ĐIỂM LẠI TÌNH HÌNH TIỀN TỆ, TÍN DỤNG NĂM 2007, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH TRONG NĂM 2008

PGS.,TS. LÊ QUỐC LÝ Sau một năm gia nhập WTO, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành công khá ngoạn mục. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, vẫn còn những vấn đề đang làm nhiều người quan tâm, lo lắng đó là nhập siêu và tỷ lệ lạm phát cao. Nhằm góp phần nhỏ trong việc xây dựng cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng nước ta trong năm 2008, bài viết này tập trung trao đổi cùng bạn đọc về tình hình tiền tệ, tín dụng trong năm 2007 và đề xuất cơ chế chính sách trong năm 2008.   1. Điểm lược tình hình tiền tệ, tín dụng năm 2007 Năm 2007, cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, ngành Ngân hàng cũng đã đạt được những kết quả khả quan và có những đóng góp quan trọng vào phát triển và lớn mạnh của nền kinh tế. Nhiều cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng đã đi vào cuộc sống, nhiều đổi mới về tổ chức và mạng lưới đã được triển khai, sự hợp tác, liên kết chiến lược với các đối tác trong và ngoài nước đã được đẩy mạnh, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn kinh tế và ngân hàng trong và ngoài nước. Vốn pháp định của các NHTMNN và NHTMCP đã được tăng lên vượt bậc, nhiều NHTMCP đã gần đạt được mức vốn pháp định cho năm 2010. Nhiều loại hình dịch vụ tiền tệ, ngân hàng đã được phát triển. Đặc biệt trong năm 2007, công nghệ thông tin trong hệ thống ngân hàng đã phát triển vượt bậc, thanh toán thẻ và thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng mạnh. Tốc độ tăng tổng tài sản của các NHTMCP đã đạt trên 30%, lợi nhuận của các NHTM đạt cao hơn nhiều năm trước đó. Đạt được những kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thể hiện ngay từ đầu năm 2007, trong Nghị quyết 03/2007/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2007 đã xác định nhiệm vụ tiền tệ, tín dụng như sau: “Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm kiểm soát được tỷ giá, lãi suất, lạm phát…” và kế hoạch tiền tệ, tín dụng năm 2007 là: Tổng phương tiện thanh toán tăng 20% – 23% và dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 18 – 22% so với năm 2006 cùng với nhiều cơ chế, chính sách đi kèm. Bên cạnh những thành tích ở trên cũng còn một số điều cần bàn thể hiện ở các chỉ tiêu chủ yếu như sau: - Tổng phương tiện thanh toán cả năm 2007 tăng cao hơn nhiều năm trước: tăng khoảng 37% so với năm 2006, cao hơn mức tăng trung bình của thời kỳ 2001 – 2007 (xem đồ thị 1). Như vậy, nếu so với chỉ tiêu đề ra đầu năm thì tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán năm 2007 quá cao, vượt 80% so với kế hoạch. Đây là con số nói lên lượng cung tiền tệ tăng quá mức cần thiết của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong vấn đề này, có thể khẳng định là có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do năm 2007, lượng ngoại tệ vào nhiều thông qua con đường FDI, FII và kiều hối chuyển về, xuất khẩu tăng… Về nguyên nhân chủ quan phải thừa nhận chúng ta chưa chú trọng đúng mức việc thắt chặt tiền tệ ngay từ đầu năm mà đôi khi lại áp dụng chính sách có phần nới lỏng như phát hành tiền ra quá mức để mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại tệ một cách ồ ạt như trong 6 tháng đầu năm 2007. Theo kinh nghiệm nhiều năm trước đây thì tổng phương tiện thanh toán tăng ở mức 20 – 23% so với năm 2006 như kế hoạch đề ra là phù hợp. Nếu có sự tăng đột biến cung ngoại tệ vào nền kinh tế thì nên có giải pháp khác, không phải phát hành tiền ra mua ngoại tệ thì sẽ tốt hơn. - Nguồn vốn huy động của năm 2007 qua hệ thống ngân hàng tăng 39,6% so với cuối năm 2006 và là năm có tốc độ tăng huy động vốn cao nhất so với nhiều năm trước đây. Trong đó, việc huy động tiền đồng Việt Nam tăng cao, khoảng 45,6% so với năm 2006, huy động bằng ngoại tệ chỉ tăng ở mức 22,5%. Nếu xét về nỗ lực huy động vốn cho nền kinh tế thì đây là một thành tích đáng kể của hệ thống ngân hàng. Kết quả đó có thể cho phép chúng ta khẳng định nền kinh tế không thiếu vốn, vấn đề là hấp thụ và sử dụng đồng vốn như thế nào cho có hiệu quả Thực tế trong năm 2007, nền kinh tế có nhu cầu về vốn rất lớn cho phát triển, nhưng với tốc độ tăng huy động vốn cao như nêu ở trên là quá cao, làm cho cầu về vốn tăng mạnh, gây ra áp lực tăng lãi suất tiền gửi làm ảnh hưởng không tốt đến tình hình đầu tư và hiệu quả của nền kinh tế. Việc tăng lãi suất quá cao có thể góp kiềm chế được lạm phát, nhưng có thể gây ra giảm đầu tư và hiệu quả của nền kinh tế lại bị tổn hại trong tương lai và nền kinh tế theo vòng xoáy lại có thể gặp khó khăn ở sự trì trệ và chậm tốc độ phát triển. Bên cạnh hai chỉ tiêu trên thì có thể thấy dư nợ của hệ thống ngân hàng cho vay toàn nền kinh tế năm 2007 cũng tăng khá mạnh, tăng 37,8%, cao đột biến so với nhiều năm trước đây. Đây là chỉ tiêu quan trọng đối với kiềm chế lạm phát và phát triển nền kinh tế. Đã có ý kiến cho rằng để nền kinh tế tăng trưởng cao cần tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế (đây là luận điểm đúng), nhưng nếu tăng trưởng tín dụng quá cao như năm 2007 thì cần bàn thêm. Nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế năm 2007 là trên 452 ngàn tỷ đồng, trong đó, vốn huy động qua hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 50%, tức là cần khoảng 226 ngàn tỷ đồng, trong khi thực tế nguồn vốn mà hệ thống ngân hàng cho vay ra nền kinh tế tăng khoảng 262 ngàn tỷ đồng so với năm 2006, như vậy cao hơn so với nhu cầu cần thiết khoảng 36 ngàn tỷ đồng (đây con số cũng không lớn lắm). Nhưng vấn đề cần bàn chính là chỗ vòng quay đồng tiền năm 2007 có cao hơn các năm do các nhu cầu vốn cho kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản và vay vốn cho tiêu dùng. Sự hoạt động sôi động và phát triển mạnh của lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng đã tác động ngược vào hệ thống ngân hàng làm cho nó cũng sôi động theo. Hơn nữa, có lẽ vấn đề chuyển dịch cơ cấu tín dụng còn chưa đúng hướng và có diễn biến phức tạp, thể hiện ở chỗ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất có xu hướng tăng mạnh, trong khi lĩnh vực sản xuất lại chưa đáp ứng được nhu cầu Những tháng cuối năm 2007, hệ thống ngân hàng đã thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng, tránh tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng và không an toàn. Tuy nhiên, như trên đã nêu, do những tháng đầu năm sự kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng chưa được quan tâm đúng mức nên mặc dù các tháng cuối năm đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Trong năm 2007, đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách được tiến hành khá tốt như: nghiệp vụ thị trường mở được điều hành linh hoạt đã góp phần đáng kể trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã được nâng lên 2 lần từ tháng 6 năm 2007, lãi suất đã được duy trì ở mức ổn định. Công tác chiết khấu và cho vay cầm cố đã được tiến hành hợp lý trong những trường hợp cần thiết. Đặc biệt trong năm 2007, công tác thu nợ đã được đẩy mạnh để rút tiền về NHNN khi đến hạn. Cơ chế chính sách điều hành tỷ giá hối đoái đã được vận dụng linh hoạt, bám sát cung cầu ngoại tế. Tỷ giá hối đoái đã được giữ ở mức tương đối ổn định trên thị trường liên ngân hàng và trong nền kinh tế, không để cho đồng Việt Nam lên giá so với đồng USD. Điểm đáng chú ý trong năm 2007, là hoạt động tín dụng tiếp tục mở rộng và có hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng giảm và ở mức thấp. Các NHTMNN đã tiến hành tích cực công tác chuẩn bị cổ phần hoá. Việc IPO thành công của Vietcombank vừa qua là một điểm khởi đầu cho sự chuyển đổi mạnh mẽ của các NHTMNN. Qua một năm Việt Nam gia nhập WTO, các NHTM và toàn hệ thống ngân hàng nước ta đã có thêm được nhiều kinh nghiệm và đang thể hiện sự vững vàng đi lên. Đội ngũ cán bộ của hệ thống ngân hàng đã tăng lên đáng kể.. Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn nhiều bất cập trong chính sách tiền tệ, tín dụng như: chất lượng tín dụng còn chưa cao được như mong muốn, nguy cơ nợ xấu tăng cao và rủi ro tín dụng vẫn còn tiềm ẩn, công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ vẫn chưa nâng cao được đúng mức nên hiệu quả chưa cao; chính sách tiền tệ, tín dụng vẫn chưa được để ý đúng mức trong công tác kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế. Hệ thống dịch vụ ngân hàng đã phát triển nhưng cũng chưa được nhiều; dư nợ cho vay nền kinh tế còn tăng quá mức cần thiết, tỷ lệ huy động vốn dài hạn chưa cao; mức độ an toàn của hệ thống ngân hàng vẫn còn phải được quan tâm. 2. Giải pháp, cơ chế và chính sách tiền tệ, tín dụng năm 2008 Năm 2008 là năm có nhiều thách thức lớn như nguy cơ lạm phát cao đang tiềm ẩn, nhập siêu cao và sự yếu kém về cơ sở hạ tầng đang đặt ra phải giải quyết, trong khi yêu cầu phải đạt được là kinh tế tăng trưởng cao. Đây là bài toán khó với hai mục tiêu đối lập nhau: tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp. Để giải quyết bài toán này sẽ phải áp dụng hàng loạt giải pháp một cách đồng bộ (sẽ có bài viết riêng). Trong bài viết này, tập trung vào vấn đề chính sách tiền tệ, tín dụng năm 2008, chúng tôi đề xuất như sau: Năm 2008, để bảo đảm cho nền kinh tế nước ta tăng trưởng cao 8,5% – 9,0% và lạm pháp ở mức phù hợp, dưới tốc độ tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi phải tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt, thận trọng và chủ động ngay từ đầu năm, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, kích thích đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, phải sử dụng linh hoạt, có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá, lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở theo các nguyên tắc của thị trường. Với mục tiêu chính sách tiền tệ như trên, năm 2008, ngay từ đầu năm, cần chú ý những giải pháp hạn chế tăng cung tiền tệ để giữ mức giá ở mức chấp nhận được, cụ thể là cần thiết giữ một số chỉ tiêu chủ yếu về tiền tệ, tín dụng ở mức như sau: Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20 – 24% so với năm 2007, tỷ lệ tổng phương tiện thanh toán trên GDP ở mức xoay quanh 110% (năm 2007, hệ số này là 110,8%). Giảm mạnh tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán (M2); hạn chế việc dùng vàng và ngoại tệ mạnh trong thanh toán thay cho VND; tốc độ huy động vốn tăng khoảng 22 – 25% so với năm 2007; dư nợ cho vay nền kinh tế tăng khoảng 20 – 23%; dư nợ cho vay của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước chiếm khoảng trên 60% tổng tín dụng cho nền kinh tế. Phấn đấu giảm tỷ trọng cho vay ngoại tệ, giảm việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Đặc biệt chú ý là cần đẩy mạnh việc tăng cho vay sản xuất, giữ cho vay phi sản xuất ở mức hợp lý. Kiểm soát chặt việc cho vay kinh doanh chứng khoán và kinh doanh bất động sản. Mục tiêu đặt ra cần đi kèm với giải pháp cụ thể. Do vậy, theo chúng tôi, để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên, trong năm 2008, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như sau: - Việc kiềm chế lạm phát là một yêu cầu cấp bách và thách thức lớn đối với nền kinh tế, do vậy, ngành Ngân hàng cần đặt nó là nhiệm vụ trọng tâm và quan tâm hàng đầu. Việc đầu tiên theo chúng tôi là việc phát hành tiền ra nền kinh tế nên ở mức hạn chế (thực tế phát hành tiền chỉ phục vụ hai nhiệm vụ cơ bản là mua ngoại tệ để tăng dự trữ và tái cấp vốn). Tức là cần có kế hoạch phát hành tiền được tính toán và cân nhắc kỹ ngay từ đầu năm với một lượng tiền cần thiết với tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp cho phép. Việc ngoại tệ vào nhiều thì không thể dùng giải pháp cứ phát hành thêm tiền ra mua ngoại tệ (như năm 2007) mà thay vào đó là phát hành tín phiếu ngân hàng thu hút VND về và dùng tiền này để mua ngoại tệ, bảo đảm lượng VND trong lưu thông không tăng mà chỉ luân chuyển từ nơi này sang nơi khác. - Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác dự báo, cần tiến hành phân tích về diễn biến tiền tệ và tín dụng trên thị trường với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, lấy lợi ích quốc gia làm trọng, đặc biệt thận trọng trong cung ứng tiền. Điều hành tốt và uyển chuyển các công cụ chính sách tiền tệ như: nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn một cách thận trọng, linh hoạt, đặc biệt nâng cao chất lượng sử dụng vốn. - Điều hành chính sách lãi suất theo cơ chế thị trường và tránh hiện tượng độc quyền đẩy lãi suất lên. Điều hành cơ chế, chính sách tỷ giá hối đoái và các chính sách quản lý ngoại hối theo hướng thị trường, linh hoạt và theo rổ ngoại tệ (đa ngoại tệ, tránh neo đậu quá sâu vào USD), kiểm soát có chọn lọc các giao dịch tài khoản vốn đặc biệt là vốn ngắn hạn. - Đẩy mạnh công tác cơ cấu lại và tổ chức lại hệ thống ngân hàng, trong đó có việc đẩy mạnh cổ phần hoá các NHTMNN. Nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các NHTM. Nâng cao năng lực quản trị của các NHTMCP. Giám sát chặt chẽ việc tăng vốn, cơ cấu cổ đông, hiện trạng sử dụng cổ phiếu… tại các NHTMCP. - Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hoàn thiện các quy định về an toàn hệ thống, an toàn trong hoạt động ngân hàng, ban hành quy định về tiêu chuẩn và yêu cầu tối thiểu về hệ thống quản lý rủi ro tại tổ chức tín dụng; tăng cường chất lượng thanh tra ngân hàng theo hướng tăng cường năng lực giám sát từ xa qua hệ thống cảnh báo sớm. Đẩy mạnh công tác thanh tra trên cơ sở rủi ro, thanh tra tại chỗ. - Đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin ngân hàng; từng bước công khai hoá và minh bạch hoá các thông tin về hoạt động ngân hàng bảo đảm cho khách hàng, người dân và các nhà quản lý, lãnh đạo có đủ thông tin chính xác về hoạt động ngân hàng nhằm tranh thủ được những đóng góp tốt cho ngành Ngân hàng phát triển. Cùng với các giải pháp trên, cần đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của hệ thống ngân hàng nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn những đòi hỏi của thị trường và chuẩn mực quốc tế cả về trình độ lẫn đạo đức nghề nghiệp. 3. Một số kết luận Năm 2008 là năm có nhiều thử thách, với niềm tin nền kinh tế chúng ta sẽ vượt qua thử thách, vững bước tiến lên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và kiềm chế được lạm phát như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp về tiền tệ, tín dụng. Năm 2008, các chính sách tiền tệ, tín dụng sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhưng trong bài viết này chưa nêu được hết, xin được bạn đọc góp ý bổ sung và chỉnh sửa thêm.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật