ĐỂ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÚC ĐẨY KINH TẾ

Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006-2010, năm 2007 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ hoàn thiện khung pháp lý cho sắp xếp, đổi mới tổ chức quản lý DNNN nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN đến phê duyệt Đề án và tổ chức thực hiện sắp xếp, trọng tâm là cổ phần hoá DNNN. Kết quả khiêm tốn Năm 2007 đã sắp xếp được 271 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá (CPH) 150 doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp, nâng tổng số đơn vị được sắp xếp là 5.366 doanh nghiệp, trong đó CPH là 3.756 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thuộc diện duy trì 100% vốn nhà nước tiếp tục được chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với với kế hoạch của Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2007-2010 là cần phải sắp xếp 1.553 doanh nghiệp, trong đó CPH 950 doanh nghiệp thì mới thấy được kết quả đạt được là khá khiêm tốn. Hình thức sắp xếp chủ yếu vẫn là cổ phần hoá và được thực hiện ở các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Năm 2007 có 17 doanh nghiệp CPH có vốn nhà nước trên 100 tỷ đồng, trong đó có những doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 1.000 tỷ đồng như: Công ty Phân đạm và hoá chất Dầu khí, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Công ty Tài chính Dầu khí… Tổng vốn nhà nước ở doanh nghiệp CPH năm 2007 là 29.766 tỷ đồng (bằng 42% tổng vốn nhà nước của các doanh nghiệp đã CPH). Một số công ty lâm vào tình trạng phá sản, không còn vốn nhà nước đã được Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp cơ cấu tài chính và chuyển đổi sở hữu xong trong năm 2007 như: Mía đường Sơn La, Xây lắp I Nam Định, Kinh doanh chế biến hàng xuất khẩu Đà Nẵng, Sadico. Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp đang thực hiện cơ cấu tài chính của 13 doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu trong 6 tháng đầu năm 2008. Đây là giải pháp tích cực, đã làm sống lại những doanh nghiệp trên bờ vực phá sản nhưng có tiềm năng phát triển, tiếp tục đảm bảo việc làm cho người lao động. Việc bán đấu giá cổ phần và niêm yết, đặc biệt là các tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có quy mô lớn, đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hoá có chất lượng, tác động mạnh đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường sự kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp. Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2007, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức đấu giá lần đầu cho 96 DNNN CPH với tổng vốn điều lệ 53.433 tỷ đồng, tổng số cổ phần chào bán trên 745 triệu cổ phần, số cổ phần bán được là trên 687 triệu, đạt 92%. Tổng giá trị thu được cho Nhà nước và doanh nghiệp qua đấu giá là trên 38.893 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đã thu được là 32.023 tỷ đồng, bằng 4,66 lần so với số vốn Nhà nước bán ra.   Qua sắp xếp lại, những DNNN nhỏ, thua lỗ và số doanh nghiệp thuần tuý hoạt động kinh doanh không thuộc lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ đã giảm đáng kể. Cơ cấu DNNN trong các khu vực kinh tế quốc doanh có sự thay đổi tích cực, nếu năm 2001 DNNN trong ngành thương mại, dịch vụ chiếm 30% tổng số DNNN; trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải 52,6%; nông, lâm, ngư nghiệp 14,2% thì đến nay tỷ lệ này tương ứng là 22,4%, 50,6% và 25%. Quy mô DNNN tăng khoảng 5 lần, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và lớn. Đến nay có 1.720 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chủ yếu thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước, công ích, quốc phòng, nông, lâm trường, những ngành, lĩnh vực đảm bảo cho cân đối vĩ mô hoặc cung cấp các dịch vụ cho xã hội với tổng vốn nhà nước khoảng 400 nghìn tỷ đồng. DNNN, nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty, đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Kết quả là, hầu hết DNNN duy trì được tốc độ tăng trưởng (bình quân 10%); sản xuất, kinh doanh có hiệu quả (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 11%), bù đắp được các khoản lỗ phát sinh trước đây; giai đoạn 2000-2007, DNNN đóng góp gần 39% GDP, 40% tổng thu ngân sách. Gần 80% DNNN kinh doanh có lãi, 8% doanh nghiệp hoà vốn, 12% doanh nghiệp thua lỗ. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, thực hiện nghĩa vụ đảm bảo cân đối vĩ mô và bình ổn thị trường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh và nhiều sản phẩm, dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; đóng góp quan trọng trong việc giúp Chính phủ thực hiện các giải pháp chống lạm phát, tiết kiệm, thực hiện xoá đói, giảm nghèo. Nhiều tập đoàn, tổng công ty đã tự huy động vốn thành lập các công ty cổ phần thực hiện những dự án đầu tư quan trọng trong lĩnh vực sản xuất điện, dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng, vận tải, xi măng… ở một số tập đoàn, tổng công ty có điều kiện đã mở rộng ngành nghề kinh doanh, nhờ đó đã khai thác tốt hơn cơ sở vật chất kỹ thuật của tổng công ty trên nguyên tắc gắn với ngành nghề kinh doanh chính. Qua đó, năng lực cạnh tranh của nhiều tổng công ty được tăng thêm, bước đầu khắc phục được tính chất “độc canh” của nhiều tập đoàn, tổng công ty. Việc chuyển đổi các tổng công ty, công ty nhà nước có quy mô lớn sang tổ chức và hoạt theo hình thức công ty mẹ – công ty con được giải quyết đồng bộ từ thể chế, mô hình đến quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, phát triển các công ty con đa sở hữu… làm đổi mới phương thức tổ chức quản lý, chuyển từ cơ chế quản lý bằng phương thức hành chính là chủ yếu sang phương thức đầu tư vốn. Chủ sở hữu Nhà nước chỉ quản lý công ty mẹ, không can thiệp đến công ty con. Đến cuối năm 2007 đã có 120 tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước độc lập có quy mô lớn tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con. . Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đi vào hoạt động bước đầu đạt kết quả tốt, năm 2007 doanh thu đạt 1.150 tỷ đồng, nộp ngân sách 123 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.041 tỷ đồng. Đến hết năm 2007, SCIC nhận bàn giao vốn nhà nước tại 845 doanh nghiệp với số vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao là 7.472 tỷ đồng. SCIC đã bán phần vốn nhà nước tại 34 công ty với giá trị 73 tỷ đồng, thu về cho Nhà nước 390 tỷ đồng. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, SCIC đã triển khai việc mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để góp phần ổn định thị trường. Các nông lâm trường quốc doanh đã được sắp xếp lại một bước, trước khi sắp xếp có 342 nông trường và công ty nông nghiệp có nông trường; 355 lâm trường và công ty lâm nghiệp. Sau khi sắp xếp có 314 nông trường được tổ chức lại và chuyển đổi thành công ty nông nghiệp hoặc tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải thể 18 nông trường; 353 lâm trường được tổ chức lại và chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp hoặc tiếp tục củng cố, hoặc thành lập ban quản lý rừng, giải thể 11 lâm trường. Đến tháng 01/2007 có 301 công ty TNHH một thành viên. Trong năm 2007 đã có thêm 33 công ty chuyển thành công ty TNHH một thành viên, đồng thời theo kế hoạch 144 công ty TNHH một thành viên sẽ CPH. Các doanh nghiệp chuyển sang hình thức này là các doanh nghiệp độc lập, doanh nghiệp thành viên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và của công ty mẹ; chưa chuyển đổi đối với công ty mẹ của các công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con vì hầu hết các công ty mẹ sẽ được CPH từ nay đến năm 2020. Việc chuyển thành công ty TNHH một thành viên tuy không thay đổi cơ bản về quản trị doanh nghiệp, tính minh bạch trong quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp được chủ động hơn trong đầu tư, mở rộng ngành nghề kinh doanh, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những kết quả đạt được, DNNN còn một số hạn chế như: Quy mô DNNN chưa lớn, còn nhiều doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối. Trình độ công nghệ của DNNN còn lạc hậu; nhiều DNNN năng suất lao động và hiệu quả hoạt động chưa cao, sức cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Đổi mới tổ chức quản lý trong DNNN còn chậm. Một số tổng công ty nhà nước chưa phát huy được vai trò chi phối trong ngành, lĩnh vực hoạt động. Kết quả sản xuất, kinh doanh của DNNN nói chung và tổng công ty nhà nước nói riêng chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước. Tiến độ CPH một số doanh nghiệp chậm so với kế hoạch. Nhà nước còn nắm giữ tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ ở nhiều doanh nghiệp không thuộc diện cần giữ cổ phần chi phối, phổ biến nhất là trong các tổng công ty nhà nước thuộc các ngành xây dựng, giao thông, vì thế các cổ đông chiến lược cũng không có nhiều cơ hội để tham gia vào phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều công ty cổ phần chưa có sự đổi mới thực sự trong quản trị công ty; phương pháp quản lý, lề lối làm việc, tư duy quản lý vẫn còn như doanh nghiệp nhà nước. Những thông lệ về quản trị công ty tốt nhất chưa được áp dụng nhiều trong các công ty cổ phần. Kế hoạch sắp xếp đổi mới DNNN giai đoạn 2008-2010 Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2008 và những năm tiếp theo là tiếp tục thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh hơn công tác sắp xếp, CPH, tăng cường đầu tư và đổi mới tổ chức quản lý để DNNN lớn mạnh, có hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. DNNN tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, vào một số lĩnh vực công ích. Kiện toàn tổ chức hoạt động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty để luôn giữ nòng cốt trong điều tiết vĩ mô và thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác. Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đưa ra là: Thứ nhất, Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước; cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới công ty nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, nhất là CPH Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các tổng công ty một cách chặt chẽ với bước đi vững chắc. Thứ ba, chỉ đạo sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý các nông, lâm trường quốc doanh và thí điểm cổ phần hoá một số vườn cây gắn với cơ sở chế biến. Thứ tư, tiếp tục rà soát để chuyển các doanh nghiệp mà Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ tiếp tục nắm giữ 100% vốn đến năm 2010 thành công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Thứ năm, các công ty nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kiện toàn tổ chức, hoạt động; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế quản lý nội bộ bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; có biện pháp để phát huy sức mạnh của tổ hợp công ty mẹ – công ty con, đồng thời bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các công ty con, công ty liên kết trong thực hiện chiến lược phát triển của cả tổ hợp. Đầu tư đổi mới công nghệ, cơ cấu lại danh mục đầu tư theo chiều sâu, tập trung vào ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, điều chỉnh ngay những hoạt động đầu tư chưa phù hợp hoặc hiệu quả thấp, quản lý chặt đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Rà soát chặt chẽ các hạng mục đầu tư, kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả, dãn tiến độ những dự án chưa cấp bách, tập trung vốn và các nguồn lực cho những dự án sắp hoàn thành. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, thực hiện bằng được kế hoạch đề ra, phấn đấu không để giảm sút. Rà soát cắt giảm chi phí, thực hiện tiết kiệm trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong sử dụng điện, xăng dầu, vật tư, nguyên liệu. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bảo đảm cân đối cung cầu đối với những loại vật tư quan trọng và mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, than, xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh, lương thực. Có các hành động cụ thể để góp phần bình ổn giá thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thứ sáu, tổ chức lại các tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con để hình thành một số tập đoàn, tổng công ty mạnh, có nhiều chủ sở hữu, trong đó có sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối. Thứ bảy, thực hiện tốt việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thứ tám, thực hiện sơ kết đánh giá để rút kinh nghiệm đối với: chủ trương bán cổ phần cho người lao động khi cổ phần hoá tạo sự gắn bó lâu dài của công nhân tại doanh nghiệp, phát huy vai trò làm chủ tập thể; việc sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; việc CPH cơ sở chế biến gắn với vườn cây; thí điểm CPH các đơn vị sự nghiệp có thu; mô hình tập đoàn kinh tế, công ty mẹ – công ty con; việc tính giá trị quyền sử dụng đất (kể cả giá trị lợi thế vị trí địa lý) trong giá trị doanh nghiệp CPH; công tác kiểm toán và định giá doanh nghiệp; việc lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược; việc CPH các đơn vị khai thác tài nguyên; việc Hội đồng quản trị ký hợp đồng với Tổng giám đốc điều hành./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật