DỰ ÁN LUẬT NUÔI CON NUÔI VÀ VẤN ĐỀ LỒNG GHÉP GIỚI

PGS. TS. HÀ HÙNG CƯỜNG – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ tư pháp Trên cơ sở Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 47) và Luật bình đẳng giới (Điều 21 và Điều 22), trong quá trình soạn thảo Luật nuôi con nuôi, Ban soạn thảo cũng đã trao đổi về vấn đề có hay không có vấn đề giới, nói cách khác là yêu cầu thiết lập sự bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực nuôi con nuôi, cũng như tác động của việc thi hành Luật sau này đối với vấn đề bình đẳng nam nữ. Sau nhiều lần trao đổi, Ban soạn thảo đã đi đến nhất trí rằng, dự án Luật nuôi con nuôi không có vấn đề nổi cộm về bình đẳng nam nữ. Bởi những lý do cơ bản sau: Thứ nhất, xét một cách tổng thể, thì nuôi con nuôi là hiện tượng xã hội mang tính nhân đạo, làm phát sinh quan hệ cha mẹ và con lâu dài, ổn định giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm người được nhận làm con nuôi (trẻ em không có gia đình) được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục một cách tốt nhất trong môi trường gia đình. Vì thế, mọi việc nuôi con nuôi đối với trẻ em, không kể là trẻ em trai hay trẻ em gái, đều phải hướng đến mục đích đó. Dự thảo Luật nuôi con nuôi đã quy định theo hướng như vậy. Còn xét về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, thì dự thảo Luật điều chỉnh một cách chung nhất đối với quan hệ nuôi con nuôi liên quan đến cả hai giới nam và nữ, không thiên về một giới cụ thể nào. Về nguyên tắc, mọi cá nhân hay cặp vợ chồng, nếu có đủ điều kiện thì đều được nhận nuôi con nuôi; mọi trẻ em, không phân biệt nam nữ, nếu có đủ điều kiện và đúng đối tượng, đều có thể được nhận làm con nuôi. Nội dung xuyên suốt của dự thảo Luật đã quy định trên nguyên tắc bình đẳng như vậy. Thứ hai, theo quy định tại Điều 47 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 21 Luật bình đẳng giới, trên quan điểm yêu cầu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, Ban soạn thảo thấy rằng, dự thảo Luật điều chỉnh việc nuôi con nuôi chủ yếu đối với trẻ em – đối tượng từ 15 tuổi trở xuống, chủ yếu là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không có gia đình – thuộc cả hai giới nam và nữ. Với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, không kể trẻ em nam hoặc trẻ em nữ, dự thảo Luật (Điều 14 và Điều 30) đã đưa ra quy định chung về điều kiện và đối tượng trẻ em được cho làm con nuôi. Quy định này được áp dụng cho trẻ em thuộc cả hai giới mà không có sự phân biệt. Theo đó, khi trẻ em có đủ điều kiện và thuộc diện được cho làm con nuôi, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết cho trẻ em làm con nuôi theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định mà không đặt vấn đề ưu tiên cho trẻ em trai hay trẻ em gái được làm con nuôi.   Tham khảo pháp luật của các nước cho thấy, không nước nào phân biệt điều kiện, trình tự thủ tục để áp dụng riêng đối với trẻ em trai hay trẻ em gái khi được nhận làm con nuôi, cũng không có quy định ưu tiên cho trẻ em thuộc một giới cụ thể nào. Tương tự như vậy, pháp luật các nước cũng không có quy định phân biệt về điều kiện nuôi con nuôi đối với người nhận con nuôi là phụ nữ hay đàn ông, cũng như không có quy định thuận lợi hay ưu tiên hơn khi giải quyết việc nuôi con nuôi cho người nhận con nuôi độc thân thuộc phái nam hay phái nữ. Giống như các lĩnh vực khác, mọi quy định về nuôi con nuôi đều được áp dụng chung trên nguyên tắc bình đẳng đối với mọi công dân. Thứ ba, xét về phía người nhận con nuôi, dự thảo Luật cũng không đưa ra quy định để áp dụng riêng đối với người nhận con nuôi độc thân là đàn ông hay phụ nữ, mà áp dụng chung cho mọi đối tượng, khi có đủ điều kiện và nguyện vọng nhận nuôi con nuôi. Như vậy, Luật nuôi con nuôi thực sự tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, không kể đàn ông hay phụ nữ, nếu có đủ điều kiện và nguyện vọng, đều được nhận trẻ em làm con nuôi. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định riêng để áp dụng đối với người nhận con nuôi là phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng sinh con. Ban soạn thảo thấy rằng, vấn đề bảo đảm quyền làm mẹ của phụ nữ nói chung, quyền nuôi con nuôi của phụ nữ thuộc đối tượng kể trên nói riêng, nhất là việc ưu tiên, miễn, giảm một số điều kiện, thủ tục nào đó – là những vấn đề liên quan đến chính sách xã hội, cũng như các biện pháp hỗ trợ để bảo đảm thi hành Luật sau này – thì nên để các văn bản hướng dẫn của Chính phủ hoặc Bộ chủ quản quy định, như thế hợp lý hơn. Thứ tư, trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, cũng phải bảo đảm quyền được thể hiện ý kiến, quyền được lựa chọn của trẻ em để tránh tư tưởng áp đặt từ phía người lớn theo kiểu “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”; đồng thời cũng phải tính đến nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người nhận con nuôi. Do đó, nếu người nhận con nuôi thể hiện nguyện vọng chính đáng là muốn nhận trẻ em thuộc một giới tính nào đó (nam hoặc nữ) làm con nuôi, thì nguyện vọng đó cũng phải được tôn trọng mà không nên coi đó là sự phân biệt đối xử. Thực tiễn giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong những năm qua cho thấy, đại đa số các gia đình cha mẹ nuôi người nước ngoài không nêu ra yêu cầu cụ thể về giới tính của trẻ em cần xin nhận làm con nuôi, mà họ chỉ nêu nguyện vọng chung chung là “muốn nhận một trẻ em nam hoặc nữ làm con nuôi”. Nhưng thực tiễn giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước cho thấy, người xin nhận con nuôi thường tự liên hệ (với gia đình, cơ sở y tế hoặc cơ sở nuôi dưỡng) để xin trẻ em làm con nuôi, sau đó đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Trong những trường hợp này, họ cũng thường quan tâm đến giới tính của trẻ em cần xin nhận làm con nuôi. Do đó, Ban soạn thảo thấy rằng, ở đây cần có sự dung hòa lợi ích chính đáng giữa việc “tìm gia đình cho trẻ em” với việc “giới thiệu trẻ em cho gia đình cha mẹ nuôi”. Nếu dự thảo Luật quy định nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính khi nhận trẻ em làm con nuôi, thì e rằng quá cứng và không phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống đạo lý người Việt Nam, cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người nhận con nuôi trong nước. Bởi nếu chỉ căn cứ vào nguyện vọng của người nhận con nuôi là muốn nhận trẻ em thuộc một giới tính cụ thể nào đó làm con nuôi mà kết luận là “có sự phân biệt về giới” để từ chối giải quyết việc nuôi con nuôi, thì hoàn toàn không có cơ sở thuyết phục. Trong các Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam với các nước, cũng như Công ước Lahay về nuôi con nuôi mà Nhà nước ta đang chuẩn bị tham gia, đều không có quy định về vấn đề này. Từ những lý do trên đây, Ban soạn thảo thấy rằng, việc bảo đảm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhận làm con nuôi, được chăm sóc, nuôi dưỡng, trưởng thành trong môi trường gia đình, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em – là mục đích cơ bản mang tính nhân đạo sâu sắc của dự Luật nuôi con nuôi. Báo cáo thẩm tra chính thức của Ủy ban pháp luật của Quốc hội về dự án Luật nuôi con nuôi cũng đồng tình với quan điểm này và cũng không đề cập đến vấn đề giới. Tuy vậy, Bộ Tư pháp thấy rằng, mặc dù không có vấn đề nổi cộm về giới, nhưng để bảo đảm chặt chẽ hơn và thực hiện tốt hơn nguyên tắc bình đẳng trong lĩnh vực nuôi con nuôi, thì có thể bổ sung quy định có tính nguyên tắc vào khoản 2 Điều 3 như sau: “…Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội”. Nguyên tắc này sẽ là cơ sở cho việc xem xét áp dụng các điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi đối với người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi một cách công bằng. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của Ủy ban pháp luật của Quốc hội, có thể bổ sung một số căn cứ quy định tại Điều 13 (các hành vi bị cấm), đặc biệt căn cứ quy định tại khoản 3 “việc nuôi con nuôi xuất phát từ định kiến giới, dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ” làm cơ sở để đề nghị Tòa án nhân dân quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi. Đây được coi là biện pháp mạnh nhằm bảo đảm việc nuôi con nuôi được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Tư pháp (Cục Con nuôi) cũng đang tiến hành xây dựng hệ cơ sở dữ liệu để thống kê, quản lý tình hình nuôi con nuôi trong và ngoài nước theo chuẩn mực của Công ước Lahay, trong đó có những tiêu chí thống kê cụ thể (về độ tuổi, giới tính, tình trạng nhân thân… của trẻ em) để phục vụ cho công tác quản lý, cũng như nghĩa vụ báo cáo quốc gia sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Lahay. Đây cũng là hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách và nâng cao biện pháp bảo đảm tốt hơn sự bình đẳng giới trong lĩnh vực nuôi con nuôi./. SOURCE: Hội thảo "Giới và chính sách, pháp luật về xã hội" – Ủy ban về Các vấn đề xã hội. Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/kinh-te-dan-su/du-an-luat-nuoi-con-nuoi-va-van-111e-long-ghep-gioi

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật