ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THẺ THANH TOÁN TRONG NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

PHẠM THỊ BÍCH HẠNH Tiền mặt đã xuất hiện từ lâu và là một phương thức thanh toán không thể thiếu ở bất cứ một quốc gia nào. Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển, có rất nhiều phương thức thanh toán nhanh chóng, tiện dụng và hiện đại hơn ra đời và được gọi chung là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Và thẻ thanh toán là một trong những phương tiện thanh toán KDTM được sử dụng phổ biến nhất trong giai đoạn hiện nay. 1. Sự cần thiết của thẻ thanh toán trong xã hội hiện đại Cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng và những ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin, tự động hóa…, có rất nhiều hình thức TTKDTM tiện lợi, an toàn đã, đang được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Phương tiện thanh toán tiền mặt là không thể thiếu, song ngày nay, thanh toán bằng tiền mặt không còn là phương tiện thanh toán tối ưu trong các giao dịch thương mại, dịch vụ nữa. Các hoạt động giao dịch thương mại, dịch vụ, hàng hóa ngày nay diễn ra mọi lúc, mọi nơi, vượt qua cả giới hạn về khoảng cách. Xét trên nhiều góc độ, khi hoạt động thanh toán trong xã hội còn thực hiện phổ biến bằng tiền mặt có thể dẫn đến một số bất lợi và rủi ro như: Chi phí của xã hội để tổ chức hoạt động thanh toán (như chi phí của Chính phủ cho việc in tiền; chi phí vận chuyển, bảo quản, kiểm, đếm tiền của hệ thống ngân hàng, của các chủ thể tham gia giao dịch thanh toán) là rất tốn kém; việc thực hiện giao dịch thanh toán bằng tiền mặt dễ bị các đối tượng phạm pháp lợi dụng để gian lận, trốn thuế, trì hoãn hoặc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng hoặc các chủ nợ; vấn đề an ninh trong thanh toán, bảo quản, vận chuyển tiền mặt luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm; sử dụng tiền mặt trong giao dịch thanh toán của xã hội sẽ là môi trường thuận lợi cho tội phạm lưu hành tiền giả, đe dọa trực tiếp đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân và tình hình an ninh quốc gia.   Các bất lợi và rủi ro trên đây là vấn đề xảy ra với bất kỳ quốc gia nào, song với các nước mà thanh toán bằng tiền mặt còn ở mức phổ biến trong xã hội như VN hiện nay thì tình hình sẽ càng phức tạp và khó kiểm soát hơn. Để khắc phục tình trạng trên thì hàng loạt các phương tiện thanh toán KDTM ra đời như: séc, UNC, UNT, L/C và đặc biệt là thẻ thanh toán- một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt rất được ưa chuộng trên thế giới và rất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của VN hiện nay. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg (ngày 29/12/2006) phê duyệt Đề án TTKDTM giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 tại VN. Đề án là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động thẻ thanh toans đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới của VN hiện nay. 2. Lịch sử hình thành và phát triển thẻ thanh toán tại VN Năm 1990 hợp đồng làm đại lý chi trả thẻ Visa giữa ngân hàng Pháp BFCE và Ngân hàng Ngoại thương VN đã mở đầu cho sự du nhập của thẻ thanh toán vào VN. Sự liên kết này chủ yếu là nhằm phục vụ cho lượng khách du lịch quốc tế đang đến VN ngày càng nhiều. Sau Ngân hàng Ngoại Thương, Sài Gòn Thương Tín cũng liên kết với trung tâm thanh toán thẻ Visa để làm đại lý thanh toán. Có lẽ chính sách mở cửa thông thoáng đã đem lại cho VN một bộ mặt kinh tế – xã hội nhiều triển vọng. Các dự án đầu tư nước ngoài tăng từ số lượng đến quy mô, các định chế tài chính lớn đã chú ý đến VN và đi theo những tập đoàn này là các dịch vụ song hành trong đó thẻ thanh toán là không thể thiếu được. Năm 1995 cùng với Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, Ngân hàng Liên doanh First-Vina-Bank và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Eximbank được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN cho phép chính thức gia nhập tổ chức thẻ quốc tế Mastercard. Năm 1996 Ngân hàng Ngoại thương chính thức là thành viên của tổ chức Visa International. Tiếp sau đó là Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Công thương VN cũng lần lượt là thành viên chính thức của tổ chức Visa Card, trong đó Ngân hàng Ngoại thương và Á Châu thực hiện thanh toán trực tiếp với tổ chức này. Cũng trong năm này Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) phát hành thí điểm thẻ ngân hàng đầu tiên, đồng thời Hội các ngân hàng thanh toán thẻ VN cũng được thành lập với bốn thành viên sáng lập gồm Vietcombank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank) và First Vinabank. Hành lang pháp lý cho hoạt động thẻ lúc ấy chỉ là quyết định số 74 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành ngày10/4/1993, qui định “thể lệ tạm thời về phát hành và sử dụng thẻ thanh toán”. Việc ứng dụng thẻ ở VN vào thời điểm đó còn bị giới hạn rất nhiều về cơ sở pháp lý, điều kiện kinh tế, hạ tầng kỹ thuật… Trên cơ sở thỏa thuận của Ngân hàng Nhà Nước, ngân hàng thương mại thí điểm phát hành thẻ tự xây dựng qui chế, hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ, tức tính pháp lý chỉ dừng ở mức điều chỉnh “nội bộ” giữa ngân hàng phát hành và chủ thẻ. Thị trường thẻ năm 2006, 2007 trở lên sôi động vì VN đã bước vào sân chơi rộng là WTO, thị trường tài chính VN càng cạnh tranh quyết liệt hơn khi có thêm nhiều ngân hàng nước ngoài đầu tư vào đây và dịch vụ thẻ tín dụng, thẻ ATM là một loại “vũ khí” đắc lực để ngân hàng thâm nhập thị trường. Hàng loạt sản phẩm thẻ thanh toán ra đời, mở ra một cuộc “so tài” phát hành thẻ giữa các ngân hàng trong nước. Đầu tiên là Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN – Techcombank, ngân hàng này đã tung ra hàng loạt thẻ thanh toán, nổi trội là thẻ Fastaccess. Tiếp theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank đã kết hợp cùng tổ chức Visa ra mắt thẻ thanh toán Quốc tế Sacom Visa Debit. Đây là phương tiện thanh toán năng động nhắm vào giới doanh nhân: chủ tài khoản có thể dùng thẻ để thanh toán trong và ngoài nước. 3. Những kết quả đạt được Trong hơn 15 năm qua, dịch vụ thẻ phát triển với tốc độ cao, từ việc thẻ ngân hàng được xem như một tài sản hay thương hiệu đối với những gương mặt thành đạt đến nay đã trở thành công cụ thanh toán thông dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, dịch vụ thẻ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, 150-300%/năm. Tính đến hết năm 2007, các ngân hàng phát hành gần 8,3 triệu thẻ, tính bình quân trong gần 10 người dân có một người dùng thẻ. Thống kê cho thấy thị trường thẻ VN năm 2007 tăng trưởng tới 2,5 lần so với năm 2006. Tính đến cuối năm 2007, số lượng thẻ các ngân hàng đã phát hành gần 8,3 triệu thẻ, so với 3,5 triệu thẻ của năm 2006. Hiện tại, tỷ trọng thanh toán bằng thẻ chiếm 6% trong tổng số các giao dịch của các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Trong số các loại thẻ do các tổ chức phát hành thẻ trong nước phát hành, thẻ ghi nợ nội địa (với tên gọi phổ thông là thẻ ATM) chiếm 93,87%, tiếp theo là thẻ ghi nợ (debit card) quốc tế  với 3,65%, thẻ tín dụng (credit card) quốc tế chiếm 2,22% và thẻ tín dụng nội địa chiếm 0,31%.Tuy còn chưa đồng đều về tỷ trọng, song điều này cho thấy dịch vụ thẻ đã tạo ra một kênh dẫn vốn quan trọng cho các ngân hàng, vì hầu hết lượng thẻ phát hành đều gắn với tài khoản tiền gửi cá nhân và có một số dư tiền gửi nhất định trong đó. Tại VN hiện đã có 32 ngân hàng phát hành thẻ, với khoảng 130 thương hiệu thẻ khác nhau, trong đó 54% là thương hiệu thẻ nội địa. Tính đến hết năm 2007, cả nước đã có 4.300 máy ATM, Hơn 23.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ POS. So với năm 2006, các con số trên là 2.500 ATM và 14.000 POS. Các liên minh thẻ chủ yếu tại VN hiện nay bao gồm: - Công ty Smartlink có 25 thành viên, với 2.056 máy ATM (chiếm 48%), 17.502 máy POS/EDC (chiếm 57%) và số lượng thẻ đã phát hành 4.721.946 thẻ (57%) - Liên minh thẻ Đông Á có 5 thành viên tham gia đã phát hành 1.766.053 thẻ (21%), với 783 máy ATM (18%), 1.682 máy POS/EDC (57%) - Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính quốc gia Banknetvn với số lượng máy ATM chiếm 62% (2.654 máy), máy POS/EDC chiếm 46% (10.548) và đã phát hành 5.170.229 thẻ (chiếm 62%). Năm 2007, trong xu hướng gia tăng tính cạnh tranh, nhiều ngân hàng đã phát hành các loại thẻ có độ bảo mật cao và cung cấp nhiều tiện ích đi kèm cho khách hàng sử dụng thẻ, như rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán hoá đơn hàng hóa dịch vụ, mua hàng hoá trực tuyến, thấu chi tài khoản, hưởng các ưu đãi về dịch vụ và giảm giá mua hàng tại các điểm liên kết, trả tiền bảo hiểm qua thẻ… 4. Những hạn chế và nguyên nhân Mặc dù đã đạt những thành quả đáng kích lệ kể trên. Tuy nhiên, thẻ thanh toán VN vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cản trở tiến trình phát triển của thẻ thanh toán: Trở ngại lớn nhất khiến số lượng thẻ còn thấp so với tiềm năng thị trường là do tập quán sử dụng tiền mặt trong tiêu dùng của người dân VN vẫn còn phổ biến. Thống kê của tổ chức thẻ Visa International cho thấy, lượng cung tiền mặt trong lưu thông ở các nước phát triển chỉ 10-25% trong khi ở các nước đang phát triển là 75-90%. Riêng trường hợp VN, theo Trưởng đại diện Visa Gordon Cooper, tiền mặt vẫn là vua, với trên 99% chi tiêu tiêu dùng cá nhân được thực hiện theo phương thức này. Bản thân hệ thống ATM hiện nay ở VN, hầu hết các giao dịch đều để rút tiền mặt, dù trên máy có nhiều tiện ích khác như chuyển khoản, thanh toán dịch vụ bảo hiểm, tiền điện, cước phí điện thoại… Nhiều nước trên thế giới, từng đi trước trong lĩnh vực ATM, trải qua 3 giai đoạn phát triển: đầu tiên là mỗi ngân hàng tự xây dựng hệ thống thanh toán thẻ riêng. Sau đó hình thành các nhóm ngân hàng thỏa thuận dùng chung hệ thống. Cuối cùng, tất cả cùng hợp tác xây dựng một hệ thống duy nhất. “VN là nước đi sau, đáng ra chúng ta có thể học tập để bỏ qua giai đoạn hai, nhưng thực tế thì chúng ta lại bị xoáy vào lối mòn của các nước đi trước”, Cục trưởng Tạ Quang Tiến phân tích. “Nguyên nhân chủ yếu là vì VN thiếu một cơ chế chỉ đạo, điều hành, không có một tổ chức đầu mối, vận động và tập hợp trong khi các ngân hàng thì không đồng thuận, mạnh ai nấy lo. Thậm chí, họ coi phát triển ATM là vũ khí cạnh tranh”. Vấn đề an ninh trong thanh toán thẻ vẫn chưa được đảm bảo, gây sáo chộn và mất lòng tin đối với nhiều người sử dụng thẻ. Hiện nay tình trạng dùng thẻ giả để rút tiền từ tài khoản thẻ của khách hàng cũng thường xuất hiện. Một phần do trình độ quản lý mạng thanh toán còn yếu, kỹ thuật sản xuất thẻ chưa cao. Hiện nay trên thế giới hầu như chuyển sang dùng thẻ chip còn ở VN chủ yếu vẫn là thẻ từ. Như chúng ta biết tính bảo mật của thẻ chip cao hơn thẻ từ rất nhiều. 5. Định hướng phát triển phương thức TTKDTM trong thời gian tới Một trong những định hướng quan trọng của Chính phủ về việc phát triển phương thức TTKDTM là triển khai Đề án TTKDTM, trong đó đưa ra 6 giải pháp đồng bộ giúp tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động TTKDTM ở VN trong thời gian tới. Theo Đề án, đến cuối năm 2010, mức phát hành thẻ trong thanh toán phấn đấu đạt 15 triệu thẻ; 70% các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng… lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Con số này đến năm 2020 phấn đấu đạt lần lượt là 30 triệu thẻ và 95%. Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đến năm 2010 không quá 18%; đến năm 2020 khoảng 15%. Số lượng tài khoản cá nhân vào cuối năm 2010 đạt mức 20 triệu; 70% cán bộ hưởng lương ngân sách và 50% công nhân lao động trong khu vực doanh nghiệp, tư nhân thực hiện trả lương qua tài khoản. Đến năm 2020 đưa những con số này lên lần lượt là 45 triệu tài khoản cá nhân (bình quân mỗi người có 0,5 tài khoản); 95% cán bộ hưởng lương ngân sách và 80% lao động được trả lương qua tài khoản. Các khoản thanh toán giữa các doanh nghiệp thực hiện qua ngân hàng đạt mức 80% vào năm 2010 và đạt 95% vào năm 2020. VN là nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh và ổn định trên 7.5% năm trong nhiều năm; dân số đông, cơ cấu dân số trẻ cùng với việc mở của hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới; sự phát triển bùng nổ của hệ thống ngân hàng và thị trường vốn đặc biệt là thị trường chứng khoán; tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt có xu hướng ngày càng giảm … tất cả các yếu tố trên là tiền đề cho sự bùng nổ thị trường thẻ VN trong thời gian tới. 6. Giải pháp phát triển thẻ thanh toán ở VN Mặc dù phát triển thẻ thanh toán như một xu thế tất yếu của nền kinh tế VN, tuy nhiên để hoạt động thanh toán thẻ mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế cần phải có những giải pháp hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thẻ thanh toán. Sau đây là một số giải pháp cần thiết đối với VN trong giai đoạn hiện nay: Thứ nhất, cần xây dựng cơ chế chính sách về thanh toán một cách đồng bộ, nhất quán, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và CNTT. Ngân hàng Trung ương đóng vai trò quyết định trong việc ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng cho quá trình sử dụng, phát triển các phương tiện thanh toán và hệ thống thanh toán; là người trực tiếp quản lý việc đầu tư xây dựng hệ thống thanh toán thống nhất giữa các ngân hàng; tổ chức, quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động của hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Thứ hai, cần xây dựng hệ thống thanh toán hiện đại dựa trên nền tảng CNTT. Chúng ta phải tận dụng cơ hội và thế mạnh của nước đi sau, thừa hưởng những thành tựu của khoa học công nghệ, vì vậy cần tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống thanh toán hiện đại gồm trung tâm xử lý quốc gia và các trung tâm xử lý khu vực; trang bị máy móc hiện đại và đồng bộ, được quản lý, vận hành bởi đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp trình độ cao, có thể xử lý mọi tình huống, đảm bảo cho hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, không bị ách tắc. Thứ ba, cải tiến thủ tục, quy trình thanh toán của phương tiện truyền thống, phát triển phương tiện thanh toán hiện đại. Khi CNTT được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, quy trình tiếp nhận và xử lý chứng từ trong thanh toán và hạch toán kế toán cần được điều chỉnh cho phù hợp, thuận tiện khi thực hiện giao dịch một cửa. Tích cực đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị; lắp đặt hệ thống máy ATM trên toàn quốc, kết nối qua Trung tâm chuyển mạch tài chính quốc gia, đảm bảo thẻ của các NHTM đều sử dụng được ở tất cả các máy ATM. Tích cực tuyên truyền lợi ích của thẻ tới mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, để thẻ được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống. Thứ tư, Nhà nước cần áp dụng các biện pháp mạnh, có quy định cụ thể đối với tổ chức và cá nhân được phép thanh toán bằng tiền mặt với mức tiền cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển chung của nền kinh tế. Ví dụ, hiện nay nên quy định đối với cá nhân, thanh toán dưới 5 triệu đồng, đối với tổ chức dưới 10 triệu đồng được sử dụng tiền mặt, trên mức đó phải thanh toán KDTM. Đồng thời phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thứ năm, muốn cho thẻ thanh toán được chấp nhận phổ biến trong dân cư đòi hỏi chúng ta phải nâng cao tiện ích của thẻ, nâng cao chất lượng phục vụ. Vấn đề an ninh của thẻ thanh toán cũng rất bức xúc đối với VN và chúng ta cũng có thể làm được theo Oman nếu như chúng ta liên kết với Bộ Công an cấp cho mỗi người dân một tấm thẻ thanh toán mang đầy đủ chức năng của một chứng minh thư và như vậy vấn đề an ninh trong thanh toán được thắt chặt hơn đồng thời việc quản lý con người của cơ quan công an cũng dễ dàng hơn. Ngân hàng tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng thẻ thanh toán như một công cụ thanh toán đa năng để phục vụ cho nhu cầu giao dịch thương mại điện tử. Ngân hàng có vai trò cung cấp các tiện ích, các dịch vụ thanh toán điện tử để cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng có thể sử dụng tài khoản ở ngân hàng để phục vụ cho các nhu cầu thanh toán. Để góp phần phát triển nền kinh tế đất nước. Các dịch vụ thanh toán điện tử tiên tiến sẽ giúp cho chu chuyển vốn trên thị trường trong nước tăng nhanh và đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thanh toán của nền kinh tế đất nước đang thay đổi. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta thấy dịch vụ thẻ thanh toán ở nước ta đang phát triển hết sức nhanh chóng, đem lại tiện ích cho người dân, thúc đẩy chu chuyển vốn trong xã hội và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tài liệu tham khảo: 1. Tạp chí Công nghệ ngân hàng 2. Tạp chí Kinh tế phát triển 3. Thời báo ngân hàng 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật