PHẠM VĂN CHUNG
Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”.
Tại điểm h khoản 1 Mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP, ngày 02.6.2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định về việc đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thì: “Trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, có giấy tờ kèm theo ghi về thông tin của cha, mẹ, nhưng sau khi đã thực hiện việc thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP mà không tìm được cha, mẹ đẻ, thì những thông tin này chỉ ghi chú trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh; phần ghi về người mẹ và người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con được để trống”.
Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp, mặc dù chưa có đăng ký kết hôn nhưng lại xác định được cha đẻ, mẹ đẻ (có giấy chứng sinh) của trẻ em nhưng người mẹ bỏ trốn không nhận con. Vậy cha của đứa trẻ có được đứng tên khai sinh cho trẻ và phần khai về người mẹ bỏ trống có được hay không?. Bởi vì, trong trường hợp này, mặc dù xác định được mẹ đẻ (có giấy chứng sinh xác định) nhưng người mẹ lại bỏ trốn và không nhận con. Vấn đề này giải quyết như thế nào?.
Ví dụ sau đây minh chứng cụ thể: Anh Nguyễn Văn A quan hệ với chị Nguyễn Thị B, giữa hai người chưa có Giấy đăng ký kết hôn. Ngay sau khi sinh con (lấy tạm tên là cháu H)- có giấy chứng sinh, chị B bỏ trốn, đến nay không tìm thấy. Cháu H được bố mẹ của anh A đưa về nuôi và thừa nhận là cháu ruột của mình, anh A cũng thừa nhận cháu H là con đẻ của mình. Nay cháu H đã tròn 01 tuổi nhưng chưa được đăng ký khai sinh. Lý do, là gia đình anh A, muốn anh A là cha đẻ, phần khai trong Giấy khai sinh của cháu H và phần khai của người mẹ là bỏ trống. Nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc này là không thể, vì đây không phải là trường hợp trẻ bị bỏ rơi và không thuộc trường hợp là không xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em.
Theo chúng tôi trong trường hợp này, khi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ, dù không có giấy đăng ký kết hôn và mẹ đẻ không thừa nhận thì phần khai về người cha trong giấy khai sinh của bé H phải được thể hiện (theo quy định hiện hành thì phần này trong Giấy khai sinh của trẻ bị bỏ trống)- Đó là anh A, vì anh A không bỏ rơi con mình và phần khai của người mẹ là chị B bỏ trống (do chị bỏ trốn và không nhận con) và tại cột ghi chú, ghi là: “Con ngoài giá thú; cha, mẹ chưa đăng ký kết hôn”. Sau này, nếu chị B trở về và muốn nhận cháu H là con, thì cán bộ hộ tịch căn cứ vào giấy chứng sinh để bổ sung tên chị B vào phần ghi về người mẹ trong Giấy khai sinh của cháu H.
Có như vậy mới bao quát được tất cả các trường hợp phát sinh trong thực tế cuộc sống và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của cha đẻ của trẻ em sinh ra ngoài giá thú và bị chính mẹ đẻ bỏ rơi.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"