DỰ ÁN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN – VÀI Ý KIẾN TỪ GÓC NHÌN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (Tác giả viết bài này vào thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 chưa được ban hành) Tư tưởng chủ đạo mà dựa vào đó, người Anh xây dựng chế định thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đầu tiên của loài người, vào giữa thế kỷ 19, là “có thu nhập thì phải chịu thuế”(1). Thu nhập được hiểu là khoản lợi ích vật chất có giá trị tiền tệ gia nhập một cách hợp pháp vào khối tài sản của một người, làm tăng thêm giá trị của khối tài sản đó. Chịu thuế có nghĩa là người có thu nhập phải khai báo đầy đủ các khoản thu nhập của mình để, dựa vào lời khai đó, nhà nước quyết định đánh thuế hay không và, nếu đánh thuế, thì mức thuế là bao nhiêu. Như vậy, không nhất thiết cứ có thu nhập thì phải đóng thuế. Các nguyên tắc công bằng xã hội, chính sách dân số, gia đình, chính sách kinh tế, nói chung, rất nhiều tham số  được nhà nước dùng làm cơ sở để xây dựng các tiêu chí nhằm xác định, trong số những người chịu thuế, các hạng người phải nộp thuế và hệ thống thang bậc thuế suất cho từng hạng người hoặc từng nhóm trường hợp cần đánh thuế. Thuế TNCN trở thành một biện pháp tái lập sự cân bằng về phân phối của cải xã hội bị mất do sự can thiệp của nhiều yếu tố vào quá trình tạo thu nhập của con người: tài năng, sự may mắn, môi trường sống, quan hệ xã hội thuận lợi,… Dự án Luật Thuế TNCN, đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, cũng dựa vào tư tưởng chủ đạo truyền thống và phương pháp xây dựng tiêu chí xác định người chịu thuế, người nộp thuế và mức thuế phải nộp được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, các giải pháp cụ thể có vẻ chưa phải là kết quả của một quá trình cân nhắc có cơ sở khoa học, nhất là cơ sở đạo lý. Trong các vấn đề thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân có các quy định liên quan đến suất giảm trừ gia cảnh và cách xác định thu nhập tính thuế.   1. Giảm trừ gia cảnh 1.1. Ý nghĩa của giảm trừ gia cảnh Ý nghĩa xã hội và đạo đức. Việc giảm trừ gia cảnh trong trường hợp có người sống phụ thuộc nhằm tạo điều kiện cho người chịu thuế thực hiện các nghĩa vụ vật chất mang tính đạo đức đối với người thân thuộc, qua đó góp phần củng cố tình đoàn kết, tương trợ giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Trong điều kiện gia đình là một thiết chế xã hội được trân trọng, gìn giữ và bảo vệ một cách đặc biệt ưu tiên tại các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, giảm trừ gia cảnh trong luật thuế TNCN trở thành một trong những biện pháp quan trọng để nhà nước thực hiện các mục tiêu xã hội của mình. Ý nghĩa kinh tế. Giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân, trong chừng mực nào đó, được coi là việc loại khỏi thu nhập tính thuế giá trị sức lao động của người chịu thuế. Điều này cần thiết để loại bỏ nguy cơ đánh thuế vào sinh lực của con người, biến thuế TNCN thành một thứ thuế thân. Giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân thực sự là biện pháp góp phần tái tạo sức lao động của người chịu thuế và tạo điều kiện để người lao động có thể tiếp tục lao động với năng suất lao động nếu không cao hơn, thì cũng không thấp hơn mức trước đó. 1.2. Xây dựng chế độ giảm trừ gia cảnh Chỉ hợp lý, hợp tình theo bề ngoài. Suất giảm trừ gia cảnh của cá nhân người chịu thuế được xác định ở một mức thấp hơn mức giảm trừ đang được áp dụng. Những người soạn thảo Dự án Luật giải thích rằng, đó là vì ngoài suất miễn thu dành cho cá nhân, người nộp thuế còn được hưởng suất giảm trừ gia cảnh do có người sống phụ thuộc, tức là những người mà, theo định nghĩa của Dự án Luật, người chịu thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Trong khung cảnh của luật thực định, những người này bao gồm cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột, con ruột, con nuôi và vợ (chồng) sau khi ly hôn. Thoạt nghe, dễ cảm nhận rằng các lý giải của người soạn thảo cho thấy giải pháp của Dự án Luật là phù hợp với các mục tiêu tốt đẹp của chế định giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, cảm nhận ấy nhanh chóng tan biến khi người ta thử hình dung các khả năng áp dụng giải pháp trong thực tiễn. Trong phần lớn trường hợp, người phụ thuộc của người nộp thuế điển hình không phải là cha mẹ hay ông bà: có nhiều con, cháu, những người này, khi được coi là phụ thuộc vào một người con hoặc cháu nào đó, thì không thể phụ thuộc vào những người con hoặc cháu khác, về mặt thuế vụ. Càng có rất ít người nộp thuế có người sống phụ thuộc là anh, chị, em: trừ một số trường hợp bi kịch mà anh, chị, em phải đùm bọc nhau do không còn cha mẹ, các anh, chị, em đã trưởng thành và có gia đình riêng đều tự lập đối với nhau. Các biện pháp cấp dưỡng giữa anh, chị, em, thường mang tính chất vụ việc, nhằm giúp đỡ lẫn nhau trong việc xử lý các sự cố trong cuộc sống, chứ không phải là cấp dưỡng đích thực. Trong thực tế, chẳng dễ dàng chứng minh sự lệ thuộc giữa anh, chị em trong quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng để được hưởng giảm trừ gia cảnh cho người sống phụ thuộc. Thế còn vợ (chồng) sau khi ly hôn thường chỉ đặt vấn đề cấp dưỡng để nuôi con (2), bởi mỗi người sẽ có cuộc sống, công việc riêng của mình sau khi cuộc sống chung đổ vỡ và không ai nhờ cậy vào ai. Cá biệt, có trường hợp cấp dưỡng trực tiếp cho vợ (chồng) rơi vào hoàn cảnh sống khó khăn sau khi ly hôn, thì việc cấp dưỡng thường chỉ được thực hiện một lần và mang tính chất của một biện pháp bồi thường; hầu như không thể hình dung khả năng vợ (chồng) đã ly hôn mà cứ tiếp tục duy trì quan hệ bằng cách theo định kỳ, một người cấp dưỡng cho người kia. Nói tóm lại, người phụ thuộc của người nộp thuế ở Việt Nam hiện nay thường là con cái. Do vậy, muốn được hưởng mức giảm trừ gia cảnh cao, người nộp thuế cần phải có nhiều con. Chế định suất giảm trừ gia cảnh được xây dựng theo kiểu đó có lẽ thích hợp với một nước có nền kinh tế phát triển và có sinh suất thấp, hơn là với một nước nghèo và đang đương đầu với sức ép dân số như Việt Nam. Khái niệm con sống phụ thuộc: sai biệt giữa luật và thực tiễn. Mặt khác, khái niệm người sống phụ thuộc trong dự án luật được xây dựng bằng cách dựa vào các khái niệm khác, còn chưa được hoàn thiện, của luật dân sự và luật hôn nhân và gia đình, do đó, cũng trở nên có khuyết tật. Chẳng hạn, theo luật hiện hành, cha mẹ không còn nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng một khi con đã thành niên và không thuộc diện tàn tật, không có khả năng lao động hoặc mất năng lực hành vi. Trong khi đó, thực tiễn lại cho thấy ở Việt Nam, việc nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con, theo một tập tục tốt đẹp lâu đời, vẫn tiếp tục sau khi con đã thành niên, cho đến khi con có khả năng tự lập. Tất nhiên, người soạn thảo luật thuế không có trách nhiệm trực tiếp thúc đẩy sự hoàn thiện pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình theo hướng phù hợp với thực tiễn tích cực. Tuy nhiên, về mặt đạo lý, luật thuế cũng không nên được “phát triển”, “hoàn thiện” trên cơ sở các quy định tiêu cực của các luật khác. Trong luật của nhiều nước tiên tiến, ở Pháp, Đức chẳng hạn, con đã thành niên vẫn được coi là người sống phụ thuộc và cần được cha mẹ trợ cấp toàn phần, chừng nào còn theo đuổi việc học một cách liên tục và toàn thời gian, ít nhất đến 25 – 26 tuổi (3), nghĩa là đến tuổi cho phép con, với một mảnh bằng khả quan, có thể tìm một công việc thích hợp để tự nuôi sống bản thân. Đổi lại, cha mẹ được hưởng giảm trừ gia cảnh trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, do phải tiếp tục nuôi con, dù đã thành niên. Cần đầu tư nhiều hơn vào một vài điều luật. Sẽ hợp lý hơn, nếu luật Việt Nam duy trì mức giảm trừ gia cảnh cá nhân như hiện nay, mà thực ra đã thấp hơn so với mức có cùng số đó được ghi nhận cách nay vài năm, do tác động của yếu tố trượt giá. Còn suất giảm trừ gia cảnh dành cho người sống phụ thuộc nên được cấu trúc lại trong khuôn khổ chính sách gia đình và dân số, đồng thời có tính đến những truyền thống, lề thói ứng xử tích cực được xã hội thừa nhận và khuyến khích, như việc tự nguyện kéo dài nghĩa vụ nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con đã thành niên mà chưa có khả năng tự lập, nói trên. Vả lại, khi xác định suất giảm trừ gia cảnh dành cho người sống phụ thuộc, thì không nên đánh đồng tất cả các đối tượng như trong dự luật, mà cần phân biệt người phụ thuộc là con cái hay là những người thân thuộc khác. Đối với con cái, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng không chỉ bao gồm các chi phí cho cuộc sống vật chất, mà còn có cả chi phí cần thiết cho việc giáo dục. Điều này đã được ghi rõ trong Luật Hôn nhân và gia đình(4). Bởi vậy, phải ấn định mức giảm trừ gia cảnh dành cho con cao hơn mức dành cho người phụ thuộc khác, nhất là trong điều kiện học phí đang có xu hướng tăng với tốc độ cao như hiện nay và xu hướng này đang được chính nhà chức trách giáo dục hỗ trợ, thúc đẩy. Hơn nữa, nội dung giáo dục đối với con cái không chỉ bó hẹp trong việc nâng cao trình độ học vấn: còn có giáo dục thể chất, tinh thần, nhân cách… và đều có khả năng đòi hỏi phí tổn. 2. Khấu trừ chi phí để xác định thu nhập tính thuế Các tác giả Dự án Luật có vẻ còn suy nghĩ quá đơn giản trong quá trình giải bài toán về khấu trừ chi phí để xác định thu nhập tính thuế. Thực ra, ngoài công thức chung được áp dụng ở khắp nơi, còn phải quan tâm đến các yếu tố đặc thù trong kế hoạch chi tiêu của một người Việt Nam điển hình, để xây dựng các quy tắc pháp lý phù hợp với hoàn cảnh và có tính hợp lý, công bằng. 2.1. Chi phí cho dịch vụ y tế Không thể chỉ khấu trừ bảo hiểm y tế bắt buộc. Ở các nước tiên tiến, người ta không kể chi phí khám và điều trị bệnh trong các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế, bởi hệ thống bảo hiểm y tế đã phủ kín các tầng lớp dân cư. Còn ở Việt Nam, bảo hiểm y tế chưa phổ biến, một bộ phận lớn dân cư, hầu hết là người lao động nghèo, vẫn phải tự mình trả toàn bộ chi phí sức khoẻ. Quy đnh như trong dự thảo là phi thực tế, thể hiện thái độ vô cảm của người bắt chước máy móc. Đáng lý ra, phải quy định thêm rằng, trong trường hợp người dân không có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế, thì được trừ chi phí cho dịch vụ y tế thông thường theo một mức trung bình nào đó; riêng trong trường hợp bệnh hiểm nghèo hoặc tai nạn, thì được trừ chi phí thực tế theo chứng từ xuất trình. Mặt khác, bên cạnh hệ thống bảo hiểm y tế bắt buộc, ở Việt Nam hiện nay còn có hệ thống bảo hiểm y tế tự nguyện. Những bất cập của hệ thống bảo hiểm tự nguyện là chủ đề của một câu chuyện khác. Trong khuôn khổ luật thuế, người ta không có lý do gì để phân biệt đối xử giữa người nộp bảo hiểm y tế bắt buộc và người nộp bảo hiểm y tế tự nguyện trong việc xác định các khoản chi phí được khấu trừ vào thu nhập tính thuế. 2.2. Các khoản chi không vụ lợi và mang ý nghĩa phục vụ cộng đồng Không nên đánh thuế lòng tốt. Cũng nhấn mạnh rằng, chẳng có nhà chức trách nào có tâm mà lại đi đánh thuế đối với các khoản chi mang tính chất thể hiện lòng bao dung và tinh thần cộng đồng, không vụ lợi của con người. Các ví dụ rất đa dạng: - Những khoản chi được thực hiện cho việc mai táng người thân thuộc trong trường hợp di sản không có khả năng thanh toán; - Những khoản đóng góp tự nguyện cho các hoạt động từ thiện; - Những khoản đóng góp xây dựng công trình phúc lợi công cộng theo chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm;… Nên có quy định cho phép khấu trừ vào thu nhập chịu thuế các khoản chi loại này. 2.3. Các khoản đóng góp không tự nguyện Một loại thuế không chính thức. Có rất nhiều các khoản đóng góp không hẳn là bắt buộc nhưng tính tự nguyện rất mờ mịt, được thực hiện theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương, của nhà trường hoặc của một thiết chế nào đó mà công dân gắn bó trong khuôn khổ cuộc sống dân sự. Nhà nước không công khai ủng hộ việc thu các khoản này; nhưng ít nhất, nếu người làm lut cứ để yên, thì các cơ quan vẫn tiếp tục ra yêu cầu đóng góp và người dân chỉ có mỗi sự lựa chọn là chấp nhận đóng góp để được sống bình yên. Vậy, phải có một quy định đại loại như “được trừ vào thu nhập chịu thuế các khoản đóng góp thực hiện theo lời kêu gọi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”. Nếu không, người dân sẽ phải bấm bụng thực hiện các khoản đóng góp không tự nguyện đó bằng cách trích thu nhập tính thuế. Trong chừng mực đó, người dân vô hình trung phải chịu đến hai lần thuế cho một khoản thu. ————————— (1) Tham khảo Pierre Beltrame, La fiscalité en France, Hachette Paris, 1993, tr.29 và kế tiếp. (2) Vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng lẫn nhau theo quy định của pháp luật hiện hành, Nguyễn Ngọc Điện, Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Tập I  – Gia đình, Nxb Trẻ, 2001, số 268. (3) Xem, P. Beltrame, sđd, tr. 59. (4) Điều 36 và 37.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật