ĐIỀU CHỈNH HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THEO CAM KẾT WTO: TRÔNG NGƯỜI LẠI NGHĨ ĐẾN TA!

Thực hiện các cam kết WTO, Việt Nam đã đi được nửa chặng đường, nhưng trong quá trình thực hiện, chúng ta sử dụng công cụ hành chính, ban hành những quyết định áp đặt đối với đại hội đồng cổ đông, can thiệp “nóng” vào quyết định kinh doanh… đang là những biểu hiện không phù hợp với cam kết gia nhập WTO của cơ quan quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, tham khảo và học tập những kinh nghiệm của Trung Quốc trong điều chỉnh hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo cam kết WTO là điều bổ ích đối với Việt Nam. Dựa trên những thông tin tại buổi Hội thảo về vấn đề này do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức, tác giả xin trình bày một số nội chính được bàn luận tại Hội thảo. Kinh nghiệm của Trung Quốc Năm 2001, Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Giống như các thành viên mới của WTO, Trung Quốc phải cam kết về điều chỉnh chính sách kinh tế, chính sách thương mại hàng hoá, chính sách thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chính sách thương mại dịch vụ, minh bạch hoá, tham gia và thực thi các hiệp định thương mại quốc tế,… Về DNNN, Trung Quốc cam kết: Chính phủ sẽ không điều hành trực tiếp các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) và các hoạt động của DN về sản xuất, cung ứng, tiêu thụ và marketing. Nhà nước không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp về sản xuất hàng hoá gì, sản xuất bao nhiêu và giá cả hàng hoá của DN do DN và thị trường quyết định. Các DN đều bình đẳng để cạnh tranh trong mua và bán, trong sản xuất kinh doanh và không coi việc mua sắm của DN là mua sắm của chính phủ;… Các biện pháp điều chỉnh chủ yếu của Trung Quốc gồm có: Thay đổi cơ cấu sở hữu DNNN (cổ phần hoá, tư nhân hoá, đa dạng hoá sở hữu DNNN; Cải cách các khung khổ hoạt động DNNN nhằm đặt DNNN phải đối mặt với cạnh tranh thị trường; Cải cách quản trị DNNN (ưu tiên theo nguyên tắc của OECD- Tổ chức kinh tế các nước phát triển) nhằm đảm bảo cho sự can thiệp của chủ sở hữu (CSH) nhà nước cũng như mô hình tổ chức quản lý theo thông lệ quốc tế và không trái nguyên tắc kinh tế thị trường; Cơ cấu lại DNNN qua sát nhập, giải thể, phá sản… Nhờ đó mà chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng DNNN ở Trung Quốc đã giảm mạnh. Năm 2000 (trước khi gia nhập WTO một năm), Trung Quốc có 190.000 DNNN, tháng 4/2003 còn 196 DNNN, đến nay còn 159 DNNN và đến năm 2010 sẽ còn 80-100 DNNN. Từ năm 2006, Chính phủ Trung Quốc công bố danh mục các DNNN, Nhà nước cần nắm giữ toàn bộ hoặc chi phối, đó là các DN phát và phân phối điện, dầu khí và hoá dầu, bưu chính và vũ khí; Trung Quốc cũng khẳng định sẽ kiểm soát lợi ích của mình ở các DNNN thuộc lĩnh vực khai thác than, hàng không, công nghiệp tàu thuỷ…   Cải cách mạnh mẽ các biện pháp thực hiện CSH nhà nước bằng việc thành lập uỷ ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước (SASAC) ở cả cấp Trung ương và địa phương ngay từ tháng 4/2003. SASAC là cơ quan thuộc Quốc vụ viện, chuyên trách về vấn đề vốn, tài sản nhà nước tại các DNNN, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước khác. Chức năng chủ yếu của SASAC là: thực thi quyền và nghĩa vụ của một nhà đầu tư tại DNNN, hướng dẫn và thúc đẩy cải cách, cơ cấu lại DNNN, giám sát việc bảo toàn và phát triển tài sản nhà nước tại DN, thúc đẩy hình thành hệ thống DNNN hiện đại theo các quy định của Luật Công ty và uỷ quyền của Quốc vụ viện. Các địa phương cũng hình thành tổ chức tương tự để chuyên trách quản lý và giám sát tài sản nhà nước đầu tư tại các DNNN địa phương. Kết quả là hầu hết các DNNN đã không bị sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước; các bộ, ngành ở Trung ương, sở, ngành ở địa phương gần như không thực hiện quản lý DN theo chức năng CSH, kể cả tham gia bổ nhiệm cán bộ. SASAC đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế giám sát và quản lý tài sản nhà nước, đẩy nhanh cải cách DNNN bằng việc ban hành hàng loạt các văn bản (ban hành 14 quy chế, 104 văn bản pháp quy) và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, những cam kết bãi bỏ trợ cấp DNNN, tách bạch mua sắm chính phủ, minh bạch hoá độc quyền nhà nước cũng được Trung Quốc thực hiện 1 cách triệt để. Cụ thể: Trong thực thi cam kết bãi bỏ trợ cấp DNNN, hầu hết các khoản trợ cấp cho các DNNN công nghiệp và xuất khẩu nông sản đã được bãi bỏ theo lộ trình cam kết; dự kiến đến cuối 2008 sẽ hoàn thành chương trình bãi bỏ trợ cấp DNNN bao gồm cả trợ cấp trực tiếp về vốn, tín dụng, trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp gián tiếp. Việc tách bạch mua sắm của DNNN với mua sắm chính phủ được hiện bằng việc ban hành Luật Đấu thầu cho hai lĩnh vực riêng rẽ: Đấu thầu cho mua sắm chính phủ (mua sắm công) và đấu thầu cho mua sắm của các loại hình doanh nghiệp trong đó có DNNN (mua sắm tư). Khuyến khích mọi DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cạnh tranh để dành quyền cung ứng sản phẩm dịch vụ thuộc danh mục mua sắm chính phủ; các DNNN không phải là đối tượng có đặc quyền, đặc lợi trong việc mua hay thuê hàng hoá, dịch vụ để Nhà nước sử dụng, ngoại trừ vũ khí và các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phục vụ nhu cầu an ninh quốc phòng và an ninh năng lượng. Trong minh bạch hoá độc quyền nhà nước và chống độc quyền DNNN, Chính phủ Trung Quốc đã công bố lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước; ban hành Luật Chống độc quyền tháng 8/2007. Ngoài ra, Trung Quốc tích cực hoàn thiện mô hình quản trị DNNN theo thông lệ quốc tế. Kết quả trong số 159 DNNN Trung ương có gần 60 DN theo mô hình tập đoàn kinh tế, số còn lại theo mô hình tổng công ty. Nếu năm 2000, chỉ có 3 DN của Trung Quốc được lọt vào trong danh sách 500 DN lớn nhất thế giới về doanh thu, thì hiện nay có 24 DN, trong đó có Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đứng thứ 24 trong các DN lớn nhất toàn thế giới do Tạp chí Fortune xếp hạng. Với những gì Trung Quốc đã làm được, có thể nói thực hiện các cam kết với WTO chỉ là việc Trung Quốc đẩy nhanh hơn quá trình cải cách kinh tế bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ XX. Và thực tế ở Việt Nam Ở Việt Nam chủ trương đổi mới DNNN được đề ra từ Đại hội Đảng VI (1986) và sau một thời gian thực hiện đã đạt được những thành tựu quan trọng và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế (năm 2007 là 36,52% GDP, 6 tháng đầu năm 2008 là 22,6% GO của ngành công nghiệp).Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của các DN không tương xứng với đầu tư của nhà nước. Mặt khác, trong quá trình thực hiện cam kết riêng về DNNN, nhiều DNNN vẫn đang “gồng mình” chịu sự chi phối từ các chủ sở hữu là nhà nước thông qua công cụ hành chính hoặc ban hành các quyết định áp đặt hoặc “phớt lờ” vai trò của đại hội cổ đông DN. Một số cơ quan quản lý nhà nước đang “bỏ quên” những nguyên tắc chống phân biệt đối xử của WTO trong phân bổ các nguồn lực quốc gia, mà trước tiên là nguồn lực tài chính như: các vấn đề tín dụng từ trái phiếu Chính phủ, giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế, các khoản phải nộp ngân sách… Trước những hạn chế của doanh nghiệp cũng như những điểm không hợp lý trên, đòi hỏi phải đẩy nhanh và đồng bộ những giải pháp trong việc điều chỉnh hoạt động của DNNN thực hiện cam kết gia nhập WTO. Các giải pháp Để đảm bảo các nguyên tắc của WTO, các giải pháp phải hình thành trên các mục tiêu: các cơ quan hành chính nhà nước không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia quyết định kinh doanh của DNNN theo cam kết gia nhập WTO; đáp ứng đòi hỏi của thông lệ kinh tế thị trường đối với hoạt động và tổ chức của DNNN góp phần để nền kinh tế Việt Nam được đối xử như một nền kinh tế thị trường đầy đủ theo nguyên tắc của WTO; đảm bảo các nguyên tắc về đối xử bình đẳng giữa DNNN với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác trong kinh tế thị trường. Các giải pháp chủ yếu gồm: Thứ nhất, thực hiện cam kết Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào DNNN. Giải pháp này chủ yếu liên quan đến việc sửa đổi hoặc ban hành các văn bản pháp quy để cơ quan quản lý nhà nước không ban hành quyết định của chủ sở hữu nhà nước (CSHNN), hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện quyền CSHNN tại tổng công công ty và tập đoàn kinh tế,… Thứ hai, đảm bảo sự thống nhất về cách thức can thiệp giữa CSHNN với các CSH khác theo cam kết WTO. Không sử dụng các hình thức quyết định hành chính nhà nước để chuyển tải quyết định của CSHNN; CSH không can thiệp vào chức năng của Đại hội đồng cổ đông, của Hội nghị thành viên (đối với các DNNN là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn đa sở hữu); nâng cao vai trò của các DNNN với 100% vốn nhà nước. Thứ ba, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng CSHNN trong kinh doanh và quyết định thương mại của DNNN. Trong đó Quốc hội giám sát Chính phủ thực hiện chức năng thống nhất tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ của CSH vốn nhà nước tại các DN; thể chế hoá bằng pháp luật việc giám sát trên và giám sát đánh giá việc thực hiện chức năng sở hữu vốn nhà nước trực tiếp tại DN; minh bạch hoá thông tin về đầu tư vốn nhà nước,… Thứ tư, đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO. Bảo đảm điều kiện cạnh tranh giữa DNNN với DN khác mà chủ yếu thuộc về vai trò của các cơ quan nhà nước liên quan đến việc cho phép các DN đầu tư vào các ngành nghề, về đầu tư, về cơ chế quản lý tài chính, về quản lý DN, về lựa chọn đối tượng DN được huy động tín dụng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn viện trợ, về thống nhất cơ chế quản lý lao động, tiền lương,… Thể chế hoá một số văn bản quy định liên quan đến Hội đồng quản trị, lãnh đạo DN… không thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh công chức, viên chức; hợp đồng lao động; luật hoá chế độ đầu tư vốn nhà nước,…; xác định Nhà nước không trực tiếp sử dụng DNNN trở thành công cụ quản lý của Nhà nước trong điều tiết kinh tế vĩ mô,… Tiếp tục tăng cường quản lý về kiểm soát độc quyền và thúc đẩy cạnh tranh;… Thứ năm, đảm bảo tính minh bạch của chuyển đổi, cổ phần hoá DNNN, đặc biệt cần phải minh bạch các thông tin về chương trình, quá trình về cổ phần hoá và chuyển đổi DNNN,… Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan thực hiện cam kết WTO về DNNN. Một số điều trong các Luật, Nghị định có liên quan, như: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,… và một số văn bản mới như soạn thảo và ban hành Luật về đầu tư vốn nhà nước vào các DN; các văn bản liên quan đến thống nhất các quy định về lao động tiền lương cho các DN, không phân biệt DNNN (kể cả tập đoàn và tổng công ty nhà nước),… Thứ bảy, đề xuất với Chính phủ trong việc phân công xây dựng các căn cứ định hướng giải pháp, chính sách và sửa đổi, bổ sung cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương,… các ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật