DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN: THỬ TÌM MỘT CÁCH TIẾP CẬN KHÁC

NGUYỄN TRUNG Thuế thu nhập cá nhân là điều tất yếu phải hướng tới của một nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Tuy nhiên, xin mạnh dạn nhận xét: Nhà nước ta ở thời điểm hiện nay và trong vài năm tới chưa chuẩn bị được những điều kiện cần thiết để thực hiện thuế thu nhập cá nhân đúng nghĩa. Chỉ riêng việc định nghĩa, xác định và phân loại các loại hình thu nhập để xác định cơ sở tính thuế trong mọi hoạt động kinh tế ở nước ta hiện nay đã hầu như rất khó thực hiện – nhất là trong một nền kinh tế (a) có hoạt động kinh tế dựa trên cơ sở tiền mặt chiếm một tỷ lệ rất lớn trong toàn bộ nền kinh tế, (b) có nhiều hoạt động kinh tế không định hình ổn định và tồn tại hay mất đi tùy theo biến động của thị trường, (c) những hoạt động kinh tế không thống kê được hoặc hoạt động kinh tế ngầm là một bộ phận đáng kể của nền kinh tế, (d) hệ thống kế toán, kiểm toán, thống kê liên quan đến thuế và bộ máy thực thi thuế rất yếu kém, (e) trượt giá tăng nhanh… Không tính đến những khó khăn này và tìm cách khắc phục, thuế thu nhập cá nhân có nguy cơ gây thêm mất công bằng mới, phát sinh nhiều tiêu cực mới và trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm của đất nước. Thuế giá trị gia tăng có nhiều bài học đắt, phải rút kinh nghiệm, và sau 10 năm thực hiện, cho đến nay vẫn chưa thể nói loại thuế này đã vận hành hoàn hảo ở nước ta. Thuế thu nhập cá nhân sẽ còn phức tạp hơn nhiều. Tình hình đòi hỏi vừa phải tìm cách xúc tiến thực hiện thuế thu nhập cá nhân – vì không thể chờ đợi, vừa tranh thủ thời gian tạo mọi điều kiện cần thiết cho việc xây dựng và thực hiện một hệ thống thuế thu nhập cá nhân tiến bộ. Vì vậy, xin kiến nghị: I. Chia việc thực hiện thuế thu nhập cá nhân ra thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1: thực hiện thuế thu nhập theo thuế suất đồng loạt, còn gọi là thuế suất phẳng (flat rate), với các yêu cầu (a) Dễ thực hiện, thu được nhiều thuế vì có nhiều người đóng thuế, nuôi dưỡng được nguồn thu, (b) Tranh thủ thời gian đưa dần mọi hoạt động kinh tế trong xã hội vào hệ thống kế toán, kiểm toán, thống kê, đồng thời tiến hành những biện pháp giảm dần việc chi tiêu tiền mặt, tăng cường và hoàn thiện hệ thống ngân hàng đi kèm với những biện pháp khuyến khích để hệ thống ngân hàng có khả năng thu hút phần lớn hoạt động kinh tế vào guồng máy vận hành của nó, tạo thuận lợi cho việc tính và thu thuế, (c) Chuẩn bị mọi điều kiện vật chất kỹ thuật và những vấn đề khác cho việc thực hiện thuế thu nhập giai đoạn 2. Giai đoạn 2: Trên cơ sở kết quả của giai đoạn 1 (có thể kéo dài khoảng 5-10 năm), hoàn chỉnh Luật Thuế thu nhập để áp dụng cho giai đoạn này, hoặc ban hành Luật Thuế thu nhập mới, hoàn thiện bộ máy thu thuế và mọi điều kiện vật chất kỹ thuật khác. Vì những lẽ nêu trên, Luật Thuế thu nhập cá nhân đang đưa ra tham khảo ý kiến nhân dân nên được hiểu với tinh thần là xây dựng Luật Thuế thu nhập vận dụng cho giai đoạn 1. II. Nội dung Thuế thu nhập cá nhân của giai đoạn 1 đại thể như sau: 1. Thu thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất đồng loạt đối với mọi công dân theo tinh thần: Có thu nhập, thì có đóng thuế, không ngoại trừ một ai. Mục đích là xây dựng ý thức đóng thuế, thu được nhiều thuế do có nhiều người đóng thuế, nuôi dưỡng nguồn thu, công khai minh bạch hóa nền kinh tế. 2. Vận dụng thuế suất đồng loạt cho thu nhập thường xuyên, tối đa là 3-4 nấc. Ví dụ: Nấc tối thiểu là 1% đối với người có thu nhập thấp, 5% đối với người có thu nhập trung bình thấp, 10% đối với người có thu nhập trung bình cao, 15% đối với người có thu nhập cao (các chuyên gia sẽ tính toán để xây dựng các mức và thang cụ thể; vì lý do nuôi dưỡng nguồn thu kết hợp với khuyến khích đóng thuế, các khoảng cách giữa các mức để tính thuế nên để rộng – ví dụ: Mức thu nhập thấp để tính thuế là 1 triệu đồng, mức thu nhập trung bình thấp để tính thuế là 5 triệu đồng, mức thu nhập trung bình cao để tính thuế là 20 triệu đồng, mức thu nhập cao để tính thuế là 50 triệu đồng trở lên). Phương thức này không đòi hỏi nhiều tính toán rắc rối, lòng vòng như trong dự thảo Luật Thuế thu nhập đang đưa ra lấy ý kiến nhân dân. 3. Thuế suất đồng loạt cho các khoản thu nhập không thường xuyên – ví dụ như lãi chứng khoán, lãi suất ngân hàng, những khoản thu nhập không thường xuyên khác, những khoản tiền thưởng… Thuế suất của những loại thu nhập không thường xuyên này nên thấp, mang tính khuyến khích sự công khai minh bạch và dễ thu. Nên phân ra hai loại – ví dụ: (a) thu nhập từ lãi chứng khoán, lãi suất ngân hàng, lãi suất tiết kiệm nên đồng loạt là 5 hoặc 10%; (b) các khoản thu nhập không thường xuyên khác có thuế suất đồng loạt là 10 hoặc 15%. Có thu nhập loại này (không thường xuyên) là chiết khấu ngay để thu thuế và không đưa vào khoản thu nhập thường xuyên để tính thuế thu nhập cá nhân một lần nữa. 4. Thu nhập cá nhân từ cổ tức không đưa vào tính thuế thu nhập cá nhân bằng cách nâng mức thuế đánh vào lãi của doanh nghiệp cổ phần hóa để Nhà nước không thất thu và tránh được mọi tốn kém, phiền hà đối với cơ quan thuế cũng như đối với người có thu nhập từ cổ tức. Thuế đánh vào lãi của hộ kinh doanh cá thể được hiểu là thuế thu nhập cá nhân, chủ hộ kinh doanh cá thể không phải đóng thuế thu nhập cá nhân nữa – thuế suất là bao nhiêu xin để cho các chuyên gia tính. 5. Thực hiện thuế trước bạ đối với bất động sản, thuế hưởng tài sản thừa kế. Thuế suất là bao nhiêu sẽ do các chuyên gia tính toán, kiến nghị không đưa thu nhập từ hai nguồn này vào tính thuế thu nhập cá nhân. Mô hình thuế thu nhập của Hồng Kông Theo bài “Hongkong Excellent Taxes” của chuyên gia nghiên cứu về thuế Alan Reynolds đăng ngày 2-5-2005 trên trang web của Học viện Cato N. W. Washington D.C., thuế thu nhập ở Hồng Kông được xây dựng theo tinh thần thuế suất đồng loạt như sau: Có hai loại thuế thu nhập cho người đóng thuế lựa chọn: 1. Thuế thu nhập theo mức thu: Thu nhập được chia ra làm 4 nấc (4 mức thu) với các thuế suất 2%, 8%, 14% và 20%. Chấp nhận loại thuế này, người đóng thuế có thể trích giảm những khoản chi cho từ thiện tối đa là 25% thu nhập để tính thuế, hoặc trích giảm tối đa cả năm là 13.000 đô la Mỹ trong thu nhập để tính thuế nếu phải chi trả tiền mua nhà, mua xe hơi (dưới dạng trả góp, trả dần). Ngoài ra người đóng thuế được tính những khoản trích giảm khác từ thu nhập để tính thuế – ví dụ như chi cho học tập của bản thân, nuôi người già là người thân thuộc, tiền bảo hiểm cho về hưu. 2. Thuế thu nhập theo thuế suất chuẩn (standard rate): 16% thu nhập, không có khoản trích giảm nào để tính thuế. Nói chung những người có thu nhập cao thường chọn loại thuế này. Thuế suất đồng loạt 17,5%, đánh vào lãi của các công ty, 16% đánh vào lãi của các hộ kinh doanh cá thể (coi đây là thuế thu nhập cá nhân), thuế suất đồng loạt 16% đánh vào bất động sản. Hồng Kông không có thuế giá trị gia tăng, không có thuế nhập khẩu. Thu nhập của cổ đông từ lợi tức cổ phần không đưa vào thu nhập cá nhân để tính thuế, vì đã đánh vào lãi của công ty 17,5% (trong khi đó thuế đánh vào lãi của hộ kinh doanh cá thể là 16%). Reynolds khuyên nước Mỹ nên học Hồng Kông cách tính thuế.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật