ĐỂ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH VÀ BỀN VỮNG

TS. CHÂU ĐÌNH PHƯƠNG Sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang là một trong những vấn đề đại sự trong chiến lược vốn của Việt Nam từ nay đến năm 2010 và 2020. Việc làm cho TTCK Việt Nam khắc phục được những bất cập hiện nay để làm đúng với chức năng vốn có của nó là “kênh dẫn vốn cho nền kinh tế” đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. TTCK là nơi mua và bán các loại công cụ đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, các quỹ tương hỗ, các quyền lựa chọn, và các trái phiếu địa phương… Do vậy, tính bền vững của TTCK không những chịu tác động bởi nhiều nhân tố kinh tế-chính trị-xã hội của mỗi quốc gia, của nhiều quốc gia khác trên toàn cầu; mà còn được được quyết định bởi tính bền vững của các loại công cụ đầu tư này. Để có được những quyết định đúng đắn trong đầu tư vào TTCK việc nhận biết các công cụ đầu tư cũng như các nhân tố tác động đến tính bền vững của TTCK là rất cần thiết. Các công cụ đầu tư trên TTCK thường gặp: (1) Các cổ phiếu đầu tư Cổ phiếu là một trong những loại chứng khoán vốn cổ phần quen thuộc đối với rất nhiều người. Khi các nhà đầu tư đã thực hiện việc mua cổ phiếu thì họ đã trở thành người chủ sở hữu “một phần” tài sản của một công ty. Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ngày một phát triển thuận lợi, giá cả mà các cổ đông sẵn sàng trả cho cổ phiếu của nó thường là tăng lên; lúc đó những cổ đông đã mua cổ phiếu này với giá thấp hơn sẽ có cơ hội kiếm được lợi nhuận. Tất nhiên, nếu công ty hoạt động không hiệu quả, giá cổ phiếu của nó sẽ đi xuống; các cổ đông sẽ bị lỗ. Vấn đề đặt ra là, các thông tin cần thiết cho việc đánh giá chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp vừa thiếu lại vừa chưa đủ độ tin cậy. (2) Trái phiếu công ty Trái phiếu công ty là hình thức thông dụng nhất của chứng khoán nợ công ty. Về thực chất, trái phiếu công ty được xem như là một chứng chỉ ghi nhận sự cam kết của công ty về việc sẽ thanh toán số tiền mà nhà đầu tư đã cho công ty vay vào một ngày xác định. Để sử dụng được số tiền mà nhà đầu tư đã cho vay, công ty phải trả cho người cầm giữ trái phiếu một số “lãi” nhất định hàng năm. “Lãi” này được xác định theo tỷ lệ phần trăm so với số tiền mà người đầu tư cho công ty vay. Vì người cầm giữ trái phiếu không phải là chủ sở hữu công ty nên họ không được chia cổ tức hay không có quyền bầu cử cũng như tham gia vào các vấn đề khác của công ty. Lưu ý rằng, các công ty muốn bán trái phiếu ra công chúng phải phải được sự đồng ý của Uỷ ban Chứng khoán, trong đó có một bản cáo bạch bao gồm các thông tin về công ty và những vấn đề liên quan đến việc phát hành trái phiếu. (3) Trái phiếu địa phương Trái phiếu địa phương được sử dụng khá phổ biến trên thế giới. Trái phiếu được các bang, thành phố, hay một số cơ quan của chính quyền địa phương (như cơ quan giáo dục) phát hành. Đặc điểm quan trọng của trái phiếu này là lãi suất mà người cầm giữ trái phiếu được nhận không phải chịu thuế thu nhập liên bang. Ngoài ra, lãi suất này cũng được miễn trừ thuế bang và địa phương nếu người cầm giữ trái phiếu sống tại cùng khu vực với người phát hành. Một đặc điểm quan trọng khác của trái phiếu địa phương là trái phiếu địa phương được miễn trừ việc đăng ký với Uỷ ban chứng khoán. (4) Các quyền lựa chọn Quyền lựa chọn là quyền được mua hay bán một cái gì đó tại một thời điểm nào đó trong tương lai. Các dạng quyền lựa chọn cần quan tâm trên TTCK là các quyền lựa chọn mua hoặc bán cổ phiếu công ty đã được tiêu chuẩn hoá. Các quyền lựa chọn được chia thành 2 loại: “quyền mua” cho phép các nhà đầu tư quyền được mua 100 cổ phần của một loại cổ phiếu đã định với một giá cố định trong một khoảng thời gian đã định; “quyền bán” cho phép nhà đầu tư quyền được bán 100 cổ phần của một loại cổ phiếu đã định với một giá cố định trong một thời gian đã định. (5) Các công ty đầu tư Công ty đầu tư là tên gọi của các công ty hay tổ chức tín thác mà hoạt động chủ yếu của họ là đầu tư vốn vào chứng khoán. Các công ty đầu tư thường đa dạng hoá hình thức đầu tư của họ vào nhiều loại chứng khoán vốn cổ phần và chứng khoán nợ nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể. (6) Các tổ chức tín thác đầu tư bất động sản Các tổ chức tín thác đầu tư bất động sản không đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu mà hùn vốn để mua và quản lý bất động sản hay tài trợ cho việc xây dựng hay mua bất động sản. (7) Chứng khoán chính phủ Chính phủ của nhiều nước trên thế giới thường phát hành nhiều loại chứng khoán nợ, bao gồm tín phiếu, kỳ phiếu và trái phiếu chính phủ được bán ra từ kho bạc qua các phiên đấu giá. Chứng khoán chính phủ cũng có thể mua được từ các ngân hàng, các nhà giao dịch chứng khoán chính phủ, các nhà môi giới giao dịch chứng khoán khác. Các loại công cụ đầu tư thường xuyên được mua và bán trên các TTCK nên tính bền vững của TTCK cũng phụ thuộc vào tính ổn định và phát triển của các công cụ đầu tư. Đối với loại chứng khoán nói chung thì tính ổn định và phát triển của loại chứng khoán được quyết định bởi chất lượng hoạt động của các công ty, các doanh nghiệp. Như vậy, chất lượng hoạt động của các công ty luôn là một trong những yếu tố quyết định sự tăng, giảm giá cổ phiếu của công ty. Tất nhiên, giá cổ phiếu cũng bị chi phối bởi tình hình kinh tế chung và các nhân tố ảnh hưởng đến từng ngành cụ thể. Tình hình kinh tế chung muốn nói ở đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát tiền tệ, là sự ổn định của ngân sách quốc gia, sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung; là sự lành mạnh trong việc phát triển các dịch vụ tài chính-ngân hàng nói riêng; đặc biệt là trong đầu tư và tín dụng đối với các thành phần kinh tế. Các nhân tố ảnh hưởng đến từng ngành cụ thể không chỉ là các nhân tố kinh tế đơn thuần, mà còn là những nhân tố được nảy sinh từ các quan hệ ngoại giao, chính trị, xã hội… không chỉ trong phạm vi của một quốc gia, mà cả trên phạm vi toàn cầu. Sự kiện Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO từ ngày 7/11/2006 đã góp phần tạo ra những bước chuyển mới của đất nước trong việc thay đổi cách nghĩ và cách làm thế nào đó cho phù hợp với vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Tình trạng nóng lên một cách bất thường của TTCK trong những tháng đầu năm 2007 đến nay được tạo ra từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này chưa cho phép có những đánh giá mang tính ngộ nhận về một biểu hiện “đang lên” của TTCK Việt Nam. Thực tế diễn ra trên TTCK Việt Nam trong thời gian qua; đặc biệt giá cổ phiếu trên thị trường lúc lên, lúc xuống một cách thất thường theo ý kiến của một số người thì đây cũng là một biểu hiện sự không bền vững của TTCK. Trong số các nguyên nhân tạo ra hiện tượng này, thì một vài nguyên nhân trong số đó cần được lưu tâm. Từ những hiểu biết chưa thật đầy đủ về cơ chế hoạt động của TTCK nên đã xuất hiện một số nhà đầu tư “chơi chứng khoán” như đánh bạc. Vì thế họ sẵn sàng dốc hầu bao của mình ra để thử vận may. Trên thực tế, đã có người gặp “may” thật nên trong chốc lát họ đã thu về tiền tỷ. “May” ở đây cũng có thể hiểu được là họ đã sử dụng tối đa các quan hệ có được để kiếm lời một cách nhanh chóng. Tháng 12 năm 2005, khi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có bố cáo về việc ai mua trái phiếu của họ thì các trái phiếu đó sẽ trở thành cổ phiếu. Nhờ một lời tiếp thị như vậy mà 525 tỷ VND đã được bán sạch trong vòng từ 3 đến 5 phút. Lúc bấy giờ, đã có người “trúng to”. Người này chỉ mua 100 triệu và lập tức có người khác mua ngay với giá 150 triệu. Tất nhiên, với ai có vốn bỏ ra hàng tỷ thì lợi nhuận họ thu được là phải tiền tỷ trở lên. Đây cũng là hiện tượng làm cho cổ phiếu của một số ngân hàng thương mại rất có giá trong thời gian vừa qua bởi lẽ, người ta cho rằng, đầu tư vào ngân hàng là chắc ăn nhất, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước. Sự sai, đúng về cách nhận thức này như thế nào cũng nên để cho các nhà đầu tư chứng khoán tự tìm hiểu và tự bình luận. Có một thực tế mà không phải nhà đầu tư chứng khoán nào cũng được biết đến một cách tường tận là, theo lộ trình mở cửa của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong cam kết gia nhập WTO thì trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập, Việt Nam có thể hạn chế quyền của một chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi bằng Đồng Việt Nam từ các thể nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng theo tỷ lệ trên mức vốn được cấp của chi nhánh phù hợp với lộ trình sau: (1) Ngày 1 tháng 1 năm 2007: 650% vốn pháp định được cấp; (2) Ngày 1 tháng 1 năm 2008: 800% vốn pháp định được cấp; (3) Ngày 1 tháng 1 năm 2009 : 900% vốn pháp định được cấp; (4) Ngày 1 tháng 1 năm 2010 : 1000% vốn pháp định được cấp; (5) Ngày 1 tháng 1 năm 2011: Đối xử quốc gia đầy đủ. Như vậy, theo lộ trình này thì trong một thời gian rất ngắn nữa, các ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam sẽ được bỏ đi rất nhiều rào cản trong việc phát triển các dịch vụ ngân hàng; đặc biệt là dịch vụ huy động vốn và cho vay bằng Đồng Việt Nam. Đây có thể là một thách thức rất lớn cho các ngân hàng thương mại Việt Nam, vì đây là một trong những loại dịch vụ mà các ngân hàng nước ngoài có rất nhiều lợi thế về năng lực tài chính cũng như năng lực điều hành, quản lý, trình độ tổ chức tác nghiệp và xử lý nghiệp vụ. Một vấn đề khác cần làm rõ khi nói đến các nhân tố tác động đến tính bền vững của TTCK là việc quan niệm thế nào về tính bền vững của TTCK. Nếu cho rằng, giá cổ phiếu trên TTCK hôm nay lên, ngày mai xuống mà khẳng định rằng tính bền vững của TTCK như vậy là có vấn đề thì có lẽ là chưa chính xác. Có thể do cách quan niệm vấn đề quá đơn giản như vậy nên, người ta mới đề cập đến tình trạng “bong bóng chứng khoán” và tình trạng “bong bóng chứng khoán xì hơi”. Hiện tượng “bong bóng” trong nền kinh tế nói chung, trong TTCK nói riêng là những hiện tượng kinh tế xảy ra có tính nhất thời do tác động từ nhiều nhân tố của “tâm lý” và “đầu cơ”. Những hiện tượng này có thể dễ dàng sinh ra cũng như dễ dàng mất đi khi các nhà đầu tư là tác giả của “đầu cơ” và “tâm lý” nhanh chóng phát hiện ra chúng. Đây cũng chính là nơi khởi nguồn của cái gọi là tâm lý “chạy theo đám đông” như một số chuyên gia kinh tế đã đặt tên cho nó. “Nóng, lạnh” trong mọi hiện tượng của đời sống kinh tế diễn ra một cách thất thường vốn là một trong những đặc điểm của kinh tế thị trường. Cái tài, cái giỏi cả các nhà đầu tư là ở chỗ dự báo được sự xuất hiện của tình trạng nóng lạnh đó sẽ diễn ra lúc nào, khi nào và trong bao lâu. Vì thế, không nên chỉ dựa vào sự thất thường, sự “đỏng đảnh” về “thời tiết” trên TTCK mà đã sớm khẳng định sự bền vững hay không bền vững của nó khi chưa có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn. Sự vội vàng trong việc nhận định hoạt động của một TTCK đang lên như Việt Nam sẽ có thể dẫn đến những tác hại khó lường; đặc biệt khiến cho các nhà đầu tư; nhất là các nhà đầu tư nước ngoài kéo dài sự do dự của họ trong các quyết định đầu tư. Khi các nhân tố tác động đến TTCK được xác định một cách đúng đắn, chính xác thì các giải pháp đưa ra nhằm củng cố, mở rộng và phát triển hoạt động của TTCK mới có thể có được tính khả thi. Thông thường, khi đề cập đến các nhân tố tác động đến một ngành kinh tế nói chung, không thể không nói đến các nhân tố từ góc độ vĩ mô, từ sự ổn định chính trị, xã hội cũng như ổn định trong đời sống kinh tế trong nước mà cả trên thế giới. Đây là những nhân tố tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất, thậm chí là những nhân tố có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, cho TTCK nói riêng. Những nhân tố thuộc tầng vi mô như chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng các loại dịch vụ cho nền kinh tế của các công ty, các doanh nghiệp là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, đến những khoản lợi nhuận mà các nhà đầu tư thu được cũng như sự thua lỗ mà họ phải gánh chịu. Tình trạng “loạn” giá cổ phiếu trên TTCK, đặc biệt là ở thị trường OTC là một trong những nguyên nhân tạo ra sự mất ổn định của TTCK. Tạo nên tình trạng “loạn” này được nhìn nhận từ rất nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, sự thiếu trung thực trong một số “cáo bạch” vì lợi ích của một số ít người trong các doanh nghiệp, công ty đã làm cho không ít nhà đầu tư không còn đủ tin cậy để sử dụng các thông tin như vậy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là lý do làm cho không ít nhà đầu tư “lựa chọn” đầu tư theo cách riêng của họ; đôi khi họ xem “chơi” chứng khoán cũng giống như kiểu đánh bạc. Hậu quả là, theo ước tính của một số chuyên gia kinh tế thì ít nhất có 0,5 triệu người/hộ gia đình; và nhiều nhất là 1 triệu người/hộ gia đình đã lâm vào tình trạng phá sản do đầu tư chứng khoán theo kiểu đánh bạc. Việc hiểu rõ những nhân tố tác động đến sự ổn định, tính bền vững của TTCK đối với các nhà đầu tư là một trong những điều kiện cần để các nhà đầu tư có thể tham gia vào TTCK một cách tự tin hơn, chắc chắn hơn. Những quan niệm cho rằng, đầu tư vào chứng khoán là một “kiểu chơi bạc” là những quan niệm rất sai lầm. Từ cách quan niệm không đúng này mà các nhà đầu tư kém hiểu biết chỉ kỳ vọng vào những vận may trời cho đã góp phần làm cho TTCK có những cơn “nóng, lạnh” bất thường. Vì vậy, cần nhấn mạnh rằng, đầu tư vào TTCK là một trong những loại đầu tư không chỉ đòi hỏi cần có nhiều thông tin; mà điều quan trọng hơn là cần phải biết phân tích, xử lý các thông tin đó một cách nhanh nhạy, chính xác để có được những dự báo đúng cho các quyết định đầu tư./.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật