CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chủ trương củng cố và phát triển doanh nghiệp nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng. Nhưng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhà nước không thích hợp với cơ chế thị trường, kém hiệu quả, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế quốc dân, nên tư nhân hóa càng sớm càng tốt. Vì lý do đó, ở đây cần làm rõ sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước. Một thực tế khách quan là, hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang tồn tại ở hầu hết các nước trên thế giới, không chỉ ở các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà cả ở những nước tư bản chủ nghĩa. Sự tồn tại doanh nghiệp nhà nước ở nước ta cũng như ở các nước có chế độ chính trị và trình độ phát triển khác nhau là do nhiều nguyên nhân trong đó những nguyên nhân chủ yếu là: 1 – Do yêu cầu quản lý vĩ mô nền kinh tế. Yêu cầu này bắt nguồn từ sự phát triển lực lượng sản xuất với trình độ xã hội hóa ngày càng cao. Điều này đòi hỏi phải có sự điều tiết vĩ mô từ một trung tâm quyền lực nhà nước. Và để thực hiện sự điều tiết này, Nhà nước không chỉ sử dụng các công cụ pháp luật, kế hoạch, chính sách kinh tế các lực lượng vật chất mà còn phải hình thành doanh nghiệp nhà nước.   2 – Do phải khắc phục những khuyết tật của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh mặt tích cực là có khả năng tự điều chỉnh ở mức độ nhất định về cung, cầu, về điều phối các yếu tố sản xuất, kích thích tiến bộ kỹ thuật, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… đồng thời kinh tế thị trường mang trong nó những khuyết tật như tính tự phát, bất ổn định, vận động theo lợi nhuận thuần túy – nguyên nhân của những hiện tượng tiêu cực như làm hàng giả, lừa dối, trốn thuế và các hiện tượng "kinh tế ngầm" khác. Cũng vì mục tiêu lợi nhuận, các doanh nghiệp lao vào cạnh tranh, săn tìm lợi nhuận cao, nên ít quan tâm đến những ngành không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp, gây ra sự mất cân đối, khủng hoảng, thất nghiệp, phân hóa giàu nghèo quá mức. Để giải quyết tình trạng này, một trong những biện pháp được áp dụng là hình thành các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài nhiệm vụ kinh tế, chính trị, doanh nghiệp nhà nước còn mục tiêu xã hội, góp phần giải quyết sự mất cân đối giữa các ngành, các vùng kinh tế trong cả nước, giữa các tầng lớp dân cư, góp phần khắc phục khủng hoảng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động… 3 – Do phải chống độc quyền, làm giảm bớt quyền lực kinh tế của một số nhà tư bản hoặc tập đoàn tư bản ở mọi quy mô và mức độ trong đời sống kinh tế quốc gia. Quá trình chuyển từ tự do cạnh tranh sang độc quyền đã tập trung tiềm lực kinh tế vào tay một số ít nhà tư bản, dẫn đến sự cực quyền, thao túng nền kinh tế quốc gia. Để giải quyết tình trạng này, các nước đã áp dụng biện pháp quốc hữu hóa những công ty tư nhân, biến thành những doanh nghiệp nhà nước, chịu sự quản lý của nhà nước. Trong thực tế, ở các nước tư bản, doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi rất nhiều từ ngân sách, từ các quỹ tín dụng và các nguồn tài chính khác. Nhưng do khuyết tật cố hữu của doanh nghiệp nhà nước là hoạt động kém hiệu quả hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân, nên đã xuất hiện phong trào tư nhân hóa bắt đầu từ nước Anh, sau đó phát triển rộng rãi ở các nước phương Tây. Do tư nhân hóa ồ ạt với quy mô lớn nên dẫn tới tình trạng dư cung cổ phiếu làm giảm giá trị cổ phiếu một cách giả tạo. Từ đó phong trào tư nhân hóa không những không làm tăng hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân hóa mà còn làm cho một số doanh nghiệp sau tư nhân hóa rơi vào tình trạng khó khăn, nan giải. Hiện nay, ở nước ta, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhưng chưa được củng cố tương xứng với vai trò đó do chưa có chuyển biến đáng kể trong việc sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả kinh tế – xã hội của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa cao. Song, doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện được một số nhiệm vụ kinh tế – xã hội cơ bản, đóng góp một phần quan trọng vào ngân sách nhà nước, góp phần cơ bản vào việc khắc phục sự mất cân đối, giảm bớt sự lệ thuộc với bên ngoài, giải quyết được khoảng 1,8 triệu việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những vị trí then chốt, trong đó một số đơn vị tập trung mọi khả năng nhằm đổi mới máy móc thiết bị, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội. Tuy vậy, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn những yếu kém, bất cập nên việc tiếp tục phải đổi mới là nhu cầu bức thiết. Mục tiêu chủ yếu của quá trình đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước phải nhằm: 1 – Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục giảm bớt gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Đây là mục tiêu rất cơ bản nhưng rất khó thực hiện, vì tình trạng kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trở thành khuyết tật cố hữu mang tính phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước tư bản phát triển. Vì vậy, nâng cao hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách là mục tiêu quan trọng, là nhiệm vụ bức bách đối với toàn bộ hệ thống cũng như từng doanh nghiệp nhà nước. 2 – Nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước, làm cho doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng vật chất và công cụ quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế vĩ mô theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu này xuất phát từ đặc điểm của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất phát triển thấp, nền kinh tế tồn tại nhiều thành phần, do đó cần củng cố và phát triển doanh nghiệp nhà nước để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo sản xuất, giữ vững và phát triển những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế (điện năng, viễn thông, vận tải, xây dựng những công trình xã hội, cung cấp nước, bảo vệ môi trường…), ngăn chặn và khắc phục những hậu quả xã hội do kinh tế thị trường đẻ ra, chủ động giải quyết sự bất bình đẳng xã hội, thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo… Để thực hiện các mục tiêu trên đây, việc đổi mới, củng cố và phát triển doanh nghiệp nhà nước cần tập trung giải quyết những nội dung chủ yếu như: đổi mới cơ chế quản lý; nâng cao khả năng cạnh tranh; hiện đại hóa trang bị kỹ thuật công nghệ; quản lý và sử dụng vốn hợp lý; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; có chính sách đồng bộ, nhất quán; tạo được động lực và có những điều kiện cần thiết, xây dựng môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả. Mặt khác, để nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước, phải tiếp tục đổi mới cơ cấu, đa dạng hóa hình thức sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp nắm giữ các ngành, lĩnh vực quan trọng nhất, cổ phần đủ sức khống chế để Nhà nước đủ khả năng định hướng, chủ động điều tiết nền kinh tế. Như vậy, việc củng cố và phát triển doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi phải tiến hành đồng thời nhiều biện pháp. Theo chúng tôi, trước mắt cần tập trung thực hiện các biện pháp chủ yếu sau: Một là: Đổi mới cơ cấu, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có hạn, phải đổi mới cơ cấu, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa hình thức sở hữu nhằm huy động sức mạnh của tất cả các thành phần kinh tế. Mặt khác, phải đánh giá, chọn lọc, bố trí, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở xác định các ngành, lĩnh vực trọng điểm, then chốt để doanh nghiệp nhà nước nắm giữ. Một số ngành công nghiệp cơ bản có tính chất chiến lược cần vốn đầu tư lớn, trong khi vốn vòng quay chậm, lợi nhuận thấp, thường thua lỗ, Nhà nước phải trợ cấp, bù giá, bù lỗ, cho vay tín dụng lãi thấp, miễn hoặc giảm thuế, xóa nợ… Nhưng sự hỗ trợ này thường gây ra tình trạng tiêu cực trong công tác quản lý. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện cải cách cơ bản về tài chính của nhà nước theo hướng thúc đẩy, khai thác tiềm năng thiên nhiên và của các tầng lớp nhân dân, Nhà nước giảm dần bao cấp, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tự chủ tài chính, tự chủ kinh doanh, tự trang trải và tiến tới sản xuất, kinh doanh có lãi. Bởi vậy một trong những vấn đề quan trọng là, Nhà nước phải có chính sách thuế hợp lý, vừa có khả năng tập trung nguồn thu vào ngân sách, bảo đảm các nhu cầu chi của nhà nước, vừa phải thu hợp lý để các doanh nghiệp nhà nước không những tiếp tục tồn tại mà còn tăng khả năng tích tụ để không ngừng phát triển. Hai là: Đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, theo luật định, doanh nghiệp nhà nước được tổ chức dưới hai hình thức: doanh nghiệp nhà nước có hội đồng quản trị và doanh nghiệp nhà nước không có hội đồng quản trị. Nhà nước giao cho các doanh nghiệp nhà nước quản lý vốn, tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội do Nhà nước giao. Vì vậy, đây là loại hình doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư 100% vốn. Nhà nước là chủ sở hữu, nên Nhà nước giữ vai trò quản lý. Nhưng Nhà nước là ai?. Các thành viên đại diện cho Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước là những người làm công ăn lương của Nhà nước, họ tham gia hội đồng quản trị, có thể là chủ tịch hội đồng quản trị, nhưng bản thân họ không có một đồng vốn ở doanh nghiệp nhà nước, mà vốn của doanh nghiệp là vốn của Nhà nước. Nhà nước giao cho họ trách nhiệm là thay mặt nhà nước thực hiện quản lý doanh nghiệp nhà nước với tư cách là chủ sở hữu. Như vậy, những thành viên của hội đồng quản trị không phải là chủ sở hữu thực sự vốn doanh nghiệp nhà nước nên trách nhiệm của họ bị hạn chế. Khi làm ăn thua lỗ, hội đồng quản trị, giám đốc, bộ máy giúp việc và cán bộ công nhân viên không ai chịu trách nhiệm mà Nhà nước là người gánh chịu trách nhiệm và hậu quả. Do đó, cần chuyển doanh nghiệp nhà nước (100% vốn của nhà nước) sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, một chủ sở hữu là sở hữu nhà nước để doanh nghiệp nhà nước là người thực sự chịu trách nhiệm hữu hạn về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý. Nhưng đây là một hình thức mới ở Việt Nam, cần thực hiện thí điểm trước khi nhân ra diện rộng. Những doanh nghiệp nhà nước đặc thù hoạt động phục vụ mục tiêu công cộng, hoặc phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, vẫn thực hiện theo Luật Doanh nghiệp nhà nước. Nhưng cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả. Cụ thể là: - Tăng quyền tự chủ đi đôi với tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước; bỏ bao cấp, chuyển hẳn sang hoạch toán thị trường, lấy thu bù chi, lời ăn, lỗ chịu. - Tăng trách nhiệm cá nhân tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cá nhân, các cấp đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, giám đốc và bộ máy giúp việc về các quyết định đầu tư, về sự thua lỗ, mất vốn nhà nước, về thu nhập thấp của người lao động… - Giảm bớt tầng nấc, biên chế cồng kềnh, chồng chéo, khắc phục tình trạng ra quyết định chậm và không chịu trách nhiệm về quyết định đó. Tăng quyền quyết định cho hội đồng quản trị doanh nghiệp để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Quy định tiêu chuẩn tuyển chọn giám đốc, bỏ quy định giám đốc doanh nghiệp nhà nước là công chức nhà nước, chuyển sang cơ chế hợp đồng thuê giám đốc gắn tiền lương, tiền thưởng với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ba là: Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Trước sức ép của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt với cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa quốc gia với quốc gia. Trong cạnh tranh, các doanh nghiệp, các tập đoàn tăng cường liên minh, liên kết với nhau nhằm chống lại ý đồ thôn tính của các tập đoàn đối thủ. Cạnh tranh có mặt tích cực là nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật – công nghệ, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhưng hậu quả của cạnh tranh là, có thể dẫn tới tình trạng phá sản, những vụ sa thải công nhân, người lao động mất việc làm. Ở nước ta, hiện nay, có khoảng hơn 5 000 doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ những ngành, những lĩnh vực then chốt, là xương sống của nền kinh tế, nên nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế quốc dân. Những ưu đãi khuyến khích đầu tư theo ngành, vùng, ưu đãi cho các doanh nghiệp mới thành lập cũng sẽ bị loại bỏ. Tình hình đó càng gây thêm sự bất lợi cho khả năng cạnh tranh, nên các doanh nghiệp nhà nước phải nỗ lực vượt bậc, tìm đủ các biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời phải có sự giúp đỡ của Nhà nước về kinh phí để tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, cung cấp thông tin, dự báo thị trường, đẩy mạnh quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, nâng giá bất chính. Doanh nghiệp nhà nước phải xác định đúng đắn chiến lược kinh doanh, chiến lược đầu tư, chiến lược sản phẩm của doanh nghiệp phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết, tìm kiếm thị trường sản xuất và tiêu thụ. Hiện đại hóa trang bị kỹ thuật công nghệ. Tạo ra bước đột phá về chất lượng, giảm chi phí sản xuất, cải tiến mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh. Có kế hoạch sắp xếp lại sản xuất, sử dụng hợp lý các nguồn vốn, giảm bớt vốn vay, xóa bỏ các khoản chi phí bất hợp lý, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Quản lý tốt lao động, tạo ra năng suất, chất lượng cao. Phân phối hợp lý, gắn lương, thưởng với kết quả lao động để tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bốn là: Chuyển đổi sở hữu và phát triển thêm doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chuyển biến chậm. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động kém hiệu quả, đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Một trong những biện pháp giải quyết tình trạng này là, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Những hình thức chuyển đổi nên được áp dụng là: - Đối với những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm 100% vốn thì tiến hành cổ phần hóa. - Những doanh nghiệp nhà nước loại nhỏ, Nhà nước không cần nắm giữ thì bán, khoán hoặc cho thuê. - Những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và không thể thực hiện theo các biện pháp trên thì sáp nhập, giải thể hoặc cho phá sản. Để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước cần có chính sách bảo đảm: - Bình đẳng trước pháp luật đối với các thành phần kinh tế. - Loại bỏ tư tưởng ỷ lại, muốn dựa dẫm vào nhà nước. - Xóa bỏ bao cấp của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. - Tạo điều kiện cho doanh nghiệp cổ phần hóa trong việc tìm kiếm thị trường và các cơ hội làm ăn để tăng thu nhập cho người lao động. Năm là: Xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước theo mô hình "công ty mẹ – công ty con". Do quy mô vốn bình quân của các doanh nghiệp nhà nước quá nhỏ, không đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế của các nước trong khu vực và thế giới. Để tăng khả năng cạnh tranh, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 90 và 91 thành lập các tổng công ty nhà nước. Quy mô của các tổng công ty có mức cao hơn. Chủ yếu là các Tổng Công ty Điện lực, Bưu chính – Viễn thông và Dầu khí với tổng số 137 đơn vị thành viên. Về chế độ quản lý, tiền thân các tổng công ty theo Quyết định số 90 – 91 là các liên hiệp xí nghiệp, các xí nghiệp liên hiệp, các tổng công ty (cũ) được sáp nhập lại, hoạt động chuyên doanh trong một ngành chủ yếu nào đó. Vốn được Nhà nước cấp phát nên những khuyết tật của các doanh nghiệp nhà nước cũng là những khuyết tật của các tổng công ty. Để đáp ứng với yêu cầu cạnh tranh ngày một gay gắt, đòi hỏi không chỉ phải đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà còn phải đổi mới các tổng công ty nhà nước. Một trong những biện pháp đổi mới này là chuyển các tổng công ty "90, 91" sang tập đoàn mạnh hoạt động theo mô hình "công ty mẹ – công ty con". Đặc trưng chủ yếu của tập đoàn mạnh hoạt động theo mô hình này là: - Có quy mô lớn, đa ngành, đa quốc gia. - Bao gồm 1 "công ty mẹ", công ty này tiến hành đầu tư vốn vào các công ty khác ("công ty con"), nắm cổ phần khống chế để điều khiển các "công ty con". "Công ty mẹ" lại dùng quyền điều khiển "công ty con" để lấy vốn đầu tư vào các công ty khác ("công ty cháu"), nắm cổ phần khống chế để chi phối các công ty này. Cứ theo kiểu móc xích như vậy, các tập đoàn ("công ty mẹ") với lượng vốn ít, có thể chi phối một lượng vốn lớn hơn rất nhiều lần so với lượng vốn của "công ty mẹ". Với mô hình tổ chức "công ty mẹ – công ty con", có thể gọi vốn nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia. Nhờ đó "công ty mẹ" tăng được quy mô, nâng cao khả năng cạnh tranh trước làn sóng toàn cầu hóa hiện nay.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật