ĐOÀN TIỂU LONG
Việc gán cho công ty TNHH và cổ phần thành hình thức “kinh tế tập thể” để né tránh sự kỳ thị, nhằm được hưởng những ưu đãi vốn đang dành cho thành phần kinh tế tập thể, có vẻ chỉ là một thay đổi danh nghĩa chứ khó có thể xem là một bước tiến mới về tư duy kinh tế.
TBKTSG số ra ngày 15.7.2010 có bài “Kinh tế tập thể gồm những hình thức tổ chức kinh tế nào?” của tác giả Anh Thư, trong đó đề xuất đưa công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần vào loại “kinh tế tập thể”. Xin có vài lời trao đổi về đề tài thú vị này.
Có thể tóm tắt lập luận của tác giả Anh Thư như sau: Để xác định quan hệ sở hữu tư nhân thuộc thành phần kinh tế nào, thì nên xem xét tổng thể quan hệ của nó tới các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, cùng với cơ chế quản lý và chế độ phân phối.
Theo tác giả, công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần không thuộc quyền sở hữu của một cá nhân, mà của nhiều, thậm chí rất nhiều người. Quyền sử dụng, định đoạt khối tài sản của doanh nghiệp, cũng như cơ chế quản lý, điều hành doanh nghiệp mang tính tập thể rất rõ. Như thế, nếu các hợp tác xã được liệt vào loại kinh tế tập thể, thì có lẽ cũng nên làm như vậy đối với hai loại hình doanh nghiệp nói trên.
Có thể thấy tác giả không xác định rõ, cần bao nhiêu tiêu chí trong số 5 tiêu chí đó mang tính tập thể thì đó là kinh tế tập thể: chỉ cần một vài hay phải đầy đủ cả 5 tiêu chí. Chính vì thế, tác giả đã không giải thích rõ về tiêu chí cuối cùng – cơ chế phân phối (mà đây lại là tiêu chí hết sức quan trọng), và nghiễm nhiên coi việc hai loại hình doanh nghiệp nói trên có ba tiêu chí (sử dụng, định đoạt, quản lý) dường như mang tính tập thể thì nên liệt vào loại kinh tế tập thể.
Bây giờ ta thử quay lại phân tích xem liệu công ty TNHH, công ty cổ phần có thực là mang tính “tập thể” hay không.
Lập luận của tác giả cho rằng “mâu thuẫn cơ bản của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ngày nay đã được thay đổi với việc hình thành các công ty cổ phần” là thiếu xác đáng, một mặt vì công ty cổ phần không phải mới xuất hiện gần đây.
Chủ nghĩa tư bản thời Marx đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, đã đạt mức phát triển rất cao, với đầy đủ hệ thống công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, các sở giao dịch đủ loại, kèm theo hệ thống luật lệ khá hoàn chỉnh.
Bản thân Marx cũng dành khá nhiều trang trong quyển III bộ Tư bản để phân tích về công ty cổ phần, các sở giao dịch, thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán. Mặt khác công ty cổ phần không hề làm thay đổi mâu thuẫn đó. Bằng chứng mới nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà ta đang chứng kiến.
Vì vậy, nếu dựa trên các phân tích của Marx, có thể rút ra những điều sau đây:
Thứ nhất, về mặt quan hệ sở hữu thì hai loại công ty nói trên thuộc về sở hữu tư nhân 100%. Việc từng nhà tư bản cá biệt sở hữu một tư bản cá biệt trong tổng tư bản xã hội, hay một vài nhà tư bản tập trung thành một nhóm và mỗi người vẫn nắm quyền sở hữu một tỷ lệ tương ứng với tư bản cá biệt của mình trong khối tư bản “tập thể” của công ty, hoàn toàn không làm thay đổi tính chất tư hữu của tư bản.
Thứ hai, quyền sử dụng, định đoạt tài sản công ty cũng không hề mang tính chất “tập thể”, bởi lẽ mỗi thành viên của cái “tập thể” đó không có quyền biểu quyết ngang nhau, mà tùy thuộc vào tỷ lệ vốn góp. Vai trò của từng nhà tư bản cá biệt trong mỗi công ty nói riêng, hay trong toàn bộ giai cấp tư bản nói chung, về bản chất là như nhau – tương ứng với quy mô tư bản.
Như vậy ở đây không
phải con người lên tiếng, mà là tư bản lên tiếng. Tư bản to hơn thì có tiếng nói lớn hơn. Như Marx nhận xét, nhà tư bản chỉ là tư bản được nhân cách hóa. Vai trò của anh ta tương ứng với độ lớn của tư bản của anh ta, chứ bản thân anh ta chả là cái gì hết.
Một nhà tư bản cá biệt chỉ có thể chi phối lượng tư bản mà mình có. Nhưng nếu anh ta nắm 51% vốn của một công ty, anh ta hầu như có quyền chi phối toàn bộ 100% vốn của công ty. Với sự hình thành các công ty đại chúng, với số cổ đông lên tới hàng chục ngàn người, và tuyệt đại đa số là cổ đông nhỏ xíu, thì thậm chí chỉ cần nắm giữ 25% vốn là đủ để nắm quyền kiểm soát công ty, thông qua việc cử người của mình vào hội đồng quản trị và ban giám đốc. Nếu công ty này lập ra một loạt công ty con, nắm 25% vốn ở mỗi công ty con, rồi công ty con lại đẻ ra công ty cháu, chắt, chút, chít, thì nó có khả năng chi phối một lượng tư bản lớn gấp bội. Hàng trăm ngàn cổ đông nhỏ hầu như không có tiếng nói gì, vậy làm sao có thể nói đến tính chất “tập thể” ở đây được?
Thứ ba, chế độ phân phối ở các công ty TNHH và cổ phần cả trăm năm nay không hề thay đổi: lợi nhuận được phân phối theo tỷ lệ vốn góp. Không chỉ cổ tức, mà cả phần lợi nhuận được giữ lại cho các quỹ và để mở rộng kinh doanh thực chất cũng là chia cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp.
Những phân tích trên đây cho thấy nếu chiếu theo định nghĩa marxist về kinh tế tập thể thì các loại hình công ty TNHH và cổ phần không mang tính chất “kinh tế tập thể” đúng nghĩa. Việc gán cho công ty TNHH và cổ phần thành hình thức “kinh tế tập thể” để né tránh sự kỳ thị, nhằm được hưởng những ưu đãi vốn đang dành cho thành phần kinh tế tập thể, có vẻ chỉ là một thay đổi danh nghĩa chứ khó có thể xem là một bước tiến mới về tư duy kinh tế. Thay vì thế, có lẽ nên tập trung đấu tranh xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế thì hơn.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"