Dịch vụ đòi nợ: Nghề khó nhưng thu nhập cao

DDDN - Sau một loạt doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ thu nợ tại Hà Nội bị bắt vì những hành vi trái pháp luật khi thực hiện… ngành nghề của mình, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ (DVĐN). Theo đó, chỉ những DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh DVĐN mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này và DN đó không được kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào khác ngoài DVĐN. Tuy vậy, theo tác giả Nguyễn Mạnh Hùng đây là một nghề cần được phát triển vì không một xã hội nào phát triển được nếu thiếu các khoản nợ. Trong nền kinh tế thị trường nợ là bình thường đối với quốc gia, DN, cá nhân, hộ gia đình trong phạm vi cân đối được tài khoản phải thu, phải trả. Quan hệ nợ bình thường là sự liên kết, hợp tác của các bên vừa mang yếu tố kinh tế vừa chứa đựng thiện chí đồng thời thúc đẩy sự hình thành và thực hiện các ý tưởng kinh doanh. Nhiều chủ nợ, Cty dịch vụ đòi nợ đã tư vấn để khách nợ làm ăn có hiệu quả, trả nợ cũ vay mới. Có trăm ngàn cách vay, lý do phát sinh nợ quá hạn thì cũng có từng ấy cách… đòi nợ. Chưa rõ thị trường cạnh tranh DVĐN Hiện chúng ta đã có nhiều hình thức… đòi nợ mà thiết nghĩ nên gọi là xử lý nợ để mở rộng phương pháp hành nghề. - Đối với Nhà nước có Cty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của DN thành lập theo Quyết định 109/2003/QĐ-TTg, là DNNN với vốn Điều lệ 2.000 tỷ đồng được ngân sách cấp, Cty được kinh doanh các ngành nghề khác; - Các DN làm dịch vụ đòi nợ theo Luật DN và được điều chỉnh bằng Nghị định 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007. - Các Cty xử lý nợ của các ngân hàng thương mại. Một ví dụ khá thành công của dịch vụ thu nợ là Cty TNHH dịch vụ thu hồi nợ và tư vấn Nhật An (TP HCM) thành lập năm 1997 đến 2007 đã nhận được 15.000 đầu mối “tằm tơ”, trung bình mỗi năm có đến 1.000 hồ sơ. Cty đã giải quyết được 80% số hồ sơ đòi nợ với giá dịch vụ từ 22-25% tổng số tiền thu được, thu đến đâu khấu luôn đó. Nếu bình quân mỗi hồ sơ nợ Cty thu được 10 triệu đồng thì 10 năm qua Cty thu thuần từ dịch vụ đòi nợ được 120 tỷ đồng, xứng đáng cho một nghề khó nhưng có thu nhập cao, không những vậy còn góp phần chống các dịch vụ xiết nợ kiểu “xã hội đen”. Ba loại tổ chức chuyên nghiệp đã góp phần lành mạnh hoá quan hệ nợ trong nền kinh tế nhưng chưa được thị trường hoá bởi mỗi loại DN lại có “sân riêng”. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng các DN dịch vụ đòi nợ hoạt động theo Nghị định 104/2007/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn hơn bởi họ không có chủ quản là cơ quan nhà nước, ngân hàng cấp trên, họ mỏng vốn nên khó tiếp cận các dịch vụ mua, bán nợ, không được kinh doanh khác để hỗ trợ dịch vụ đòi nợ. Hi vọng sự bất bình đẳng này có thể là tạm thời.   Kinh nghiệm xử lý nợ còn được thu nhận được từ bộ phận chuyên môn của các DN, ngân hàng khi mà khách hàng nợ xếp thành danh sách dài, phải cho nợ mới hoạt động bình thường: ngân hàng không có dư nợ thì không gọi là ngân hàng, DN không cho nợ thì không có khách hàng. Trong thị trường hiện nay khi năng lực sản xuất rất mạnh, nhiều chủng loại hàng hoá thì nhiệm vụ trọng tâm của DN ở bộ phận marketing bán hàng, thực hiện các nghiệp vụ cho nợ và thu hồi nợ. Chúng ta có thể tìm thấy kinh nghiệm trong tổ chức chuyên nghiệp, trong hoạt động của thu nợ của dn để thấy được những cá nhân thực sự có tài đòi nợ. Nhiều luật sư đã làm giàu trong việc tư vấn xử lý nợ, tỷ lệ phần trăm được hưởng hơn thu nhập cả đời bảo vệ thân chủ trên các toà, họ đã “biến cái tưởng như mất thành cái được”. Nghị định 104 quy định chỉ cá nhân có giấy giới thiệu, có thẻ hành nghề của Cty mới được làm việc trực tiếp với chủ nợ và khách nợ là quy định hành chính ngăn chặn “hành vi xã hội đen”. Tuy nhiên, số người làm tư vấn, thuyết khách phục vụ chủ nợ, khách nợ vẫn tự do hoạt động, tiềm ẩn sự thành công và vi phạm pháp luật do cá nhân đó lạm dụng tín nhiệm của người chủ thuê mượn không văn bản. Đã đến lúc cần đúc kết thành những tài liệu chuyên môn cho những người tham gia Cty đòi nợ. “Kim chỉ có đầu, tằm tơ có mối” Tuy nhiên, hiện nay đang có một sự thật, khi phát sinh quan hệ vay nợ thường các bên tự thoả thuận theo pháp luật và quy định riêng. Trong khi dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện theo nguyên tắc truyền thống mà Nghị định 104 quy định: Thứ nhất, có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp. Do vậy, những quy định của chủ nợ như bắt ép khách nợ trả lãi suất vượt xa lãi suất trần của nền kinh tế hoặc khách nợ dùng những thủ đoạn lừa đảo như trả lãi cao, mua hàng giá cao vượt xa giá thị trường cùng những hứa hẹn không tưởng có thể là bất hợp pháp, bị loại trừ khỏi tổng giá trị nợ, là những hành vi bất lợi khi ra toà. Thứ 2, nợ đã quá hạn thanh toán. đây là thời điểm hai bên quy ước lần đầu, lần cuối cùng với những thoả thuận bổ sung hoặc do quyết định của cơ quan có thẩm quyền như phán quyết của Trọng tài kinh tế, của Toà án. Không rõ đầu mối dẫn đến những tranh chấp mà đôi bên không dám đưa ra toà, là chỗ để DN đòi nợ có thể tăng giá dịch vụ. Quy định này khuyến cáo các quan hệ nợ cần rõ ràng, cụ thể, cần thiết phải có xác nhận của bên thứ ba hoặc những người làm chứng. Khi vay, quyền của bên cho vay nhưng khi nợ khó đòi “chuyển quyền” vào bên nợ với nhiều lý do, chủ nợ thấy đòi được phần nào còn hơn mất cả. Đòi nợ khó khăn, phức tạp nhưng thu nhập rất chắc trên % giá trị đòi được. Giá thị trường dịch vụ nợ đã hình thành với tỷ lệ từ 20-60% tuỳ theo tổng giá trị món nợ và mức độ khó khăn khi hành nghề. Nhiều nhân viên thu nợ từng bị đe doạ bằng vũ lực, nhắn tin đe doạ hoặc không được tiếp xúc làm việc với bên nợ, thậm chí con nợ thuê người gây sự để nhân viên đòi nợ thiếu bản lĩnh, phạm Luật Hình sự (đánh nhau, quậy phá…). Lấy tài sản hiện có để trả nợ chưa đủ bằng lấy tài sản tăng thêm để trả nợ – đó là tư tưởng phát triển trong xử lý nợ. Không sợ vay nợ mà chỉ sợ không biết sử dụng nợ để sinh lời – đó là bản lĩnh của doanh nhân. Thiết nghĩ, để có đầu mối thông tin tài liệu, chủ nợ và khách nợ phải thiện chí cung cấp thông tin, đưa ra các “đầu bài” để thúc đẩy tư duy của Cty đòi nợ đưa ra những giải pháp tích cực, hiện thực mà không trái với pháp luật. Luật pháp quy định chủ nợ, khách nợ không chịu trách nhiệm liên đới đối với những vi phạm của Cty đòi nợ nhưng chủ nợ và khách nợ đều có nghĩa vụ giám sát để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Giải pháp nào? Các cụ ta thường nói “Cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần”. Vì vậy nên chăng cần hình thành cơ chế bốn bên, chủ nợ thuê Cty này, khách nợ thuê Cty khác (bởi Nghị định 104 cấm DN dịch vụ nợ làm “đại diện đồng thời cho cả chủ nợ và khách nợ để xử lý đối với cùng một khoản nợ”), mỗi bên có một đại diện đòi hỏi phải có sự thống nhất cao về các biện pháp thu nợ để có lợi cho các bên. Cơ chế này có thể xảy ra việc “mua chuộc” lẫn nhau hoặc cùng chia lợi để thúc đẩy việc trả nợ. Tuy nhiên, đây thuộc về đạo đức nghề nghiệp và điều này cần có một cơ quan quản lý nhân sự phải có chế tài giám sát, xử lý. Những quy định pháp luật mà DN đòi nợ có thể vận dụng: Luật Dân sự, các luật về kinh tế như Luật DN; đầu tư; thương mại; đấu thầu; đất đai, các luật chuyên ngành như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… và để tránh vi phạm cần phải tham khảo Luật hình sự, Luật xử phạt về vi phạm hành chính… chú ý những điều cấm đối với DN và cá nhân khi hành nghề. Khách nợ có thể mở hội nghị giữa các bên có liên quan để thông báo về nợ phải thu, phải trả, chứng minh năng lực tài chính của mình và nêu các biện pháp xử lý nợ, lên kế hoạch thanh toán công nợ đồng thời đưa ra các bản cam kết của các bên có liên quan. Đại diện các bên được uỷ quyền theo pháp luật đi đến sự thống nhất về hành vi tác nghiệp thu nợ có hiệu lực: - Các biện pháp thanh toán nợ thông thường: Trả bằng tiền; khấu trừ vào tài khoản của khách nợ; trả bằng hàng hoá, dịch vụ, khai thác tài sản tồn đọng để trả nợ… - Các biện pháp chuyển đổi nợ: Chủ nợ và khách nợ có dự án đầu tư mới thì khoản nợ có thể chuyển đổi, ví dụ như chủ nợ có dự án, khách nợ trả hết nợ thì được ưu tiên tham gia góp vốn, hoặc khách nợ chấp nhận khoản nợ của mình là vốn góp của chủ nợ… Thành lập Cty cổ phần, tăng cổ phần cũng xử lý việc góp vốn cổ phần tương tự như trường hợp trên. Có thể tiến hành các vụ mua bán, sáp nhập Cty, hợp nhất Cty theo đó khách nợ chuyển một bộ phận hay toàn bộ Cty của mình vào chủ nợ được khấu trừ nợ… - Mua bán nợ: Với số vốn pháp định 2 tỷ đồng, DN dịch vụ nợ cần tăng vốn để tham gia mua bán nợ nếu như nghiệp vụ này không thuộc diện cấm. DN làm dịch vụ nợ có thể thoả thuận mua món nợ với giá hợp lý và bán món nợ đó cho DN cũng kinh doanh dịch vụ nợ để bên chủ nợ và khách nợ dứt được món nợ không để ảnh hưởng đến công việc kinh doanh tiếp theo. - Nên mở rộng lĩnh vực hoạt động của DN dịch vụ nợ để giải thông các món nợ khó đòi. DN dịch vụ nợ với số vốn tăng lên, huy động vốn cổ phần, vay vốn có thể tham gia đầu tư vào hoạt động của chủ nợ và khách nợ, thuê mượn tài sản để khấu trừ nợ. Đồng thời, DN thực hiện các dịch vụ tư vấn cho cho khách hàng có liên quan đến món nợ, chỉ ra những yếu kém của quản trị kinh doanh và sử dụng nguồn nhân lực ở DN… để các bên dứt nợ cũ sang nợ mới với chất lượng kinh doanh tốt hơn. SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật