ĐÀO TẠO NHÂN LỰC SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC – TỪ KINH NGHIỆM CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN [1]

TS. TRẦN VĂN HẢI – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Với tư cách là một trong ba trụ cột của thương mại quốc tế hiện đại, Sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhất là từ khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Vấn đề bảo hộ SHTT đang đặt ra ngày càng gay gắt và cấp bách. Nhưng Việt Nam hiện nay vẫn bị đánh giá là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quyền SHTT cao, là quốc gia đứng đầu thế giới về tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm (tới 92%). Có thể điểm qua sự vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả, ví dụ cuốn sách “Thế giới phẳng” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vừa ra đời ít lâu, ngay lập tức trên thị trường đã xuất hiện sách lậu. Trước đó, những bộ sách như: “Hạt giống tâm hồn”, “Cẩm nang chăm sóc bà mẹ và em bé”, “Hồi ký về những cô gái điếm buồn của tôi”, “Phong thủy toàn tập”… do First News phát hành; “Cha giàu, cha nghèo”, “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” … do Nhà xuất bản Trẻ phát hành cũng bị in lậu và đã làm cho các Nhà xuất bản điêu đứng. Việc in lậu sách dường như càng lúc càng khó kiểm soát. Trường hợp sinh viên Nguyễn Trung Kiên đạo bức ảnh “Nụ hôn của gió” của tác giả Trần Thế Long chưa nguôi, đã đến bức “Hà Nội – cái nhìn hôm nay” của Vũ Đức Toàn lấy tới 99% “cảm hứng” từ bức “Domingo de Delf” của danh họa Argentina Torres Aguero. Tiếp theo là sự vi phạm trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp cũng nghiêm trọng không kém, các cơ quan hữu quan nhận định: “Tình trạng hàng giả, hàng nhái nhãn mác vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đang trở thành vấn đề bức xúc đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà sản xuất kinh doanh. Mỗi năm, Cục quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 5.000 vụ sản xuất và tiêu thụ hàng giả, trong đó tình trạng mượn nhãn hiệu có tiếng chiếm phần nhiều”. [2] Trong lĩnh vực thực thi quyền SHTT, sự non kém của Tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội trong khi xét xử vụ án ông Nguyễn Quảng Tuân kiện ông Đào Thái Tôn vi phạm quyền tác giả đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn, báo chí đã tốn nhiều giấy mực, nhưng rất may ngày 14.6.2007 Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao đã ra phán quyết đúng pháp luật, hợp lòng người. Một câu hỏi được đặt ra: tại sao pháp luật về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, đạt yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới mà tình trạng vi phạm pháp luật về SHTT của công chúng và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức độ cao? Một trong những giả thuyết để trả lời cho câu hỏi trên là: việc đào tạo nhân lực về SHTT của Việt Nam chưa được coi trọng đúng mức, yêu cầu đào tạo nhân lực SHTT của Việt Nam là một đòi hỏi khách quan và cấp bách, nhưng thực tế việc đào tạo bài bản và có hệ thống về SHTT như một chuyên ngành trong các trường đại học, cao đẳng lại chưa được triển khai thực hiện, hoặc thực hiện còn quá chậm. [3] Kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo hộ quyền SHTT cho thấy, tại các quốc gia mà trình độ nhận thức của công chúng về SHTT càng cao thì tình trạng vi phạm quyền SHTT càng thấp và đó là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế – xã hội. Trước hết, ta hãy xem một số nước trên thế giới đào tạo nhân lực SHTT như thế nào. 1. Đào tạo nhân lực SHTT trong các trường đại học ở một số nước trên thế giới Theo nhu cầu của từng quốc gia, phụ thuộc vào từng cơ sở đào tạo, đào tạo nhân lực SHTT có thể chỉ dừng ở mức độ là một môn học, hoặc có thể các mức độ cao hơn như đào tạo chuyên ngành đại học và sau đại học. Hầu hết các trường đại học của các nước phát triển đều có môn học SHTT trong chương trình một cách độc lập hoặc lồng ghép với các môn học chuyên ngành khác. Những cơ sở đào tạo về sở hữu trí tuệ có uy tín và được biết đến rộng rãi như Đại học George Washington của Hoa Kỳ, Viện Sở hữu trí tuệ thuộc Đại học Queen Mary, University of London của Anh, Viện Max Planck CHLB Đức, Viện Sở hữu trí tuệ CHLB Nga, Đại học Zurich của Thụy Sĩ, Khoa Sở hữu trí tuệ thuộc Đại học Công nghệ Osaka của Nhật Bản… Trước hết, ở Hoa Kỳ, quyền tự quyết của các trường đại học được pháp luật trao cho rất cao, nhưng riêng trong lĩnh vực giáo dục pháp luật, chương trình giảng dạy trong các trường đại học Luật của Hoa Kỳ lại chịu sự tác động nhiều của Hội Luật gia Hoa Kỳ (ABA) vì để đảm bảo chất lượng đào tạo, ABA đã xây dựng một quy trình quốc gia để đảm bảo chất lượng giáo dục pháp luật, đưa ra bản quy định tối thiểu về tiêu chuẩn giáo dục pháp luật và đã xuất bản một danh sách các trường đại học tuân theo những tiêu chuẩn này, hàng năm trong số 40.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Luật của Hoa Kỳ thì có khoảng 15% (khoảng 6.000) sinh viên đã được đào tạo chuyên sâu về SHTT. Các khóa học về SHTT hoặc có liên quan đến SHTT được thiết kế khá linh hoạt cho các đối tượng sinh viên khác nhau, có thể là bắt buộc nhưng cũng có thể là lựa chọn. Ở Hoa Kỳ, ngay cả môi trường học tập cũng tác động đến nhu cầu tìm hiểu về SHTT của sinh viên, người ta tôn trọng các giá trị cá nhân, tính bất khả xâm phạm đối với tài sản cá nhân, đồng thời cũng tôn trọng các ý tưởng cá nhân, bỏ qua ghi chú về nguồn gốc, tạo cảm tưởng rằng lời lẽ của người khác là của chính mình được xem là đạo văn. Nhiều trường đại học có các quy định rất rõ ràng về việc đạo văn và các hình thức không trung thực khác trong học tập.[4] Tại Viện SHTT thuộc Đại học Queen Mary, University of London của Anh từ năm 1980 đã đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị SHTT cho các đối tượng đã tốt nghiệp các trường đại học thuộc khối khoa học và công nghệ. Bắt đầu từ năm 2000, Trường đã đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Luật SHTT, Thạc sĩ Luật SHTT quốc tế cho các đối tượng đã tốt nghiệp đại học nói chung. Tại Trung tâm Luật SHTT Munich thuộc Viện Max Planck CHLB Đức đã đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành SHTT cho những người đã tốt nghiệp đại học nói chung và đã có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc. Sự nổi tiếng trong việc đào tạo của Viện này thể hiện ở chỗ, họ đã mời được nhiều chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực SHTT như các Luật sư về sáng chế, các thẩm phán chuyên xét xử các vụ án về SHTT, các chuyên gia về SHTT của EPO, WIPO… Viện Sở hữu trí tuệ CHLB Nga là cơ sở đào tạo hàng đầu của Nga (và Liên Xô cũ) về SHTT, Viện được thành lập từ năm 1968, tính đến nay (2007) Viện đã đào tạo được hơn 30.000 chuyên gia trong các lĩnh vực SHTT, trong số đó có khoảng 500 người đại diện sáng chế, 350 chuyên gia chuyên về đánh giá đối tượng SHTT. Khoa Luật của Viện là nơi duy nhất đào tạo Luật gia chuyên ngành SHTT với thời gian cho mỗi khóa học là 5 năm. Khoa Kinh tế của Viện còn đào tạo chuyên gia chuyên ngành Quản lý sáng chế và License quốc tế. Bắt đầu từ năm học 2006-2007 Viện đào tạo thêm một chuyên ngành mới, đó là Sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế thế giới, sản phẩm của chương trình đào tạo này là các chuyên gia có khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ cho hoạt động sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và License quốc tế.[5] Việc đào tạo SHTT tại Cộng hòa Ucraina đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, ngày 20.0.2004 Bộ Giáo dục và Khoa học đã ra Chỉ thị số 811 yêu cầu tất cả các trường đại học và cao đẳng trong toàn quốc không phân biệt hình thức sở hữu và cấp trực thuộc đều phải đưa môn Sở hữu trí tuệ vào giảng dạy ở bậc cử nhân và thạc sĩ.[6] Có lẽ Cộng hòa Ucraina là một trong các quốc gia làm quyết liệt nhất trong việc đào tạo nhân lực SHTT. Tại Khoa Luật của Đại học Quốc gia Comenius Slovakia đã có tới 3 môn học bắt buộc liên quan đến Sở hữu trí tuệ, đó là Quyền tác giả với 2 tín chỉ, Luật sáng chế với 2 tín chỉ và Sở hữu công nghiệp với 3 tín chỉ, cao hơn, Trường còn đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ về Sở hữu trí tuệ. Tại Australia, tất cả các trường đại học thuộc Top Eight (xếp theo thứ tự alphabet, đó là Đại học Adelaide, Đại học Quốc gia Australia, Đại học Melbourne, Đại học Monash, Đại học New South Wales, Đại học Queensland, Đại học Sydney, Đại học Western Australia) đều đưa SHTT vào giảng dạy trong chương trình đào tạo đại học và cao học của mình. Ví dụ, trong năm học 2006-2007 Đại học Quốc gia Australia đã đưa các môn sau vào chương trình giảng dạy: Luật quyền tác giả và quyền liên quan, Quản trị và thương mại hóa tài sản trí tuệ, Luật SHTT quốc tế, Luật sáng chế, Luật nhãn hiệu… [7] Các nước trong khu vực ASEAN cũng rất coi trọng việc đào tạo nhân lực SHTT, với hình thức đào tạo chuyên ngành SHTT, môn học độc lập về SHTT trong các chuyên ngành khác hoặc môn học có lồng ghép các kiến thức về SHHT. Tại Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Singapore có đào tạo khóa Luật SHTT cơ bản với nội dung giới thiệu những vấn đề cơ bản về SHTT, khóa Luật SHTT nâng cao đưa các môn học Luật Công nghệ sinh học, Luật Công nghệ thông tin, Luật SHTT Trung Quốc, Luật Quốc tế về sáng chế, Luật Quốc tế so sánh về bản quyền, Luật sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa vào giảng dạy.[8] Malaysia đã đưa việc giảng dạy về SHTT từ thập niên 80 của Thế kỷ trước. Tất cả các trường đại học Luật đều phải đưa SHTT vào giảng dạy như là môn bắt buộc thuộc chương trình chính khóa. Ở Thái Lan, môn SHTT được đưa vào giảng dạy tại tất cả các trường đại học Luật công lập và tư thục. Trong chương trình đào tạo đại học, SHTT được coi là môn học tự chọn đối với sinh viên năm thứ ba với thời lượng 3 giờ tín chỉ/tuần kéo dài 15 tuần cho mỗi học kỳ, nhưng điều đặc biệt ở chỗ đã có trên 90% sinh viên chọn môn học này. Tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT) đặt tại Thái Lan, dự kiến ngay trong năm học 2007-2008 sẽ đào tạo chuyên ngành SHTT kéo dài 1 năm dành cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học, các chuyên gia muốn đi sâu nghiên cứu SHTT, các luật sư, thẩm phán… muốn nâng cao trình độ về SHTT. Việc đào tạo nhân lực Sở hữu trí tuệ tại các nước như vừa nêu đã có tác dụng nâng cao trình độ hiểu biết, thúc đẩy việc sáng tạo của các chủ thể góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. 2. Đào tạo nhân lực SHTT trong các trường đại học ở Việt Nam Cho tới đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nội dung bảo hộ quyền SHTT vẫn còn là điều xa lạ với hầu hết các giới ở Việt nam, kể cả công chức nhà nước. Trình độ hiểu biết thấp và việc chưa hình thành tập quán liên quan tới vấn đề SHTT là khó khăn và là rào cản cho các nỗ lực nhằm phát triển hệ thống này. Hiện nay ở Việt Nam, chưa có trường Đại học nào thuộc khối kỹ thuật đưa môn SHTT vào chương trình đào tạo của mình. Một số Trường, ví dụ như Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đưa chuyển giao công nghệ (một phần có liên quan đến SHTT) vào chương trình giảng dạy, Đại học Kinh tế Quốc dân đưa chuyển giao công nghệ vào một phần của môn Quản lý công nghệ để giảng dạy… Tại Đại học Luật Hà Nội, thời kỳ đầu một lượng kiến thức nhỏ về SHTT đã được đưa vào môn học Luật Dân sự (thuộc khoa Luật Dân sự – trước đây là Khoa Tư pháp) và tư pháp quốc tế (thuộc Khoa Pháp luật quốc tế). Cụ thể là phần kiến thức về SHTT trong môn học này chỉ chiếm 10 tiết (5 tiết quyền tác giả và 5 tiết quyền sở hữu công nghiệp). Từ năm 2004, Khoa Pháp luật quốc tế đã hình thành 2 chuyên đề tự chọn, đó là “Bảo hộ quyền SHTT của doanh nghiệp trong kinh doanh quốc tế” “Pháp luật về sở hữu công nghiệp trong hoạt động thương mại”. Đặc biệt, Trường đã thành lập Trung tâm sở hữu trí tuệ thuộc Khoa Luật Dân sự như là một nỗ lực trong đẩy mạnh hoạt động SHTT. Tóm lại tổng thời lượng về SHTT dành cho sinh viên đại học Luật Hà Nội gồm có 70 tiết (35 tiết bắt buộc và 35 tiết tự chọn), nhưng thực tế cho thấy 35 tiết tự chọn rất ít được giảng dạy.[9] Tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Sở hữu trí tuệ với thời lượng khoảng 10 tiết được bố trí trong 120 tiết thuộc chương trình môn học Luật Dân sự và 5 tiết thuộc chương trình môn học Tư pháp quốc tế. Sở hữu trí tuệ là một môn học tự chọn với thời lượng là 30 tiết đối với sinh viên chuyên ngành Luật Dân sự (mã ngành Luật học), mã ngành Luật Kinh doanh có giảng dạy môn Quyền Tác giả và môn Quyền Sở hữu công nghiệp với thời lượng mỗi môn 30 tiết. Chương trình đào tạo cao học chuyên ngành Luật dân sự có giảng dạy môn Sở hữu trí tuệ (phần Quyền Tác giả với thời lượng 15 tiết, phần Quyền Sở hữu công nghiệp với thời lượng là 30 tiết).[10] Tại Đại học Luật TP Hồ Chí Minh: chưa đào tạo chuyên ngành sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện trong môn học Luật Dân sự là 15 tiết và Tư pháp quốc tế là 15 tiết, ngoài ra môn “Sở hữu trí tuệ” với thời lượng 45 tiết là môn học tự chọn cho sinh viên chuyên ngành Luật Dân sự, môn “Pháp luật một số nước về Sở hữu trí tuệ” là môn tự chọn với thời lượng 45 tiết dành cho sinh viên chuyên ngành Luật Quốc tế. Trường là đơn vị duy nhất ở phía Nam đã tổ chức đào tạo được 2 khóa cấp chứng chỉ trình độ A, B, C về Sở hữu trí tuệ, việc đào tạo này có sự phối hợp của Cục Sở hữu trí tuệ. Khoa Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đưa môn Luật Sở hữu trí tuệ là môn học bắt buộc với thời lượng là 45 tiết. Khoa Luật, Đại học Cần Thơ cũng đưa môn Sở hữu trí tuệ với thời lượng 30 tiết và 5 tiết lồng ghép với môn Tư pháp quốc tế. Khoa Luật thuộc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chỉ đưa 5 tiết SHTT lồng ghép với môn Luật Dân sự và giới thiệu sơ lược trong môn Tư pháp quốc tế.[11] Có thể nói việc đào tạo nhân lực SHTT chưa được coi trọng đúng mức ở nhiều trường đại học của Việt Nam, chỉ có các trường đại học thuộc khối pháp luật có đưa SHTT vào giảng dạy, nhưng cũng mới chỉ dừng lại như một môn học hoặc lồng ghép với môn học khác. Chưa có trường đại học nào thuộc khối pháp luật đào tạo SHTT như một chuyên ngành độc lập. Thực trạng này đã tạo nên sự hiểu biết hạn chế về SHTT trong công chúng nói chung và trong giới trí thức nói riêng, có lẽ hiện tượng vi phạm quyền SHTT cao ở Việt Nam hiện nay có nguyên nhân không nhỏ bởi thực trạng này. Trong bối cảnh chung về đào tạo nhân lực SHTT trong các trường đại học ở Việt Nam như vừa nêu, thì Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trường Đại học KHXH&NV) lại là đơn vị đột phá trong việc đào tạo nhân lực SHTT. 3. Đào tạo nhân lực SHTT tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Trường Đại học KHXH&NV có 3 Khoa có đào tạo về SHTT, đó là: Khoa Thông tin – Thư viện giảng dạy môn học bắt buộc “Thông tin khoa học sở hữu công nghiệp” với thời lượng 60 tiết, nội dung chủ yếu đề cập đến kỹ năng tra cuuws thông tin sở hữu công nghiệp. Khoa Quốc tế học chỉ học ngoại khóa về SHTT với thời lượng 10 tiết. Khoa Khoa học quản lý là đơn vị có quy mô lớn và loại hình đào tạo phong phú về SHTT, hiện nay Khoa đang đào tạo: - Môn “Tổng quan về sở hữu trí tuệ” với thời lượng 3 ĐVHT tiết cho đào tạo Cử nhân Khoa học quản lý. - Môn “Quản lý sở hữu trí tuệ” với thời lượng 3 ĐVHT tiết cho đào tạo Thạc sĩ Quản lý Khoa học và Công nghệ. - Đào tạo Cử nhân Khoa học quản lý chuyên ngành Sở hữu trí tuệ gồm 11 môn học và chuyên đề về SHTT với tổng thời lượng 32 ĐVHT, đây có thể nói là chương trình đào tạo nhân lực SHTT quy mô nhất ở Việt Nam hiện nay. Sinh viên ra trường được nhận bằng Cử nhân Khoa học quản lý chuyên ngành Sở hữu trí tuệ. - Khoa cũng đào tạo cấp chứng chỉ trình độ C về Pháp luật và nghiệp vụ sở hữu trí tuệ với tổng thời lượng là 43 ĐVHT. Khoa là đơn vị đầu tiên trong cả nước và hiện là đơn vị duy nhất ở phía bắc đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ Pháp luật và nghiệp Sở hữu trí tuệ từ năm 2004, đã đào tạo được 4 khóa với khoảng 250 học viên được cấp chứng chỉ C, hiện tại đang chuẩn bị đào tạo khóa 5. Tháng 6.2006 đã có 11 cử nhân chuyên ngành SHTT ra trường, tháng 6.2007 có tiếp 7 cử nhân chuyên ngành SHTT nữa ra trường, tháng 6.2008 sẽ có tiếp 29 cử nhân chuyên ngành SHTT nữa ra trường. Phần lớn trong số 18 Cử nhân khi ra trường đều nhận được việc làm ngay, có lẽ vì vậy mà số sinh viên đăng ký học chuyên ngành này đã tăng vọt lên 29 người trong năm học 2007-2008. Qua đây cho thấy nhu cầu của thị trường lao động về nhân lục SHTT là rất lớn. Về chất lượng đào tạo, những cử nhân này mới chỉ được đào tạo chuyên sâu về lý thuyết thuộc lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Nhìn chung việc đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên là điểm yếu nhất của các trường đại học thuộc khối xã hội và nhân văn ở Việt Nam, nhưng những sinh viên chuyên ngành SHTT đã khắc phục được phần nào điểm yếu trên, trong đó đáng kể là có sinh viên đã có thu nhập bằng kiến thức được đào tạo trong quá trình thực tập tốt nghiệp tại Văn phòng đại diện SHTT. Nhưng kỹ năng thực hành này mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký nhãn hiệu, mô tả nhãn hiệu, còn kỹ năng lập bản mô tả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… thì họ còn phải rèn luyện trong thực tế công tác sau này. Để nhân rộng mô hình đào tạo nhân lực SHTT như Trường Đại học KHXH&NV, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm dưới đây. 4. Bài học kinh nhiệm về đào tạo nhân lực SHTT tại Trường Đại học KHXH&NV 4.1. Nhận thức được yêu cầu phát triển của đất nước Ngay từ năm 1999, khi mà những quy định pháp lý về SHTT của Việt Nam mới được thể hiện trong Bộ Luật Dân sự mới được 4 năm thì ý tưởng đào tạo nhân lực SHTT đã được Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm. Ý tưởng này được hình thành trên cơ sở nắm bắt yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, Việt Nam sẽ gia nhập WTO trong tương lai rất gần, nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động. Nhưng phải 5 năm sau, ý tưởng trên mới thành hiện thực. Số lượng học viên theo học Pháp luật và nghiệp vụ sở hữu trí tuệ trong 4 khóa và số Cử nhân ra trường có việc làm ngay đã chứng minh tính đúng đắn của ý tưởng trên. 4.2. Tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia Số lượng những người được đào tạo về SHTT của Trường rất ít, chỉ có 01 người được đào tạo chính quy từ nước ngoài, ít người nữa có bằng Cử nhân và Thạc sĩ ở trong nước, nhưng Nhà trường đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về SHTT, đó là các chuyên gia của Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả về Văn học và Nghệ thuật, Hội SHTT Việt Nam và của nhiều văn phòng đại diện SHTT trên địa bàn Hà Nội. Các chuyên gia này đã giúp đỡ Nhà trường về mặt xây dựng chương trình đào tạo, bài giảng, đào tạo giảng viên SHTT cho Nhà trường và trực tiếp tham gia giảng dạy phần lớn các môn học trong chương trình đào tạo. Các cơ quan nói trên cũng giúp đỡ Nhà trường về nơi thực tập cho sinh viên, về trang thiết bị trong đào tạo kỹ năng thực hành về SHTT. Kinh phí chi cho đào tạo không lớn, nhưng các chuyên gia vẫn tham gia giúp đỡ Nhà trường rất nhiệt tình và có hiệu quả. 4.3. Thành lập đơn vị quản lý SHTT độc lập và chủ động đào tạo giảng viên Mặc dù đội ngũ cán bộ cơ hữu của Nhà trường về SHTT ít về số lượng và chưa mạnh về chất lượng, nhưng Lãnh đạo Nhà trưng vẫn chủ trương cho thành lập Bộ môn Sở hữu trí tuệ thuộc Khoa Khoa học quản lý. Đây có thể nói là Bộ môn chuyên về SHTT đầu tiên trong các trường đại học của Việt Nam. Hiện nay, Bộ môn này do một chuyên gia có kinh nghiệm của Cục Bản quyền tác giả về Văn học và Nghệ thuật làm Chủ nhiệm Bộ môn. Nhà trường đã chủ động thúc đẩy việc đào tạo giảng viên SHTT cho mình, bằng cách đào tạo tại chỗ, gửi cán bộ đi làm nghiên cứu sinh, đi học tập ở nước ngoài và ở các đơn vị khác trong nước. Tạo nguồn giảng viên từ sinh viên chuyên ngành SHTT tốt nghiệp đại học loại giỏi, tuyển dụng giảng viên từ những người đã được đào tạo về SHTT. 4.4. Linh hoạt trong quản lý đào tạo Việc đào tạo nhân lực SHTT của Nhà trường được tiến hành một cách linh hoạt, có thể tiến hành vào giờ hành chính, nhưng cũng có thể tiến hành vào buổi tôi và ngày nghỉ trong tuần. Sự linh hoạt này đã tận dụng được tối đa sự giúp đỡ giảng dạy của các chuyên gia SHTT, mặt khác cũng tạo điều kiện để những học viên đang công tác có cơ hội được học tập. Trên đây là một số kinh nghiệm trong việc đào tạo nhân lực SHTT tại Trường Đại học KHXH&NV, hy vọng rằng nó sẽ góp phần nhỏ bé vào việc thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực SHTT của Việt Nam, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế – một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.

[1] Bài đã đăng trên Tạp chí Hoạt động khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, số đặc biệt 7.2007 [2] http://www.khoahocphattrien.com.vn (19.10.2006) [3] http://www.khoahocphattrien.com.vn (04.6.2007) [4] Xin tham khảo thêm: Gary Althen, Phong cách Mỹ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, các trang 165, 166, 345, 346 [5] http://www.law.msu.su [6] http://www.patent.km.ua [7] http://www.law.anu.edu.au [8] Burton Ong., Special IP Courses for Law Students, Biotechnology and Patentinh, EU-ASEAN Colloquium on IP Education, Kuala Lumpur, 22-23 November 2006 [9] ThS Nguyễn Bá Bình, Thực trạng và định hướng giảng dạy về SHTT tại Đại học Luật Hà Nội, Hội thảo Giảng dạy và đào tạo SHTT trong các trường đại học và cao đẳng, Cục SHTT tháng 3.2007 [10] Theo TS Nguyễn Thị Quế Anh, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội [11] ThS Lê Thị Nam Giang, Thực trạng giảng dạy SHTT tại các trường đại học Việt Nam, Hội thảo Giảng dạy và đào tạo SHTT trong các trường đại học và cao đẳng, Cục SHTT tháng 3.2007

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật