TAND thị xã Sa Đéc trích dẫn luật nhưng lại… “quên” đoạn cuối.
Theo chị M. trình bày, năm 2004, đang học cao đẳng dở dang, chị đã kết hôn với anh H. Thời gian đầu sau khi kết hôn, chị vẫn theo đuổi việc học, sau có em bé nên chị nghỉ hẳn, về quê chồng ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) sinh sống.
Mất quyền nuôi con
Thời gian hạnh phúc chưa được bao lâu thì do tính tình không hòa hợp, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu ngày một nghiêm trọng. Nhiều lần chị M. phải bỏ về bên ngoại ở TP Cần Thơ. Mâu thuẫn cứ lặp đi lặp lại, cuộc sống chung không còn hạnh phúc, chị định xin ly hôn nhưng nghĩ tội nghiệp con trai, sợ cháu thiếu cha hoặc vắng mẹ sau này nên cứ nấn ná mãi.
Đến tháng 3-2008, chị M. quyết định nộp đơn xin ly hôn. Sau nhiều lần hòa giải không thành bởi cả chị M. lẫn anh H. đều giành quyền nuôi con, ngày 25-3 TAND thị xã Sa Đéc đã đưa vụ án ra xử.
Tại tòa, chị M. chứng minh mình có nghề nghiệp, có thu nhập ổn định (800 ngàn đồng/tháng), có chỗ ở cố định. Chị không yêu cầu bất cứ khoản gì về tài sản, chỉ tha thiết xin được nuôi con và cũng không cần người chồng phải cấp dưỡng. Chồng chị – anh H. cũng trình bày với tòa rằng mình có thu nhập hàng tháng cao hơn vợ.
Cuối cùng, tòa đã tuyên giao cháu bé cho anh H. vì “xét anh H. có đủ điều kiện nuôi con hơn so với chị M”. Tòa nhận định, chị M. “vừa đi làm vừa nuôi con thì vất vả và gặp khó khăn hơn anh H.”. Ngoài ra, chị sống chung với cha mẹ trong căn nhà chật hẹp (24 m2) nên nếu cháu bé sống với cha thì sẽ có cuộc sống ổn định hơn, sẽ có đủ sức khỏe và phát triển bình thường về thể chất, tinh thần.
Vì tòa “quên” luật?
Ngay sau khi tòa tuyên án, chị M. đã làm đơn kháng cáo. Chị kể: “Tôi đi nhờ tư vấn, từ luật sư, trung tâm trợ giúp pháp lý đến Ủy ban Dân số trẻ em tỉnh Đồng Tháp, đâu đâu cũng khẳng định nếu tôi có việc làm, thu nhập ổn định thì được quyền nuôi con vì cháu bé dưới ba tuổi. Vậy mà tòa lại tước quyền nuôi con của tôi!”.
Chị nghẹn ngào: “Tôi là mẹ phải hiểu con hơn ai hết chứ. Nó cần gì, quấy phá thế nào tôi đều biết tường tận, không lẽ vì tiền ít hơn thì nuôi dạy con không tốt hay sao? Nhà ba mẹ tôi hẹp thật nhưng lại ở giữa TP Cần Thơ, điều kiện ăn học của cháu đâu phải là không thuận lợi”…
Theo luật, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi nếu các bên không có thỏa thuận khác. Một luật sư phân tích, không phải vô lý mà luật lại quy định như thế bởi ở lứa tuổi này, chỉ có người mẹ mới chăm sóc con mình một cách tốt nhất. Tòa chỉ giao con dưới ba tuổi cho người cha nếu người mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con hoặc từ chối nuôi dưỡng trong khi ở đây chị M. có việc làm, có thu nhập, có chỗ ở ổn định, lại tha thiết muốn nuôi con. Lẽ ra tòa phải giao con cho chị M., nếu sau này chị nuôi con không tốt thì anh H. có thể khởi kiện để yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
Đáng chú ý là trong bản án sơ thẩm, TAND thị xã Sa Đéc đã trích dẫn Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình để giao cháu bé cho anh H. nhưng lại… bỏ qua đoạn cuối của khoản 2 điều luật (đoạn này quy định rõ: “Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi nếu các bên không có thỏa thuận khác”).
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về phiên xử phúc thẩm.
Ai được nuôi con?
Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi nếu các bên không có thỏa thuận khác. (Theo Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình)
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"