ĐỂ HIỂU ĐÚNG VỀ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Thời gian gần đây, thuật ngữ “Văn hóa doanh nghiệp” rất thường được sử dụng và phổ biến trong giới doanh nhân và các nhà quản lý. Các doanh nghiệp bắt đầu chú trọng đến việc xây dựng văn hóa cho mình. Tuy nhiên, việc hiểu đúng thuật ngữ này là hết sức cần thiết trong bối cảnh có quá nhiều những lớp chiêu sinh giảng dạy về đề tài này, nhưng mỗi nơi, mỗi thầy lại giảng một kiểu, gây bối rối cho người học. Có người cho rằng: “Văn hóa tổ chức là những nét đặc trưng cơ bản để phân biệt tổ chức này với tổ chức khác”, từ đó kết luận “Văn hóa doanh nghiệp là những nét đặc trưng cơ bản để phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác”. Hai cụm từ “đặc trưng” và “phân biệt” được nhấn mạnh và lặp đi lặp lại nhiều lần trong các lớp học về văn hóa doanh nghiệp, làm học viên nhớ và “thấm” rất kỹ. Kết quả là các doanh nghiệp có người theo học luôn tìm mọi cách để làm cho doanh nghiệp mình có những nét văn hóa “khác người”. Nỗ lực này đôi khi đem lại kết quả tệ hại vì doanh nghiệp bỗng trở thành một tổ chức lạc lõng, không giống ai, thậm chí có khi còn rất phản cảm vì những “nét văn hóa” rất kỳ cục, gây khó chịu cho cả những người trong cuộc. Ví dụ, có doanh nghiệp bắt buộc tất cả nhân viên, kể cả quản lý cấp cao, phải đứng dậy, cúi đầu chào khi tổng giám đốc bước vào, và chỉ được ngồi sau khi tổng giám đốc cho phép.   Văn hóa “sùng kính” theo kiểu vua chúa này quả thật là “đặc trưng” và “khác biệt”, nhưng nó lại gây khó chịu không chỉ cho cán bộ quản lý cấp cao mà còn cho bất cứ nhân viên nào có lòng tự trọng. Không ít trường hợp, những người mới vào bị “sốc” văn hóa và lập tức bỏ việc ngay sau cuộc họp đầu tiên. Thay vì chú trọng  đến “nét riêng” để “phân biệt”, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng văn hóa là tập hợp những nét chung của tổ chức về giá trị, niềm tin, được cụ thể hóa thành các chuẩn mực đạo đức, hành vi, và thể hiện qua các nghi thức, lề thói, trang phục, màu sắc, cách trang trí, biểu tượng, cách giao tế, ứng xử, tương tác… mà các thành viên trong tổ chức chấp nhận hoặc bị chi phối. Các giá trị, niềm tin này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường văn hóa, xã hội nơi doanh nghiệp hoạt động. Chúng không thể đi ngược lại những giá trị truyền thống của dân tộc, đất nước, con người bao quanh doanh nghiệp. Vì vậy, thay vì cố đi tìm “nét riêng” để phân biệt, nhiều khi trái với truyền thống, đạo lý, nhiều doanh nghiệp tập trung xây dựng những giá trị cốt lõi (core values) phù hợp với truyền thống tốt đẹp chung của xã hội và của nghề kinh doanh; rồi từ đó truyền bá, áp dụng trong doanh nghiệp mình, hình thành nét văn hóa chung của những người cùng làm việc trong doanh nghiệp, không quan trọng nét văn hóa này có “khác biệt” so với các doanh nghiệp khác hay không. Những nét chung đó có thể là các nguyên tắc chung như hướng về khách hàng, vì lợi ích và sự phát triển của cộng đồng, bảo vệ môi trường, quan tâm đến người lao động, vì sự phát triển bền vững, không vì lợi nhuận ngắn hạn… Còn phần khác biệt chẳng qua là phần “nổi” trong cách thể hiện như đồng phục, logo, màu sắc trang trí văn phòng, các nghi thức hội họp… – vốn chỉ là phần “bề mặt” của văn hóa doanh nghiệp. image Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng bản chất của văn hóa doanh nghiệp không phải là để “phân biệt”, mặc dù người ngoài có thể nhìn thấy sự khác biệt, mà là để “thống nhất và cùng thể hiện” những giá trị, niềm tin, chuẩn mực đạo đức, hành vi… mà những người trong doanh nghiệp cùng chấp nhận hoặc bị chi phối. Có người tuyệt đối hóa và kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp như là một thứ tín ngưỡng của doanh nghiệp, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi người sáng lập doanh nghiệp và buộc các thành viên trong doanh nghiệp xem như “đạo”, như “đức tin” để luôn tự giác đi theo. Thực ra, văn hóa doanh nghiệp không chỉ chịu ảnh hưởng bởi người sáng lập mà chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường xung quanh, bao gồm văn hóa đất nước, khu vực, ngành nghề, đối tác, khách hàng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh… Một doanh nghiệp có khách hàng mục tiêu là “lớp” người sang trọng, phải xây dựng văn hóa thể hiện đẳng cấp với nhiều nghi thức trang trọng; ngược lại, một doanh nghiệp có khách hàng mục tiêu là giới bình dân, ví dụ, nông dân thì phải xây dựng những nét văn hóa giản dị, bình dân, phù hợp với bản chất “lúa” của nông dân. Doanh nghiệp cũng luôn hướng tới xây dựng “màu cờ sắc áo” khác với đối thủ cạnh tranh để khỏi bị “đụng hàng” và bị “đồng hóa”. Ngoài ra, nếu hợp tác với đối tác chiến lược, doanh nghiệp cũng thường cân nhắc, không xây dựng văn hóa quá “chỏi” với văn hóa của đối tác chiến lược này. Văn hóa doanh nghiệp cũng có nhiều tầng lớp từ trong ra ngoài. “Tầng gốc” bao gồm triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi, niềm tin…; “tầng sâu” bao gồm các chuẩn mực đạo đức, hành vi…; “tầng giữa” bao gồm phong cách quản lý, nghi thức, lề thói…; và “tầng bề mặt” thể hiện qua “màu cờ sắc áo” như logo, đồng phục… Tương tự như vậy, “đức tin” cũng được thể hiện qua nhiều mức độ khác nhau của các nhóm “tín đồ”. Trong cùng là “nhóm nòng cốt” với thành phần thường có là những người sáng lập và các cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp với niềm tin tuyệt đối. Kế đến là “nhóm chấp nhận” – chưa tin lắm, nhưng chấp nhận và chịu sự chi phối. Tiếp theo là  “nhóm ủng hộ”- chưa tin, chưa chấp nhận, nhưng ủng hộ và tự giác thực hiện các chuẩn mực vì mục tiêu chung. Rồi đến “nhóm thực hiện” – chưa tin,  chưa chấp nhận, không ủng hộ, nhưng vẫn thực hiện vì bắt buộc và không tự giác. Cuối cùng, không thể không có, là “nhóm ngoại đạo”- không tin, không chấp nhận, không ủng hộ, không chịu thực hiện, luôn tìm cách chống đối, và muốn thay đổi cả văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là quá trình lâu dài, tương tự như việc truyền bá một thứ tín ngưỡng – phải có thời gian để “thấm” dần. Các doanh nghiệp nên khởi đầu từ tầng gốc – xây dựng triết lý kinh doanh, tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi… Các xu hướng mới trong văn hóa doanh nghiệp không hề xa lạ, khác biệt với các giá trị truyền thống được cả thế giới chấp nhận và đề cao. Những giá trị này không gì khác hơn là việc coi trọng đạo đức kinh doanh; sự thể hiện trách nhiệm không chỉ đối với cổ đông mà còn đối với khách hàng, cộng đồng, môi trường, người lao động, đối tác…; hoạt động công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật; phát triển bền vững, không vì lợi nhuận ngắn hạn; khuyến khích phản biện nội bộ; coi trọng uy tín doanh nghiệp… Từ những giá trị rất chung này, doanh nghiệp sẽ xây dựng các chuẩn mực đạo đức, hành vi, tạo lập các phong cách lề lối làm việc, xây dựng “màu cờ sắc áo”… Sẵn sàng học tập và ứng dụng cái hay, cái tốt của người khác là một trong những nét văn hóa rất cần của cả con người lẫn doanh nghiệp. Khác với việc xây dựng thương hiệu – rất cần sự khác biệt, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp không nhất thiết phải đi tìm những giá trị khác biệt không giống ai. Những cái chung tốt đẹp, được nhiều người chấp nhận, được thể hiện theo cách riêng mới là điều đáng để doanh nghiệp theo đuổi. Và đừng bao giờ kỳ vọng xây dựng một văn hóa doanh nghiệp như một thứ tín ngưỡng tuyệt đối mà mọi thành viên trong doanh nghiệp đều phải tin và làm theo.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật