DOANH NHÂN VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP

TS. ĐẶNG NGỌC LỢI – TS. NGUYỄN VĂN HÙNG Được ví như “nguồn của cải vật chất khổng lồ” đóng góp vào tiềm lực kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế của dân tộc trên trường quốc tế, có thể khẳng định, doanh nhân Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa sức mạnh và vai trò làm giàu cho đất nước của doanh nhân thời hội nhập thì rất cần một môi trường kinh doanh và hành lang pháp lý thông thoáng nhưng quan trọng hơn cả vẫn là vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Nguồn của cải, vật chất khổng lồ Một trong những thành tựu nổi bật nhất trong 20 năm đổi mới vừa qua, đặc biệt trong khoảng năm năm trở lại đây, là sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam với khoảng 180.000 doanh nghiệp chính thức hoạt động trong cả nước. So với các nước trong khu vực, Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, nhưng rõ ràng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và sự tiến bộ vượt bậc về xuất khẩu của nước nhà trong những năm gần đây đã nói lên sự trưởng thành đáng kể của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và khẳng định rõ vai trò của đội quân tiên phong trên mặt trận kinh tế làm giàu cho đất nước, cho xã hội và là nguồn của cải vật chất khổng lồ cần được khai thác. Để tôn vinh những đóng góp của doanh nhân đối với sự phát triển đất nước, bắt đầu từ năm 2004, ngày 13 tháng 10 hàng năm đã được lấy làm ngày Doanh nhân Việt Nam để xua đi những ngờ vực trước một lực lượng đang lớn mạnh. Tuy nhiên, đứng trước vận hội mới, điều cần có ở mỗi doanh nhân chính là tinh thần cầu thị, cầu tiến, tỉnh táo đi đôi với tự tin, không tự mãn, chủ quan, tự ti mà cần phải học hỏi. Song quan trọng hơn cả và không thể thiếu đối với doanh nhân là phải biết chấp nhận rủi ro, chấp nhận chìm nổi. Còn nếu là doanh nhân chỉ dũng cảm, có sáng tạo nhưng không chấp nhận rủi ro thì khó mà tồn tại. Những năm qua, mặc dù đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân còn chưa mạnh. ít được đào tạo bài bản, đúng nghĩa là một doanh nhân đủ tầm, đủ kinh nghiệm để tự tin khi đàm phán, ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài mà chủ yếu là trưởng thành từ kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh. Do đó, khi quan hệ, giao dịch với nước ngoài, doanh nhân Việt Nam gặp không ít khó khăn như sơ hở trong thương thảo hợp đồng thương mại, thiếu hiểu biết luật lệ… của các nước để rồi phải trả một cái giá khá đắt trong đàm phán liên doanh với các đối tác nước ngoài. Đó là chưa nói đến không ít doanh nhân nắm giữ các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, do yếu kém về quản lý, thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu kiến thức dẫn đến đầu tư kém hiệu quả; dung túng, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng làm thất thoát tiền tỷ của nhà nước. Làm mất lòng tin giữa doanh nhân với doanh nhân và với dư luận xã hội. Cần “bà đỡ” để phát huy sức mạnh Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, để hội nhập và cạnh tranh thắng lợi, hơn bao giờ hết yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngang tầm khu vực và thế giới, cả về số lượng và chất lượng đang là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Tuy nhiên, để phát triển đội ngũ doanh nhân không chỉ dừng lại ở sự nỗ lực của doanh nhân mà cần phải có sự cổ vũ, hỗ trợ của cả cộng đồng, của toàn xã hội, đặc biệt yếu tố quan trọng không thể thiếu được, đó là vai trò bà đỡ của Nhà nước, trong đó tập trung vào các vấn đề: Thứ nhất, đổi mới tư duy về quản lý nhà nước. Đảng và Nhà nước cần phải hết sức cởi mở với doanh nhân, trước hết là về mặt cơ chế, chính sách và pháp luật. Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách hành chính là chuyển quản lý nhà nước theo kiểu cai trị như trước đây sang phục vụ, lấy mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, nhân dân là chính. Điều đó cũng có nghĩa là những gì khó thì các cơ quan quản lý nhà nước phải gánh trách nhiệm để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Mặt khác cần đổi mới nhận thức trong bộ máy quản lý nhà nước theo hướng các cơ quan quản lý phải vừa là người điều hành vừa là đối tác của doanh nhân, biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của họ. Thường xuyên đối thoại giữa doanh nhân và chính quyền để doanh nhân cùng tham gia xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh. Thứ hai, đột phá vào khâu cải cách thủ tục hành chính. Cải cách thủ tục hành chính là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách, nhưng làm sao để những thủ tục mới đó không chỉ là những quy định trên giấy tờ văn bản mà nó phải thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những hiệu quả thiết thực. Để thực hiện điều đó, các cơ quan Nhà nước cần có tư duy sát thực hơn về hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân theo hướng trước hết đây vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của họ. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải nhận thức, quán triệt quan điểm phục vụ trong chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trung tâm theo hướng nhận khó khăn về phía mình để tìm cách đơn giản hoá thủ tục hành chính tới mức cao nhất, đem lại thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, mọi thủ tục hành chính cần hướng vào việc tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân. Các thủ tục hành chính cần được thiết kế theo hướng để khi doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện với thời gian ngắn nhất và chi phí thấp nhất chứ không phải là theo cơ chế ‘’xin-cho’’ như hiện nay. Thứ ba, tăng cường việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, doanh nhân. Hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, la những dịch vụ vô cùng cần thiết đối với doanh nhân. Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này cho thấy hoạt động hỗ trợ này mạnh và chất lượng cao sẽ là yếu tố rất quan trọng giúp doanh nhân có các quyết định sáng suốt, chính xác các hoạt động kinh doanh. Việc hỗ trợ này của Nhà nước còn giúp các doanh nghiệp, doanh nhân giảm chi phí sản xuất, thực hiện các phương án kinh doanh hiệu quả hơn. Mặt khác, việc nghiên cứu thị trường thế giới là một việc rất phức tạp đối với các doanh nghiệp bởi giới hạn về trình độ, khả năng ngoại ngữ, nguồn tài chính eo hẹp… Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần phải phát triển mạnh hệ thống thông tin quốc gia bằng chi phí Nhà nước với nhiều hình thức khai thác thông tin khác nhau để cung cấp cho doanh nghiệp và các doanh nhân để tìm hiểu thông tin thế giới, cũng như thực hiện những hoạt động tiếp thị và cạnh tranh ra bên ngoài. Thứ tư, cần có sự đánh giá công bằng đối với doanh nhân. Công bằng với doanh nhân trước hết là thái độ đối xử công bằng của Nhà nước, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, của các nhà báo và của toàn xã hội khi đánh giá đúng – sai, cái hay và chưa hay. Một việc làm của một doanh nhân có thể được đánh giá khác nhau, nhưng yếu tố cốt lõi nhất, có tính bản chất nhất là doanh nhân đó có làm lợi cho dân, cho nước không? Hành lang pháp lý có lúc quá mênh mông, có lúc lại quá chật hẹp và thường đi sau đòi hỏi của cuộc sống. Trong bối cảnh đó, doanh nhân “va đập” với hành lang pháp lý là chuyện phải xảy ra. Nếu như sự “va đập” đó mà hiệu quả cuối cùng là vì dân giàu nước mạnh thì doanh nhân cần phải được phong là anh hùng. Còn nếu cứ “tròn vo”, lúc nào “cũng đúng”, nhưng chẳng đóng góp được gì cho xã hội thì cái đúng của doanh nhân chỉ là con số không. Bên cạnh đó, cần phải khẳng định giá trị của doanh nhân trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay. Nếu trước đây vai trò của các tướng lĩnh quyết định thắng lợi trên chiến trường, thì ngày nay trong xây dựng kinh tế vai trò của các doanh nghiệp (các tập đoàn kinh tế), vai trò của doanh nhân quyết định chiến thắng trên các thương trường… Do vậy, cần chuyển đổi các giá trị đạo đức cho phù hợp: từ phấn đấu cho độc lập tự do của dân tộc (Không có gì quý hơn độc lập tự do) sang chấn hưng đất nước, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” đó là một giá trị đạo đức cao đẹp – Doanh nhân phải là người nêu cao giá trị đạo đức mới và là nhân vật tiêu biểu cho giá trị đó. Thứ năm, cần có các chuẩn mực, các tiêu chí cụ thể phù hợp về doanh nhân chứ không nên dừng lại ở những tiêu chí chung chung mà hình như ai làm kinh doanh cũng có thể được coi là doanh nhân.Chúng tôi đồng tình với ý kiến cho rằng, không thể coi doanh nhân là “con buôn”, là “tiểu thương”, là “tiểu chủ”,… Vì vậy, cần sớm tổ chức tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát để chính thức có các tiêu chí về doanh nhân ở nước ta. Tiêu chí để xác định doanh nhân thành đạt hay doanh nhân có thể dựa trên tiêu chí kinh tế – xã hội để xác định. Dưới góc độ kinh tế – xã hội, có thể có nhiều tiêu chí để xác định doanh nhân, chẳng hạn như: vốn điều lệ, thị phần, nộp ngân sách nhà nước hằng năm, số lượng người lao động, chính sách trả lương, đãi ngộ, giáo dục – đào tạo, quan hệ với người lao động, thương hiệu của doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội, hoạt động tình nghĩa, mức độ ảnh hưởng của doanh nhân đối với xã hội… Chúng ta có thể phối hợp các tiêu chí trên để nhận diện doanh nhân. Sau khi đã xác định các tiêu chí về doanh nhân, cần phân loại doanh nhân. Thứ sáu, thường xuyên giáo dục tinh thần kinh doanh cho doanh nhân.Tinh thần doanh nghiệp là một khái niệm đang còn tranh cải và được hiểu khác nhau nhưng có những khía cạnh chung như: dám chấp nhận rủi ro; có đầu óc sáng tạo; có tính độc lập… Với những khía cạnh chung này cho thấy, chỉ có những doanh nhân có tinh thần doanh nghiệp mới có lòng tự tin vào năng lực bản thân, mới có bản lĩnh và quyết đoán; không cam chịu số phận và luôn muốn thay đổi hoàn cảnh; không bao giờ hài lòng với thực tại; chấp nhận rủi ro và có tinh thần sáng tạo cao. Đây là những phẩm chất và tính cách rất cần cho các doanh nhân. Nó không hoàn toàn là yếu tố có tính bẩm sinh mà cần phải thông qua đào tạo và huấn luyện mới hình thành được. Việc đào tạo các kiến thức kinh doanh và các kỹ năng cho các doanh nhân là một công việc phức tạp, nhưng có thể nói, so với đào tạo và huấn luyện tinh thần kinh doanh lại là một việc dễ dàng hơn. Chỉ thông qua giáo dục và giáo dục thường xuyên tinh thần kinh doanh cho doanh nghiệp thì mới hy vọng có được đội ngũ doanh nhân trẻ, sáng tạo, có phong cách ứng xử quốc tế, nhưng vẫn giữ được tính truyền thống và văn hoá của cha ông, cũng như có tinh thần vì cộng đồng. Giáo dục tinh thần doanh nghiệp là cái gốc để hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân thực thụ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Do đó, chúng ta cần phải thường xuyên bồi dưỡng lý tưởng, đạo lý, triết lý làm giàu cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ để họ trở thành những doanh nhân thực thụ của Việt Nam có đủ năng lực và bản lĩnh để cạnh tranh với các doanh nhân trên thế giới. Thứ bẩy, đổi mới tư duy trong hợp tác kinh doanh. Doanh nhân chúng ta cần phải chuyển cách suy nghĩ từ “ai thắng ai” sang “hai bên cùng thắng”. Thương trường tuy có thể hiểu là chiến trường nhưng nó có những quy luật rất khác so với chiến tranh một mất một còn bằng súng đạn. Vì vậy, chúng ta cần từ bỏ nếp suy nghĩ phải thắng đối thủ bằng mọi giá để vừa hợp tác vừa cạnh tranh, tìm bạn và đối tác để tạo thêm thế mạnh cho mình. Tổ tiên chúng ta đã dạy “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, tức là phải huy động trí sáng tạo, phải làm khác họ và hay hơn họ. Và nếu cần áp dụng chiến lược bắt tay với đối thủ để chia sẻ thị trường. Không cần và không nên tạo ra đối thủ không cần thiết để tiêu phí sức lực quý báu trong thương trường này. Với tư duy mới, các doanh nhân sẽ có thể hợp tác với những doanh nhân đủ mọi màu da, sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, có tôn giáo và văn hoá khác nhau. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, doanh nhân cần phải tự trang bị cho mình năng lực giao tiếp, ngoại ngữ, chuẩn bị kỹ càng cho các cuộc đàm phán, cho từng hợp đồng để không bị trả những học phí không đáng có. Thứ tám, xây dựng chương trình đào tạo đặc biệt để luyện một thế hệ doanh nhân “nòi” cho tương lai. Doanh nhân là một nghề nhưng cần được hiểu đó là một nghề đặc biệt, không phải ai qua đào tạo cũng đều trở thành doanh nhân mà phải là những người có năng khiếu, có sự ham muốn, say mê nghề nghiệp mới có thể học để trở thành nhà kinh doanh giỏi. Nhân tài kinh doanh cũng giống như các nhân tài khác, không thể đào tạo hàng loạt chỉ qua các trường lớp. Vì vậy, cần phải áp dụng chương trình đạo tạo dài hơi, học đi đôi với hành, đồng thời người được đào tạo phải chứng minh được trên thực tế là có tố chất để trở thành doanh nhân. Theo kinh nghiệm của ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản và Tư vấn đầu tư xây dựng Đông Á, ông sẽ không giao doanh nghiệp cho con mình (mặc dù đã tốt nghiệp cao học quản trị kinh doanh và đang chuẩn bị hoàn thành luận án tiến sĩ trước khi trở về nước làm doanh nhân) điều hành nếu như họ chưa chứng minh được khả năng qua công việc kinh doanh. Công việc đào tạo sẽ tiếp tục phần 2 được gọi là “thực tế” đối với các doanh nhân tương lai. Các “học viên” này sẽ được ông giao một phần vốn nhỏ, tự lập doanh nghiệp và tự lăn lộn với thương trường để rèn luyện và chứng tỏ năng lực./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật