Đòi nợ thuê

Chưa bao giờ tình trạng đòi nợ thuê lại nhức nhối như hiện nay. Không chỉ riêng TP.HCM mà nhiều tỉnh thành trên cả nước đều diễn ra tình trạng này dưới nhiều hình thức khác nhau khiến nhiều người lo sợ. I. Bắt người, tra tấn . . . Mỗi khi túng thiếu hoặc cần gấp một số tiền, nhiều người dân, thậm chí cả doanh nhân, thường chấp nhận đi vay mượn tiền bên ngoài, dù biết lãi suất cao nhưng thủ tục nhanh gọn. Không cần tài sản thế chấp, chỉ cần photo CMND, thậm chí có trường hợp không cần mảnh giấy nào, chỉ “hợp đồng” miệng với nhau là có thể giao dịch hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng… Đơn giản thế, nhưng đố con nợ nào dám “xù”. Bởi chỉ cần chậm trả theo cam kết là chủ nợ, thường là những “ông trùm, bà trùm” có các băng nhóm thuộc thế giới ngầm bảo kê, sẽ kêu đàn em “xử” đẹp. Mê cá độ bóng đá, Đ.N.B (27 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vay 50 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng. Trả được 6 – 7 tháng tiền lãi, B. không còn khả năng trả tiếp. Lập tức, B. bị chủ nợ cho người bắt đưa về nhốt ở một khách sạn thuộc Q.Tân Phú tra tấn, chụp hình gửi về cho gia đình buộc mang 157 triệu đồng (tính luôn tiền thời gian không đóng lãi suất) lên chuộc người. May mắn, sau đó anh B. trốn thoát và tố cáo sự việc với cơ quan chức năng. Trường hợp Mỹ Lệ (35 tuổi, quê Hà Nội, là “má mì” một quán karaoke ôm ở Q.1, TP.HCM) lại khác. Lệ vay 100 triệu của một “trùm” cho vay nặng lãi tên Cường ở Q.1, bạc 60 (lãi suất 60%/tháng). Với lãi suất này, mỗi ngày mở mắt ra Lệ phải nộp cho Cường 2 triệu đồng. Trả được 1 năm, Lệ mất khả năng chi trả nên bị “đàn em” của Cường hành hung, đòi lấy mạng. Sợ chết khiếp, Lệ khăn gói trốn khỏi đất Sài Gòn. Đầu tháng 4.2009, Công an thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam 5 nghi can về hành vi cướp tài sản. Nhưng sự thật vụ việc cũng phát xuất từ nợ. Nguyễn Thị Hạnh (ngụ P.Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một) mượn tiền của Ngô Thị Lý (ngụ xã Hòa Lợi, H.Bến Cát) nhưng hứa mãi không trả. Ngày 17.3, Lý cùng Nguyễn Duy Long đến nhà Hạnh đòi 5,6 triệu đồng. Hạnh xin trả trước 2 triệu đồng, khoản tiền còn lại sẽ trả sau nhưng Lý không đồng ý mà đòi siết xe gắn máy. Thấy “con nợ” chần chừ, Lý và Long gọi điện thoại cho một số “đàn em” kéo đến hỗ trợ. Một lúc sau, khi Hạnh cùng bạn điều khiển xe máy đang lưu thông trên đường thì bị nhóm Long ép té xe, hành hung rồi lấy luôn chiếc xe máy mang về nhà coi như trừ nợ! Cách đây không lâu tại xã Đông Hòa, Dĩ An (Bình Dương) cũng đã xảy ra một vụ đòi nợ theo “luật đen” làm nhiều người kinh hoàng khiếp vía. Giữa tháng 12.2008, một nhóm thanh niên mặt mày bặm trợn, hùng hổ xông vào cửa hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) Kim Ngân của chị Hồ Thị Thu Kim đập phá tài sản, lớn tiếng đòi nợ. Trước khi ra về, nhóm người này dùng tuốc-nơ-vít cạy tủ lấy đi 9 chiếc ĐTDĐ các loại và 20 sim card đang bày bán để siết nợ. Khi thấy lực lượng công an xuất hiện, nhóm thanh niên này còn manh động chống đối với thái độ rất hung hãn. Qua kiểm tra, lực lượng Công an xã Đông Hòa phát hiện Lê Trường Ân (SN 1988, ngụ KP Nhị Đồng, thị trấn Dĩ An) mang trong người 1 khẩu súng điện loại 80 KV, màu đen cùng với 5 viên đạn, 1 dao bấm màu trắng dài khoảng 15 cm. Cuối năm 2008, N.V.T (quê Đồng Nai) mượn 95 triệu đồng của Lê Thị Phương (25 tuổi, ngụ Q.6) chơi hụi, hẹn đến tháng 2.2009 sẽ trả. Đến hẹn không có tiền, T. thương lượng bán miếng đất ở Đồng Nai cho Phương để cấn nợ. Chưa yên tâm, Phương cùng 7 đối tượng khác tổ chức bắt cóc T. đưa về nhốt tại phòng 707 lầu 7, chung cư Mỹ Thuận, P.16, Q.8, tra tấn đòi tiền. Cả nhóm đánh đập T. đến ngất xỉu, rồi yêu cầu người nhà T. mang 100 triệu đồng đến chuộc về nếu không sẽ giết chết… Ngày 9.4, Đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TP.HCM đã bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến vụ đòi nợ này. Một vụ việc khác, trước đây 2 vợ chồng bà Đ. (ngụ Q.Thủ Đức) có mượn của Trần Quốc Hưởng (tức Hướng “điên”, tạm trú Q.Thủ Đức, có 2 tiền án) 100 triệu đồng nhưng chưa có tiền trả. Hưởng cùng đồng bọn lên kế hoạch bắt cóc 2 người thân của bà Đ. nhốt trong một căn nhà không số ở Q.Thủ Đức, đánh đập họ dã man rồi yêu cầu bà Đ. mang 150 triệu đồng đến chuộc. Không được, bọn chúng quay sang tống tiền con gái nuôi của nạn nhân. Trong lúc bọn chúng đang nhận 50 triệu đồng tiền chuộc thì công an bắt quả tang. Cuối năm 2007, tại Cà Mau cũng xảy ra một vụ đòi nợ thuê mang “mùi” xã hội đen khiến nhiều người rùng mình khiếp sợ. Trương Quốc D. và Huỳnh Văn P. hùn vốn kinh doanh nhà trọ tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú. Sau đó, hai bên xảy ra mâu thuẫn, xô xát trong việc làm ăn. Để đòi nợ, D. nhờ Tony Thắng (tức Nguyễn Hữu Thắng) ra tay. Chiều 4.12.2007, một chiếc taxi chở 6, 7 người ập đến địa điểm P. đang ngồi đánh bài với một số thanh niên, những người trên xe vác mã tấu nhảy xuống đánh dằn mặt và bắt P. đưa lên xe, không kịp mặc áo. Theo chỉ đạo của Tony Thắng cùng Trương Quốc D., P. bị nhốt tại nhà hàng – karaoke S.Q trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 8 (TP Cà Mau) và bị “ăn đòn” nhừ tử. Vụ việc sau đó bị công an phát hiện, các đối tượng liên quan bị khởi tố, điều tra. Năm 2008, TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự do Thái Quốc Khánh (tức Khánh "Béo", 47 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) thực hiện. HĐXX tuyên phạt Khánh 2 năm tù về tội "cưỡng đoạt tài sản". Năm 2006, Trần Tuấn Hào tham gia vào đường dây cá độ bóng đá và thua Khổng Trọng Quý 140 triệu đồng, không có tiền trả. Sau nhiều lần tìm Hào không được, Quý tìm đến Khánh "Béo" nhờ ra tay với “thù lao” 40% số tiền đòi được.  Ròng rã suốt hai tháng trời lùng sục tung tích của Hào, ngày 8.8.2006, Khánh vác mã tấu xông vào nhà Hào thì bắt gặp con nợ ngay trước cửa. Khánh tuyên bố "nếu không trả nợ trong ngày hôm nay sẽ chém chết hết những người trong nhà…". Hoảng hồn, Hào vay mượn được 50 triệu để đưa cho Khánh. Ngay sau đó, Khánh đã bị bắt. Tất nhiên, chuyện con nợ mượn tiền không chịu trả rõ ràng là có lỗi, nhưng không phải vì vậy mà chủ nợ muốn làm gì thì làm. Có nhiều cách đòi nợ hợp pháp, nhưng nhiều người lại không chọn lại khiến đôi khi mình bị vướng vòng     lao lý. II. Những “độc chiêu” Ngoài chuyện “bắt người, tra tấn”, để cạnh tranh các nhóm đòi nợ nghĩ ra đủ “chiêu”, miễn sao con nợ phải trả tiền. Những kiểu đòi nợ “độc” Có những khoản nợ đủ giấy tờ, bản án có hiệu lực hẳn hoi nhưng không thể thi hành án. Theo một số thẩm phán, nguyên do là việc xác minh điều kiện thi hành án rất khó khăn; con nợ ngày càng khôn ngoan hơn, né đứng tên bất cứ tài sản nào để đề phòng trường hợp có thể bị đem phát mãi khi thi hành án… Nhưng các dịch vụ đòi nợ thuê thì khác, họ có trăm ngàn cách để con nợ phải mang tiền ra trả.  Thành (TP.HCM), đang sở hữu một website đòi nợ thuê, nói: “Chỉ cần hỏi con nợ có nợ không? Con nợ xác nhận “có”. Nợ phải trả, đó là chân lý”. Khác với các chấp hành viên thường xác minh điều kiện thi hành án công khai, các đối tượng đòi nợ thuê lại ngấm ngầm “điều tra”, không chỉ tài sản của con nợ mà cả tài sản của những người thân của con nợ, vì “đó cũng là cơ sở để đòi được nợ”. Có thâm niên hành nghề hơn chục năm nên Thành am hiểu khá nhiều. Theo Thành, một người bình thường sợ nhất là tính mạng, tài sản của mình và người thân bị đe dọa, một doanh nghiệp thì sợ nhất mất uy tín. “Cứ bám vào đó là đòi được nợ. Một cuộc chạm trán với những gương mặt lạnh lùng, những cuộc điện thoại đòi nợ lúc nửa đêm, một cục đá ném vỡ cửa kính… đôi khi cũng là những lá bài rất hiệu nghiệm”, Thành nói. Một trong những chiêu mà Thành làm rất thành công đó là gửi thư đòi nợ đến tất cả các đối tác làm ăn của công ty X. Sợ mất uy tín làm ăn, công ty này phải xì tiền tỉ trả nợ. Trước đây, ở Hà Nội cũng từng có công ty dán băng-rôn đòi nợ trên xe đậu trước cửa công ty con nợ nhiều ngày liền, cho đến lúc thu được nợ mới thôi. Thậm chí, còn có chiêu đặt quan tài, vòng hoa đám tang gửi đến gia đình, công ty… con nợ để khủng bố, gây áp lực tinh thần… Mai (TP.HCM), đang làm việc cho công ty thu hồi nợ D., bảo nếu đã liên hệ với con nợ yêu cầu trả nợ trực tiếp mà doanh nghiệp đó vẫn lơ thì “phải tìm biện pháp mạnh”. “Có lần tôi thuê một số đối tượng mặt mày lem luốc cứ sáng sáng lê la đến ngồi trước cửa công ty, đuổi không đi. Có khách đến là họ xán lại xin tiền, còn không cứ nằm ngồi vật vã vài ngày, công ty nợ sợ vãi linh hồn, gom tiền trả gấp”, Mai kể. Với những con nợ không có cơ sở kinh doanh, “chiêu” hình sự hóa đôi khi cũng được đem ra áp dụng. “Xem xét kỹ hồ sơ, tìm ra những điểm mấu chốt để căn cứ vào đó buộc con nợ vào hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cứ thế gửi đơn nhờ công an can thiệp. Ai chẳng sợ ở tù, công an mời vài lần là tiền giấu ở đâu cũng phải moi ra trả gấp”, Mai tiết lộ. Từ chủ nợ thành… con nợ! Tuy vậy, cũng có nhiều chủ nợ dở khóc, dở cười khi dính đến “nghiệp” đòi nợ thuê. Điển hình là trường hợp của chị C.H.H (ở TP.HCM). Làm ăn với nhau nhiều năm, chị H. rất tin tưởng anh T.N (33 tuổi, Việt kiều, giám đốc 2 công ty) nên khi hùn hạp 45 ngàn USD làm ăn với anh T.N., chị không hề viết giấy nhận tiền hay hợp đồng gì cả. Đến lúc cần tiền, H. nhiều lần đòi nhưng N. không chịu trả. Từ đó mâu thuẫn giữa 2 người bạn làm ăn càng ngày càng căng thẳng. Tháng 6.2008, H. thuê Đỗ Hữu Cầu (tức Bình Trang, 35 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đòi nợ, Cầu được hưởng 50% trên tổng số tiền đòi được. Ngày 22.6.2008, khi T.N đang đứng trên đường Trường Sơn đón taxi thì bị Cầu cùng 3 đàn em bắt cóc đưa về một quán cà phê trên đường Phổ Quang (Q.Tân Bình), sau đó gọi điện thoại cho H. đến. Tại đây, T.N khẳng định không mượn tiền, còn H. không có giấy tờ chứng minh. Hai bên cự cãi với nhau quyết liệt nhưng vẫn không giải quyết được chuyện gì nên H. bỏ đi. Thấy không thể đòi được nợ như kế hoạch, Cầu bắt T.N đem về nhốt trong một khách sạn ở Q.Gò Vấp; rồi buộc con nợ gọi điện cho người nhà mang 600 triệu đồng đến chuộc người. Nhận được tin báo, công an vào cuộc bắt giữ Cầu, giải cứu N. Riêng H. cũng đang phải lẩn trốn vì sợ liên lụy. Bi kịch hơn là trường hợp của Đ.C.K.D (21 tuổi, tạm trú Q.7, TP.HCM). Năm 2004, mẹ D. mất do tai nạn giao thông nên bố D. đi thêm bước nữa. Tài sản của gia đình chỉ còn căn nhà ở khu dân cư Trung Sơn (Q.8). Lúc đó, bố của D. quyết định bán căn nhà được 1,8 tỉ đồng, chia cho 2 chị em gái D. mỗi người 400 triệu đồng. Do D. còn nhỏ nên phần của D. được giao cho chị gái (đã có gia đình) cất giữ giùm. Đến năm 2008, D. nhắc chị gái trả lại số tiền nói trên, nhưng lo em gái còn ham chơi, chưa có nghề nghiệp ổn định sẽ tiêu xài hết tiền nên người chị không đưa. Cho rằng chị gái muốn chiếm đoạt tiền, D. tìm và nhờ băng nhóm Lê Văn Thịnh (29 tuổi, quê Hải Phòng) đòi nợ. “Hợp đồng đòi nợ” được ký kết, nhóm của Thịnh sẽ hưởng được 40% trên tổng số tiền lấy được. Để thực hiện phi vụ, Thịnh điều động các đàn em đến nhà của chị gái D. ở H.Bình Chánh, chửi bới, đe dọa sẽ giết chết cả gia đình nếu không trả tiền… Thấy “đối tác” quá dữ tợn, sợ sẽ gây hại đến gia đình chị gái, D. thay đổi ý định, ngưng chuyện đòi tiền và hứa sẽ trả cho Thịnh một ít tiền, nhưng nhóm đòi nợ không đồng ý vì “hợp đồng đã ký, phải thực hiện cho xong”. “Họ còn đe dọa sẽ đến đập cơ sở làm ăn của chị tôi trên đường Trần Hưng Đạo, đốt nhà của chị tôi, thậm chí giết chết tôi và bạn trai tôi nếu phá hợp đồng”, D. nói trong nước mắt. Nói là… hành động, Thịnh chỉ đạo đàn em liên tục đến nơi ở của D. gây áp lực, khiến không ít lần D. phải cầu cứu người thân; đồng thời đưa trước cho Thịnh 70 triệu đồng và viết giấy nợ Thịnh 90 triệu đồng, hẹn đến hết ngày 26.4.2008 trả tiền. Chưa hết, Thịnh còn ép D. viết thêm giấy thế chấp một lô đất và nắm giữ toàn bộ giấy tờ lô đất này. Gần đến hẹn trả tiền, Thịnh liên tục gọi điện, nhắn tin đến đe dọa với những lời lẽ đầy “tang tóc” khiến D. mất ăn mất ngủ, liên tục lẩn trốn. Đêm 25.4, do chưa lo được tiền trả Thịnh, D. đã uống số lượng lớn thuốc ngủ tự tử. Rất may D. được phát hiện kịp thời đưa đi Bệnh viện An Bình (Q.5) cấp cứu và thoát chết trong gang tấc. Điều đáng nói, trong thời gian D. nằm điều trị tại bệnh viện, Thịnh tiếp tục nhắn tin đe dọa sẽ giết chết nếu không lo kiếm tiền trả cho hắn. Thậm chí, Thịnh còn chỉ đạo đàn em đến tận giường bệnh của D. dọa lấy mạng của nạn nhân… Vụ việc sau đó được cấp báo đến công an và khi nhóm của Thịnh đang nhận 90 triệu đồng còn lại của D. tại một quán cà phê ở Q.1 vào ngày 10.5 thì công an ập vào bắt quả tang. “Đây là một băng nhóm hội tụ toàn thành phần bất hảo, có nhiều tiền án tiền sự”, một cán bộ công an nói. Những bài học nhớ đời như thế xảy ra không ít, nhưng rồi vẫn có người tìm đến “thế giới ngầm” nhờ đòi nợ. III.” Mảnh đát màu mỡ” Có một nghịch lý là ngay cả những vụ nợ nần "hợp pháp" nhiều người cũng tìm đến xã hội đen để nhờ trợ giúp. Tại sao lại có tình trạng kỳ lạ này? Những lời rao tìm người đòi nợ Ngày 7.4.2009, giám đốc và 32 nhân viên Công ty TNHH thu hồi nợ Phương Đông đã phải hầu tòa. TAND TP Hà Nội tuyên phạt giám đốc Lê Bình Minh 12 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản” và “bắt giữ người trái pháp luật”, các nhân viên còn lại cũng lãnh từ 12 tháng tù (án treo) đến 10 năm 6 tháng tù. Công ty TNHH thu hồi nợ Phương Đông (trụ sở tại phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoạt động từ năm 2006-2007 và có rất nhiều khách hàng. Khi có người yêu cầu đòi nợ, Lê Bình Minh phân công người đi theo dõi “mục tiêu” rồi cắt cử nhân viên đến đòi. Nếu con nợ không chịu trả liền bị “đàn em” của Minh gọi điện thoại đe dọa, chửi bới, hay khủng bố tinh thần bằng cách treo băng-rôn nói xấu người vay tiền tại nơi cư trú, dùng vũ lực… Tổng cộng, Minh chỉ huy 10 vụ bắt giữ người, đe dọa, đánh đập… thu về hơn 500 triệu đồng các khoản nợ được thuê đòi để chiếm hưởng 10 – 40% giá trị các khoản đòi được. Một điều dư luận hết sức bất ngờ là tại sao một “công ty” chuyên dùng những trò xã hội đen để uy hiếp đòi nợ lại có thể tồn tại suốt một thời gian dài? Nhu cầu nhờ thế lực “đen” đòi nợ đến đâu? Để kiểm chứng điều này, chỉ cần dạo một vòng trên internet, vào các trang web xedap.org, ketoan.vn, tretho.com… sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin chủ nợ rao tìm người đòi nợ thuê chứ không chọn giải pháp kiện ra tòa. Có trường hợp viết thẳng: “Hồi năm ngoái có một công ty ở SG mời mình dạy học 1 khóa về lập trình 3 ngày. Dạy học xong, thì nó lần lữa tới giờ gần 1 năm mà vẫn chưa trả 1 xu nào. Có ai biết xã hội đen nào ở SG chuyên đi đòi nợ giúp không?"… Của đau con xót, nên nhiều người nôn nóng dùng “luật rừng” đòi nợ. Như mới đây ngày 16.4, Công an Q.1 (TP.HCM) đã ra quyết định tạm giữ 9 người do liên quan đến việc bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ. Tìm hiểu vụ việc này chúng tôi được biết: năm 2008, chị Dương Thị T. (38 tuổi, nhân viên môi giới dự án của một công ty ở Q.7) đưa N.T.N (36 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) 160 ngàn USD nhờ “chạy” dự án. Việc giao nhận không hề có bút tích gì ngoài chữ ký nháy của N. trong một hợp đồng. Dự án bất thành, mất tiền, chị T. gửi hồ sơ đến cơ quan công an nhờ can thiệp. Với chứng cứ ít ỏi, công an đành chào thua và hướng dẫn chị T. kiện ra tòa. "Công an thua, chắc gì kiện dân sự mà đòi được", với tâm lý này chị T. đến nhờ Lê Kim Thủy (34 tuổi, quê Bắc Ninh, tạm trú Đồng Nai) lấy tiền giúp. Thủy đã rủ thêm 9 người khác thuê ô tô 15 chỗ ngồi đến quán cà phê Dấu Ấn (số 58 Hồ Hảo Hớn, Q.1) đánh đập, bắt N. đưa lên ô tô. Bên trong ô tô, chị T. chờ sẵn yêu cầu N. viết giấy mượn tiền 160 ngàn USD thì bị công an ập đến bắt. Một trường hợp khác, ngày 25.9.2008 ông Lâm Văn T. (H.Long Thành, Đồng Nai) ký hợp đồng mua 3 ha tràm trồng tại Khu chế xuất Linh Trung 1, P.Linh Trung với ông T.M.H (ngụ tại P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM), trị giá 230 triệu đồng. Ông T. được đưa đến tận nơi “thăm” vườn tràm và đặt cọc 50 triệu đồng. Khi ông T. thuê thợ đến khai thác, mới phát hiện vườn tràm thuộc sự quản lý của Nhà nước. Sau đó, ông T. nhiều lần tìm đến nhà ông H. đòi lại tiền, nhưng chỉ nhận được lời… hẹn. Thấy ông H. có biểu hiện lừa đảo, ông T. làm đơn tố cáo gửi đến công an nhờ can thiệp. “Đến Công an P.Linh Xuân nộp đơn thì họ kêu qua P.Linh Trung (nơi diễn ra việc mua bán vườn tràm). Khi đến P.Linh Trung thì được chỉ qua nơi người bị tố cáo cư ngụ. Cứ lòng vòng như thế chẳng biết đường nào mà lần”, ông T. than. Chưa biết “gõ” cửa nào, vào cuối tháng 4.2009 bỗng nhiên xuất hiện 2 người lạ, mặt mày bặm trợn đến gặp ông T. đề nghị "giúp" đòi nợ. “Họ ra giá, nếu lấy được nợ thì “cưa đôi”. Ban đầu tôi định gật đầu, nhờ họ đòi nợ giúp. Nhưng sau đó, nghĩ lại nếu lỡ như họ dùng bạo lực xâm phạm đến tính mạng người khác, mình cũng liên lụy nên từ chối”, ông T. kể. Nhiêu khê con đường đòi nợ Những bản án dành cho các đối tượng đòi nợ thuê với các hành vi phạm pháp ngày càng nhiều nhưng xem ra việc đòi nợ thuê vẫn không giảm. Một cán bộ trong ngành pháp luật kết luận đòi nợ thuê là một mảnh đất màu mỡ cho nhiều đối tượng (hợp pháp và bất hợp pháp) làm ăn. Nguyên nhân vì hành lang pháp lý chưa phát huy hiệu quả. Chuyện án dân sự xử sao cũng được, án có hiệu lực rồi không thể thi hành là một trong những lý do khiến nhiều chủ nợ tìm cách giải quyết chuyện nợ nần ngoài tòa án. Theo thống kê của thi hành án (THA) dân sự TP.HCM, tổng số việc phải THA năm 2008 trên địa bàn là 91.775, trong đó 37.797 việc chưa có điều kiện THA, chiếm khoảng 41%. “Án dân sự có hiệu lực không thể thi hành, những khoản nợ khó đòi tồn đọng ngày càng nhiều là điều kiện để nghề thu nợ phát triển rầm rộ. Trong đó, số lượng chủ nợ tìm đến thế lực đen nhờ đòi nợ không phải là ít”, luật sư Bùi Quốc Tuấn nhận xét. Như vụ mua bán nhà dưới đây chẳng hạn. Vợ chồng ông Trần Đình Tiệp sang nhượng căn nhà số 374 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 (TP.HCM) của bà Nguyễn Thị Nhỡ để làm ăn, sinh sống vào năm 2006. Giấy tờ đã sang tên, nhưng nhà không thể nhận vì những người con của bà Nhỡ không chịu giao với lý do bản án phúc thẩm trước đó của TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên công nhận bà Nhỡ là chủ sở hữu căn nhà nhưng cũng ưu tiên cho họ quyền được mua căn nhà này. Vợ chồng ông Tiệp nhận nhà không được, lấy lại tiền cũng không xong, vụ việc được đưa ra TAND Q.3 nhưng từ đó đến nay, vụ kiện vẫn chưa thể xếp lại. Ai nhìn vào cũng thấy vô lý: tiền mẹ cầm, nhà con chiếm nhưng luật pháp vẫn… bó tay là sao? Có lúc cùng quẫn, vợ ông Tiệp từng đặt vấn đề tìm “xã hội đen giải quyết cho rồi” nhưng được nhiều người khuyên can bà lại nán lòng chờ đợi mà chưa biết những đồng tiền mồ hôi nước mắt có lấy lại được hay không? Bi đát hơn là trường hợp của gần chục bị hại trong vụ án Nguyễn Văn Linh phạm tội lừa đảo mà TAND TP.HCM mới đưa ra xét xử gần đây. Việc những người bị hại đưa tiền cho vợ chồng Linh kinh doanh rồi bị chiếm đoạt là có thật, được bị cáo xác nhận tại tòa nhưng suốt 12 năm qua họ vẫn chưa nhận lại được tiền. Một số bị hại cũng rơi rụng dần vì đã trở về với cát bụi, số lại bị tách ra quay về “khởi kiện dân sự”. 12 năm qua, tài sản của Linh cũng không còn gì để mà thi hành. Một bị hại từng đưa cho Linh 30 lượng vàng vào năm 1996 – 1997 than: “Nếu có đòi được tiền chắc cũng chỉ đủ uống cà phê vì giờ vợ chồng ổng có tài sản gì đâu mà thi hành án, trong khi con cái họ rất giàu. Biết vậy nhờ xã hội đen đòi giùm ngay từ đầu may ra còn hiệu quả hơn chờ luật pháp”. Nhưng đó mới chỉ là phiên xử sơ thẩm, còn một cấp phúc thẩm nữa. Những người theo phiên xử lắc đầu ngao ngán, không biết họ sẽ nhận lại được gì sau bản án. Khổ hơn là những bản án đã có hiệu lực rành rành nhưng pháp luật vẫn bó tay như trường hợp của ông Nguyễn Thái Bình. Do cần vốn, ông Bình nhờ Công ty TNHH SX-DV-DL-TM Thiên Ban Phúc (do bà Cao Thị Láng làm giám đốc, địa chỉ 102 Nguyễn Văn Thủ, P.Đakao, Q.1) làm thủ tục vay ngân hàng 3.000.000 USD, hoa hồng 2%. Ông Bình tạm ứng trước 100 triệu đồng làm chi phí, nếu không vay được thì bà Láng sẽ hoàn lại. Tranh chấp phát sinh, ngày 26.12.2007 tòa tuyên buộc bà Láng phải trả lại cho ông Bình 100 triệu đồng nhưng đến nay đó vẫn chỉ là bản án trên giấy. Chấp hành viên thụ lý vụ án cho biết: “Đành phải bó tay vì đến công ty chỉ có mấy cái bàn, mấy cái ghế, một vài nhân viên. Đến án phí công ty này còn không chịu đóng nữa là…”. Tức anh ách là trường hợp của ông Đỗ Quốc Phi. Năm 2005, ông Phi và Công ty TNHH Cương Trung (địa chỉ B195, tổ 16A, P.Đông Hưng Thuận, Q.12) ký kết hợp đồng thi công san lấp. Quá trình thực hiện, ông Phi đã cung cấp 14.472,5m3 đất. Công ty Cương Trung cũng xác nhận còn nợ 280 triệu đồng nhưng… không chịu trả. Gần hai năm gian nan kiện đòi nợ, cuối cùng ông Phi cũng cầm được bản án phúc thẩm buộc Công ty Cương Trung phải bồi thường cho ông hơn 312 triệu đồng cả vốn, lãi. Tuy nhiên, bản án vẫn chỉ cầm coi chơi. Ông Phi ấm ức: “Doanh nghiệp vẫn đang hoạt động, hằng tháng đều có báo cáo thuế vậy mà THA không được. Không hiểu tại sao luật pháp không được thực thi để những người như chúng tôi bị thiệt”. IV. Từ 10 đến 40% Để có một cái nhìn đầy đủ hơn về hoạt động đòi nợ thuê, chúng tôi đã tiếp cận với một công ty, có giấy phép, hoạt động hợp pháp theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ông S., giám đốc một công ty thu hồi nợ có trụ sở chính ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên), cho biết công ty của ông là một trong số ít những công ty hoạt động thu hồi nợ hợp pháp hiện nay. "Nghị định 104 của Chính phủ quy định cho thành lập công ty đòi nợ thuê nhưng khi thành lập chúng tôi lấy tên là "thu nợ" để nghe cho nhẹ nhàng chứ không dám lấy tên là đòi nợ. Hiện chúng tôi đã có chi nhánh tại 4 địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng. Trung bình mỗi chi nhánh đang quản lý xấp xỉ khoảng 500 khách hàng có hợp đồng thuê công ty đòi nợ", ông S. nói. Cũng theo ông S., lượng khách hàng tìm đến công ty này nhờ đòi nợ giúp có khoảng 70% là doanh nghiệp, thông qua các giao dịch kinh doanh, mua bán phát sinh nợ nần không thu hồi được nhưng không muốn khởi kiện ra tòa; số còn lại là các cá nhân, trong đó không ít người là trí thức, đại gia. Phí thực hiện dịch vụ thu hồi nợ khách hàng phải thanh toán cho công ty khoảng từ 10 – 40% số nợ phải đòi. Tỷ lệ này cao hay thấp tùy thuộc vào số nợ nhiều hay ít, số nợ càng cao thì tỷ lệ phần trăm phí sẽ càng thấp chứ không phụ thuộc vào mức độ dễ hay khó trong việc đòi nợ. Trước khi ký hợp đồng nhận thực hiện một vụ nợ nào đó, công ty sẽ xem xét các chứng từ xác nhận có việc vay mượn, nợ nần, để xem có đủ tính pháp lý đòi nợ không. Kế đến, công ty sẽ đi xác minh về chủ nợ, con nợ xem họ là ai, khoản nợ nần đó có phải do phi pháp mà có như cá độ, cờ bạc chẳng hạn, rồi mới đi đến quyết định có nhận lời ký kết hợp đồng đòi nợ hay không. Theo số liệu của công ty này cung cấp, đến nay họ đang quản lý khoảng 1.000 tỉ đồng tiền nợ nần của nhiều đơn vị, DN và cá nhân trong cả nước. Trong đó có nhiều khách hàng rất lớn như VCB, BIDV, VPB… đều đến nhờ thu nợ giúp và không ít con nợ là trí thức, đại gia. Một trong những nguyên nhân khách hàng tìm đến công ty này, theo ông S., là do hiệu quả đòi được nợ trên những bản án tòa tuyên là rất thấp. Trong khi đó, tùy tính chất vụ việc, thời gian thu hồi được nợ trong những vụ công ty đã làm là từ 6 – 12 tháng, có những vụ đơn giản chỉ vài tuần, một tháng là xong. Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn pháp định ít nhất là 2 tỉ đồng. Quản lý, giám đốc và người lao động trong loại hình DN này phải là người không có tiền án. Chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp và quá hạn thanh toán. Các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan nhà nước… không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định. Nghiêm cấm chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền cho DN đòi nợ thuê hoạt động vượt quá thẩm quyền được pháp luật công nhận đối với khách nợ hoặc chủ nợ; thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với người của DN đòi nợ thuê… Giấu "chiêu" Hoạt động lâu trong lĩnh vực đòi nợ thuê, ông S. thừa nhận hiện nay có một số công ty núp bóng hoạt động không có giấy phép. Những đơn vị này đến đòi nợ thường dùng những chiêu mang tính chất xã hội đen như "chửi bới, đe dọa ném cả vợ con ra Hồ Tây", hoặc nhân viên công ty cạo trọc đầu "trông rất anh chị" khi đi đòi nợ. "Vậy chiêu đòi nợ của công ty là gì?". Ông S. cho biết, công tác xác minh tài sản của con nợ là quan trọng nhất, đây cũng là yếu tố quyết định để biết có thể thu hồi nợ được hay không. "Chúng tôi thường liên hệ với chính quyền địa phương, công an khu vực để nắm rõ mọi mặt về con nợ, đến ngân hàng để kiểm tra số tiền trong tài khoản, liên hệ với phòng thông tin môi trường nhà đất xác minh bất động sản con nợ đang có… nếu con nợ tẩu tán tài sản thì nhờ chính quyền can thiệp, phong tỏa không cho chuyển dịch, nhờ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ngăn chặn xuất ngoại những trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài…", ông S. "bật mí". Nhưng khi chúng tôi hỏi bằng cách nào lấy được thông tin tài khoản cá nhân, DN trong ngân hàng vì đây là thông tin thuộc dạng bí mật; tương tự việc ngăn chặn xuất ngoại chỉ cơ quan chức năng mới yêu cầu sao công ty thu hồi nợ làm được… thì ông S. chỉ trả lời chung chung: "Chúng tôi gửi thông báo đến ngân hàng thông tin về khoản nợ của khách, đề nghị ngân hàng phối hợp, còn quyền quyết định thuộc về ngân hàng. Đối với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng vậy, công ty có văn bản kèm toàn bộ chứng từ xác nhận nợ cho đơn vị này nhờ họ phối hợp, giúp đỡ…". Sáng 13.4. 2009, chúng tôi tìm đến chi nhánh của công ty ông S. tại TP.HCM. Trước cửa công ty đậu một chiếc xe hơi có dán dòng chữ "Công ty thu nợ…" hoành tráng hai bên hông. Nhiều nhân viên nữ đang dán mắt vào những tập hồ sơ dày cộm. Hồ sơ của khách hàng được bày la liệt trên bàn làm việc của nhân viên. Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn T.V, Giám đốc chi nhánh, cho biết nhân viên công ty đa số tốt nghiệp đại học luật, kinh tế, an ninh, quản lý… Công ty quản lý nhân viên rất chặt chẽ bằng cách giữ bằng cấp và có chế độ lương thưởng hậu hĩnh, "sai phạm là xử lý mạnh tay nên không có chuyện đòi nợ kiểu xã hội đen". "Chiêu mà tôi hay sử dụng là thuyết phục bằng nhiều cách. Không thể đến một lần là được, đôi khi phải hết sức gần gũi với con nợ, cùng họ tìm ra phương án thanh toán nợ nần", bà V. nói. Nhưng nếu thuyết phục không được, thì biện pháp tiếp theo là gì?, bà V. từ chối khéo trả lời câu hỏi của chúng tôi vì "việc đòi nợ có thiên hình vạn trạng, không có trường hợp nào giống trường hợp nào và kỹ thuật đòi được nợ của mỗi nhân viên cũng khác nhau không thể tiết lộ". "Vậy chúng tôi có thể tháp tùng nhân viên của công ty để quan sát một vụ đòi nợ nào đó được không?", chúng tôi đề nghị và nhận được lời từ chối "vì tế nhị"… V. Làm gì để tránh “thế lực đen”? "Việc xét xử tranh chấp nợ nần qua tòa án kéo dài, nhiêu khê thủ tục mà không hiệu quả khiến cho đương sự mang tâm lý ngán ngại kiện ra tòa", một thẩm phán dân sự của TAND TP.HCM thừa nhận. Quan trọng là con người thực thi pháp luật Vị thẩm phán trên từng nhiều năm ngồi ghế quan tòa, xét xử không ít các vụ kiện tranh chấp nợ nần đã kết luận: "Có một thực tế đau lòng hiện nay là những người càng tôn trọng pháp luật lại càng thiệt thòi. Việc nhờ người ngoài xã hội, các thế lực xã hội đen… để giải quyết nợ nần là giải pháp nhiều chủ nợ áp dụng do có thể nhanh chóng thu hồi được nợ. Đây là một hiện tượng bất ổn của xã hội vì luật pháp không được chọn như là một giải pháp tối ưu. Nguyên nhân vì án xử xong chưa chắc thu hồi được nợ, lại mất thời gian tốn kém chi phí đã làm nản lòng không ít người". Thi hành án dân sự TP.HCM là đơn vị được đánh giá hoạt động hiệu quả nhất trong toàn ngành nhưng tỷ lệ án thi hành được trên số hồ sơ thụ lý ước chừng cũng chỉ đạt khoảng 50%, số án không có điều kiện thi hành đã chiếm tới 41%. Tiếp xúc với nhiều người dân trong những vụ kiện liên quan đến nợ nần, vấn đề họ bức xúc nhất là con nợ nhiều khi rất giàu nhưng không chịu thi hành án, thậm chí còn được "liệt" vào dạng "không có điều kiện thi hành". Những con nợ hay người bị thi hành án lâm vào hoàn cảnh thật sự khó khăn, mất khả năng thanh toán dễ nhận được sự cảm thông từ chủ nợ; nhưng các trường hợp như thế trên thực tế lại rất ít. Vấn đề được đặt ra là làm sao hạn chế được tình trạng nhờ thế lực đen đòi nợ thuê rồi chính chủ nợ lại bị dính vào vòng lao lý? Một lãnh đạo Tòa dân sự TAND TP.HCM cho rằng, người dân phải biết tự bảo vệ mình bằng cách "đòi nợ từ khi cho vay". Cụ thể, ngay khi cho vay phải có giấy tờ vay mượn, cho vay số tiền lớn phải có tài sản bảo đảm, có người bảo lãnh và quan trọng nhất là phải điều nghiên con nợ thật kỹ lưỡng trước khi cho vay chứ không thể cả nể cho vay theo cảm tính để rồi khó khăn trong việc giải quyết. Trả lời câu hỏi của PV Báo Thanh Niên: "Làm sao để án dân sự không chỉ là những bản án tồn tại trên giấy?", vị này cho rằng, hiện nay hệ thống luật pháp của chúng ta đã có. Tuy cần cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với thực tế xã hội nhưng cũng có thể xem là đã có hành lang pháp lý hoàn chỉnh, từ xét xử cho đến thi hành án. Tuy nhiên vấn đề chính là con người vận hành bộ máy đó. Hệ thống nào cũng cần phải có những con người vận hành tốt thì mới chạy tốt được. Con người không hoàn chỉnh thì bộ máy hoàn chỉnh đến đâu cũng… như không. "Muốn cải cách tư pháp, xây dựng một nhà nước pháp quyền thì ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, khâu tuyển chọn con người phải được coi trọng. Ngoài ra, trong án dân sự nên có thẩm phán hòa giải, thẩm phán xét xử riêng. Việc hòa giải thành là một trong những điều kiện để bản án được thi hành dễ dàng hơn. Nếu có thẩm phán hòa giải riêng, việc giải quyết ở tòa sẽ hiệu quả hơn hiện nay. Bên cạnh đó, nếu người dân phát hiện có việc tẩu tán tài sản và đã thông báo với cơ quan nhà nước yêu cầu ngăn chặn nhưng cán bộ không thực hiện dẫn đến việc không có tài sản thi hành án thì cán bộ đó phải bồi thường. Nên quy định vấn đề này vào trong Luật Bồi thường nhà nước sắp ban hành để công tác thi hành án hiệu quả hơn", vị này đề nghị. Đơn giản hóa thủ tục tố tụng Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP.HCM, quan niệm "Vô phúc đáo tụng đình" vẫn phần nào đúng vì thủ tục tố tụng nhiều lúc làm nản lòng đương sự. Một vụ án dân sự từ khi được tòa án thụ lý giải quyết cho đến lúc có bản án (có hiệu lực pháp luật) thường phải trải qua các giai đoạn tố tụng kéo dài, có khi lên đến vài năm. Các chủ nợ với tâm lý muốn thu hồi nợ nhanh rất ngại bị hành khi đến tòa và bị "ngâm" án. Nên chăng, các nhà làm luật có những thay đổi nhằm đơn giản hóa các thủ tục tố tụng để xóa bỏ tâm lý "ngại" tòa. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp chây lỳ thi hành án thì cần phải có cơ chế kiểm tra tình trạng tài chính của các doanh nghiệp, xóa sổ những doanh nghiệp không có vốn, đăng ký vốn ảo. Còn theo luật sư Phạm Đình Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM, thì quy định của luật còn bất cập ở chỗ, muốn được tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (kê biên tài sản, cấm chuyển dịch tài sản, phong tỏa tài khoản của con nợ) thì phải nộp một khoản tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá tương đương khoản nợ. Quy định này gây khó khăn cho chủ nợ (khi phải "xoay" một khoản tiền tương đương mới "giữ" được tài sản của con nợ), nhưng lại tạo điều kiện cho con nợ tẩu tán tài sản. "Khoản nợ 1 tỉ đồng thì phải bỏ ra 1 tỉ đồng "thế chân". Trong khi đó, chỉ cần một căn nhà mua bán ra công chứng là tài sản chuyển dịch xong và không thể thu lại tài sản người thứ ba ngay tình đã mua", luật sư Sơn ví dụ. Luật sư Sơn đề nghị: "Khi chủ nợ yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời cần có đầy đủ chứng từ vay nợ thì không phải nộp khoản tiền tương đương để hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản". Mô hình thừa phát lại cũng đang được nhiều người chờ đợi. Bởi đây cũng có thể là một kênh làm cho bản án có hiệu lực trên thực tế chứ không chỉ tồn tại trên giấy. "Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ cho tổ chức này hoạt động tránh biến tướng thành "xã hội đen đòi nợ". Xã hội hóa lĩnh vực thi hành án càng nhiều, việc thi hành án càng hiệu quả thì sẽ hạn chế tối đa việc nhờ thế lực "đen" đòi nợ", luật sư Bùi Quốc Tuấn quả quyết. SOURCE: BÁO THANH NIÊN - LÊ NGA – ĐÀM HUY- HOÀNG TUẤN – QUANG HIỂN  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật