổn định, thu nhập thấp và bấp bênh, kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu cơ chế bảo hiểm cây trồng và vật nuôi, … nhằm giúp các tổ chức tín dụng hoạt động có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các tổ chức tín dụng vận dụng các sáng kiến như cho vay theo nhóm, trả nợ đều đặn, tuyển dụng người ở địa phương vào làm việc, đa dạng hóa hoạt động,… để giúp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thông tin bất đối xứng và từ đó có thể cho vay nhiều hơn mà ít gặp rủi ro hơn. Cuối cùng, cần hỗ trợ để thành lập các hợp tác xã tín dụng vì loại hình tổ chức tín dụng này có thể làm giảm ảnh hưởng của thông tin bất đối xứng nhờ vào việc các thành viên trong hợp tác xã là những người sống ở địa phương, có mối quan hệ ràng buộc xã hội, đạo đức và kinh tế nên có thể làm tốt hơn chức năng cung ứng vốn cho người dân nông thôn, nhất là người nghèo sống ở các vùng xa xôi. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1.       Barslund, M. và F. Tarp, 2008, “Formal and Informal Rural Credit in Four Provinces of Vietnam,” World Development 44(4), tr. 485–503. 2.       Boucher, S. và C. Guirkinger, 2007, “Risk, Wealth, and Sectoral Choice in Rural Credit Markets,” American Journal of Agricultural Economics 89(4), tr. 991–1004. 3.       Jonathan Conning và Christopher Udry (2007), Rural Financial Markets in Developing Countries, Handbool of Agricultural Economics Vol. 3, tr. 2858 – 2900. 4.       Fletschner, D., 2009, “Rural Womens Access to Credit: Market Imperfections and Intrahousehold Dynamics,” World Development 37(3), tr. 618–631. 5.       Dương, P.V., 2010, Phân tích yếu tố quyết định việc vay vốn của hộ nông dân ở tỉnh An Giang, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Đại học Cần Thơ. 6.       Stiglitz, J.E. & A. Weiss, 1981, “Credit Rationing in Markets with Imperfect Information,” American Economic Review 71, 393–410. 7.       Tsai, K.S., 2004, “Imperfect Substitutes: The Local Political Economy of Informal Finance and Microfinance in Rural China and India,” World Development 32(9), tr. 1487–1507. 8.       Turvey, C.G. và R. Kong, 2010, “Informal Lending Amongst Friends and Relatives: Can Microcredit Compete in Rural China?” China Economic Review.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật