TS. NGUYỄN MINH PHONG
I/. Bối cảnh quốc tế chung năm 2010 và khuynh hướng mới trong dòng FDI quốc tế
Năm 2010, thế giới dần phục hồi trong xu hướng gia tăng gánh nặng nợ nần, thúc đẩy toàn cầu hoá, tái cấu trúc và cạnh tranh toàn diện hơn.
Cùng với sự tăng trưởng liên tiếp 3 quý (kể từ quý III, IV/2009 và quý I/2010 đến nay) sau 4 kỳ liên tục suy giảm trước đó của kinh tế Mỹ, năm 2010, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhanh hơn theo hình chữ V như dự báo của ADB và có thể đạt mức tăng trưởng chung 3,9% trong năm 2010 (sau khi suy giảm 0,8% trong năm 2009) như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo. Ở đa số các nước, thường duy trì song song 2 xu hướng: Vừa nới lỏng thận trọng, vừa thắt chặt vừa phải chính sách tài chính – tiền tệ, khuyến khích tiêu dùng và tăng cường tạo thuận lợi, cũng như lòng tin cho đầu tư khu vực tư nhân; đồng thời, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa kinh tế đi vào chiều sâu, song song với tạo bứt phá mới cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo định hướng ưu tiên phát triển các ngành liên quan đến “kinh tế sạch”, “kinh tế mạng internet” và “kinh tế môi trường”. Trên phạm vi toàn cầu, tính đa nguyên của các đồng ngoại tệ mạnh được tô đậm và mở rộng hơn, cùng với xu hướng giảm dần thế mạnh của đồng USD. Bên cạnh đó, sẽ gia tăng cạnh tranh và căng thẳng quốc tế cùng với xu hướng chạy đua vũ trang và va chạm lợi ích song phương, đa phương, thậm chí mang tính khu vực, diễn ra cả trên đất liền, trên không, trên biển và trên mạng internet, về các nguồn tài nguyên truyền thống và tài nguyên phi truyền thống, như thông tin. Những vấn đề về dầu thô, khí đốt, nước sạch, di dân, biến đổi khí hậu, cũng như khủng bố và bất ổn chính trị sẽ gia tăng áp lực… Đặc biệt, sự căng thẳng của vấn đề nợ công và tín dụng xấu có thể tạo nên hiệu ứng lan tỏa toàn cầu, gắn với hệ quả các gói kích cầu và tình trạng phổ biến về thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010. Nhiều quốc gia sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực trả nợ. Mỹ, Nhật và hầu hết các nước phát triển đều là những Nhà nước – con nợ khổng lồ với chỉ số tín nhiệm không ổn định, thậm chí có nguy cơ tụt hạng. Theo Tạp chí BusinessWeek số tháng 1/2010, trong năm 2009, tỷ lệ nợ/GDP của Iceland là 310%; của Nhật Bản 227%; Hi Lạp 124%; Italy 120,1%; Mỹ 93,6%; Ấn Độ 88,9%; Bồ Đào Nha 84,6%; Đức 84,5% và Pháp 82,6%. Hiện tại, Tây Ban Nha có khoản nợ công chiếm 54% tổng sản phẩm quốc nội (lên tới 225 tỷ euro trong năm 2010 – tương đương với giá trị của nền kinh tế Hi Lạp), trong khi con số của Hi Lạp và Bồ Đào Nha lần lượt là 120% GDP và 80% GDP. Cộng đồng quốc tế đang và có thể phải tung ra khoản cứu trợ ngày càng lớn hơn để giúp các nước – con nợ (có thể lên tới 90-150 tỷ euro cho Hi Lạp, 40 tỷ euro cho Bồ Đào Nha và 350 tỷ euro cho Tây Ban Nha). Có thể nói, quả bom nợ nần đang treo lơ lửng, có nguy cơ gây những bất ổn khó lường và trở thành vũ khí gây áp lực chính sách mới đối với nhiều quốc gia và cả nền kinh tế thế giới…
Năm 2010, dòng FDI thế giới cũng có xu hướng phục hồi, nhưng có sự chuyển dịch mới về cơ cấu, tăng cường đổ vào các quốc gia mới nổi và củng cố hơn vai trò động lực chủ đạo thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi của các nước này.
Theo đánh giá của Tạp chí The Economist (Anh), cũng như Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (Unctad), sau đỉnh điểm đạt tới 2.080 tỷ USD của năm 2007, dòng FDI thế giới đã giảm 17% trong năm 2008 (còn 1.720 tỷ USD) và tiếp tục giảm 41% (còn 1.000 tỷ USD) trong năm 2009. Nhưng sự đảo chiều của dòng FDI thế giới đã được ghi nhận trong năm 2010, với dự báo dòng vốn này sẽ tăng trưởng chậm theo sự phục hồi kinh tế toàn cầu, với mức bình quân 2,5% GDP toàn cầu trong giai đoạn 2010 – 2014. Thậm chí, đến năm 2014, dòng FDI toàn cầu sẽ vẫn thấp hơn so với mức đỉnh điểm của năm 2007.
Các quốc gia mới nổi sẽ đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi trong năm 2010 và sự gia tăng dòng FDI đổ vào các nước này càng góp thêm xung lực tích cực cho động thái mới đó. Năm 2008, trong khi dòng FDI vào các nước phát triển giảm 1/3, thì FDI vào các nước đang nổi lại tăng 11%. Năm 2009, lần đầu tiên các nước mới nổi thu hút FDI nhiều hơn các nước phát triển, với các con số tương ứng là khoảng 532 tỷ USD, so với khoảng 488 tỷ USD. Dù vậy, FDI vào các thị trường đang nổi dự báo giảm từ mức 4% GDP xuống còn 3% GDP của các nước này trong giai đoạn 2010 – 2014. Xu hướng mới của dòng FDI thế giới trong năm 2009 và 2010 là hệ quả tổng hợp của việc trầm lắng các giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ở các nước phát triển ( từng chiếm 80% số vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia trên thế giới năm 2008); sự chuyển hướng của các nhà đầu tư quốc tế trước sức hấp dẫn của các thị trường mới nổi cả về môi trường và cơ hội kinh doanh… Ngân hàng Deutsche Bank của Đức ngày 17/3/2010 công bố Báo cáo điều tra hàng năm về các hoạt động đầu tư vốn cho biết, châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ là khu vực có biểu hiện xuất sắc nhất trong năm 2010, còn Trung Quốc sẽ là quốc gia biểu hiện tốt nhất trong khu vực này. Hãng tư vấn quốc tế A.T. Kearney về Chỉ số niềm tin FDI (FDI Confidence Index) cũng đã xếp loại Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới của vốn FDI trong năm 2010 lần lượt là: Trung Quốc, Mỹ, ÊËn Àöå, Brazil, Germany, Ba Lan, Australia. Mexico, Canada, Anh…
Bối cảnh mới và các xu hướng mới nói trên đang đặt ra yêu cầu chính sách mới cả cấp quốc gia và quốc tế.
Theo đó, yêu cầu hàng đầu vẫn là cải hiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn và gia tăng kiểm soát an toàn vĩ mô của nhà nước. Đặc biệt, cả các tổ chức lẫn các chính phủ cần có những đột phá trong cải tổ khu vực tài chính -ngân hàng nhằm tăng trách nhiệm và hiệu quả của các định chế tài chính, giảm nguy cơ bất ổn định trong tương lai và làm cho khu vực này linh hoạt hơn, quản lý tốt hơn dòng vốn đang tái xuất hiện. Dự án cải tổ ngân hàng của Mỹ đang được thúc đẩy trong đầu quý II/2010 là theo hướng đó. Đồng thời, các yêu cầu và cơ chế về sự phối hợp điều hành kinh tế đa phương trở nên phổ biến và linh hoạt hơn, tầm ảnh hưởng của các tổ chức kinh tế phi chính phủ cũng sẽ được mở rộng hơn…
II/. Việt Nam năm 2010 – Sự cải thiện dòng FDI cùng với niềm tin đang trở lại
Nhiều tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định, năm 2010 nguồn vốn FDI vào Việt Nam có nhiều triển vọng sáng sủa, gắn với sự gia tăng lòng tin và cơ hội kinh doanh mới của các dự án FDI.
Đứng ở vị trí thứ 12 trong xếp hạng chung Chỉ số niềm tin FDI, Việt Nam được báo cáo của A.T. Kearney xếp ở vị trí thứ 93 về mức độ thông thoáng của môi trường kinh doanh (Ease of Doing Business Ranking). Trong số các nước Đông Nam Á lọt vào Top 25 của xếp hạng Chỉ số niềm tin FDI 2010, Việt Nam đứng trên Indonesia (vị trí 21), Malaysia (vị trí 20) và Singapore (vị trí 24).
Mới đây, Tập đoàn tài chính đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 11 nước (N-11) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2010, mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư và là địa chỉ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thế giới trong các năm tiếp theo, do gắn với các lợi thế về số dân lớn và đang tăng nhanh (Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới với 86 triệu dân và 65% dân số ở độ tuổi dưới 35); khả năng sản xuất hàng tiêu dùng và tiềm lực tiêu dùng của người dân; nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu mỏ và các nguyên liệu quý, cùng với tiềm lực lớn về tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng tiêu dùng khác…
Cơ quan Thương mại và đầu tư Vương quốc Anh dựa trên khảo sát hơn 500 quan chức cao cấp của các công ty từ gần 20 ngành kinh doanh khác nhau, cũng khẳng định, nếu không tính tới nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), thì Việt Nam hấp dẫn nhất trong hai năm liên tục trong số 15 nước đang trỗi dậy, được xếp theo thứ tự gồm có: Việt Nam, Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Mexico, Nam Phi, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Saudi Arabia, Ukraine và Ba Lan.
Ông Horst F.Geicke, Chủ tịch Hội đồng quản trị VinaCapital Group, nói: “Năm 2010 và những năm tiếp theo, Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc FDI vào Việt Nam trong năm 2009 giảm không phản ánh thái độ của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này, vì bản thân các tập đoàn trên thế giới cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cơn bão tài chính vừa qua. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam rất ưu ái, tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút đầu tư trong những năm tới”. Theo ông Geicke, các lĩnh vực thu hút FDI vào Việt Nam phát triển mạnh trong năm tới gồm: dịch vụ y tế, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch than thiện với môi trường, ngành công nghệ cao.
Ông Yip Hoong Mun, Trưởng đại diện Capital Land Holding tại Việt Nam, đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam cao hơn các nước khác. Nếu xét theo thang điểm 10, Việt Nam đạt điểm 7-8, và khẳng định “Chúng tôi đã quyết định đầu tư thêm vào Việt Nam trong năm 2010. Chúng tôi cũng nhìn nhận dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2010 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2009”.
Những tháng đầu năm 2010, Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM đón tiếp số lượng các nhà đầu tư nước này đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở Việt Nam tăng đột biến. Năm 2009, Nhật Bản xếp thứ 9 trong 10 nước có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 77 dự án cấp mới, tổng vốn hơn 138 triệu USD; riêng vốn đầu tư tăng thêm lên tới 234 triệu USD.
Trên thực tế, FDI vào Việt Nam năm 2010 đang có những động thái tích cực mới, với sự cải thiện khá rõ về quy mô vốn đăng ký/dự án, cơ cấu vốn đăng ký và mức giải ngân thực tế…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 900 triệu USD trong tháng 4, nâng tổng số vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2010 lên 3,4 tỷ USD, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2009. Trung bình, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 850 triệu USD/tháng. Đây là mức khá cao và tương đương giải ngân vốn FDI giai đoạn trước suy thoái kinh tế (năm 2009 Việt Nam thu hút FDI đạt 21,48 tỷ USD, bằng 24,6% so với năm 2008, nhưng trong 2 năm 2008-2009, vốn FDI đăng ký và tăng thêm khoảng 85,5 tỷ USD, vượt mức 83,1 tỷ USD của cả 20 năm trước đó. Trong năm 2009, có 839 dự án FDI đăng ký cấp mới với số vốn đạt 16,3 tỷ USD – tương ứng giảm 46,1% số dự án và 75,4% về vốn so với năm 2008 – và số lượt dự án tăng vốn đạt 215 lượt, với số vốn đạt 5,1 tỷ USD, giảm không đáng kể so với năm 2008; còn số vốn thực hiện đạt ở mức khoảng 10 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2008. Theo đó, khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện đã giảm hơn so với năm trước. Tỷ lệ giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện năm 2007 là 37,56%, năm 2008 giảm xuống còn 16%, thì năm 2009 đã tăng lên 46,55%). Trong tổng số vốn đăng ký mới tính từ 1/1/2010 – 20/4/2010 là 5,9 tỷ
USD (tương đương 74,3% so với cùng kỳ năm 2009), thì có 5,6 tỷ USD vốn của 263 dự án đăng ký mới, tuy giảm 19,6% về số dự án, nhưng tăng 58,5% về vốn cấp mới so với cùng kỳ năm 2009. Ngoài ra, có tới 92 lượt dự án đang triển khai xin tăng vốn 325 triệu USD. Nhiều dự án chậm trễ triển khai vì tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng được các nhà đầu tư cam kết khởi động ngay đầu năm nay, như: dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (TP.HCM) có tổng vốn lên tới 930 triệu USD này do Berjaya Việt Nam làm chủ đầu tư; dự án du lịch Saigon Atlantis Hotel 4,1 tỉ USD (Bà Rịa – Vũng Tàu) của Mỹ; Lĩnh vực bán lẻ ở thị trường Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đặc biệt. Ông Tham Tuck Choy, Tổng giám đốc Parkson Việt Nam cho hay, kết quả kinh doanh của hệ thống Parkson tại Việt Nam trong năm 2009 là tốt nhất trong số những nước mà tập đoàn này đầu tư, với tăng trưởng doanh thu đạt 30%/năm, so với con số đó chỉ từ 10 – 15% mà công ty này thu được ở Malaysia, Trung Quốc… “Kết quả đó khiến chúng tôi tự tin hơn khi quyết định đầu tư thêm những dự án mới. Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson thứ tư mới khai trương tại TP.HCM hồi cuối tháng 12/2009 và là TTTM thứ 6 ở Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm. Năm 2010, Parkson sẽ tiếp tục đầu tư hai TTTM tại Hà Nội và một ở Đà Nẵng, để đến năm 2015 sẽ có khoảng 15 – 16 TTTM Parkson tại thị trường Việt Nam. Trên thực tế, nếu thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm mặt bằng, con số sẽ không dừng lại ở đó”… Trong 4 tháng, cả nước có 31/ 63 tỉnh, thành thu hút được vốn FDI, trong đó dẫn đầu là Quảng Ninh với hơn 2,1 tỷ USD (38,3% tổng vốn đăng ký), tiếp theo là Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. HCM, Quảng Ngãi và Hà Tĩnh. Trong 31 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam 4 tháng đầu năm nay, các vị trí đầu bảng đã có sự thay đổi cả về đối tác đầu tư và lượng vốn đăng ký. Từ chỗ không có đối tác nào đạt tổng vốn đăng ký đầu tư quá 1 tỷ USD tại báo cáo tháng trước, đến nay đã có 3 đối tác vượt chỉ tiêu này: Hà Lan chỉ thêm 1 dự án cấp mới trong tháng đã thế chỗ Hoa Kỳ giành vị trí “quán quân”, với trên 2,15 tỷ USD vốn đăng ký. Nhật Bản từ vị trí thứ 8 đã lên thứ nhì, với 1,1 tỷ USD vốn đăng ký, Hoa Kỳ đứng thứ 3 với 1,02 tỷ USD… (Hoa Kỳ từng là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với số vốn đăng ký 9,8 tỷ USD, chiếm 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2009), Hàn Quốc, Quần đảo Virgin (Anh), Singapore…
Trong năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp, đạt 912 dự án cấp mới với 35,6 tỷ USD (chiếm 58,6% và 53,4% tổng số dự án và vốn cấp mới), trong đó ngành công nghiệp chế biến đạt mức cao nhất với 764 dự án cấp mới và 35 tỷ USD (chiếm 49% tổng số dự án và 52,7% tổng số vốn cấp mới). Bước sang năm 2009, dòng vốn tập trung vào các ngành dịch vụ, đặc biệt là kinh doanh bất động sản và lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống. Số dự án cấp mới ngành dịch vụ năm 2009 đạt 498 dự án với 13,2 tỷ USD (tương ứng chiếm 59,3% và 81,2% tổng số dự án cấp mới và vốn FDI), trong khi ngành công nghiệp chỉ đạt 325 dự án với 3,0 tỷ USD (tương ứng chiếm 38,7% và 18,3%). Còn trong năm 2010, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ chọn lọc để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực quan trọng, ưu tiên, như công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chế biến nông sản, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn… Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 14 tỷ đô la Mỹ, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 8 tỷ đô la Mỹ, tăng 29,3%, nhập khẩu khoảng 7,1 tỷ đô la Mỹ. Còn nếu không kể dầu thô, trong 4 tháng đầu năm 2010, khối các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 4,13 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ 2009 và nhập siêu khoảng 60 triệu USD…
Về triển vọng, có nhiều cơ sở thực tế thế giới và trong nước để tin rằng thu hút FDI năm 2010 sẽ cao hơn mức tăng 10% so với năm 2009 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra. Nhưng cả trước mắt và trung hạn, Việt Nam vẫn cần chủ động có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả thích ứng nhằm khắc phục những tồn tại và hệ lụy như: sự mất cân đối trong đầu tư ở các ngành nghề, vùng lãnh thổ; tình trạng ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch ngành, đe dọa an ninh năng lượng, gia tăng đầu cơ trên thị trường bất động sản và sự bất ổn trên thị trường vốn; việc chuyển giao và sử dụng công nghệ lạc hậu; lạm dụng những ưu đãi về thuế, đất đai… Đặc biệt, Việt Nam cần khắc phục căn bản những nút thắt gây nghẽn mạch và lệch hướng dòng vốn FDI thu hút, nổi bật là tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu; hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực yếu kém, chi phí đầu vào cao; công tác xúc tiến đầu tư thiếu tính chuyên nghiệp.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"