Hiện nay pháp luật Việt Nam quy định một số lĩnh vực, ngành nghề đầu tư – kinh doanh có điều kiện (1). Quy định này không phải chỉ riêng Việt Nam mới áp dụng, mà trên thực tế, hầu hết các quốc gia đều có quy định về điều kiện để đầu tư (2) trong một số lĩnh vực, ngành, nghề mà từng quốc gia đó cho là có những ảnh hưởng quan trọng đến xã hội, kinh tế, an ninh của đất nước. Trong chừng mực nào đó, điều kiện đầu tư hay đầu tư có điều kiện còn được các tổ chức quốc tế đặt ra cho các thành viên trong tổ chức đó phải tuân thủ.
Các quy định hiện hành của Việt Nam về lĩnh vực ĐT có điều kiện
Hiện tại, những lĩnh vực ĐT có điều kiện được quy định trong các văn bản chủ yếu sau:
Điều 29 Luật ĐT 2005 qui định 9 lĩnh vực ĐT có điều kiện áp dụng chung cho cả nhà ĐT nước ngoài và nhà ĐT trong nước: Lĩnh vực tác động đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Lĩnh vực tài chính, ngân hàng; Lĩnh vực tác động đến sức khỏe cộng đồng; Văn hóa, thông tin, báo chí, xuất bản; Dịch vụ giải trí; Kinh doanh bất động sản; Khảo sát, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên; môi trường sinh thái; Phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; Một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định 14 lĩnh vực ĐT có điều kiện áp dụng cho nhà ĐTNN: Phát thanh, truyền hình. Sản xuất, xuất bản và phân phối các sản phẩm văn hoá. Khai thác, chế biến khoáng sản. Thiết lập hạ tầng mạng viễn thông, truyền dẫn phát sóng, cung cấp dịch vụ viễn thông và internet. Xây dựng mạng bưu chính công cộng; cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát. Xây dựng và vận hành cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, sân bay. Vận tải hàng hoá và hành khách bằng đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường thuỷ nội địa. Đánh bắt hải sản. Sản xuất thuốc lá. Kinh doanh bất động sản.ĐT trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối. Giáo dục, đào tạo. Bệnh viện, phòng khám. Các lĩnh vực ĐT khác trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cam kết hạn chế mở cửa thị trường cho nhà ĐTNN..
Biểu cam kết cụ thể về thương mại và dịch vụ của Việt Nam với WTO có quy định các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong 14 ngành dịch vụ.
Tiếp tục triển khai thực hiện cam kết, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tiến hành nghiên cứu, rà soát và đề xuất việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với WTO theo hướng rút ngắn thời gian hạn chế mở cửa và mở rộng tỷ lệ vốn tham gia đối với một số ngành nghề, lĩnh vực. Dự kiến những dịch vụ đó là: Cho thuê máy móc, thiết bị; nghiên cứu thị trường; phân tích và kiểm định kỹ thuật; tư vấn khoa học, kỹ thuật; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị; khai thác mỏ; giáo dục; môi trường; y tế, xã hội; khách sạn và nhà hàng.
Thực hiện quy định về điều kiện ĐT
Sau hơn hai năm chính thức là thành viên của WTO, Việt Nam đã áp dụng nhiều nội dung cam kết theo đúng quy định và lộ trình thực hiện được rút ngắn, thông thoáng và dễ dàng hơn cho các nhà ĐT. Đặc biệt, đáng ghi nhận là việc quy định rõ ràng tỉ lệ vốn của nhà ĐTNN được phép tham gia ĐT tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực ĐT. Ví dụ, trong lĩnh vực hàng hải, nhà ĐTNN không được sở hữu quá 49%, hay trong ngành viễn thông mức khống chế là không quá 51% áp dụng đối với nhà ĐTNN kinh doanh trong lĩnh vực đường trục.
Ngoài ra, Chính phủ cũng linh hoạt khi không đưa ra quy định cụ thể trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi các nhà ĐT tham gia ĐT vào 41 lĩnh vực và 55 địa bàn; không hạn chế tỉ lệ góp vốn của nhà ĐTNN trong nhiều lĩnh vực để thu hút thêm các luồng vốn ĐTNN.
Về quyền tham gia của nhà ĐT, Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định nhà ĐT có quyền góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại DN để tham gia quản lý hoạt động ĐT. DN nhận sáp nhập, mua lại kế thừa các quyền, nghĩa vụ của DN bị sáp nhập, mua lại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Và như trên đã nêu, có những lĩnh vực trước đây nhà ĐTNN được quyền tham gia không hạn chế, nhưng thực hiện cam kết của Việt Nam thì nhà ĐT phải đáp ứng theo quy định hiện hành. Chẳng hạn, hàng chục DAĐT trong các lĩnh vực vận tải đường bộ, kinh doanh kho bãi, giáo dục, y tế, nghiên cứu thị trường… được cấp phép mà không bị hạn chế về tỷ lệ vốn góp nước ngoài, nhưng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà ĐTNN thực hiện DAĐT tương tự đều bị áp dụng một số hạn chế nhất định về tỷ lệ góp vốn và phạm vi hoạt động.
Về đối tượng thực hiện ĐT vào lĩnh vực ĐT có điều kiện, Nghị định 108/2006/NĐ-CP có những quy định áp dụng chung cho các nhà ĐT, nhưng cũng có những quy định áp dụng riêng đối với nhà ĐTNN. Quy định riêng cho nhà ĐT nước ngoài chủ yếu được quy định theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì nhà ĐT phải tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng.
Luật ĐT và Nghị định 108/2006/NĐ-CP phân cấp cho UBND cấp tỉnh và Ban quản KCN KCX, KCNC và KKT (sau đây gọi là ban quản lý) cấp Giấy chứng nhận ĐT (CNĐT) cũng như quản lý hoạt động ĐT của các thành phần kinh tế, đồng thời giảm bớt những DA phải trình Thủ tướng Chính phủ.
Nếu DA phải trình thì Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận về mặt nguyên tắc đối với mốt số DA quan trọng chưa có trong quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch. Những DA đã có trong quy hoạch được duyệt và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế thì UBND cấp tỉnh và Ban quản lý cấp GCNĐT mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương ĐT. Các DA còn lại sẽ do UBND cấp tỉnh và Ban quản lý tự quyết định và cấp Giấy CNĐT.
Đối với các dự án ĐT không nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt hoặc DA không đáp ứng điều kiện mở cửa thị trường quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì cơ quan quản lý nhà nước về ĐT chủ trì, lấy ý kiến bộ quản lý ngành, Bộ KH&ĐT và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hoặc quyết định mở cửa thị trường.
Đối với DAĐT thuộc lĩnh vực chưa có quy hoạch, thì cơ quan quản lý nhà nước về ĐT lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương ĐT.
Luật ĐT quy định, DA được phân chia thành hai loại đăng ký ĐT và thẩm tra ĐT; thủ tục ĐT đơn giản và thuận lợi cho các nhà ĐT: Đối với DAĐT trong nước dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực ĐT có điều kiện thì nhà ĐT không phải làm thủ tục đăng ký ĐT và cũng không cần cấp GCNĐT. Đối với DAĐT trong nước có quy mô ĐT từ 15 tỷ đồng Việt Nam đến dưới 300 tỷ đồng Việt Nam mà không thuộc lĩnh vực ĐT có điều kiện, nhà ĐT chỉ cần đăng ký ĐT theo mẫu trước khi thực hiện DA mà không cần phải có GCNĐT, trường hợp nhà ĐT có nhu cầu, cơ quan nhà nước quản lý ĐT sẽ cấp GCNĐT. Đối với DAĐTNN có quy mô vốn dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực ĐT có điều kiện, nhà ĐT chỉ cần đăng ký ĐT theo mẫu để được cấp GCNĐT trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận bản đăng ký hợp lệ.
Dự án thuộc diện thẩm tra áp dụng chung cho cả ĐT trong nước và ĐTNN, theo đó, các DA thuộc Danh mục lĩnh vực ĐT có điều kiện hoặc DA có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên thì phải làm thủ tục thẩm tra ĐT.
Nội dung thẩm tra bao gồm: sự phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng-kỹ thuật, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác; nhu cầu sử dụng đất; tiến độ thực hiện dự án; giải pháp về môi trường. Riêng đối với DA thuộc danh mục lĩnh vực ĐT có điều kiện thì chỉ thẩm tra các điều kiện mà DA phải đáp ứng.
Đối với nhà ĐT nước ngoài lần đầu ĐT vào Việt Nam phải có DAĐT. Trường hợp đã thành lập tổ chức kinh tế mà có nhu cầu thực hiện DAĐT tiếp theo thì không phải thành lập tổ chức kinh tế mới. Đối với ĐT trong nước thì khi thành lập tổ chức kinh tế không cần phải có dự án.
Quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐT có điều kiện tại các địa phương
Thủ tục ĐT nói chung và ĐT có điều kiện nói riêng tại các địa phương cho thấy, hầu hết không có địa phương nào ban hành thêm văn bản quy định bổ sung về các lĩnh vực ĐT có điều kiện trên địa bàn tỉnh quản lý. Việc xem xét, thẩm tra cấp Giấy CNĐT, DAĐT, thành lập DN ở hầu hết các địa phương được thực hiện theo quy chế một cửa liên thông do UBND tỉnh thiết lập. Một số địa phương thực hiện qua đầu mối là Trung tâm tư vấn hỗ trợ DN trực thuộc Sở KH&ĐT hay Trung tâm xúc tiến ĐT.
Đối với các DAĐT liên quan đến điều kiện ĐT, Sở KH&ĐT một số địa phương vẫn làm đầu mối lấy ý kiến các cơ quan có liên quan bằng văn bản.
Những vướng mắc, khó khăn khi triển khai
Hiện nay, một số giấy chứng chỉ hành nghề trong một số lĩnh vự ĐT có điều kiện của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chưa được lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong quy trình cấp GCNĐT đối với DA kinh doanh có điều kiện, loại giấy tờ nào cấp trước và giấy tờ nào cấp sau hiện cũng chưa được quy định rõ do vậy rất khó thực hiện.
Các cam kết của Việt Nam với WTO cho đến nay chưa được cơ quan chức năng quản lý nhà nước phổ biến rộng rãi, hướng dẫn cụ thể, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ phải cấp cho nhà ĐT NN. Một số nhà ĐT phản ảnh rằng cán bộ công chức ở một số cơ quan hữu quan hiện cũng chưa hiểu rõ ràng, cụ thể về lĩnh vực ĐT có điều kiện, do vậy còn găp khó khăn khi triển khai thực hiện dự án.
Thời gian lấy ý kiến của các cơ quan bộ, ngành đối với DA có liên quan đến ngành, lĩnh vực ĐT có điều kiện phải chờ đợi lâu. Hơn nữa khi nhận được ý kiến phản hồi thì thường là chưa thỏa đáng, do vậy khó khăn cho địa phương thực hiện.
Đối với lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, trước đây Thông tư 02/2000/TT-BKHCN đã ban hành Danh mục công nghệ cao, công nghệ mới (tuy chưa thể hiện chi tiết) nhưng trong quá trình thực hiện các cơ quan quản lý nhà nước còn có cơ sở áp dụng. Nay, Thông tư này đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thay thế. Điều này đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà ĐT trong việc hưởng biện pháp ưu đãi ĐT.
Theo Nghị định 153/2007/NĐ-CP, ngày 15/10/2007, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, để được kinh doanh bất động sản, yêu cầu nhà ĐT phải có vốn pháp định là 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng tài sản ĐT của một số nhà ĐT nhỏ chưa đến 1 tỷ đồng. Trong khi ĐT xây dựng khách sạn cho thuê thì không phải là kinh doanh bất động sản, còn xây dựng văn phòng cho thuê thì bị coi là kinh doanh bất động sản. Đây là những quy định đang gây khó khăn trong việc cấp GCNĐT cho ngành kinh doanh bất động sản tại địa phương.
Lĩnh vực y tế, đào tạo vừa là lĩnh vực khuyến khích, đồng thời vừa thuộc lĩnh vực có điều kiện và kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, việc hướng dẫn, cũng như quy trình về thủ tục yêu cầu nhà ĐT đáp ứng cũng chưa có. Không có văn bản nào hướng dẫn giấy tờ nào cần trước khi ĐT, giấy tờ thủ tục nào cần đáp ứng khi DA đi vào hoạt động. Điều này đang gây khó cho các cơ quan nhà nước địa phương.
Luật ĐT chỉ quy định chung lĩnh vực thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên là lĩnh vực ĐT có điều kiện nhưng không quy định cụ thể về quy mô, dẫn đến quá trình thực hiện tại địa phương có nhiều cách hiểu khác nhau. Trên thực tế, DN khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đá… có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể thực hiện khai thác trong thời gian ngắn (1-2 năm) cũng phải hoàn tất thủ tục cấp Giấy CNĐT trước khi cấp giấy phép khai thác.
Việc thực hiện thẩm tra các điều kiện theo quy định đã có một số văn bản cụ thể hóa một số lĩnh vực làm căn cứ để thẩm tra DAĐT, nhưng chưa quy định cụ thể nội dung, hình thức của bản giải trình khả năng đáp ứng điều kiện của DAĐT, do đó địa phương lúng túng trong hướng dẫn nhà ĐT giải trình các điều kiện phải đáp ứng.
Phụ lục III của Nghị định 108 quy định lĩnh vực ĐT có điều kiện đối với ĐT trực tiếp nước ngoài “bao gồm các lĩnh vực ĐT khác trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cam kết hạn chế mở cửa thị trường cho nhà ĐTNN”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, nên địa phương rất khó tiếp cận các điều ước quốc tế, đặc biệt khó khăn trong việc tra cứu thực hiện.
Đặc thù của một số địa phương là có những DA được triển khai dọc biên giới, ven biển nhưng quy hoạch về địa điểm không được công bố. Do vậy, DA nào cũng phải thỏa thuận địa điểm và cũng phải hỏi ý kiến Bộ, ngành liên quan.
Đối với ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ngành nghề hạn chế kinh doanh giữa Luật ĐT và Luật DN 2005 chưa có sự thống nhất, ví dụ trong Luật ĐT thì cấm lĩnh vực thám tử và điều tra, ngành nghề kinh doanh thuốc lá điếu và sản xuất kinh doanh rượu nhưng Luật DN thì không cấm các ngành nghề này.
Theo Luật ĐT và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có qui định rõ về điều kiện sử dụng lao động: nếu DA triển khai sử dụng số lao động từ 500 người trở lên thì được ưu đãi về chính sách thuế. Tuy nhiên nội dung của các biểu mẫu về đề nghị đăng ký ĐT đều không đề cập đến vấn đề này gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét việc miễn giảm chính sách thuế cho DN.
Hiện nay, hoạt động ĐT bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực Chính phủ qui định ĐT có điều kiện. Tuy nhiên, các Bộ, ngành Trung ương chưa có văn bản quy định cụ thể các điều kiện nhà ĐT cần đáp ứng để thực hiện dự án.
Luật ĐT và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể nội dung, hình thức của bản giải trình khả năng đáp ứng điều kiện của dự án ĐT, do đó gây khó khăn cho việc hướng dẫn và nhà ĐT trong việc giải trình các điều kiện mà DAĐT phải đáp ứng.
Theo quy định của Luật ĐT, NĐ108/2006/NĐ-CP (khoản 2 Điều 46) quy định các Bộ ngành có trách nhiệm thẩm tra khả năng đáp ứng điều kiện mà DA phải đáp ứng (kể cả DA dưới 300 tỷ đồng). Đồng thời quy định trường hợp các điều kiện đã được pháp luật hoặc điều ước quốc tế đã quy định cụ thể thì cơ quan GCNĐT quyết định cấp GCNĐT mà không cần lấy ý kiến thẩm tra các Bộ ngành. Tuy nhiên, đến nay ngoài Bộ Công thương ban hành Quyết định 37/2007/QĐ-BCN ngày 07/8/2007 về các điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, các lĩnh vực khác chưa có hướng dẫn cụ thể nhất là hướng dẫn về mở cửa thị trường đối với ĐTNN. Do đó, phần lớn các DA đều phải lấy ý kiến thẩm tra các Bộ ngành làm kéo dài thêm thời gian trong cấp GCNĐT.
Một số đề xuất
Theo quy định về các lĩnh vực ĐT có điều kiện tại Điều 29 Luật ĐT và Phụ lục III ban hành kèm Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, còn nhiều lĩnh vực ĐT có điều kiện, nhưng quy định còn chung chung. Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để thống nhất áp dụng. Hiện nay, các địa phương còn băn khoăn về các DA không có trong danh mục quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có được ĐT không? Địa phương cần phải thực hiện theo Luật, Nghị định hay văn bản chỉ đạo của bộ quản lý ngành. Đề nghị bổ sung, quy định cụ thể này vào lĩnh vực ĐT có điều kiện hay lĩnh vực cấm ĐT và đề nghị viết lại quy định tại khoản 5 Điều 37 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 cho cụ thể hơn.
Các bộ, ngành Trung ương cần sớm ban hành quy định cụ thể đối với lĩnh vực ĐT có điều kiện và hướng dẫn đầy đủ các điều kiện cần đáp ứng đối với các lĩnh vực ĐT có điều kiện, để hạn chế việc xin ý kiến các bộ chuyên ngành và rút ngắn thời gian cấp Giấy CNĐT. Đặc biệt, cần hướng dẫn cụ thể các loại giấy tờ chứng minh việc đáp ứng điều kiện
Cho phép nhà ĐT được “nợ” các loại giấy phép, chứng chỉ chuyên ngành khi hình thành DAvà làm thủ tục (Trừ những DA quy mô lớn, có tác động lớn đến môi trường và nền kinh tế), còn khi đi vào hoạt động thì yêu cầu phải có đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quy định rõ hơn những đối tượng, loại DA trong bất động sản phải đáp ứng vốn điều lệ theo quy định (6 tỷ đồng). Cụ thể: kinh doanh khách sạn, nhà hàng; môi giới bất động sản, có thuộc đối tượng áp dụng không.
Hiện nay, phản ảnh ở nhiều địa phương cho thấy ”các cam kết quốc tế” vẫn còn bị hiểu mơ hò, chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn trong giải quyết vấn đề. Đề nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước tại các địa phương hiểu rõ về các quy định này./.
————
1 Hiện có 64 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng chung cho các doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp Việt Nam.
2 Trong bài này khái niệm “Điều kiện đầu tư” hàm ý điều kiện để được đầu tư.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"