ĐỘT BIẾN RÚT TIỀN GỬI – THÁCH THỨC LỚN TRONG THỜI KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH

TS. NGUYỄN THỊ KIM OANH & NGUYỄN THỊ HỒNG NGUYÊN – Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Chi nhánh khu vực Hà Nội Hơn 4.000 ngân hàng phải đóng cửa trong nửa đầu năm 1933, 61 ngân hàng đóng cửa tính từ 2008 tới 5/2009 ở Mỹ; ngân hàng cho vay tín chấp lớn thứ năm tại Anh (2007), nhiều ngân hàng danh tiếng khác trên thế giới đã trải nghiệm khó khăn và khó khăn đã bị trầm trọng gấp bội, dẫn đến kết cục phải đóng cửa. Đó là những gì mà hiện tượng được đặt tên “đột biến rút tiền gửi” đã góp phần gây nên. “Đột biến rút tiền gửi ngân hàng” có thể hiểu là hiện tượng người gửi tiền ồ ạt rút tiền tại ngân hàng do họ lo sợ rằng, ngân hàng mà mình gửi tiền có thể bị đổ vỡ và tiền gửi của họ có thể bị thiệt hại. Với tiến trình phát triển mạnh mẽ của hoạt động ngân hàng trên toàn cầu, sự đóng góp lớn lao của kinh doanh ngân hàng cho thịnh vượng của các ngành và nền kinh tế, đồng thời sự “ra đi” của không ít ngân hàng đã gây nên nhiều hệ lụy cho nhiều đối tác, thôi thúc chúng ta tìm hiểu về hiện tượng đột biến rút tiền gửi và mối nguy hại khôn lường của nó. Đột biến rút tiền gửi Đột biến rút tiền gửi đầu tiên xuất hiện như một phần của chu kỳ phát triển tín dụng và sự suy thoái sau đó. Từ thế kỷ thứ XVI, đã có hiện tượng đột biến rút tiền khi thợ kim hoàn Anh phát hành kỳ phiếu. Tại Anh, một trong hai cuộc đổ vỡ ngân hàng lớn nhất thế kỷ XIX đã xảy ra tại ngân hàng Overend Gurney (OG) vào thời điểm năm 1865, khi ngân hàng này có báo cáo khoản lỗ 3-4 triệu bảng Anh. Một năm sau đó, một loạt hãng lớn làm ăn với OG bị phá sản, dẫn đến sự khủng hoảng lòng tin của người gửi tiền, giá cổ phiếu bị sụt giảm nghiêm trọng, và cuối cùng OG bị phá sản. Sự kiện này đã kéo theo nhiều ngân hàng, công ty tài chính và doanh nghiệp có liên quan, hoạt động tốt lẫn yếu kém, đều bị đổ vỡ (1).   Lịch sử ngân hàng thế giới đã ghi lại hậu quả nghiêm trọng của nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng gắn liền và bị trầm trọng hơn bởi hiện tượng đột biến rút tiền gửi lan tràn, gây ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. ở Mỹ, giai đoạn 1929-1933 và nhiều năm sau đó, đột biến rút tiền gửi và đổ vỡ ngân hàng đã gây dấu ấn bởi hậu quả nghiêm trọng của nó. Ngày nay, với sự có mặt của thể chế bảo vệ người gửi tiền, như chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG), hiện tượng đột biến rút tiền gửi có xu hướng xảy ra lặng lẽ hơn nhưng vẫn là loại rủi ro hiện hữu và có ảnh hưởng lớn. Có thể liệt kê nhiều ngân hàng có qui mô hoạt động lớn đã đóng cửa bởi sự đột biến rút tiền gửi như Ngân hàng quốc gia Franklin (FNB) ở Mỹ bị đổ vỡ năm 1974 (Cục Dự trữ Liên bang phải cho vay 1, 75 tỷ USD và tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ -FDIC thực hiện bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền đã giúp cho đột biến rút tiền gửi ở ngân hàng này giảm mức độ trầm trọng); Ngân hàng Banco Ambrosiano của ý phá sản năm 1982; sự đổ vỡ dây chuyền của nhiều ngân hàng ở Canada những năm 1985; trong những năm 80 của thế kỷ XX nước Mỹ đã trải qua đợt đột biến rút tiền gửi ở Ngân hàng Penn Square (1982) và lan sang ngân hàng lớn nhất nước Mỹ Continental Illinois (1984); Ngân hàng New England sụp đổ (1982-1984) do một tỷ đô la tiền gửi bị rút đột biến; hàng loạt quĩ tiết kiệm và cho vay tại bang Maryland và Ohio đã bị rút tiền ồ ạt trong những năm 1980 (2); trong cuộc khủng hoảng Châu á năm 1997 nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, tình trạng đột biến rút tiền gửi đã xảy ra và để lại ảnh hưởng không nhỏ. Trong giai đoạn này, đỉnh điểm của khủng hoảng lòng tin đã dẫn đến đột biến rút tiền gửi tại 2/3 số ngân hàng tư nhân ở Indonesia, chiếm 1/2 tổng số ngân hàng ở quốc gia này (3). Trong các ngày 9-12/11/2006, ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Nepal đã đối mặt với đột biến rút tiền gửi trầm trọng, 3 tỷ rupi tiền gửi đã bị rút khỏi ngân hàng trong 3 ngày (4) v.v.. Các sự kiện diễn ra ở Anh và Mỹ từ cuối năm 2007 tới nay cho thấy, nhiều ngân hàng lớn đã trải qua tình trạng đột biến rút tiền gửi và phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Từ ngày 14-17 tháng 9/2007, đột biến rút tiền gửi diễn ra tại ngân hàng Northern Rock (NR), ngân hàng cho vay tín chấp lớn thứ 5 tại Anh, không những gây thiệt hại lớn cho cổ đông của ngân hàng này mà còn làm giảm giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác. Hệ thống các chi nhánh của ngân hàng này đã rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử: cảnh hỗn loạn xẩy ra tại 72 chi nhánh, khách hàng ùn ùn kéo đến bủa vây để đòi rút tiền, hàng chục chi nhánh phải làm việc đến tận khuya (5). Chỉ trong vòng 4 ngày, tổng số tiền bị rút khỏi ngân hàng này vào khoảng 4 tỷ USD (6). Sau khi NR được Ngân hàng trung ương Anh bơm tiền và các biện pháp trấn an người gửi tiền được thực hiện, tình thế vẫn rất nguy kịch, cuối cùng Chính phủ Anh đã phải đứng ra bảo lãnh cho tiền gửi. Chi phí cho giải pháp mới nhằm cứu nguy NR ước tính vào khoảng 40-50 triệu bảng Anh, chiếm khoảng 10% lợi nhuận mục tiêu năm 2007 của NR. Giá cổ phiếu của NR, một số ngân hàng và tổ chức tài chính khác bị giảm nghiêm trọng (7). Khó khăn trong kinh doanh của Ngân hàng IndyMac và đột biến rút tiền gửi diễn ra ở ngân hàng này đã dẫn đến việc đóng cửa vào ngày 13/7/2008. Với 32 tỷ USD tài sản có, IndyMac là một trong số các ngân hàng lớn bị đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ, sau Ngân hàng Continental Illinois (với tài sản 40 tỷ USD) đã bị đóng cửa năm 1984. Chỉ trong 11 ngày sau khi có tin về khó khăn của Ngân hàng IndyMac, người gửi tiền đã rút 1, 3 tỷ USD, đẩy ngân hàng lâm vào khủng hoảng thanh khoản. 33 chi nhánh của IndyMac bị đóng cửa, toàn bộ ngân hàng đã được FDIC xử lý trong trật tự thông qua hình thức thành lập ngân hàng bắc cầu IndyMac Federal Bank. Xử lý Ngân hàng IndyMac đã làm cho FDIC tốn khoảng 4 đến 8 tỷ USD (8). Hậu quả của đột biến rút tiền gửi Đối với đột biến rút tiền gửi đơn lẻ, hậu quả chỉ giới hạn ảnh hưởng tới ngân hàng bị rút tiền đột biến, người gửi tiền và cổ đông. Ngược lại, đột biến rút tiền gửi ở qui mô hệ thống thì hậu quả sẽ rất trầm trọng, ảnh hưởng tới nhiều đối tác khác trong nền kinh tế. Người gửi tiền thực hiện hành vi rút tiền theo phương thức “thà sớm còn hơn quá muộn”, ngoài việc tạo nên đột biến rút tiền gửi, còn phải gánh chịu các chi phí, như tiền lãi bị mất do rút trước hạn, chi phí chờ đợi rút tiền trong tình huống không bình thường, chi phí chuyển đổi đầu tư v.v.. Chi phí này quả là không nhỏ nếu tình trạng đột biến rút tiền gửi đẩy lên mức độ trầm trọng có thể làm cho ngân hàng đó bị đổ vỡ, những người chưa rút được tiền có thể phải mất mát nhiều hơn so với những chi phí liệt kê này. Nếu mức độ trầm trọng đến mức có thể làm cho đột biến rút tiền gửi đơn lẻ thành hệ thống thì sự mất mát của người gửi tiền còn nhiều hơn do có thể dẫn đến tình trạng đình trệ đầu tư tại nhiều ngân hàng, lạm phát, suy thoái kinh tế v.v.. Ví dụ, tổn thất mà người gửi tiền phải gánh chịu khi các ngân hàng ở Mỹ bị đóng cửa trong giai đoạn 1865-1933 lên tới 0,21% tổng các khoản tiền gửi trung bình hàng năm, đặc biệt trong cuộc Đại suy thoái 1921-1933, tỷ lệ này đã lên tới 0,34%. Tính riêng năm 1930 và 1933, năm có số lượng ngân hàng đổ vỡ nhiều nhất từ đó tới nay ở Mỹ, tỷ lệ tổn thất trung bình cho người gửi tiền lên tới 28% và 15%(9). Giải pháp chính sách Mặc dầu kinh doanh ngân hàng đã góp phần vào sự thành đạt, thịnh vượng của nhiều ngành và nền kinh tế, nhưng khủng hoảng ngân hàng từng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, đã gây nên nhiều phen sóng gió. Kinh doanh thiếu hiệu quả, rủi ro cao làm suy yếu và đổ vỡ ngân hàng. Bên cạnh đó, niềm tin của công chúng, người gửi tiền là một trong số yếu tố quan trọng quyết định thành công và cả thất bại của ngân hàng. Chính sách bảo hiểm tiền gửi công khai được khởi xướng đầu tiên ở Mỹ vào 1934, là giải pháp chính sách được đánh giá có ưu điểm nổi trội để củng cố và duy trì niềm tin của công chúng đối với ngân hàng và tổ chức tài chính có hoạt động huy động nguồn tài chính (tiền gửi) từ công chúng. Tiếp theo Mỹ, tới nay đã có trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai chính sách BHTG công khai (tham chiếu sơ đồ 2). Thực tế kiểm nghiệm trong 75 năm qua ở Mỹ và tại nhiều quốc gia cho thấy, thông qua việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, chính sách BHTG triển khai theo mô hình giảm thiểu rủi ro đã đóng góp và có tác dụng tích cực, hạn chế xẩy ra hiện tượng đột biến rút tiền gửi. Tính từ đầu năm 2008 tới 23/05/2009, ở Mỹ có 61 ngân hàng gặp khó khăn và phải đóng cửa (10), mặc dầu vậy, sự can thiệp kịp thời của tổ chức FDIC với chức năng triển khai chính sách BHTG, giám sát hoạt động tài chính, ngân hàng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, đã kịp thời kiểm soát hiện tượng đột biến rút tiền gửi. Trong số các ngân hàng bị đóng cửa, hiện tượng đột biến rút tiền gửi diễn ra ở ngân hàng lớn trong lịch sử nước Mỹ, ngân hàng IndyMac, đã nhanh chóng được giải tỏa, quyền lợi của người gửi tiền đã được ngân hàng bắc cầu do FDIC thành lập đảm bảo, người gửi tiền có thể rút tiền gửi của mình qua hệ thống cung cấp dịch vụ của ngân hàng bắc cầu một cách thuận lợi và hầu như không có sự gián đoạn đáng kể. Các hoạt động đó đã giải tỏa tâm lý hoảng loạn và bất an về tiền gửi tại ngân hàng này. Không đơn giản như xử lý ngân hàng đóng cửa diễn ra ở Mỹ, giải quyết tình trạng đột biến rút tiền gửi và đóng cửa ngân hàng Northrock ở Anh vào tháng 9/2007 rất khó khăn và tốn kém. Sự khác nhau như vậy được đánh giá một phần do nội dung chính sách BHTG ở hai quốc gia này có sự khác nhau cơ bản: mô hình chính sách BHTG ở Mỹ thiết kế theo hình thức giảm thiểu rủi ro, tổ chức FDIC ở Mỹ được trao quyền năng rộng trong giải quyết ngân hàng có vấn đề, hạn mức chi trả bảo vệ quyền lợi người gửi tiền ở mức độ cao v.v.. Ngược lại, chính sách BHTG ở Anh thiết kế theo mô hình chức năng hẹp, chủ yếu làm chức năng chi trả tiền bảo hiểm, mức độ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền với hạn mức chi trả chưa đủ lớn v.v.. Một số quốc gia sau thời gian triển khai chính sách BHTG đã có những thay đổi, cải tiến nhất định, dần chuyển sang mô hình chính sách giảm thiểu rủi ro với chức năng rộng, được giao quyền và trách nhiệm giải quyết ngân hàng có vấn đề. Trải nghiệm khó khăn trong giải quyết đột biến rút tiền gửi ở Ngân hàng Northern Rock và để đối phó với ảnh hưởng của tình hình khó khăn trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng đang diễn ra tại nhiều quốc gia, các nhà hoạch định chính sách ở Anh đang có kế hoạch cải cách hệ thống chính sách nhằm “tăng cường cơ sở ổn định tài chính và bảo vệ người gửi tiền”. Với kế hoạch này, nội dung chính sách BHTG ở Anh được điều chỉnh, bao gồm: nâng cao hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi; tính kịp thời trong xử lý chi trả được đặc biệt quan tâm, xử lý chi trả kịp thời, thuận tiện; có cơ chế thích hợp cho phép tổ chức BHTG Anh tham gia xử lý hiệu quả tài sản của ngân hàng đổ vỡ để tiếp tục chi trả phần tiền gửi trên hạn mức chi trả bảo hiểm; có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các tổ chức giám sát ngân hàng trong đó có tổ chức BHTG; và nguồn vốn hoạt động cho tổ chức BHTG cần được cải thiện, nâng cao và có cơ chế hỗ trợ trong tình trạng đặc biệt và khẩn cấp (11). Hạn chế và kiểm soát đột biến rút tiền gửi Thứ nhất, cho dù nguyên nhân nào đi chăng nữa, đột biến rút tiền gửi sẽ để lại hậu quả lớn cho nhiều đối tác; đối tượng chịu chi phí đầu tiên là người gửi tiền. Để giảm khả năng này, suy xét và ứng xử thận trọng trước thông tin thất thiệt về ngân hàng mình gửi tiền sẽ giúp họ giảm được chi phí không đáng mất, giúp ngân hàng khắc phục được khó khăn (nếu có), tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng triển khai thuận lợi các thể chế bảo vệ người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động ngân hàng an toàn và hiệu quả. Thứ hai, đột biến rút tiền gửi mặc dù không phải là nguyên nhân chủ yếu và duy nhất dẫn tới đổ vỡ ngân hàng, nhưng là yếu tố cộng hưởng, trở nên phức tạp và có ảnh hưởng nghiêm trọng trong tình huống xảy ra ở nhiều ngân hàng. Mỗi ngân hàng cần có những bước chuẩn bị thích hợp để chủ động phòng tránh và kiểm soát tình huống đột biến rút tiền gửi. Nỗ lực hoạt động an toàn và hiệu quả, minh bạch thông tin, có giải pháp thích hợp kiểm soát thông tin, tổ chức tư vấn thông tin bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và phối hợp triển khai chính sách BHTG một cách đầy đủ v.v.. là các hoạt động được khuyến nghị triển khai nhằm hạn chế khả năng phát sinh đột biến rút tiền gửi. ở Mỹ, để chống tình trạng tung tin đồn thổi gây đột biến rút tiền gửi ngân hàng, có ngân hàng đã qui định hình thức xử lý rất nặng, treo giải thưởng truy tìm người tung tin đồn thất thiệt gây đột biến rút tiền lên tới $5.000 (thời điểm năm 1986), trong khi đó mức tiền thưởng bắt một tên cướp ngân hàng chỉ $3.000(12). Thứ ba, tình trạng ngân hàng hoạt động yếu kém dưới mức chấp nhận của thị trường dẫn tới mất khả năng thanh toán, rút khỏi lĩnh vực kinh doanh ngân hàng là giải pháp được áp dụng để nhường chỗ cho sự ra đời ngân hàng mới, kinh doanh hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển của các đối tác và nền kinh tế được thịnh vượng. Để tình huống này diễn ra có trật tự, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, các chủ nợ có liên quan và không ảnh hưởng tới các ngân hàng đang hoạt động bình thường, các thiết chế liên quan bao gồm giải quyết ngân hàng có vấn đề, cần được xây dựng đồng bộ, cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức triển khai chính sách BHTG. Thứ tư, đột biến rút tiền gửi cùng với sự đổ vỡ ngân hàng hàng loạt là nguyên nhân thôi thúc triển khai, cải tiến và phát triển chính sách BHTG ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với mô hình chính sách BHTG hướng tới xử lý ngân hàng có vấn đề, có chức năng giám sát hoạt động ngân hàng, thông qua đó thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đã có tác dụng tích cực trong việc kiểm soát và hạn chế hiện tượng đột biến rút tiền gửi và đổ vỡ ngân hàng. Điều này được thể hiện qua thành công trong triển khai chính sách BHTG ở Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan v.v.. Ngược lại, nếu đơn thuần triển khai chính sách BHTG theo mô hình tổ chức chi trả tiền bảo hiểm, việc kiểm soát đột biến rút tiền gửi và giải quyết ngân hàng có vấn đề sẽ phức tạp, tốn kém và không hiệu quả. Điều này được minh chứng bằng những trải nghiệm khó khăn mà nước Anh đã trải qua trong việc giải quyết đột biến rút tiền gửi tại ngân hàng Northern Rock (tháng 9/2007). Có thể khẳng định, đột biến rút tiền gửi ngân hàng là vấn đề nhạy cảm và khó khăn, có thể xảy ra ngay từ khi hoạt động ngân hàng còn sơ khai và có khả năng tái diễn trong quá trình phát triển hoạt động ngân hàng ở mức độ cao hơn. Đột biến rút tiền gửi thôi thúc sự ra đời, cải tiến và phát triển hoạt động BHTG. Cùng với chính sách BHTG công khai được triển khai hiệu quả, thể chế thiết lập và duy trì tính tự giác chấp hành kỷ cương thị trường cần được triển khai đồng bộ, để kiểm soát và vô hiệu hóa cơ hội phát sinh rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, trong đó có rủi ro gây nên đột biến rút tiền gửi. Chú thích: (1) Heffernan S. (2005), Modern Banking, John Wiley & Sons, Ltd., ISBN 0-470-09500-8, p.359. (2) Temzelides T. (November/December 1997), Are bank runs contagious, Federal Reserve of Philadelphia, Business Review, p.4. (3) Heffernan S. (2005), Modern Banking, John Wiley & Sons, Ltd., ISBN 0-470-09500-8. (4) http://www.answers.com/topic/bank-run. (5) http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2007/09/3B9FA4B4/. (6) Kim Thành – Vụ CSTT, “Thấy gì từ cuộc khủng hoảng tín dụng dưới tiêu chuẩn ở Mỹ? 4/10/2007. (7) http://.sbv.gov.vn/vn/home/tinnghiencuu.jsp?tin=441; http://en.wikipedia.org/wiki/bank_run ; www.reuters.com. (8) http://en.wikipedia.org/wiki/IndyMac_Bank. (9) Dwyer. G. P., Jr. & Gilbert. R. A. (May/June 1989), Bank runs and private remedies, Federal Reserve Bank of St. Louis, p.54-55. (10) Mai Phương, Thêm hai ngân hàng Mỹ lâm nạn, 23/5/2009. (11) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, 2008, Báo cáo nhanh tình hình Kinh tế – Ngân hàng – Tài chính tháng 5-6/2008. (12) Kaufman. George G. (Winter 1988), Bank runs: causes, benefits, and costs, Cato Journal, Vol. 7, No. 3.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật