Nhà nước và thị trường là những thiết chế xã hội cơ bản, vừa bổ sung lẫn nhau, lại vừa có thể thay thế cho nhau, cùng có chức năng giống nhau là phối hợp hoạt động của các cá nhân, nhưng dựa trên những nguyên lý khác nhau: hành chính mệnh lệnh và tự do cạnh tranh. Về cơ bản, trong các huyết mạch của thị trường luân chuyển các dòng tư bản, còn các huyết mạch của nhà nước lại luân chuyển các dòng quyền lực. Nằm tại giao diện giữa hai môi trường đặc thù đó, các doanh nghiệp nhà nước không chỉ có thuận lợi, mà cũng đã phải nếm trải rất nhiều gian nan.
Từ kế hoạch 3…
Cần nhắc lại rằng, cho đến giữa thập niên 1980, bất chấp việc đưa một số khuyến khích vật chất hạn chế như “khoán 100” vào sản xuất nông nghiệp hay “kế hoạch 3” vào công, thương nghiệp, nền kinh tế Việt Nam với hơn 80% sản phẩm được làm ra bởi các hợp tác xã và các xí nghiệp quốc doanh vẫn lâm vào khủng hoảng nặng nề không phải do thiên tai, địch hoạ, mà do tình trạng mất động lực tràn lan.
Quá trình Đổi Mới do Đảng phát động từ năm 1986 đã phá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp kìm hãm, từng bước chuyển giao những quyền lực quan trọng vào tay các doanh nghiệp và người dân, giải phóng các động lực mới cho tăng trưởng. Lưu ý rằng vào giai đoạn đầu, việc chuyển giao nhấn mạnh vào các quyền giao dịch, ví dụ như quyền tự chủ trong kinh doanh, định giá, xuất nhập khẩu…, chứ không phải quyền sở hữu, khiến cho cải cách kinh tế ở Việt Nam mang đặc trưng tự do hoá chứ không phải là tư nhân hoá, tránh được nguy cơ thất thoát ồ ạt tài sản công. Sự bùng nổ của thị trường, nhất là tại khu vực nông nghiệp và dịch vụ, đã cứu nền kinh tế thoát khỏi sự sụp đổ.
Tuy nhiên, trong điều kiện còn hết sức nghèo nàn về thể chế, cũng chính sự bùng nổ của thị trường, một mặt, đã hút kiệt các nguồn lực vốn đã rất khan hiếm từ khu vực quốc doanh, làm điêu đứng các DNNN và sản xuất công nghiệp, mặt khác làm nảy sinh các “bong bóng” thị trường như “xí nghiệp nước hoa Thanh Hương” và phong trào lập quỹ tín dụng, dẫn tới các vụ phá sản dây chuyền vào cuối thập niên 1980. Nhịp độ cải cách vì thế mà chững lại.
… đến chủ động xây dựng thể chế kinh tế thị trường
Nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường, trong đó có việc ban hành vào những năm 1990-1991 các luật về hợp đồng, công ty, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức tín dụng…, đã đẩy tiến trình cải cách vượt qua điểm chết. Đặc biệt, pháp lệnh về ngân hàng quốc doanh và Nghị định số 388/HĐBT ngày 20/11/1991 về quy chế thành lập và giải thể DNNN đã tạo ra bước ngoặt trong quá trình củng cố khu vực kinh tế nhà nước. Chỉ trong vòng hai năm 1991-1993, cùng với số lượng doanh nghiệp tư nhân được thành lập mới tăng từ hơn 100 lên 4.200, thì số lượng DNNN đã giảm từ hơn 12.000 xuống còn còn gần 6.000 thông qua việc giải thể và sắp xếp lại các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Các quyết định 90/TTg và 91/TTg ban hành vào tháng 3/1994 mở đường cho việc sắp xếp lại các DNNN có quy mô tương ứng trên 100 tỷ và 1.000 tỷ đồng, dẫn tới việc ra đời 101 “tổng công ty 90 và 91” tập trung vào những lĩnh vực then chốt như Điện lực, Bưu chính – Viễn thông, Than, Dầu khí, Thép, Giấy, Lương thực, Cao su, Chè, Cà phê, Hàng không, Hàng hải…
Cố duy trì vị thế độc quyền
Rõ ràng, trong khi thị trường ngày càng mở rộng, các DNNN lại thể hiện xu hướng tập trung, co cụm để duy trì vị thế độc quyền của mình tại những ngành có mức độ co giãn giá cả tư liệu sản xuất đầu vào thấp, còn giá cả đầu ra có thể chi phối. Các chủ thể này không chỉ được bảo vệ bởi Luật DNNN năm 1995 và Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997, mà còn được “rào giậu” kỹ lưỡng bởi các nghị định riêng cho phép dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng mềm và đất đai giá rẻ, có quyền quy hoạch và điều tiết ngành, khiến cho các luật Cạnh tranh và Phá sản doanh nghiệp bị vô hiệu hoá.
Sự kết hợp “3 trong 1” này của quyền hành chính, quyền sở hữu và quyền quản trị kinh doanh cho phép các DNNN nhanh chóng phục hồi năng lực sản xuất kinh doanh, lần đầu tiên từ sau khủng hoảng hình thành “thế chân kiềng” cùng với khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cũng cho phép các DNNN và khu vực kinh tế nhà nước trở thành trụ cột có vai trò quyết định trong việc chống đỡ nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 – 1998, trong khi khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài suy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, cũng chính việc gia tăng sức mạnh và khôi phục địa vị chủ đạo này của các DNNN lại gây tác dụng ngược, cản trở quá trình cải cách cơ cấu sở hữu được bắt đầu bởi một loạt Nghị định của Chính phủ khởi động quá trình cổ phần hoá. Các tổng công ty lớn tuột khỏi tầm “chủ quản” của các Bộ, ngành, hành chính hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh, trở thành các nhóm lợi ích có thế lực lobby các nguồn lực và quyền lực ưu đãi. “Xin-cho” trở thành phương thức hoạt động phổ biến của DNNN. Vào năm 2001, DNNN được khẳng định là “giữ vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế-xã hội và chấp hành pháp luật”.
Thử thách trong hội nhập
Rất có thể khối DNNN sẽ còn thâu tóm được nhiều quyền lực hơn và trở nên kém hiệu quả hơn nếu không gặp phải thách thức mới – quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù về nguyên tắc, độc quyền ngoại thương của DNNN đã được bãi bỏ từ năm 1998 dưới áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nhưng chính việc đẩy mạnh các cải cách thể chế nhằm sớm đưa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ đầu thập niên 2000 mới gây sức ép thực sự mạnh mẽ lên các chủ thể được bảo hộ này.
Để đảm bảo “một mặt bằng” kinh doanh bình đẳng thống nhất, các DNNN được yêu cầu chấm dứt tình trạng “3 quyền trong 1”. Bắt đầu một “cuộc chiến” dai dẳng nhằm níu giữ lại “các đỉnh cao chỉ huy”. Chỉ trong vòng 6 năm từ 2001-2006, việc phải ban hành tới 5 Nghị định hướng dẫn việc sắp xếp, cổ phần hoá các DNNN không chỉ phản ánh nỗ lực của Chính phủ, mà còn cho thấy quá trình này gặp phải những cản trở nghiêm trọng. Kết quả là từ 2001 đến hết 2005 đã thực hiện cổ phần hoá 2.472 DNNN với khoảng 11% tổng số vốn của các DNNN. Tuy nhiên, sang năm 2006 chỉ có thêm 595 doanh nghiệp được cổ phần hoá với tổng số vốn đạt 12%, còn năm 2007 thì chỉ cổ phần hoá được vỏn vẹn 82 doanh nghiệp đưa tổng số vốn đã cổ phần hoá lên 17%.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ chuyển đổi hình thức, còn bộ máy quản lý về thực chất vẫn không thay đổi, vẫn phụ thuộc nặng nề về vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự lãnh đạo thì chịu sự định đoạt của các cấp chính quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước. Tại một số địa phương, liên kết “hỗ trợ nhau” về lợi ích giữa chính quyền, DNNN và ngân hàng thương mại quốc doanh đóng trên địa bàn làm phát sinh các “đại công trường, đại công nợ”.
Cái “áo” tập đoàn
Mặc dù tính pháp lý không được Luật DNNN năm 2003 quy định, nhưng đó xuất hiện hình thức chuyển đổi mới đối với các tổng công ty lớn theo mô hình tập đoàn công ty mẹ-con. Mô hình này cho phép các tập đoàn – công ty mẹ chỉ thực hiện cổ phần hoá các công ty con, trong khi bản thân vẫn tiếp tục quá trình tập trung vốn và quyền lực. Trong nhiều trường hợp đây chỉ là việc lắp ghép thuần tuý cơ học, nặng về hình thức, nhẹ về thực chất. Nếu không thực hiện được kiểu “tam quyền phân lập” đối với các chủ thể này, thì sẽ khó lòng “xoá bỏ độc quyền và đặc quyền sản xuất kinh doanh của DNNN; DNNN có quyền tài sản, thực sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên thị trường và trước pháp luật”, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X.
Hiện các DNNN vẫn nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, trên 80% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tổng lượng tín dụng trong nước, trên 70% vốn vay nước ngoài. Mức độ độc quyền của các doanh nghiệp này là rất lớn. Đó là các đại gia như VNPT, Viettel, Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Thép, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than-Khoáng sản, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Cao su…
Tuy nhiên, trên thực tế các DNNN chỉ sản xuất ra chưa tới 40% GDP (so với 45% của khu vực ngoài quốc doanh và 15% của các doanh nghiệp FDI), đóng góp 30% thu ngân sách về thuế và chỉ tạo ra việc làm cho gần 10% lực lượng lao động. Thêm vào đó, xu hướng gia tăng nhanh hệ số ICOR của khu vực Nhà nước: từ 3,6 năm 1995 lên 9,1 năm 2005 là đáng lo ngại (trong khi ICOR của khu vực các doanh nghiệp tư nhân chỉ tăng từ 2 lên 4,1, còn ICOR của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại giảm từ 9,6 xuống 5,2), hàm ý rằng hiệu quả đầu tư của các DNNN đang giảm sút nhanh chóng.
Báo cáo Kiểm toán nhà nước công bố ngày 17/8/2006 cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn và DNNN được khảo sát chỉ đạt từ 0,18% đến 0,8%, ví dụ, của Vinashin là 0.42%, của Vinatex là 0.8%. Các doanh nghiệp này chỉ sử dụng 50% hiệu suất tài sản, nhưng lại có tổng nợ đọng về thuế lên tới 4.300 tỷ đồng, trong khi vẫn tiếp tục được Nhà nước bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước với khối lượng rất lớn. Tình trạng thiếu hiệu quả của nhiều DNNN, đến lượt nó, làm tăng mức độ rủi ro và kéo tụt hiệu quả kinh doanh cũng như khả năng sinh lời của các chủ nợ là khối ngân hàng thương mại quốc doanh. Việc giải thể Tổng công ty Da-Giầy, sự xuống cấp nghiêm trọng của Tổng công ty Thuỷ sản, Tổng công ty Tằm-Tơ, Tổng công ty Chăn nuôi, và hàng loạt các vụ tham nhũng bị phát hiện tại hầu khắp các DNNN lớn là những tín hiệu rõ ràng về sự thiếu hiệu quả trên.
Quyết liệt đổi mới
Có thể nói, từ cả quan điểm nhà nước lẫn thị trường, các DNNN hiện nay vừa không đáp ứng được yêu cầu về lợi nhuận và hiệu quả đối với doanh nghiệp, vừa không cung ứng được các “hàng hoá công cộng” chất lượng cao như cơ sở hạ tầng và ổn định vĩ mô. Dưới hình thức tăng trưởng bằng vay nợ, nhiều DNNN đã góp phần không nhỏ vào tình trạng lạm phát và nhập siêu hiện nay. Báo cáo “Top 200: Chiến lược công nghiệp của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam” của Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) cũng chỉ rõ các DNNN lớn có xu hướng không đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính, mà lại đầu tư, thực chất là đầu cơ vào lĩnh vực tài chính và bất động sản nhiều rủi ro.
Căn nguyên của vấn đề là tính thiếu hiệu lực của quyền sở hữu công phát sinh do cơ chế người chủ – người đại diện luôn chứa đựng những mâu thuẫn khó giải quyết về lợi ích. Tình trạng thiếu luật lệ về công sản, đầu tư công, … càng làm cho công sản bị định giá thấp, quản lý lỏng lẻo, phân bổ, sử dụng tuỳ tiện, thậm chí bằng các giao dịch ngầm, gây thất thoát lớn. Địa vị độc quyền của các DNNN đang bị thách thức do lực lượng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI đang ngày càng trở nên áp đảo cả về sản lượng GDP lẫn về số lượng doanh nghiệp.
Trong khi thể chế thị trường ngày càng mở rộng, việc các DNNN chậm được đổi mới đã dẫn đến tình trạng gia tăng “vùng chồng lấn” giữa thể chế thị trường và nhà nước, kích thích việc sử dụng quyền lực Nhà nước trong kinh doanh, cũng như các trao đổi “quyền-tiền” trong việc ban hành và thực thi các mệnh lệnh của Nhà nước. Điều này làm giảm mức độ tương thích giữa thể chế thị trường và thể chế hành chính, cản trở chuyển đổi chức năng Nhà nước sang điều hành vĩ mô, sử dụng các công cụ luật pháp và tài khoá-tiền tệ.
Rõ ràng là sự mở rộng của quan hệ thị trường đang đe doạ biến “lãnh địa” của các DNNN thành ốc đảo. Để duy trì sự kiểm soát độc quyền, các DNNN bắt đầu chuyển dịch theo hướng kết thành những bè mảng thông qua việc thiết lập các liên kết ngang, hình thành các conglomerate đa ngành hay mua cổ phần của các doanh nghiệp và ngân hàng, hình thành kiểu “sở hữu chéo” giữa các DNNN. Về trung và dài hạn, những bè mảng đa ngành này có thể sẽ thay thế cho các độc quyền đơn ngành. Tuy nhiên, câu hỏi rằng liệu những bè mảng này có tạo nên một nền móng nổi nhưng vững chắc, cho phép nền kinh tế Việt Nam tiến ra đại dương kinh tế toàn cầu hay không hiện vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát.
Trung Quốc: “Nắm lớn buông nhỏ”
Trong đội ngũ các doanh nghiệp ở Trung Quốc, có thực lực lớn nhất vẫn là các doanh nghiệp sở hữu Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn và vừa. Số liệu của Uỷ ban Kinh tế Mậu dịch Nhà nước Trung Quốc cho thấy, hiện nay trong các doanh nghiệp công nghiệp của cả nước, số lượng doanh nghiệp sở hữu Nhà nước chỉ chiếm 20%, song tổng số tài sản, doanh thu và thuế lại lên tới 70%.
Từ khi ban hành Luật Công ty vào năm 1993, cuộc cải cách doanh nghiệp sở hữu Nhà nước xác định mục tiêu là chuyển dần sang xây dựng chế độ xí nghiệp hiện đại hóa với nội dung là “quyền tài sản rõ ràng, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, chính quyền và doanh nghiệp tách rời, quản lý khoa học”. Để thực hiện nội dung này, Trung Quốc đề ra phương châm cho cải cách giai đoạn mới là triệt để thực hiện “nắm lớn buông nhỏ”.
Cụ thể là, với các doanh nghiệp mà nhà nước độc quyền, thì Nhà nước đầu tư toàn bộ vốn, việc kinh doanh sẽ ủy thác cho một Hội đồng Quản trị và Chủ tịch Hội đồng, Tổng giám đốc và đại biểu của nhà nước trong Hội đồng do Nhà nước bổ nhiệm; đại biểu Nhà nước có quyền quyết định chính sách, quyền phủ quyết tăng lương và xem xét việc phê duyệt ngân sách của doanh nghiệp; trong các doanh nghiệp sở hữu nhà nước kiểu cạnh tranh, đại biểu Nhà nước không có quyền bỏ phiếu và phủ quyết mà chỉ có quyền kiến nghị.
Tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp lớn và vừa thuộc các ngành thông thường sẽ chuyển thành các doanh nghiệp cổ phần. Căn cứ vào tình hình cụ thể và mức độ quan trọng của lĩnh vực kinh doanh, sẽ thực hiện các hình thức nhà nước khống chế cổ phần, nhà nước góp cổ phần, cá nhân công nhân viên chức đóng góp cổ phần…
Với các doanh nghiệp nhỏ, sẽ thực hiện phổ biến việc sáp nhập, cho thuê, hoặc bán đi. Doanh nghiệp nào yếu kém, không có người thuê hay mua, nợ quá lớn sẽ cho phép phá sản. Để triển khai chủ trương “nắm lớn buông nhỏ”, Trung Quốc sẽ lập ra hàng loạt công ty, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần hữu hạn, trong đó mức độ sở hữu nhà nước tùy thuộc vào số vốn đóng góp.
P.N
Hàn Quốc: Tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp
Ở Hàn Quốc trước năm 1993, các doanh nghiệp Nhà nước tồn tại những vấn đề lớn như đầu tư quá mức, hiệu quả thấp. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra đạo luật quản lý đầu tư doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, Chính phủ sẽ giảm can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và cho phép các doanh nghiệp có quyền tự quyết và linh hoạt cao. Chính phủ chỉ chú trọng tới kết quả cuối cùng là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Giáo sư Shin il Kang, trường Đại học Hansung (Hàn Quốc), cho biết đạo luật này và các nghị định liên quan đã có vai trò tích cực hỗ trợ cho hệ thống đánh giá doanh nghiệp Nhà nước của Hàn Quốc hoạt động hiệu quả. Để đánh giá kết quả hoạt động, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Hội đồng đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước (MEC) và một Ban đánh giá bao gồm các chuyên gia có chuyên môn cao với nhiệm vụ chính là xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Không có điều hành của Chính phủ không thể có tập đoàn… Trong một thời gian dài, Các tập đoàn kinh tế (Chaebol) là động lực thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc phát triển và là một tất yếu của chính sách công nghiệp hoá và phát triển của Hàn Quốc. Chỉ Chaebol mới có khả năng phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hoá chất như mục tiêu của chính phủ Hàn Quốc đề ra trong thập kỷ 70.
Vì vậy, các Chaebol mở rộng quy mô sản xuất trong các năm 1973 – 1980. Sáu chaebol lớn nhất (Hyundai, Samsung, LG, SK, Daewoo và Ssangyong) đạt doanh thu bán hàng tăng bình quân 50,9%/năm trong các năm này. Do vậy, chiến lược phát triển kinh tế của Hàn Quốc còn được gọi là chiến lược do Chính phủ điều hành dựa trên mô hình xuất khẩu và lấy Chaebol làm trung tâm.
Quan hệ giữa chính phủ và các Chaebol ở Hàn Quốc rất chặt chẽ. Ngay từ thời kỳ đầu phát triển, chính phủ đã dành phần lớn viện trợ và các khoản vay tài chính để hỗ trợ thành lập các Chaebol. Ngoài ra, các Chaebol còn được hỗ trợ thêm theo ba kênh: hỗ trợ tài chính xuất khẩu, cho vay ưu đãi, và bảo lãnh cho vay. Cho đến đầu những năm 1980, tất cả các ngân hàng thương mại đều thuộc sở hữu của nhà nước. Do vậy, Chính phủ có thể hỗ trợ các khoản nợ và cho vay các doanh nghiệp. Các Chaebol thường có liên quan đến các dự án của chính phủ và chính phủ cũng ngầm bảo hiểm các dự án bị thất bại của các Chaebol.
Do sự lũng đoạn quá mức của các Chaebol đối với nền kinh tế, chính quyền của Tổng thống Kim Dae Jung đã cải cách nhằm hạn chế và thay đổi tình hình. Năm 2005, Chính phủ Hàn Quốc đã sửa chữa Luật Công bằng thương mại để hạn chế mức đầu tư của Chaebol. Các cơ quan nghiên cứu Hàn Quốc cũng vào cuộc, nhiều báo cáo, dự án cải tổ Chaebol được đệ trình lên Tổng thống.
N.M
Lào: Mỗi năm tái cơ cấu 4-5 DNNN
Từ một quốc gia vào loại nghèo nhất thế giới, kinh tế Lào phát triển ngày càng năng động. Năm 1986, Lào tiến hành phi tập trung hoá quản lý kinh tế và khuyến khích phát triển các DN tư nhân. Sau khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài và công bố quyền sử dụng và chuyển giao đất đai (1992-1993), năm 2001, Chính phủ Lào đã thực hiện chương trình cải cách cơ cấu qui mô lớn, cải thiện chi tiêu công cộng, cải cách doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, duy trì tính minh bạch của các ngân hàng, phát triển mạnh các doanh nghiệp tư nhân.
Mỗi năm, Chính phủ Lào lại xem xét tái cơ cấu khoảng 4-5 doanh nghiệp nhà nước. Trong vòng chưa đầy 10 năm, Lào đã tiến hành cổ phần hoá 800 doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Trong số 65 doanh nghiệp còn lại có khoảng phần nửa là những doanh nghiệp chiến lược sẽ tiếp tục được duy trì dưới hình thức sở hữu nhà nước. Nửa còn lại là các doanh nghiệp không đóng vai trò chiến lược, gặp khó khăn về chuyển giao quyền sở hữu đang đứng trước nguy cơ buộc giải thể.
N.T
… và sự khác biệt với Việt Nam
Ở Việt Nam, mục tiêu đầu tiên của cổ phần hoá là nhằm thu hút vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau, trước hết là cán bộ công nhân viên chức và nhân dân để giải quyết việc thiếu vốn của doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng tại Trung Quốc, cổ phần hoá không chỉ nhằm mục đích thu hút nguồn vốn từ nhân dân hay người nước ngoài mà mục đích chủ yếu là chuyển đổi cơ chế kinh doanh của DNNN nhằm xây dựng chế độ xí nghiệp hiện đại. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã từng bước tiến hành cải cách doanh nghiệp Nhà nước như: mở rộng quyền tự chủ kinh doanh, để lại lợi nhuận, chế độ khoán… Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện các giải pháp đi sâu vào cải cách doanh nghiệp Nhà nước nhằm xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện đại. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ở Trung Quốc đã gắn liền ngay từ đầu với việc phát triển thị trường chứng khoán, kể cả thị trường chứng khoán ở nước ngoài. Do đó, việc cổ phần hóa ở Trung Quốc diễn ra khá sôi nổi, tốc độ tương đối nhanh và đem lại hiệu quả lớn.
M.X
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"