Đôi điều về giải thích pháp luật theo nghĩa rộng

Nguyên tắc bắt buộc đối với công việc giải thích pháp luật là phải mang đến được cho văn bản pháp luật một nghĩa chứa đựng trong ngôn ngữ của văn bản đó. Ở một góc độ khác, hoạt động giải thích pháp luật có thể đưa ra cho văn bản một nghĩa xa hơn ý nghĩa ngôn ngữ của nó, một nghĩa mở rộng hoặc hạn chế hơn nghĩa mà ngôn ngữ của văn bản có thể mang. 1. Giải thích pháp luật theo nghĩa rộng là gì? Giải thích pháp luật là cách thức làm cho việc hiểu, thực hiện pháp luật trong cuộc sống được thống nhất, hợp pháp và hợp lý. Giải thích pháp luật là một cấu thành tất yếu của pháp luật, một bảo đảm đối với pháp luật. Việc tạo lập một cơ chế thích đáng cho giải thích pháp luật là mục tiêu và yêu cầu của mỗi hệ thống pháp luật, mỗi quốc gia. Giải thích pháp luật trong thực tế được tiếp cận dưới nhiều góc độ. Ở góc độ phổ biến, thông thường, góc độ hẹp hiện nay, giải thích pháp luật được xem là: “một hoạt động có lý trí  đưa ra nghĩa của một văn bản pháp luật”1; là “hoạt động liên quan với việc xác định thông điệp có tính quy phạm mà nó xuất hiện từ văn bản”2; là “hoạt động để tìm ra nghĩa và hiểu rõ mục đích của tác giả văn bản pháp luật”3…(Từ đây, xin gọi giải thích pháp luật theo nghĩa hẹp, nghĩa thông thường là giải thích pháp luật, để định rõ và phân biệt với giải thích pháp luật theo nghĩa rộng sẽ bàn đến sau). Nguyên tắc bắt buộc đối với công việc giải thích pháp luật là phải mang đến được cho văn bản pháp luật một nghĩa chứa đựng trong ngôn ngữ của văn bản đó. Đây là điều kiện cần và đủ đối với một hệ thống giải thích pháp luật hiện tại. Bản thân hoạt động giải thích được giới hạn bằng giới hạn của văn bản, và giới hạn của văn bản phải đặt trong giới hạn của ngôn ngữ. Một hoạt động là giải thích nếu nó đưa ra nghĩa trên văn bản phù hợp với một nghĩa (rõ ràng hoặc ẩn) trong ngôn ngữ (cộng đồng hoặc cá nhân) của văn bản. Giải thích pháp luật có tác dụng trong các giới hạn của ngôn ngữ. Nó truyền đạt cho văn bản một nghĩa mà ngôn ngữ có thể mang. Hoạt động giải thích sẽ kết thúc tại “điểm cuối” của ngôn ngữ4. Ở một góc độ khác, giải thích pháp luật được tiếp cận rộng hơn gấp nhiều lần và khác cơ bản so với giải thích pháp luật thông thường. Dưới góc độ này, hoạt động giải thích có thể đưa ra cho văn bản một nghĩa xa hơn ý nghĩa ngôn ngữ của nó, một nghĩa mở rộng hoặc hạn chế hơn nghĩa mà ngôn ngữ của văn bản có thể mang. Để làm được điều đó, người giải thích có thể tiến hành hàng loạt các thao tác mà nó sẽ trái, thậm chí phá vỡ các luật lệ của giải thích pháp luật thông thường (sẽ phân tích sau)… Đó chính là giải thích pháp luật theo nghĩa rộng. Một số học giả còn gọi cách tiếp cận giải thích pháp luật theo nghĩa rộng là một học thuyết - học thuyết không giải thích (Non-interpretive Doctrines).5 Giải thích pháp luật theo nghĩa rộng vượt ra ngoài ngôn ngữ của văn bản, chúng mang đến cho văn bản một sự hợp lý nhất định mà đôi khi, sự hợp lý đó không có cơ sở vững chắc trong ngôn ngữ của văn bản (tất nhiên, “chuẩn mực” của sự hợp lý phụ thuộc vào truyền thống của mỗi hệ thống pháp luật, vào cơ chế giải thích pháp luật của mỗi quốc gia, và vào tính mục đích, tài năng của bản thân mỗi chủ thể giải thích pháp luật…) Nói giản đơn, công việc của giải thích theo nghĩa hẹp đưa đến nghĩa một cái gì “là”; còn giải thích theo nghĩa rộng sẽ đưa đến nghĩa từ cái gì “là” đến cái gì “không là”. Ở giải thích theo nghĩa rộng, sự “có” của văn bản có thể được suy ra sự “không” của vấn đề khác. Lấy ví dụ, một mâu thuẫn giữa hai đạo luật, giải thích theo nghĩa hẹp sẽ quyết định ý nghĩa của mỗi đạo luật, rút ra hiệu lực của chúng từ các quy tắc giải thích, còn giải thích theo nghĩa rộng đưa đến cách giải quyết mâu thuẫn đó, đến khu vực chứa đựng sự mâu thuẫn. Trong lịch sử các hệ thống pháp luật truyền thống, giải thích theo nghĩa rộng là một phần của giải thích (thông thường), mặc dù nó đi xa và vượt khỏi giới hạn của sự giải thích. Ví dụ, trong hệ thống pháp luật Anh, thẩm phán có quyền thay đổi một văn bản - để tránh những điều ngớ ngẩn - được coi là một phần của hoạt động giải thích pháp luật của thẩm phán. Trong truyền thống pháp luật Đức thì lấp đầy một khoảng trống cũng được coi là hoạt động giải thích (theo nghĩa rộng). 2. Nội dung của giải thích pháp luật theo nghĩa rộng Giải thích pháp luật theo nghĩa rộng là một hoạt động đa dạng và phức tạp. Sự đa dạng, phức tạp chứa đựng ngay trong nội dung của nó. Lấp đầy các khoảng trống trong văn bản Lấp đầy các kẽ hở trong văn bản là hoạt động khác biệt cơ bản so với giải thích pháp luật thông thường. “Giải thích là cung cấp nghĩa cho các quy phạm, còn lấp đầy kẽ hở là thêm ngôn ngữ vào văn bản, thêm quy phạm cho văn bản”6. Trên thế giới, cách tiếp cận với các văn bản là đối tượng của giải thích pháp luật tương đối bao quát, nó có thể là hiến pháp, các đạo luật, các văn bản dưới luật, di chúc, hợp đồng…, tức là tất cả các văn bản, nếu nó liên quan đến cách thức làm cho việc hiểu, thực hiện pháp luật trong cuộc sống được thống nhất, hợp pháp và hợp lý. Khi nào thì một văn bản có kẽ hở? Thứ nhất, khi văn bản chứa đựng những hàm ý mà có thể làm rõ bằng sự giải thích thông thường; thứ hai, khi văn bản không đề cập đến một vấn đề mà nó không lưu tâm; thứ ba, khi sự cung cấp của văn bản đến vấn đề mà nó lưu tâm gây ra sự thiếu sót đối với các vấn đề mà nó không lưu tâm; và thứ tư, khi có sự thiếu khuyết thực sự của văn bản, bản thân văn bản không đủ để điều chỉnh những vấn đề nhất định mặc dù nó tương đối rõ ràng hoặc chắc chắn…7 Và giải thích theo nghĩa rộng cho phép lấp đầy các kẽ hở như vậy trong văn bản. Việc lấp đầy các khoảng trống trong luật: Ở thế kỷ 19, trong hệ thống pháp luật Anglo-Saxon, các thẩm phán đã có được quyền này trong việc lấp đầy các khoảng trống trong luật khi giải quyết vụ việc. Hiện nay, tòa án không được làm như vậy, mà họ phải sử dụng “cái tổ an toàn” của thông luật để giải quyết trong những trường hợp ngôn ngữ của một đạo luật không tương xứng để biểu đạt được mục đích của đạo luật đó8. Pháp luật Anh cho phép lấp đầy khoảng trống trong luật đối với các trường hợp được bao hàm bởi các quy tắc pháp luật thông thường. Việc lấp đầy kẽ hở trong hợp đồng: Kẽ hở trong hợp đồng tạo nên tình trạng không đầy đủ, thiếu thông tin và mâu thuẫn với mục đích của nó. Thông thường một kẽ hở trong hợp đồng được lấp đầy bằng các luật lệ ngầm định, phong tục hoặc tập quán, tất nhiên hiệu quả chung trong những trường hợp này là không lớn, nên trong thực tế các nguồn trên được sử dụng như một sự hướng dẫn. Nguồn thứ hai bên cạnh các luật lệ ngầm định, phong tục hoặc tập quán để giải quyết, trong luật lệ của Anh còn có các “điều khoản mặc nhiên”, tức là việc lấp đầy khoảng trống trong hợp đồng là cần thiết cho hiệu quả và là bổn phận của hợp đồng mà các bên đảm nhiệm9. Luật pháp của Mỹ cũng đã sử dụng các điều khoản hàm ý này, hiện nay thì đã có sự thay đổi, tuy nhiên gần đây, các học giả Mỹ cũng có lưu tâm đến việc sử dụng các “luật lệ ngầm định” để lấp đầy khoảng trống trong hợp đồng10. Ở một vài quốc gia như Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, các thẩm phán được phép lấp đầy các khoảng trống dựa trên các nguyên tắc của tính trung thực, nguyên tắc sự tin tưởng trong luật dân sự để lấp đầy các khoảng trống trong hợp đồng. Hệ thống pháp luật của Thụy Sỹ ủy quyền cho một thẩm phán lấp đầy khoảng trống theo mục đích khách quan của các bên nếu các bên thật thà, trung thực và dựa trên các nguyên tắc của công lý11. Cách tiếp cận khác của Unidroit, “nếu các bên không đồng ý một giới hạn quan trọng đối với các quyền và nghĩa vụ của họ, tòa án sẽ bổ sung vào hợp đồng một giới hạn phù hợp với tình huống liên quan”12. Về việc lấp đầy các khoảng trống trong di chúc: Truyền thống Đức đã từng cho phép lấp đầy khoảng trống trong di chúc. Tòa án Israeli có quy định rõ ràng việc thẩm phán được lấp đầy các khoảng trống trong văn bản, trong đó có di chúc. Giải quyết mâu thuẫn mang tính quy phạm Sự thống nhất trong hệ thống pháp luật là một yêu cầu quan trọng. Các quy tắc trong một hệ thống pháp luật phải nằm trong mối liên hệ và không được mâu thuẫn với nhau. Nhưng trong thực tế, ít có hệ thống pháp luật nào đạt được như vậy. Các quy tắc đối lập và mâu thuẫn với các nguyên tắc của luật lệ và với bản thân các quy tắc khác vẫn đang nảy sinh và tồn tại. Nếu không giải quyết được các mâu thuẫn này, chúng sẽ làm “xói mòn sự ổn định” và “sự tin tưởng chung” đối với cả hệ thống pháp luật. Yêu cầu đặt ra là phải thiết lập các luật lệ cho việc giải quyết các mâu thuẫn đó. Mâu thuẫn mang tính quy phạm là mâu thuẫn giữa các quy tắc mà mỗi quy tắc có giá trị của chính nó, nhưng các quy tắc đó lại không thể áp dụng đồng thời, cùng nhau, cho các vấn đề giống nhau. Trong thực tế, chúng có thể biểu hiện dưới các dạng sau: Mâu thuẫn giữa các quy tắc trong cùng một văn bản: Khi hai hay nhiều quy tắc pháp luật đều không thể cung cấp cách giải quyết vấn đề, khi đó mâu thuẫn xuất hiện. Ví dụ một trường hợp mà tồn tại hai quy tắc, một quy tắc cho phép và một quy tắc cấm đoán, thì hai quy tắc đó mâu thuẫn với nhau. Mâu thuẫn giữa các quy tắc chính là biểu hiện lỗi của hệ thống pháp luật. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bản thân mâu thuẫn cần phải được xác định. Một mâu thuẫn chỉ thực sự tồn tại khi kết thúc tất cả các quá trình giải thích liên quan. Tòa án là chủ thể có vai trò dẫn dắt đến cách giải quyết các mâu thuẫn này nhờ vào sự giúp đỡ của các luật lệ giải thích. “Một mâu thuẫn thực sự tồn tại khi nó làm kiệt sức tất cả các khả năng giải thích đối với nó”. Việc xác định rõ giá trị pháp lý của mỗi quy tắc là hoạt động giải thích theo nghĩa hẹp và quá trình xác định mối liên hệ giữa một quy tắc và một quy tắc khác – giải thích theo nghĩa rộng là khác nhau. Luật lệ để giải quyết mâu thuẫn giữa các quy tắc trong các văn bản khác nhau là luật lệ của giải thích theo nghĩa rộng. Mâu thuẫn có thể tồn tại khi trong một văn bản có hai quy tắc mâu thuẫn với các quy tắc khác. Vậy quy tắc nào sẽ có hiệu lực áp dụng. Thông thường các hệ thống pháp luật đều có cách lựa chọn đối với quy tắc ra đời sau, hoặc quy tắc có giá trị pháp lý cao hơn. Mâu thuẫn giữa các quy tắc trong các văn bản khác nhau: Mâu thuẫn có thể xảy ra giữa hai quy tắc có giá trị pháp lý ngang nhau ở các đạo luật ngang nhau, đưa vào các văn bản khác nhau. Nếu mâu thuẫn là có thực, sau khi thẩm phán đã sử dụng hết các khả năng giải thích thông thường, thì cái chiếm ưu thế sẽ là quy tắc được ban hành muộn hơn, điều này có giá trị đối với cả các đạo luật, di chúc và hợp đồng. Mâu thuẫn giữa các quy tắc có giá trị pháp lý khác nhau: Vấn đề đặt ra là nếu một quy tắc cao mâu thuẫn với một quy tắc thấp hơn, câu trả lời thường xuyên là quy tắc cao nhất có giá trị áp dụng. Vậy vấn đề đặt ra là, làm thế nào để quy tắc cao nhất vẫn là cao nhất, và quy tắc thấp hơn vẫn có thể phát huy được giá trị hợp lý của nó. Ví dụ Hiến pháp New Dilan quy định các thẩm phán không được xem lại tính hợp hiến của các đạo luật. Trong hệ thống pháp luật Hà Lan thì nguyên tắc cao nhất là chính trị chứ không phải là pháp luật, các cơ quan lập pháp không được hoạt động ngoài nguyên tắc này. Như vây, cao nhất có lẽ không phải là pháp luật, cũng không phải là chính trị, mà chính là cái có thể làm mất hiệu lực của một quy tắc thấp hơn. Tiêu chuẩn có tác dụng quyết định đến mối liên hệ giữa hiến pháp và đạo luật; đạo luật và các văn bản dưới luật là tiêu chuẩn của giải thích theo nghĩa rộng. Các thẩm phán không đưa ra nghĩa của các văn bản khác nhau mà xác định rõ hơn hiệu lực pháp lý của chúng, điều này dựa vào luật lệ của giải thích theo nghĩa rộng. Sửa chữa lỗi trong văn bản Thông thường sự sửa chữa lỗi trong văn bản thuộc về tác giả của chúng. Tuy nhiên, thẩm phán trong luật lệ của giải thích thông thường có thể sửa chữa các lỗi đó, trên cơ sở không thêm hoặc bớt; nhưng sẽ là tốt hơn nếu thẩm phán được phép cân nhắc sửa chữa cái có thật xung quanh văn bản hơn là sửa chữa một lỗi, vì với vị trí của họ, thẩm phán là chủ thể mà không ai có thể tranh luận hơn. Trong thực tế cũng có quan điểm cho rằng: “Nếu các từ ngữ của một hành động là trong sáng, anh (tòa án) phải theo chúng, thậm chí dù anh nghĩ chúng sẽ dẫn dắt đến một sự vô lý. Tòa án sẽ là vô lý nếu hỏi, nhà lập pháp liệu có tận tâm không, và tòa án không có gì để làm trong trường hợp này”13. Đây là một nhận định tương đối khắc nghiệt, nó phù hợp hơn với giải thích thông thường, bởi vì sự sửa chữa lỗi của thẩm phán trong thực tế đôi khi giúp nhận ra mục đích của đạo luật, ý định chung của các bên trong hợp đồng và ý định của người lập di chúc trong di chúc. Vì vậy trong những trường hợp nhất định, thẩm phán đã được phép tác động đến một lỗi trong đạo luật trên cơ sở giảng giải, để tránh việc làm hỏng ý định của nhà lập pháp hoặc mục đích của đạo luật, nhất là đối với những trường hợp mà bất cứ một người đọc văn bản nào cũng có thể nhận ra lỗi mà văn bản đó chứa đựng. Truyền thống pháp luật Anh ủy quyền một thẩm phán sửa chữa những lỗi hiển nhiên trong một văn bản đã được ban hành, đây cũng là ý muốn của các cơ quan lập pháp để ý định của văn bản có thể được nhận ra. Hầu hết các hệ thống pháp luật đều cho phép các thẩm phán sửa chữa lỗi trong hợp đồng14. Lỗi trong hợp đồng chính là khoảng trống giữa sự thỏa thuận thực sự đạt được bởi các bên, và sự thỏa thuận mà họ đã thể hiện bằng ngôn ngữ của hợp đồng. Trong Sucession Law, 1965, L.S.I quy định: “Nơi mà một di chúc chứa đựng một lỗi rõ ràng, hoặc một lỗi khi mô tả về người hoặc tài sản, mô tả thời hạn, số liệu, lịch hoặc các vấn đề tương tự mà sự mô tả này có khả năng để quyết định rõ ràng ý định đúng của người để lại di chúc, thì thẩm phán có thể sửa chữa lỗi đó”15. Thay đổi ngôn ngữ trong văn bản để tránh sự vô lý Sự giải thích theo nghĩa hẹp làm cho văn bản được hiểu theo một nghĩa thông thường và tự nhiên của nó. Tuy nhiên không phải lúc nào nghĩa thông thường và tự nhiên của văn bản cũng được ngôn ngữ của văn bản đảm bảo sự hợp lý và thỏa đáng. Khi đó, phải có một “nguyên tắc vàng” của giải thích theo nghĩa rộng xuất hiện, để có thể tránh sự vô lý được mang tới từ các nghĩa của ngôn ngữ văn bản. Thứ nhất, đó là thẩm phán được phép phân chia, làm chệch hướng từ nghĩa tự nhiên, nghĩa thông thường của ngôn ngữ nếu các nghĩa đó sẽ dẫn đến kết quả vô lý16. Nó hướng dẫn người giải thích chọn một nghĩa pháp luật hợp lý của văn bản giữa một số ít các ngữ nghĩa học mà văn bản có thể tổng hợp trong ngôn ngữ. Thứ hai, văn bản có thể mang lại một sự vô lý xa hơn giới hạn của ngôn ngữ, thì cho phép một thẩm phán chữa ngôn ngữ, thêm vào nó, hoặc làm trượt ra từ nó, để tránh sự vô lý17. Hoàn thành mục đích của văn bản bằng những thay đổi nhất định Trong thực tế, đôi khi mục đích mang tính tổng quát của văn bản không được thể hiện ở ngôn ngữ của nó. Trường hợp này, nguyên tắc của giải thích pháp luật thông thường là chỉ được đưa đến cho văn bản một nghĩa mà ngôn ngữ của nó có thể mang, hay mục đích của văn bản chính là cái được thể hiện trực tiếp tại ngôn ngữ hiện hữu của văn bản. Truyền thống thông luật thừa nhận học thuyết giải thích theo nghĩa rộng đối với trường hợp của luật hợp đồng và di sản. Nếu một hợp đồng hoặc một hành động pháp lý của một bên di tặng tài sản cho mục đích công cộng, và mục đích đó không thể được đáp ứng, một thẩm phán có thể ra lệnh tài sản đó được sử dụng cho một mục đích có thật tương tự. Ví dụ: một người để lại di sản của mình cho bệnh viện trong việc điều trị bệnh X. Nhưng thời gian trôi qua, các nhà khoa học đã triệt tiêu được căn bệnh X. Vậy bệnh viện đó có thể sử dụng quỹ đó để chữa trị căn bệnh Y không? Sự giải thích thông thường không cho phép. Nhưng hoạt động giải thích theo nghĩa rộng thì khác, nó có thể dẫn dắt đến kết quả số tiền để chữa bệnh X có thể được dùng để điều trị căn bệnh Y. Hoạt động giải thích theo nghĩa hẹp khi đến giới hạn của nó, người giải thích phải dừng lại; nhưng hoạt động giải thích theo nghĩa rộng thì có thể đi tiếp, cụ thể trong trường hợp này, thẩm phán có thể quyết định rằng quỹ đó được phép sử dụng để chữa trị các căn bệnh khác, và điều này là phù hợp với mục đích và ý tưởng của người để lại tài sản. 3. Nguyên tắc của giải thích pháp luật theo nghĩa rộng Giải thích theo nghĩa rộng chính là hành động rời xa ngôn ngữ của văn bản mà chủ thể giải thích (thẩm phán) mang đến trong quá trình thực hiện. Giải thích theo nghĩa rộng chỉ diễn ra trong thực tế khi có sự cho phép, các chủ thể giải thích phải được ủy quyền, và hoạt động này sẽ chấm dứt khi sự ủy quyền đó kết thúc. Vì vậy, hoạt động này không xuất hiện một cách thông thường, nó là một ngoại lệ và cần có sự bảo vệ bằng một học thuyết đặc biệt, bằng cả một cơ chế giải thích và thực hiện pháp luật nhất định. Nguyên tắc chung, phổ biến là các thẩm phán, các chủ thể giải thích vẫn phải làm việc trong giới hạn của ngôn ngữ. Giải thích theo nghĩa rộng chỉ xuất hiện khi kết thúc tất cả các giai đoạn và thủ thuật giải thích thông thường, khi giải thích theo nghĩa hẹp đã đi hết các chặng đường của nó. Các chủ thể được ủy quyền phải sử dụng những nội dung nhất định của cách giải thích này, trong một giới hạn, phạm vi vấn đề cụ thể, nếu không, các quy tắc giải thích thông thường, nguyên tắc phân chia quyền lực, nguyên tắc dân chủ trong hiến pháp, nguyên tắc tôn trọng sự tự trị của các văn bản tư… sẽ bị xâm phạm. 4. Giá trị và sự vận dụng lý thuyết giải thích pháp luật theo nghĩa rộng vào Việt Nam Giá trị của giải thích theo nghĩa rộng nằm trong bản thân những nội dung mà hoạt động này chứa đựng, tuy nhiên cũng từ chính những nội dung này cho thấy đây là một hoạt động phức tạp và đòi hỏi sự thận trọng cao khi tiến hành. Việc chấp nhận và vận dụng những mức độ nào đó của lý thuyết này tùy thuộc vào quan niệm, vào truyền thống pháp luật, vào cơ chế thực hiện pháp luật, và vào trình độ, hiệu quả hoạt động của các chủ thể giải thích. Nội dung của giải thích theo nghĩa rộng còn có thể được bổ sung, bởi nó phụ thuộc vào nhu cầu, vào cách thức tiếp cận văn bản khi hiểu, thực hiện trong thực tế, vào chính yêu cầu của văn bản khi giải thích, nó cũng biến đổi cùng với sự biến đổi chung của đời sống pháp lý… Tính mục đích là điều phải được cân nhắc đầu tiên khi vận dụng cách thức giải thích pháp luật này. Tiếp đến là việc thừa nhận vai trò của thẩm phán, sự tin tưởng đối với các kết quả xét xử, đến việc tạo lập và phát triển một cơ chế giải thích pháp luật hiệu quả… Giải thích pháp luật theo nghĩa rộng, ở một khía cạnh nào đó, sẽ tạo nên những tác động nhất định đến các nhà lập pháp trong việc biểu đạt và dự liệu các vấn đề có thể xảy ra bằng ngôn ngữ văn bản. Nó yêu cầu hoạt động soạn thảo, ban hành văn bản phải có sự cân nhắc, dự liệu, bao quát và sát thực cao nhất có thể, đối với các tình huống trong cuộc sống. Việc tiếp cận, vận dụng lý thuyết giải thích pháp luật theo nghĩa rộng một cách hợp lý là điều cần thiết. Tuy nhiên, muốn vận dụng có hiệu quả thì phải kiểm soát được nó, phải nhận thức và phát huy được những ưu điểm nó có thể mang lại, đồng thời hạn chế được những hậu quả kinh khủng mà nó có thể gây ra, nếu như tính mục đích trong quá trình giải thích bị điều khiển. Việt Nam chúng ta đang bước đầu chú trọng đến công tác giải thích pháp luật, một phần vì thực trạng giải thích pháp luật thời gian qua, một phần vì chúng ta không thể đứng ngoài xu thế chung của thời đại. Việc có một lý thuyết giải thích pháp luật đồng bộ, một thực tiễn giải thích pháp luật tương ứng là một mục tiêu lớn của Việt Nam. Hoạt động giải thích pháp luật theo nghĩa rộng là hoạt động đòi hỏi một trình độ cao trên tất cả các phương diện pháp lý. Tham khảo, vận dụng ở mức độ thích hợp lý thuyết này, cũng chính là một cách hoàn thiện về lý luận và thực tiễn giải thích pháp luật của chúng ta trong quá trình hội nhập và phát triển. (1) C. Ogden and I.Richard, The meaning of meaning, (10th ed, 1956); M.S.Moore, “Semantics of Judging”, 54 S. Cal. L.Rev. 151 (1981); H.Hart and A. Sachs, “ The legal process”, 1994 (2) K.Larenz, “Methodenlehre der Rechtswissenchaft”, (5th ed, 1983) (3) F.V.Hawkins, “On the Priciple of Legal Interpretation”, (298-357, 1860) (4) J. Steyn, “Interpretation: Legal Texts and Their Landscape,” (73, 82, B. Markesinis ed, 2000) (5) Aharon Barak, “Porposive Interpretation in Law”, (61-97, Princeton Uni, 2005) (6) J. H. Merryman, “The Italian Legal Style III: Interpretation”, 18 Stan. L. Rev. 583, 1996 (7) Aharon Barak, “Porposive Interpretation in Law”, (67-68, Princeton Uni, 2005) (8) N. Marsh, “Interpretation in a National and International”, (67, 1974) (9) The Moorcock (1889) 14 P.D. 64; Luxor (Easthourne) Ltd v. Cooper (1941) A.C. 108 (10) E.A. Farnsworth, “Disputes over Omission in Contracts”, 68 colum. L. Rev. 860 (1986) (11) Section 239 of the Portuguese Civil Code; E. Bucher et al., Schweizerisches Obligationenrecht 160 (1979) (12) Article 4.8 of Unidroit, “Principle of International Commercial Contracts”, 284, 1994. (13) R. v. Lord Esher, “Judge of City of London Court”, (273, 290, Q.B, 1892) (14) Lewison,  supra p.42, note 130 at 227. (15) Sucession Law, 1965, 19 L.S.I. 58, 63, sec. 32. (16) Benion, supra p.6, note 13 at 751; Cross, supra p.3, note 3 at 16; Lewison, supra p.42, note 130 at 85 (17) Cross, supra p.3, note 3 at 16. Phạm Thị Duyên Thảo - Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật