TRỊNH MINH TÂM
Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là một trong những trụ cột góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng còn không ít hạn chế. Vì vậy, làm thế nào để thu hút tối đa nguồn FDI vào Việt Nam và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.
Hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế. Từ một nước có tốc độ phát triển kinh tế chậm, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển cao và ổn định nhất trong khu vực và trên thế giới. FDI đã được nhìn nhận như là một trong những trụ cột góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vai trò của FDI được thể hiện thông qua việc đóng góp vào các yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế như: Bổ sung nguồn vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, FDI cũng góp phần thúc đẩy Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.
Những thành tựu…
Việt Nam thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (1987) trong bối cảnh kinh tế – xã hội còn phát triển ở mức rất thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, khoa học và công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực dồi dào nhưng phần lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và chưa qua đào tạo. Từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (nay là Luật Đầu tư năm 2005) đến nay, FDI đã góp phần tích luỹ vốn và tăng thu ngân sách cho Việt Nam. Thời kỳ 1996-2000, không kể nguồn thu từ dầu thô, các doanh nghiệp có vốn FDI đã nộp ngân sách đạt 1,49 tỷ USD. Trong 5 năm 2001-2005, thu ngân sách từ khối doanh nghiệp có vốn FDI đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng bình quân 24%/năm. Riêng hai năm 2006-2007 khu vực có vốn FDI đã nộp ngân sách trên 3 tỷ USD, gấp đôi thời kỳ 1996-2000 và bằng 83% thời kỳ 2001-2005. Tính đến hết tháng 6.2009, Việt Nam có 10.409 dự án FDI với tổng mức vốn đầu tư đăng ký hơn 164,6 tỷ USD
1.
Tạo công ăn việc làm và đào tạo nghề là một trong những đóng góp quan trọng của khu vực FDI. Tính đến năm 2007, doanh nghiệp có vốn FDI đã tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động trực tiếp, trong đó nhiều lao động đã được đào tạo ở nước ngoài.
Một trong những đóng góp quan trọng nữa của khu vực FDI là chuyển giao công nghệ. Chuyển giao công nghệ qua các doanh nghiệp có vốn FDI luôn đi kèm với đào tạo nhân lực quản lý, vận hành, nhờ đó đã góp phần hình thành một đội ngũ các cán bộ, công nhân có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao. Đối với một số khâu chủ yếu của dây chuyền công nghệ đặc thù, lao động Việt Nam sau khi được tuyển dụng đều được đưa đi bồi dưỡng kỹ thuật và tay nghề tại các công ty mẹ ở nước ngoài. Đến nay, hầu hết các công nghệ tiên tiến và đội ngũ công nhân kỹ thuật cao đều tập trung chủ yếu trong khu vực có vốn FDI.
Ngoài ra, FDI cũng góp phần mở rộng hợp tác đầu tư với các nước và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tính đến hết tháng 6.2009, đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam
2. Trong số 96 tập đoàn của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam có 81 tập đoàn đứng trong danh sách “Global 500” do Tạp chí Fortune bình chọn. Các tập đoàn đa quốc gia có khoảng 300 dự án đầu tư tại Việt Nam. Với công nghệ cao, tiềm lực tài chính mạnh, các tập đoàn này đã đầu tư các dự án tập trung vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam như: Công nghiệp dầu khí, ngân hàng, công nghiệp điện tử – viễn thông, sản xuất ôtô.
… Và hạn chế
Bên cạnh những đóng góp tích cực, FDI cũng đã và đang tạo ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Phần lớn các doanh nghiệp có vốn FDI tập trung vào khai thác lợi thế giá nhân công rẻ, nguồn tài nguyên có sẵn, thị trường tiêu thụ dễ tính để lắp ráp, gia công sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Các doanh nghiệp có vốn FDI hiện có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam không thay đổi, trong đó các mặt hàng nông, thuỷ sản, thực phẩm và các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như dệt may, tạp phẩm chiếm đến 49,4%. Trong khi các ngành chế tạo đòi hỏi công nghệ cao như máy công cụ, chế tạo ôtô, đồ điện tử chỉ chiếm 7,5% so với 54,6% tại các nước Đông á và ấn Độ
3. Hơn nữa, sự liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn FDI và các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế. Do vậy, chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng hàng hoá và các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam phải nhập khẩu 70-80% lượng sản phẩm phụ trợ
4.
Các doanh nghiệp có vốn FDI cũng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Chất thải của công ty VEDAN là một ví dụ tiêu biểu. Rõ ràng là, những hậu quả về môi trường nếu không được xem xét kỹ lưỡng khi quyết định cấp phép đầu tư sẽ làm giảm tính bền vững của tăng trưởng kinh tế.
Một trong những hạn chế nữa của khu vực FDI là các doanh nghiệp có vốn FDI chủ yếu tập trung vào đầu tư tại các khu vực đô thị lớn mà chưa được phân bổ đều giữa các địa phương trong cả nước, điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa vùng đô thị và vùng nông thôn, giữa miền ngược và miền xuôi. Hơn nữa, FDI tập trung quá nhiều tại các thành phố lớn sẽ càng gia tăng sức ép cho các đô thị này về dân số, hạ tầng đô thị.
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng FDI
Nhóm giải pháp về chính sách: Cần thu hút và sử dụng có lựa chọn nguồn FDI hơn là chạy theo số lượng, cần tính đến hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững cũng như đảm bảo về môi trường. Hướng FDI vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng, không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thời gian gần đây, đặc biệt từ năm 2007, FDI hướng quá nhiều vào bất động sản, sân golf, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới bất ổn cho nền kinh tế. Thực tế khủng hoảng
tài chính ở châu á và gần đây ở Mỹ đã chứng minh điều này. Cần tạo ra sự liên kết giữa khu vực FDI với các ngành sản xuất nội địa để tạo ra chuỗi liên kết sản xuất và thúc đẩy sản xuất nội địa phát triển cũng như tạo ra các ngành phụ trợ để hạn chế nhập khẩu các thiết bị hay bộ phận mà Việt Nam có thể tự sản xuất được. Bên cạnh đó, cũng cần có định hướng về quy hoạch phát triển các doanh nghiệp Việt Nam theo lĩnh vực và theo nhóm ngành liên kết với khu vực FDI dựa trên thế mạnh và lợi thế so sánh của từng khu vực và từng địa phương để thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn FDI lâu dài.
Nhóm giải pháp về hạ tầng: Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy hoạch hợp lý các khu công nghiệp tại các địa phương, đặc biệt chú trọng hình thành các khu công nghệ cao thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả của khu vực FDI. Cần có giải pháp khuyến khích và thu hút FDI vào các địa phương trong cả nước, trong đó chú trọng tìm ra các thế mạnh, lợi thế so sánh của từng địa phương để hướng FDI vào các địa phương và cũng giúp giảm sức ép quá tải về hạ tầng cho các đô thị.
Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: Giá nhân công rẻ, nguồn nhân lực dồi dào là một lợi thế so sánh của Việt Nam khi thu hút FDI. Nhưng lợi thế này sẽ dần mất đi khi nền kinh tế phát triển. Chính vì vậy, lợi thế ở nguồn nhân lực sẽ được khai thác ở khía cạnh nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao, có kinh nghiệm quản lý, sẵn sàng đáp ứng được với trình độ công nghệ mới và hiện đại. FDI là một kênh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cần chủ động phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam theo hướng chuyên môn hoá, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, tay nghề và trình độ quản lý tốt để chủ động hơn, sẵn sàng nắm bắt và tiếp nhận công nghệ ở trình độ cao. Một ví dụ là, Tập đoàn IBM dự định sẽ tuyển 250 chuyên gia công nghệ thông tin vào làm việc tại Trung tâm Dịch vụ toàn cầu của tập đoàn này tại Việt Nam, và Trung tâm này có thể tiếp nhận từ 3.000 đến 5.000 lao động Việt Nam có trình độ cao về công nghệ thông tin vào làm việc. Tuỳ thuộc vào tốc độ phát triển, tập đoàn này tuyên bố có thể tiếp nhận 20.000 lao động có trình độ nếu Việt Nam đáp ứng đủ
5. Tuy nhiên thực tế hiện nay, Việt Nam chưa đáp ứng đủ số lượng lao động có trình độ cao theo yêu cầu của khu vực FDI nói riêng và nhu cầu của xã hội nói chung.
Mặc dù còn có nhiều hạn chế, nhưng bằng những đóng góp cụ thể vào tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế đã chứng minh vai trò quan trọng của FDI trong nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên vai trò của FDI chỉ thực sự phát huy hiệu quả và góp phần vào sự phát triển bền vững khi nó được lựa chọn và khuyến khích vào những ngành, những khu vực thật sự cần thiết cho nền kinh tế để đảm bảo tính bền vững cho phát triển lâu dài và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam
_______________________________
Chú thích và tài liệu tham khảo
1, 2 Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3 Số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê.
4 Hoàng Liêm,
Gập ghềnh tiêu hoá vốn FDI, Báo Pháp luật, ngày 21.10.2008.
5 Phát biểu của ông Nick Donofrio, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn IBM.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"