Giá trị nhân văn trong gia đình Việt nam trước thách thức toàn cầu hóa

Gia đình là một khái niệm mà các nhà xã hội học rất khó định nghĩa, tuy bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng để tìm ra được khái niệm mang tính toàn diện cho gia đình là rất khó. Tuy nhiên ta có thể định nghĩa nó trong một hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn ở những nước Châu Á xem gia đình là tế bào xã hội, thì ngược lại ở các nước Châu Âu gia đình chỉ được xem như là một nhóm xã hội, một đơn vị cơ sở của xã hội thuộc một trong năm thiết chế cơ bản là: Nhà nước, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, gia đình. Trong lịch sử, gia đình với quan hệ hôn nhân hình thành sau khi chế độ thị tộc tan rã do sự tác động của lực lượng sản xuất và các yếu tố xã hội khác. Từ đó đến nay, lịch sử xã hội loài người cả phương Đông lẫn phương Tây đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm, sự chuyển đổi của một vương triều, sự chuyển đổi hoặc giao thoa giữa các nền văn minh. Nhưng gia đình vẫn tồn tại và liên tục phát triển, nó khẳng định được giá trị bất biến như là một nền tảng xã hội, cơ sở tiệm tiến của xã hội qua mọi thời đại. Điều này, giúp chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn bản chất, chức năng của gia đình, nhằm phát huy giá trị của nó trong điều kiện hiện nay. Khác với phương Tây, kết cấu gia đình Việt Nam là một thành phần rộng lớn bao gồm những người cùng huyết thống như cha mẹ, ông bà, thuộc hàng trên; con cái, cháu chắt thuộc hàng dưới; gia đình theo chế độ phụ hệ, người đàn ông đóng vai trò chủ đạo, có trách nhiệm chính trong việc gìn giữ trật tự, nề nếp gia phong. Có một khoảng thời gian dài, nó được coi là môi trường thu nhỏ nhằm vào mục đích giáo dục con cái từ lúc lọt lòng đến khi trưởng thành. Chính điều đó có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình. Để tìm hiểu các quy luật, chuẩn mực giá trị của gia đình Việt Nam bị tác động như thế nào trước xu thế “toàn cầu hóa” hiện nay, ta cần làm rõ nội hàm của cụm từ này bao quát như thế nào? Mức độ ảnh hưởng của chúng ra sao đối với mọi mặt đời sống xã hội? Chẳng những trên lĩnh vực kinh tế mà còn tác động mạnh đến mọi khía cạnh khác, từ văn hóa, chính trị,… thông qua lăng kính vĩ mô thì đây nó đã xâm nhập vào thế giới vi mô là “gia đình” bằng cách: thông qua hàng hoá trao đổi, phương tiện thông tin đại chúng như mạng Internet, radio, tivi,… nhan nhản hằng ngày trước mắt chúng ta, nó đã thâm nhập, len lõi vào mọi góc ngách, trong đó có tế bào gia đình. Từ đây nó đã làm siêu vẹo phần nào hình ảnh gia đình phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, làm cho sự cố kết chặt chẽ cộng đồng trong mô hình làng, xã cổ truyền trong thời gian qua bị rạn nứt mạnh mẽ. Đây chính là lý do mà tác giả tiếp cận, nghiên cứu tìm hiểu: Bản chất sự vận động của toàn cầu hoá tác động đến đời sống gia đình như thế nào? Nó đã làm biến tướng mô hình cấu trúc gia đình ra sao? Mức độ phụ thuộc giữa các yếu tố trong một gia đình hiện đại và gia đình truyền thống Việt Nam tới đâu? Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, do nhiều tác động của bên ngoài xã hội và sự hội nhập với các nước, vấn đề lề lối, nếp sống, nếp nghĩ, gia phong, gia lễ của từng gia đình bị chi phối bởi nhân tố kinh tế, văn hoá vật chất, pháp luật, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp, thị hiếu và giải trí,… Từ đây đã sinh ra mâu thuẫn giữa các thành viên, các thế hệ trong một gia đình thể hiện công khai hơn dễ nhận thấy hơn. Nếu như trước đây phương thức chính giải quyết mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái là đi tới kết cục thắng bại, mà phần thắng là thuộc bề trên thì ngày nay, phương thức giải quyết áp đặt, nhất là bằng bạo lực thường xuyên xảy ra hơn, đôi khi phải nhờ đến bàn tay của pháp luật. Việc xây dựng gia đình gia phong, gia lễ nên bắt đầu bằng đầu từ chính rường cột gia đình, đó là bậc làm cha, làm mẹ. Hiện nay các bậc cha mẹ thường phó mặc cho nhà trường trong giáo dục con cái của họ, đây là một gánh nặng không nhỏ lên xã hội, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo ra cảnh gia đình ly tán, vợ xa chồng, vợ chồng ly hôn sớm, con cái bị đẩy vào đời sớm,…. Chẳng qua đó là lối sống thực dụng nửa vời không phù hợp với luân thường đạo lý Việt Nam chúng ta. Thực trạng hiện nay, trước sự du nhập những làn sóng các tệ nạn xã hội, văn hóa độc hại, đã làm tổn thương đến các giá trị đạo lý dân tộc, những giá trị nhân văn truyền thống trong gia đình người Việt có cấu trúc hệ thống: Nhà, Làng, Nước (tục nhà, lệ làng, phép nước), có nguy cơ đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, độc lập tự chủ quốc gia, xuyên tạc những ý niệm đúng đắn về nhân quyền; phá vỡ con đê ngăn chặn những tệ nạn xã hội xuyên quốc gia như nạn buôn lậu ma tuý, lối sống đồi trụy, căn bệnh HIV/AIDS,…. Như các nhà xã hội học nhận định, gia đình là tế bào của xã hội. Cho nên, với hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu tế bào tốt, thì ắt hẳn sẽ xây dựng một xã hội tốt. Bằng ngược lại, nó sẽ là tác nhân gây nên sự suy đồi, mất trật tự, làm đảo lộn đời sống xã hội. Đây cũng chính là vấn đề không phải của chính riêng một ai. Như lời của nhà văn, nhà triết học Pháp, ông Giắccơ Attali “… các kênh thông tin đã được đem bán đấu giá thẳng cho người trả giá cao nhất mà họ không cần đếm xỉa gì đến nội dung…” 1. Xác định vị trí của “Toàn cầu hoá”: Trong những năm qua thuật ngữ “quốc tế hoá” (internationalization), “toàn cầu hóa” (globalization) được rất nhiều người nói tới. Đến nay, đã có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học, ở cấp độ và quy mô khác nhau tại nhiều quốc gia. Do có những quyền lợi và địa vị của mình, mà cách tiếp cận và cách xử lý vấn đề toàn cầu hóa theo nhiều quan điểm khác nhau. Toàn cầu hóa làm cho thế giới chúng ta xích lại gần nhau hơn, nó như một ngôi nhà chung với việc ra đời của các tổ chức và việc sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh dẫn tới nâng cao tiêu chuẩn, mức sống,… Trong khi đó, xem ra trào lưu chủ nghĩa dân tộc mới nổi lên mạnh mẽ và hoạt động kinh doanh phi biên giới xem ra bòn rút tài nguyên của các nước nghèo nhiều hơn là nâng cao mức sống cho người dân, khoảng cách xã hội thì gia tăng trong từng quốc gia cũng như giữa các quốc gia. Thế giới sẽ chia thành nhiều khu vực kinh tế – chính trị. Thực chất toàn cầu hoá là của tư bản chủ nghĩa. Luật chơi của toàn cầu hóa là tổng hợp tất cả mọi định chế kinh tế – tài chính – thương mại do Mỹ và phương Tây đặt ra. Nguyên tắc hay khẩu hiệu mà họ hô hào là “dân chủ hóa”, “tự do hóa”, “bình đẳng cùng có lợi”, không có chiến tranh xâm lược,… nghe qua có vẻ êm tai, ngọt ngào làm sao. Bên cạnh đó, còn có những lá bùa hộ mệnh tài chính – kinh tế thông qua các tổ chức tín dụng quốc tế (IMF, WB, ADB,…), như cho vay ưu đãi, viện trợ phát triển,…Thêm vào đó là sự sáp nhập của các tập đoàn kinh tế lớn (hình thành các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia). Tất cả chỉ một mục đích chủ yếu, đó là lần mòn gặm nhấm lần mòn các nền kinh tế yếu hơi khác, khi họ bắt đầu đi những bước đi đầu tiên vào cuộc chơi khắc nghiệt này. Rõ ràng đây là cuộc chơi không cân sức, song không ai có thể thoát ra khỏi cuộc chơi này. Toàn cầu hoá là con dao hai lưỡi, tức nó vừa mang tính tích cực có, tiêu cực có và đang diễn ra rất quyết liệt. Toàn cầu hóa còn giống như một canh bạc (casino), luật chơi mà Mỹ và phương Tây là đạo diễn. Toàn bộ vốn liếng do họ bỏ ra, họ quen tay chơi, nên phần thắng thuộc về ai thì đã rõ. Cả hai mặt của một vấn đề (tích cực và tiêu cực) đều ở chỗ muốn phát triển đòi hỏi phải có vốn, kỹ thuật, tri thức… đủ mạnh để vào cuộc. Tuy nhiên, toàn cầu hóa do bắt nguồn từ quá trình xã hội hóa sản xuất, cho nên trước hết, đó là thành quả của những phương thức sản xuất tiên tiến trong mỗi thời đại. Nó sẽ thúc đẩy lực lượng của phương thức sản xuất chủ đạo trong xã hội. Thời đại ngày nay là thời đại chuyển dần từ xã hội tư bản lên xã hội xã hội chủ nghĩa, song lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn đang là lực lượng chiếm ưu thế. Chính vì vậy, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay luôn luôn tồn tại nhiều loại giá trị, trong đó có hai loại giá trị chủ yếu: giá trị văn minh (có thể là hữu hình), giá trị văn hóa (có thể là vô hình). Giá trị văn minh là giá trị của tiến bộ nhận thức, của trình độ chiếm lĩnh thế giới, của phát minh khoa học, sáng tạo kỹ thuật công nghệ, từ đó tạo ra những bước nhảy trong đời sống xã hội, hầu đưa loài người lên một nấc thang cao hơn. Nhưng giá trị văn minh không nhất thiết bao hàm giá trị văn hóa. Có những giá trị văn minh mà không văn hóa, thậm chí phản văn hóa. Các giá trị của văn hóa luôn hàm chứa giá trị của văn minh, nhưng yếu tố quan trọng nhất của nó là những giá trị mang ý nghĩa cuộc sống nhân văn trong đó nổi bật là những giá trị đặc sắc có ý nghĩa đối với từng dân tộc. Song, hiện nay đang diễn ra quá trình toàn cầu hóa giá trị của các nước tư bản phương Tây. Từ khía cạnh này, toàn cầu hóa, ngoài những giá trị mang tính nhân loại, thì nội hàm của nó cũng chứa đựng những yếu tố phản giá trị và phản văn hóa. Nếu mặt thứ nhất của toàn cầu hóa là sự hội tụ của các nền văn minh nhân loại – điều kiện tiền đề cho sự hiện đại hóa và tiên tiến hóa các nền văn hoá dân tộc, thì mặt ngược lại mang nặng tính áp đặt của tư tưởng nước lớn – gây trở ngại cho việc phát triển văn hóa tại các quốc gia nhỏ, được coi là yếu thế hơn. Đặc biệt, toàn cầu hóa sẽ là một thách thức không nhỏ cho vấn đề tồn tại, phát triển và bảo tồn các giá trị nhân sinh của một dân tộc khi bước đầu “đặt chân vào cuộc chơi này”; sự khống chế của các giá trị tư bản, nước lớn đối với những nét riêng, nét độc lập và độc đáo của các nền văn hóa – bản sắc văn hóa – của các nước nhỏ và yếu thế sẽ là một vấn đề bức xúc đặt ra hiện nay. Đối với Việt Nam chúng ta, là một nền kinh tế có xuất phát điểm trung bình (thậm chí là còn thấp). Nhưng có một nền văn hiến lâu đời, lòng yêu nước luôn được hun đúc theo từng quá trình lịch sử cụ thể, có lòng nhân ái, trọng đạo đức và yêu cái đẹp. Trong đó giá trị gia đình luôn là một thực thể sáng giá mà mọi thế hệ trông vào đó như là một tấm gương soi rọi, để làm sao có thể phát triển một cách đồng điệu, không bị lạc nhịp trong một thế giới đầy những biến động. Qua đó cần nâng lên hơn nữa giá trị của con người Việt Nam thông qua hình ảnh cần cù, năng động sáng tạo không những trong bảo vệ tổ quốc mà còn phải biết khắc phục các mặt yếu kém về kinh tế để tiến vào một thế giới hòa nhập. Nhưng, cuộc chơi nào đều phải có điểm dừng ở trạng thái “hoà nhập chứ không hào tan” đây chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hội nhập, để luôn bảo tồn những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Mà trong đó những chuẩn mực đạo đức gia đình luôn từng ngày “nuôi dưỡng, tạo đà” cho ý chí Việt Nam vươn lên. 2. Thách thức của toàn cầu hóa đối với các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay: Làn sóng hiện đại hóa đang cuồn cuộn lan tỏa khắp toàn cầu, chủ nhân của nó là các nước phương Tây. Người ta vẫn còn đang lưỡng lự rằng toàn cầu hóa có phải chăng là “phương Tây hóa”. Vậy nguyên tắc nào để gia nhập vào cuộc chơi này. Dựa vào các điều kiện dòng chảy lịch sử, yếu tố của con người sẵn có, truyền thống được đúc kết, Việt Nam sẽ lựa chọn con đường theo giá trị nền tảng vốn có của mình. Đó là giá trị gia đình;. kết cấu của xã hội, có nguồn sức mạnh vĩnh cửu để hòa nhập và phát triển bền vững. Gia đình có mối quan hệ chặt chẽ với xã hội thông qua các chức năng của nó, với việc thỏa mãn những nhu cầu của cá nhân theo những chuẩn mực nhất định của xã hội. Các nhà xã hội học đã đưa ra chức năng cơ bản của gia đình là: chức năng duy trì nòi giống, chức năng kinh tế và chức năng giáo dục. Tất cả đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết các định chế xã hội. Chức năng duy trì nòi giống, nhằm đảm bảo cho sự tồn tại, kế thừa và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, tình trạng tăng dân số quá mức cần thiết, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do ảnh hưởng của nền kinh tế tiểu nông, chú trọng việc tái sản xuất nhân khẩu thường xuyên, nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Một khi có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, sự lan tỏa của quá trình đô thị hóa,… Lập tức, sẽ có một cuộc thay đổi ngay từ trong cơ tầng nông thôn, gây ra chuyển dịch dân cư. Quy mô gia đình lại phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa “hào con là hào của”. Giá trị bản nguyên đứa con trai cùng với cần nhiều nguồn nhân lực trong lao động nông nghiệp là nguyên nhân dẫn đến con đông của các gia đình cả trong truyền thống lẫn hiện đại. Chức năng này, cũng phải thông qua quá trình giáo dục thì mới đảm bảo cho gia đình và xã hội được duy trì về mặt sinh học. Chức năng giáo dục của gia đình, bắt đầu từ khi con cái còn là trẻ thơ. Gia đình có nhiệm vụ giáo dục cho trẻ những nội dung cơ bản về cách xử sự giữa con người với con người. Tới tuổi đến trường, gia đình sẽ định hướng mục đích, nghề nghiệp tương lai cho con cái. Chỉ có sự đóng góp đầy đủ, hiệu quả từng giai đoạn như thế mới làm nên sự thành công của những thành viên khi chập chững bước vào đời, thoả mãn được mọi nhu cầu, khát vọng của bản thân. Làm được điều đó không những gia đình góp phần duy trì sự “trưởng thành” của xã hội mà còn tăng cường lực lượng những con người sẽ quyết định sự tiến bộ của xã hội. Nhưng do tác động phần nào đó trong nền kinh tế thị trường, sự du nhập của lối sống thực dụng, các bậc cha mẹ ngày nay do vì quá bận bịu trong việc mưu sinh, hoặc vì một lý do nào đó mà ít gần gũi, quan tâm đến việc học tập, sinh hoạt, tính tình, hạnh kiểm của con em mình hơn là cung cấp tiền bạc để con em mình tự do mua sắm, tiêu xài hoang phí khiến chúng dễ hư hỏng, tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, chạy theo lối sống đua đòi,.… Từ đây, việc chăm sóc, dạy dỗ con cái đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đạo đức, nhân cách của con người mà nền tảng giáo dục gia đình của ViệtNam ta có một bề dày truyền thống rất lâu đời. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho gia đình phát huy chức năng giáo dục thì không thể không tính đến yếu tố kinh tế, được thể hiện ở điều kiện sống, mức sống của gia đình. Ở Việt Nam, sản xuất mang tính chất gia đình ngày càng phát triển. Ở nông thôn, dưới hình thức nông dân cá thể; còn ở thành phố, dưới dạng sản xuất vừa và nhỏ hoặc cơ sở dịch vụ nhỏ. Khi đó, kinh tế gia đình sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho xã hội, nó đóng vai trò vệ tinh cho việc phát triển kinh tế cá thể có độ phân giải cao. Kinh tế gia đình sẽ tạo điều kiện cho họ thực hiện được những ước mơ, khát vọng của mình, góp phần vào sự tiến bộ xã hội. Từ chức năng của gia đình đối với sự phát triển xã hội ta thấy rằng, kết cấu xã hội lấy gia đình làm cơ sở sẽ là động lực phát triển xã hội một cách bền vững nhất. Trong thế giới đang cạnh tranh cao độ như hiện nay, để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội, không thể không phát huy sức mạnh nội lực của mỗi gia đình trong mối quan hệ chặt chẽ với xã hội. Mà điều này cũng được Bộ trưởng cao cấp Singapore Lý Quang Diệu khẳng định trong kế hoạch phát triển của Singapore: “Nếu chúng ta phá vỡ kết cấu gia đình và đại gia đình thì chúng ta sẽ tan rã, sẽ hỏng bét, vì sức mạnh gia đình và sức mạnh ngưng tụ xã hội là cơ sở để xây dựng Singapore”. Như vậy, gia đình sẽ làm gì để là động lực cho sự phát triển xã hội? Đó là câu hỏi mà hiện nay chúng ta cần đặt ra và phải trả lời một cách thấu đáo. Với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần như hiện nay, việc khuyến khích mở rộng kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, mà mục tiêu chung là phát huy nội lực của hàng triệu gia đình Việt Nam. Chỉ có mô hình kinh tế như thế, mới vực dậy, tạo đà cho chuyển biến đời sống xã hội. Chính điều này chứng minh được rằng: mục tiêu phát triển của xã hội là vì con người. Gia đình là một tổ chức xã hội đặc biệt, các thành viên ràng buộc nhau bằng mối quan hệ huyết thống, bằng tình yêu thương và trách nhiệm thiêng liêng. Mỗi cá nhân tìm được ở gia đình một chỗ dựa, sự cổ vũ, niềm động viên, an ủi những lúc gặp khó khăn, rắc rối về mặt tâm lý, tinh thần. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay đang trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mọi người suốt ngày bận bịu với công việc xã hội, khi về đến nhà phải là nơi ấm cúng, đầy tình yêu thương thì mới là “liều thuốc” có giá trị hầu xoa dịu những căn bệnh xã hội như stress, trầm uất, sự cô đơn khi bị thất bại trong công việc. Gia đình sẽ giúp cho họ có được cảm giác yên ổn, đáng tin cậy nhất và sự cân bằng tâm lý. Vì sao gia đình làm được chức năng này? Có lẽ câu trả lời chính xác là tình thương yêu vô bờ bến, trách nhiệm cao cả đối với nhau của những thành viên có mối quan hệ huyết thống, mà sự thành đạt của chồng là niềm vui của vợ, sự thành đạt của con là niềm vui của gia đình… không những thế, tất cả những điều trên sẽ góp phần cho xã hội ngày càng đẹp hơn. Gia đình với tư cách là một yếu tố quan trọng trong hệ thống giáo dục mang tính xã hội. Trước đây cũng như hiện nay, hoạt động của gia đình luôn gắn kết chặt chẽ với xã hội, theo định hướng tất yếu của xã hội trong từng thời đại. Gia đình là môi trường giáo dục cơ bản và sớm nhất trong đời người, thì sự giáo dục không chỉ vì bản thân gia đình mà vì cả cộng đồng, dưới sự kiểm tra của xã hội. Trong quá trình giáo dục của xã hội, bao giờ gia đình cũng là mắt khâu trung gian không thể thay thế được, vì ở đây con người có những mối quan hệ sớm nhất và là những mối quan hệ thầm kín nhất trong cuộc đời của họ. Xét về mặt tổng thể cấu trúc xã hội, gia đình là bình diện không gì thay thế được cho việc hình thành những cơ sở nhân cách của mỗi cá nhân. Với tính chất là nội dung hạt nhân trong quan niệm giá trị bắt rễ sâu trong truyền thống của người phương Đông, gia đình sẽ là động lực, nền tảng cho quá trình hội nhập hiện nay. Trong một thời gian dài ViệtNam, ảnh hưởng rất sâu sắc quan niệm Nho giáo về luân lý, đạo đức của con người. Khổng Tử với thuyết Chính danh xây dựng trật tự xã hội và gia đình; mẫu người Quân tử làm nền tảng cho “chiến lược” phát triển con người nhằm xây dựng xã hội; người phụ nữ phải công dung ngôn hạnh làm nên nề nếp gia phong; quan hệ Tam cương, đề cao uy quyền của người cha và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình như: cha cho ra cha, con cho ra con, vợ cho ra vợ, chồng cho ra chồng. Đây là một mặt khái luận khá bao quát trong nền tảng giáo dục gia đình. Bậc cha mẹ là rường cột của tế bào hạt nhân xã hội, cần có một kiến thức đủ làm việc giáo dục con cái, không nên phó thác toàn bộ cho nhà trường, xã hội. Đây là nền tảng quan trọng của đạo đức con người trước khi trở thành thành viên của xã hội. Ngược lại, con cái phải giữ chữ hiếu với cha mẹ, thực hiện “kính già, yêu trẻ”. Thể hiện trong thời gian vừa qua ở nước ta “đạo đức băng hoại” gây nhiều cảnh gia đình xào xáo, con cái miệt thị cha mẹ, thậm chí là tranh giành một phần tài sản gây ra cảnh “nồi gia, xáo thịt trong gia đình”. Gia đình biến thành nơi “tranh luận, toà án gia đình”. Điều này đang trở thành vấn nạn cho xã hội hiện tại, trước trào lưu du nhập phong cách sống vội, chạy theo mức sống xa hoa, mà nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục của cấu trúc gia đình Việt Nam “Tam, Tứ đại đồng đường”. Khổng Tử còn dạy rằng “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, ngay từ thời cổ đại, mà ông đã nhận ra được giá trị gia đình là giá trị trung tâm, làm rường cột cho sự thịnh suy một thời đại. Thật vậy, lịch sử phát triển của xã hội trải qua nhiều triều đại hưng suy, nền văn minh bị đổ vỡ, mọi thứ đều hỗn loạn thì chính gia đình sẽ là “chiếc phao” che chở, dẫn dắt mỗi cá nhân vượt qua mọi khốn khó. Chính “chiếc phao” ấy đã, đang và sẽ truyền dẫn nền văn minh lại cho mỗi thế hệ khi bước vào giai đoạn lịch sử mới. Quan niệm đạo đức, luân lý, giá trị gia đình đã góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa một số nước phương Đông như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Nho giáo đã góp phần làm nên trật tự, nề nếp gia phong, tạo nên kết cấu vững chắc cho gia đình qua mọi thời đại lịch sử ở phương Đông. Cho dù dưới sự tác động của đời sống xã hội, gia đình lắm lúc gặp trở ngại, nhưng chính “tính cách cá nhân trong tính gia đình” đã gắn kết họ lại với nhau tạo thành kết cấu bền vững. Như vậy trước làn sóng toàn cầu hóa, nền văn hóa phương Tây coi trọng “tính cá nhân”, mà gia đình với quan niệm như hợp đồng sống chung với nhau giữa vợ và chồng, không có trách nhiệm, không có tình yêu thương, làm cho kết cấu gia đình trở nên lỏng lẻo. Gia đình cũng như một nhóm xã hội đơn thuần, trong đó cá nhân là quan trọng nhất, dẫn đến nhiều vấn đề như nạn có thai ngoài ý muốn, gia đình thiếu bố, thiếu mẹ, thiếu tình thương, trách nhiệm,… thêm vào đó, số lượng phụ nữ có bằng cấp, có địa vị, kinh tế ổn định ngày càng nhiều, họ lơ là với trách nhiệm gia đình và giá trị gia đình trở nên phai nhạt trong lối sống buông thả, tự do. Điều này, hiện nay đã và đang tác động không nhỏ vào lối sống, quan niệm sống của giới trẻ nước ta, vốn trước đây xem gia đình là mục đích, động lực trên con đường tiến thân của họ. Đứng trước thực trạng này, ta không thể chấp nhận, thờ ơ với lối sống xa lạ, bất chấp truyền thống đang dần bị huỷ hoại bởi thế hệ trẻ. Đã đến lúc phải lựa chọn cho mình con đường và mục đích nhất định, để phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phương Đông, không còn cách nào khác là phải đi từ tổ chức xã hội cơ bản nhất, đó là gia đình. Bởi gia đình là cầu nối căn bản giữa truyền thống và hiện đại. Không ở đâu lại thường xuyên diễn ra xung đột giữa các thế hệ như ở gia đình, xung đột giữa yếu tố truyền thống mà đại diện là những người lớn tuổi như cha mẹ, ông bà, với thế hệ trẻ là con cháu, đại diện cho những giá trị mới từ bên ngoài xã hội tác động vào. Nhưng đôi khi, với truyền thống bảo thủ, lạc hậu lại là rào cản không nhỏ cho sự thâm nhập những giá trị mới của thời đại. Cho nên việc cọ xát giữa cái cũ và cái mới diễn ra hết sức gây gắt. Điều đó có nghĩa là thể chế bên ngoài gia đình hấp thụ những giá trị mới mà không phải dựa vào truyền thống, thậm chí còn ly khai triệt để với truyền thống. Việc tiếp nhận một giá trị mới phải trải qua quá trình đấu tranh giữa các mặt đối lập với nhau trong cùng một thực thể, đôi khi cái “mới” thường lấn át cái “cũ”. Nhưng người ta không dễ chấp nhận cái mới trong khi đã tồn tại một truyền thống lâu đời làm nên “tính cách” của họ. Thế hệ những người lớn, ngay khi được hấp thụ những cái mới, họ cũng còn hoài niệm về những giá trị cũ, những cái đã ăn vào máu thịt của họ, khi tiếp xúc trong môi trường xã hội họ sử dụng những giá trị mới; nhưng ở nhà họ lại không chấp nhận chúng và luôn đấu tranh để giữ gìn truyền thống. Có nghĩa cái hiện thân bên ngoài xã hội của những cái mới đối với họ chỉ là hình thức, mang tính ước lệ mà thôi, còn trong gia đình là nơi đang diễn ra quá trình cải biến các quan điểm về các mẫu mực trong hành vi xử sự ngoài xã hội, và cả trong thái độ, cảm xúc, tình cảm khi va chạm với những giá trị, những quan điểm trái ngược nhau. Gia đình là môi trường tốt cho những cuộc tranh luận tự do, trong không khí tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Dựa trên tiêu chí là lợi ích của xã hội, cái đúng, cái chân lý để phán xét những hành vi, những quan điểm của mỗi thành viên. Cũng chính từ đây nhân cách được hình thành, nó là kết quả của sự tinh lọc giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Mỗi thành viên từ trong gia đình khi bước ra ngoài xã hội sẽ tự tin và không ngỡ ngàng trước những lối sống xa lạ đang tràn ngập chung quanh họ, tức họ tự tạo ra cơ chế “tự thích nghi” cho mình trước lối sống xa đọa, phi giá trị truyền thống, và thích nghi có chọn lọc. 3. Kết luận: Để phát huy giá trị gia đình, đòi hỏi phải có trách nhiệm giáo dục nếp sống cho mỗi thành viên trong gia đình. Trong xã hội xưa, người Việt Nam rất coi trọng gìn giữ nề nếp gia phong. Bởi lẽ, bất cứ sự cộng sinh nào cũng phải có cách thức quan hệ, quy tắc ứng xử. Trong tự nhiên là sự canh tranh sinh tồn, trong xã hội là sự điều phối để đi tới sự thống nhất biện chứng giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và tập thể, giữa tinh thần và vật chất, giữa cái thiêng liêng và cái trần tục, giữa trên và dưới,… biết khai thác, phát huy những giá trị tiềm ẩn trong đạo lý thuộc cấu trúc gia đình, làng, nước thì những nhân tố đó có thể trở thành nguồn lực lớn để bảo vệ thanh danh, uy tín của gia đình hiện đại. Ngày nay, với nhiệm vụ xây dựng con người mới, không những phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình mà còn phải phát huy tính tích cực của nó. Nếp sống gia đình, trước hết là dạy con cháu là phải lễ phép, luôn kính trên nhường dưới, kín đáo trong trang phục. Giáo dục gia đình còn chú trọng đến tình thương yêu đồng loại, lẽ phải, sự hoà thuận, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau. Phải biết “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Trong trào lưu hội nhập và nhất là quá trình “toàn cầu hóa” hiện nay, ta phải lấy giá trị gia đình làm giá trị trung tâm trong mọi giá trị của đời sống văn hóa xã hội, tạo sức mạnh cho toàn xã hội. Biết chọn lọc con đường riêng cho mình, hướng tới phục vụ cho con người và cộng đồng. Đó chính là những giá trị về sự tôn trọng đạo đức làm người, lối sống, cách sống được chắt lọc từ truyền thống và tiếp nhận những giá trị mới của hiện đại, ra sức học tập, nâng cao năng lực nhận thức và trí tuệ của con người Việt Nam. Đó chính là chìa khóa vạn năng cho quá trình hội nhập, phát triển của đất nước ta. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Kim Chung, Biến đổi xã hội nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Thực trạng và phát triển giữa các vùng kinh tế – lãnh thổ ở Việt Nam, Hà Nội, chương trình KHXH – 03. 1999. 2. Nguyễn Tấn Đắc, Văn hóa Đông Nam Á, Viện Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, 2000. 3. Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, Nxb Văn hóa, 1992. 4. Lê Bộ Lĩnh, Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở một số nước Châu Á và Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 1998. 5. Lương Hồng Quang, Văn hóa của nhóm nghèo ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2001. 6. Tôn Nữ Quỳnh Trân. Văn hóa làng xã, trước thách thức của đô thị hóa tại thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 1999. 7. Hồ Sĩ Vịnh, Văn hóa Việt nam trong tiến trình đổi mới, Nxb Chính trị Quốc gia, 1999. SOURCE: BẢN TINH KINH TẾ VÀ XÃ HỘI SỐ THÁNG 9 NĂM 2009, VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TPHCM - THS. HUỲNH VĂN SINH  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật