CON ĐƯỜNG LAO KHỔ: TỪ LUẬT TÁC QUYỀN TRONG CÔNG ƯỚC BERNE ĐẾN QUAN HỆ PHÁP LÝ GIỮA VIỆT NAM VÀ HOA KỲ

NGUYỄN HỮU LIÊM Trong bối cảnh hội nhập kinh tế vào cộng đồng thế giới, khi Việt Nam chính thức gia nhập Công Ước Berne năm trước (2004) thì những vấn đề luật pháp liên quan đến tác quyền đối với và của các tác giả và nhà xuất bản Việt Nam được khơi dậy. Ở trong cũng như ngoài nước, nhiều bài báo đã đặt vấn đề và nêu lên nhiều câu hỏi liên quan đến một định chế pháp lý quan trọng vốn có thể ảnh hưởng đến cả một chiều hướng sinh hoạt văn hóa sách vở trong thời gian tới. Một trong những quan tâm lớn là mối liên hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên lãnh vực tác quyền và quyền hạn của sản phẩm trí tuệ. Lãnh vực này, dù là quan trọng, cũng chỉ là một phần nhỏ trong những tương quan pháp lý giữa Mỹ và Việt. Bài viết này trước hết sẽ tóm lược những phương diện pháp lý quan yếu về luật tác quyền trong công ước Berne nhằm từ đó nêu lên những vấn đề tổng quát hơn về bản chất đối tác pháp chế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. A. Từ Công Ước Berne (The Berne Convention/Union for the Protection of Literary and Artistic Works): Được chấp nhận vào năm 1886 tại thành Phố Berne, Thuỵ Sĩ, kết quả bởi sự vận động của văn hào Victor Hugo nhằm công nhận tác quyền giữa các quốc gia tham dự. Văn bản của Công Ước đã được cập nhật và hoàn chỉnh vào năm 1971 tại Pháp, gọi là “Văn Kiện Paris”. Trên nguyên tắc tổng quan, thì thành viên của công ước Berne công nhận tác quyền của tất cả tác giả thuộc các quốc gia trong Công Ước. Tác quyền này được mặc nhiên công nhận trên phương diện pháp luật của quốc gia liên hệ. Tác giả và nhà xuất bản giữ bản quyền không cần phải đăng ký hay là phải thông báo trên bất cứ hình thức nào. Thời gian tối thiểu được bảo vệ cho tác quyền là trọn đời của tác giả cộng thêm 50 năm. Kể từ năm 1967, Công ước Berne được quản lý bởi WIPO (World Intellectual Property Organization). Ngoài Công ước Berne, còn có Công ước Tác quyền Toàn cầu, the Universal Copyright Convention (UCC).   Điều cần nhấn mạnh ở đây: Công ước Berne chỉ là một cơ sở tiêu chuẩn, chứ không phải là một bộ luật quốc tế để bảo vệ tác quyền. Vấn đề cưỡng chế và thi hành những gì trong Công Ước phải tuỳ thuộc vào luật pháp của quốc gia nơi sự vi phạm xẩy ra. Trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau thì những điều khoản bảo vệ tác quyền còn tuỳ thuộc vào các thỏa ước (treaties) giữa các nước liên đới. Luật Tác Quyền của Hoa Kỳ: Năm 1998, Hoa Kỳ gia tăng thời gian tác quyền bằng Đạo luật Sonny Bono: trọn đời tác giả cộng thêm 70 năm cho tác giả cá nhân, 75 đến 95 năm cho tác quyền của công ty hay là tác phẩm ra đời trước 1978. Giới hạn thời hiệu cho đơn kiện dân sự là ba năm từ khi vi phạm bản quyền bị phát hiện. Nói rõ thêm: Luật tác quyền của Mỹ, cũng như của các quốc gia khác, chỉ bảo vệ một phương cách diễn đạt của một ý tưởng (the particular expression of an idea), chứ không bảo vệ ý tưởng (ideas) hay là sự kiện (facts). Ví dụ, luật tác quyền không bảo vệ Chùa Một Cột như là một đối tượng nghệ thuật mà chỉ bảo vệ một cách diễn tả, quay phim, họa vẽ lại, hay là một bài thơ ca ngợi nó, một cách khác biệt. Luật tác quyền cũng khác với luật thương hiệu (trademark). Bất cứ ai cũng có thể bị truy tố hay là bị kiện nếu vi phạm luật tác quyền; trong khi đó, luật thương hiệu chỉ có thể áp dụng đối với các đối thủ cạnh tranh trên cùng một mặt hàng hay là cùng một thị trường. Nguyên đơn, nếu thắng kiện trong một phiên án dân sự theo luật tác quyền ở tòa án liên bang Hoa Kỳ, có thể được bồi thường từ phía bị đơn, sự thiệt hại thực sự về vật chất, hiện kim có chứng cớ (actual damages) cộng với số tiền lời mà phía vi phạm có được từ sự vi phạm bản quyền. Nếu không có khả năng chứng minh thiệt hại thực sự thì phía nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án được bồi thường theo luật định (statutory damages) từ 750 đến 30,000 USD. Nếu vi phạm bản quyền là cố ý thì tiền thưởng có thể lên đến 150,000 USD. Ngoài ra, tòa án có thể đòi phía bị đơn và thua kiện phải trả tiền lệ phí luật sư và phí tổn tranh tụng. Ngoài ra, toà án có quyền ra lệnh tịch thu, phá huỷ các sản phẩm vi phạm tác quyền, và ra án lệnh (injunction) cấm không cho phía bị đơn tiếp tục vi phạm. Ngoài lãnh vực trách nhiệm dân sự, kẻ vi phạm tác quyền có thể bị truy tố hình luật, theo 17 USC 506 mà tiền phạt tối đa là 300 ngàn USD và bị tù lên đến năm (5) năm cho mỗi trường hợp vi phạm. Luật Tác quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam: Hoa Kỳ chính thức tham gia công ước Berne năm 1989. Theo đó thì tác quyền từ các quốc gia trong Công ước Berne sẽ được luật pháp Hoa Kỳ công nhận mà không cần phải thông báo, đăng ký. Ví dụ, dấu hiệu ghi chú bản quyền trên sách, băng nhạc “all rights reserved” hay là (c) nay không còn cần thiết. Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức công nhận tác quyền hỗ tương vào năm 1998 (63 Fed. Reg. 71571) theo Điều 17 Bộ Luật Hoa Kỳ USC, khoản 104 và khoản 17 của USC khoản 500 et. al.. Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức ký kết những điều khoản tác quyền vào tháng 12 năm 2001. Chiếu theo Bộ Luật Liên Bang về Copyright của Hoa Kỳ, 17 USC 500 et. al., tác giả hay chủ quyền của Việt Nam có thể thụ lý đơn kiện vi phạm tác quyền tại tòa án liên bang Hoa Kỳ qua sự đại diện pháp lý chính thức của luật sư được công nhận bởi toà án liên bang liên hệ. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề tác quyền (copyright) về các sản phẩm văn hóa truyền thống. Chúng tôi không đề cập đến vấn đề tài sản trí tuệ (intellectual property), vấn đề thương hiệu (trademarks), vấn đề logos (ngữ hiệu kinh doanh). Đây là những lãnh vực chuyên môn rộng và phức tạp, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao mà khả năng cá nhân cũng như trong khuôn khổ của một hội thảo giới hạn không cho phép chúng tôi đi sâu vào được. Nhận Xét và Đề Nghị: Ở Việt Nam, tác quyền Hoa Kỳ thì lại được tích cực bảo vệ bởi quy chế văn hóa phẩm của Việt Nam qua giấy phép xuất bản. Hiện nay, sách dịch qua tiếng Việt, muốn được giấy phép xuất bản, phải có giấy phép bản quyền của nhà xuất bản nguyên gốc hay là tác giả. Tôi đã từng làm luật sư đại diện cho một công ty văn hóa Việt Nam và đã học được những kinh nghiệm khó khăn khi muốn tiếp xúc với các nhà xuất bản ở Hoa Kỳ để thương thảo mua bản quyền. Điều này làm cho thị trường sách dịch ở Việt Nam bị khựng lại và khô ráo. Đầu năm nay, lãnh sự Hoa Kỳ ở Tp Hồ Chí Minh cũng đả tổ chức hội thảo để khai thông khâu liên hệ này. Nhưng vấn đề tự nó là phức tạp và khó giải quyết. Trong khi đó, tác quyền Việt Nam ở Hoa Kỳ thì chỉ được công nhận trên văn bản, chứ thực chất bảo vệ thì là con số không. Nếu một tác giả hay chủ bản quyền ở Việt Nam muốn “được bảo vệ” ở Hoa Kỳ thì chỉ có cách phản ứng tiêu cực: thụ lý kiện ở tòa án liên bang Hoa Kỳ. Nhưng điều này không có thực tế. Ai cũng biết là những vi phạm tác quyền Việt Nam ở Mỹ đều do bởi những thành phần “không có tóc”, lén lút qua ngày. Tôi xin đơn cử một trường hợp điển hình hiện nay. Cuốn phim “Bẫy Tình” vừa mới ra đời trong vòng sáu tháng qua do một hãng phim của Việt Kiều sản xuất có giấy phép tại Việt Nam, nhưng lại không được phép chiếu hay là xuất bản trong nước. Hai tuần sau khi hoàn tất ấn bản phim ở Việt Nam thì tôi đã thấy bản in lậu bày bán ở các chợ người Việt ở California với giá rất thấp, với bao bìa mới, không hề ghi tên nhà sản xuất. Thế thì chủ nhân tác quyền có thể làm gì dưới công ước Berne? Thụ lý đơn kiện dân sự ở tòa án liên bang Hoa Kỳ thì tốn kém lớn mà chắc chắn là sẽ không đem lại kết quả nào. Đó là chưa nói đến chuyện “biết ai mà kiện.” Về hình sự thì nội vụ không đủ lớn, hoặc là không ai áp lực, để cho Bộ Công Lý Hoa Kỳ truy tố. Bởi thế, tôi đề nghị quy chế xuất bản ở Việt nam phải được thay đổi. Thay đổi để cho sân chơi pháp chế trong tinh thần công ước Berne được ngang bằng và cũng để giảm bớt tình trạng in và phát hành sách dịch lậu – chứ không nhằm để cho phép tệ trạng ăn cắp bản quyền ngoại quốc. Không có lý do trách nhiệm công ước nào để biện minh việc Việt Nam tích cực bảo vệ tác quyền ngoại quốc theo quy chế giấy phép; trong khi đó, tác quyền Việt Nam ở ngoại quốc là chỉ là chuyện không tưởng và không hề được bảo vệ có thực chất. Hãy bãi bỏ quy chế đòi hỏi giấy phép bản quyền cho sách dịch. Thay vào đó, là điều chỉnh bộ luật Dân Sự về vi phạm bản quyền cho chặt chẽ và gắt gao hơn. Nếu kẻ nắm bản quyền ngoại quốc nào muốn bảo vệ quyền lợi thì họ phải vàoViệt Nam để thuê luật sư Việt Nam ra tòa Việt Nam mà kiện – như Việt Nam phải qua Mỹ để kiện vậy. Trên một bình diện khác, có lý luận cho rằng sự ngăn cấm hay giới hạn phiên dịch các tác phẩm văn chương văn hóa và tư tưởng thế giới là một sự vi phạm về quyền tự do tư tưởng và ngôn luận. Nó thể hiện một chính sách đặc quyền nhân danh quyền lợi của thiểu số kinh tế để phủ nhận quyền được đón nhận tư tưởng nhân loại cho đại quần chúng. Vì thế, mọi quy chế về bản quyền là những phương cách kiểm duyệt và cấm đoán, một thể thức độc tài văn hóa. Đây là một đề tài triết học pháp lý vốn mang nhiều tính chất tranh cãi. Nhưng đó là chỉ là một góc nhỏ trong cái siêu thị pháp lý lớn lao mà tôi muốn nói đến. B. Đến Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam: Một Tương Quan Pháp Chế. Nếu con đường đấu tranh dành độc lập cho dân tộc Việt Nam đã phải trải qua bao gian khổ, thì con đường hội nhập vào cộng đồng thế giới cũng phải đi qua nhiều chặng cam go. Mọi đấu tranh đều cho mục đích là để được công nhận. Việt Nam ngày nay được công nhận như là một pháp nhân bình đẳng trên trường công pháp quốc tế. Đây là một bước tiến lớn. Vì là một pháp nhân có đủ tư cách, Việt Nam phải có bản lãnh nghiệp vụ cho trách nhiệm cũng như sẵn sàng chịu đựng mọi hệ quả pháp chế từ công pháp quốc tế. Những bài học của các vụ kiện cá Basa, vụ chất độc Da Cam ở Hoa Kỳ, vụ hàng không Việt Nam ở Ý đã làm cho Việt Nam nhận thức rõ ràng hơn cái nhu cầu khẩn cấp và thiết yếu của một đội ngũ luật sư quốc tế chuyên nghiệp và bản lãnh. Các cá nhân, công ty và cơ quan Việt Nam không thể ký hợp đồng một cách vô tội vạ, thiếu trách nhiệm với các đối tác ngoại quốc. Và Việt Nam cũng không thể vì nóng lòng muốn hội nhập để vội vàng tham gia vào các hiệp định hay là công ước quốc tế mà không hiểu rõ bản chất tác động lâu dài của sự cam kết cũng như chưa có khả năng chuẩn bị cho mình một khả năng tham dự có thực chất. Nay thì Việt Nam đã chính thức đứng trước bàn thờ công pháp quốc tế để công khai ràng buộc đất nước này vào hàng chục công ước và hợp đồng mà quyền tự quyết quốc gia (sovereignty power) phải nhường bước cho quy luật và điều khoản đã được ký kết dưới sự phán quyết có tính cưỡng chế từ các tòa án quốc tế. Nhu cầu chiến lược kinh tế quốc gia phải đối diện với một thực trạng nhân sự và cơ chế công quyền chưa đáp ứng nỗi nhu cầu vĩ mô. Từ đó, những quyết định có tính cách cá nhân hay là địa phương lại có khả năng mang đến những thiệt hại hàng trăm triệu đô la và uy tín quốc gia. Ví dụ như vụ kiện hiện nay của Việt Kiều Hà Lan Trịnh Vĩnh Bình về vấn đề đầu tư ở Bà Rịa Vũng Tàu trên cơ sở hiệp định thương mãi giữa Hà Lan và Việt Nam. Các công ty ở các địa phương thì chỉ biết làm ăn theo lối nhìn ngắn hạn và bản địa, và nhiều lúc không hề biết đến hay quan tâm đến những hậu quả công pháp quốc tế phát xuất từ những quyết định kinh doanh của mình. Trong vòng năm năm tới, khi mà Hiệp định Thương mãi Việt Mỹ mở cửa rộng lớn thị trường Việt Nam cho các công ty Mỹ vào kinh doanh, thì vấn đề này sẽ còn phức tạp và trầm trọng hơn. Sẽ không còn tình trạng tách biệt ốc đảo cho các công ty Việt Nam nữa. Nhanh hay chậm, phần lớn các công ty lớn của Việt Nam đều sẽ trở nên những công ty quốc tế cả. Từ những điều trên, tôi xin góp ý về những nguyên tắc cơ bản, từ tổng quát đến đặc thù, và nêu lên những đề nghị cho con đường hội nhập pháp chế của Việt Nam đối với Hoa Kỳ nói riêng, và cộng đồng thế giới nói chung. Về nguyên tắc cơ bản thì: 1. Bản chất quan hệ giữa Hoa Kỳ là Việt Nam từ nay là một quan hệ pháp lý. Vì vậy,khi phía Việt Nam đối tác làm ăn với người Mỹ, phải luôn luôn khởi đi bằng nguyên tắc đã được văn bản hóa thành khế ước (contracts) và hợp đồng (agreements). Điều này áp dụng đối với tất cả các lãnh vực, từ chính trị đến kinh tế, từ di trú đến quân sự. Yếu tố con người không quan trọng, nếu không là vô nghĩa, trên cơ sở quốc gia và công ty. Con người chỉ là đơn vị pháp nhân. Pháp nhân này là cơ năng của nguyên tắc khế ước pháp lý đã được đồng thuận chính thức (hay không chính thức) và mang tính cưỡng chế. Mọi điều kiện tình cảm, nhân đạo, lịch sử đều là phụ thuộc. Vụ kiện chất độc da cam ở New York hay là vụ kiện cá basa là một bài học lớn. Việt Nam cứ đem các nạn nhân ra mà “ca bài con cá” một cách lạc đề trong khi cơ sở bằng chứng pháp lý thì chưa vững chắc. Chúng ta đừng nhầm lẫn về một tòa án “lương tâm” của người Mỹ đối với một tòa án thực hữu. Mọi “tòa án lương tâm”, hay là dư luận, hay là “phán xét lịch sử”, chỉ là hệ quả của một phán quyết pháp lý. Bối cảnh hội nhập hiện nay là những trận tuyến trong tòa án quốc tế và ngay tại chiến trường của tòa án ở Mỹ. 2. Sức mạnh pháp lý chỉ có thể dựa trên thẩm quyền của nguyên tắc và nền tảng của sự kiện cho từng khế ước và trường hợp tranh chấp. Khi tranh chấp pháp lý xẩy ra, chúng ta không thể áp dụng những nguyên tắc tổng quan dựa trên đạo đức, lịch sử hay văn hóa. Từ đó, tương quan quyền lực là cán cân pháp chế trên cơ sở quyền lợi được tính toán, đo lường, văn kiện và hình thức hóa. Trong tương lai gần, khi Vietnam Airlines bay sang California, ví dụ, một nhân viên của hảng bị kiện dân sự trong một tòa án liên bang Hoa Kỳ ở San Francisco, bởi một nguyên đơn cũng là một nhân viên của Vietnam Airlines từ Việt Nam mang quốc tịch Việt Nam, về một tội danh quấy nhiễu tình dục cho hành vi xẩy ra ở California. Hậu quả có thể là Việtnam Airlines bị bồi thẩm đoàn liên bang ở SanFrancisco bắt bồi thường hàng triệu đô la. Dĩ nhiên là Vietnam Airlines phải chịu trách nhiệm và phải trả số tiền đó cho nguyên đơn qua nguyên tắc vicarious liability, trách nhiệm dân sự của chủ nhân. Việtnam Airlines không thể nhân danh văn hóa hay là tiêu chuẩn pháp lý ở Việt Nam để biện hộ cho bị đơn. Vậy, trước khi bay qua Mỹ, Vietnam Airlines phải tính toán trước từng vấn đề thẩm quyền xét xử của tòa án Mỹ (venue and jurisdiction) đối với vấn đề nội bộ của Vietnam Airlines và thể hiện trên văn bản với nhân viên trong công ty và với các đối tác làm việc ở Mỹ. Đó chỉ là một đơn cử. 3. Mỗi quan hệ pháp lý (a legal event) là một thực thể quyền lợi cần được bảo vệ và phát huy – chứ không phải là một biểu tượng ngoại giao. Bản tính của dân ta là ưa thích mầu sắc biểu tượng và khẩu hiệu. Con người Việt Nam chưa bao giờ là những và từng cá nhân đích thực – mà chỉ là những biểu tượng cho cái lớn lao hơn họ. Chính vì truyền thống “biểu tượng như là bản chất” này mà người Việt chúng ta hy sinh dễ dàng hơn từ xưa đến nay. Nhưng bây giờ, qua liên hệ kinh doanh với Mỹ thì tính biểu tượng không thể trở thành “bản chất” của vấn đề được nữa. Mỗi liên hệ đối tác là một biến cố có hậu quả phải được tính toán kỹ trên cơ sở pháp lý và được tiên liệu và bảo vệ bởi một đội ngũ luật sư có khả năng tương ứng. Tôi đã từng tham dự vào không biết bao nhiêu buổi ký biên bản ghi nhớ và hợp đồng ở Việt Nam trong suốt mười mấy năm qua mà phần lớn cũng chỉ vì hứng khởi cá nhân và biểu tượng ngoại giao mang tính chất tình cảm hơn là vì nghiêm chỉnh theo đuổi dự án đối tác có thực chất. Cứ mỗi lần ký hợp đồng là chúng tôi có cớ tiệc tùng để rồi tất cả đều đi vào quên lãng. Nếu mà cái tật này mang qua Mỹ thì các công ty Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hệ quả pháp lý không lường. Điều tôi xin nhấn mạnh lại: Chỉ ký hợp đồng khi có dự án quan hệ nghiêm chỉnh, có cơ sở thực tế và các văn bản chỉ được ký sau khi có luật sư cố vấn và chịu trách nhiệm. 4. Nguyên tắc pháp chế được bảo vệ bởi dữ kiện (data) và sự kiện (facts) trên cơ sở bằng chứng (legal evidence). Hầu hết, nếu không nói là tất cả, mọi người, dân tộc đều có thể đồng ý với nhau về nguyên tắc trên hầu hết mọi phương diện. Từ tôn giáo, nhân quyền, đạo đức, chính trị, ai cũng mang chung những nguyên tắc phổ quát. Vấn đề là làm sao áp dụng nguyên tắc vào sự kiện. Tuy nhiên, vấn đề còn căn bản hơn: sự tồn tại của nguyên tắc pháp chế dựa trên sự vững mạnh của cơ sở bằng chứng được công nhận. Dữ kiện và sự kiện sẽ không có giá trị nào nếu nó không trở thành bằng chứng pháp lý (admissible evidence). Một sự kiện tình cảm hay là văn hóa nếu không là một bằng chứng khách quan và được công nhận bởi pháp chế đều là vô nghĩa. Từ đó, mọi đối tác khế ước (contractual relationship) đối với công ty hay là cá nhân Mỹ và ngoại quốc đều phải được chuẩn bị bằng một cơ sở bằng chứng từ trong cơ chế nội bộ về phía Việt Nam. Mọi chi tiêu phải có biên nhận và ghi chép, mọi liên hệ phải bằng văn bản, mọi sửa đổi về điều khoản hợp đồng đều phải có văn kiện và chữ ký của thẩm quyền liên hệ theo nguyên tắc bằng chứng trước tòa. Đừng chờ đến khi ra tòa cần bằng chứng rồi mới đi tìm dữ kiện và sự kiện. Trong quan hệ hợp đồng, thói quen văn hóa “du di vì tình cảm” cho những vi phạm của đối tác có thể trở thành những tiền lệ bỏ qua (waiver) vốn rất là nguy hại cho quyền lợi pháp lý khi tranh tụng xẩy ra. Kinh nghiệm từ vụ kiện chất độc da cam ở New York cho thấy sự yếu kém về phía nguyên đơn của các nạn nhân Việt Nam trên phương diện bằng chứng pháp lý về nhân quả (causal evidence) – chứ không phải yếu kém vì dữ kiện hay sự kiện (sự thả thuốc độc khai quang và sự thống khổ của nạn nhân người Việt “as facts”), và dĩ nhiên là cũng không phải vì mệnh lệnh đạo đức và công lý. Đối với chính sách hội nhập thì: 1. Chuẩn bị hướng đạo có hệ thống và kỹ thuật cho tất cả các công ty từ bậc trung trở lên đến con đường hội nhập vào công pháp quốc tế. Như tôi đã trình bày ở trên, khi Việt Nam đã vào WTO và Hiệp Định Mỹ Việt đã điều hành toàn bộ, thì các công ty nội địa của Việt Nam sẽ không tránh khỏi tầm ảnh hưởng của các hiệp định thương mãi quốc tế và do đó công pháp quốc tế sẽ chi phối một phần quan trọng trong lãnh vực kinh doanh của họ. Phải yêu cầu cán bộ quản lý công ty học tập về vấn đề này. Một mặt khác, mỗi vùng kinh tế phải thành lập một văn phòng tham vấn pháp chế nhằm chỉ dẫn và thông qua những quyết định kinh tế hay liên hệ hợp đồng có tầm liên hệ đến thương ước quốc tế. Trên phương diện luật công ty, yêu cầu các công ty có liên hệ đối tác kinh doanh với  nước ngoài, nhất là với Hoa Kỳ, phải có một văn phòng luật sư cố vấn và chịu trách nhiệm pháp lý. Các chương trình quản trị kinh doanh đều phải bao gồm các khóa về luật kinh doanh quốc tế và hiểu biết về hợp đồng. 2. Một chính sách phát huy và một dự án đào tạo cán bộ và doanh nhân trong khả năng truyền thông – nhất là khả năng tiếp nhận và diễn đạt sự kiện khách quan. Sự khác biệt căn bản giữa người Việt và Tây phương là về cái nhìn và truyền đạt trên cơ sở sự kiện. Hình như rằng rất khó cho người Việt diễn tả sự việc một cách “thuần sự kiện” (purely factual). Bởi vậy nên tranh luận trong ngôn ngữ Việt và con người Việt thường gặp khó khăn vì chúng ta thường lạc đề và không dựa trên sự kiện. Các doanh nhân, các lãnh đạo công ty Việt Nam phải được huấn luyện nhìn vấn đề thuần sự kiện và theo đó là khả năng diễn đạt vô tư. Điều này không phải là dễ vì bản chất ngôn ngữ và cách diễn đạt của người Việt rất khó làm sáng tỏ được sự kiện một cách khách quan. Quý vị nào không đồng ý thì xin thử tham dự một buổi lấy khẩu cung (deposition) ở Mỹ với một người Việt Nam – hay là đọc báo Việt ngữ, từ trong nước ra hải ngoại, hay là ngay cả những văn bản báo cáo công quyền trong nước. Đó là chưa nói đến cái bệnh lạc đề của người Việt ta. Ở đây, tôi xin đề nghị một phương pháp chi tiết: Mọi đối thoại với người Mỹ, trên cơ sở chính phủ hay tổ chức, đều phải đi theo công thức luật học IRAC: Issue (Vấn đề gì đây?), Rule (Quy luật hiện hành), Application (Áp dụng quy luật vào sự kiện và bằng chứng của vấn đề liên hệ), và Conclusion (Kết luận). Theo công thức này, mỗi bên cứ trình bày vấn đề từng bước. Cuối cùng thì sự đồng ý và khác biệt có thể được thu gọn để thương thảo. Đây là thể thức quan hệ vốn có thể bảo đảm được thì giờ và năng lực, tránh hiểu lầm nhau, và tránh nạn lạc đề. 3. Xây dựng và phát huy một văn hóa tương hệ và đối tác trên cơ bản pháp chế vượt qua yếu tố cá nhân. Nói chung, vấn đề công quyền và pháp chế Việt Nam phải đối diện với một mâu thuẫn nhân văn lớn: giữa một văn hóa cá nhân giữa người và người đối với một nhu cầu pháp chế dựa trên nguyên tắc luật pháp để đối xử giữa các pháp nhân. Tôi cho đây là một văn hóa dân tộc nông nghiệp vốn đặt giá trị liên đới vào tình cảm cá nhân (personal prescriptive) hơn là dựa trên mệnh lệnh của sự kiện khách quan (factual descriptive). Người Mỹ và xã hội của họ không phải bị quá vướng vào vấn đề này. Bởi thế, chúng ta hay cho rằng người Mỹ lạnh lùng, xa cách; người Việt mình thì tình cảm (cho nên hay vồn vã, ưa chìu lòng khách). Trên phương diện pháp chế, đây là một khuyết điểm văn hóa. Ở Việt Nam, bao nhiêu nhu cầu lớn và cơ bản chính sách hiện nay trước quốc nạn tham nhũng, thối nát phải gặp rất nhiều khó khăn vì sự liên hệ ở mọi tầng lớp hầu hết đều mang tính cách con người, cả nể, không dựa trên nguyên tắc và định chế khách quan. Điều thử thách là làm thế nào để có một nền văn hóa nhân bản trên cơ bản pháp chế. Một công an giao thông có bản lãnh thổi phạt người bạn, người thầy, hay vị thượng cấp mà cả hai bên không lấy đó làm điều khó xử hay là phản ứng tiêu cực, mà trái lại còn mang niềm kính trọng và hãnh diện cho nhau. 4. Đầu tư cho một thế hệ luật sư quốc tế mới. Song song với những cải tổ đang tiến hành về pháp chế trong nước, Việt Nam phải xung phong đào tạo một đội ngũ luật sư Việt Nam cho nhu cầu pháp lý quốc tế. Một mặt hãy khẩn cấp gởi một số lớn sinh viên luật qua Mỹ để học. Điều này những chương trình tài trợ như Quỹ Giáo Dục Việt Nam hay là các nguồn tài trợ khác sẽ ủng hộ. Một mặt khác, phải thành lập ngay những phân khoa công pháp quốc tế ở các trường luật khoa để đào tạo một thế hệ luật sư mới có trình độ và bản lãnh chuyên môn ngang hàng với luật sư Âu Mỹ. Chương trình giảng huấn và điều kiện tốt nghiệp phải ngang hàng các chương trình luật học của Mỹ mà trong đó khả năng ngoại ngữ, khả năng tranh tụng, khả năng khai thác và phân tích bằng chứng là căn bản. Mời các giáo sư luật từ Mỹ về để giảng dạy. Gởi sinh viên luật khoa đi thực tập ở các công ty hay tòa án ở Mỹ. Những điều này đều nằm trong tầm tay của chính phủ Việt Nam hiện nay. Đây là một đầu tư thực dụng, có tính chiến thuật và chíến lược quốc gia. Một đồng đầu tư cho dự án này sẽ tiết kiệm một trăm và đem về một ngàn. 5. Thành lập một phân nhánh tòa án riêng biệt ở Việt Nam nhằm giải quyết và xét xử những tranh chấp kinh tế giữa các pháp nhân Việt Nam và quốc tế. Ví dụ tên gọi như là Tòa Kinh Tế Liên Quốc (International Economic Court). Điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến thẩm quyền pháp lý quốc gia. Trái lại, nó giúp gia tăng khả năng và niềm tin vào cơ chế pháp luật quốc gia đối với các nhà đầu tư quốc tế. Đem Tòa kinh tế này vào trong các điều khoản về thẩm quyền xét xử (governing jurisdiction) trong các thỏa ước và hợp đồng kinh tế với ngoại quốc. Nội dung luật pháp sử dụng trong Tòa này sẽ là luật kinh tế và dân sự Việt Nam. Chánh án sẽ được mời từ các quốc gia đệ tam, trung hòa. Ngôn ngữ tại Tòa này là vừa Việt ngữ và của pháp nhân quốc tế – chú trọng là Anh ngữ. Quy luật bằng chứng và quy chế khai thác bằng chứng trước khi xử án (pre-trial evidence discovery) phải đi theo tiêu chuẩn quốc tế và cho phép luật sư từ quốc gia của pháp nhân quốc tế tham dự trực tiếp toàn bộ. Hai phía nguyên đơn và bị đơn phải ký quỹ “escrow” hay là “trust account” nhằm bảo đảm sự thỏa mãn phán quyết của tòa. Bản án sẽ mang sức mạnh cưỡng chế có hiệu lực và sẽ được thực thi bởi hệ thống công quyền và tư pháp Việt Nam cũng như quốc tế. Tòa án này sẽ tiết kiệm rất nhiều công sức và tài chánh cho các cơ sở thương mãi Việt Nam và thế giới khi tranh chấp kinh tế xẩy ra ở Việt Nam. Khi các đối tác kinh tế ngoại quốc tin tưởng và chịu vào tranh tụng ở tòa án Việt Nam thì chúng ta cũng mang nhiều cơ hội công lý hơn. 6. Thành lập một Viện Nghiên Cứu Công Pháp Quốc tế như là một think tank nhằm hỗ trợ phần suy nghĩ chiến lược quốc gia. Viện nghiên cứu này sẽ góp phần phân tích và điều chỉnh, bổ xung các điều khoản hiệp ước quốc tế trước khi Việt Nam chính thức tham dự. Đây phải là một học viện độc lập, khách quan, nhằm khuyến khích sự tranh luận nhiều chiều, chống và ủng hộ, đối với bất cứ điều khoản hay chính sách quốc tế nào, để cho các cơ chế quyết định chính sách có cơ hội nhìn rõ từng vấn đề một cách vô tư và đầy đủ trên mọi góc độ lợi hại, ngắn và dài hạn. Thành phần nhân sự của Viện bao gồm nhiều luật gia quốc nội và quốc tế, kể cả giới luật học Việt kiều. Với phương tiện và kỹ thuật internet hiện nay, chuyên gia có thể làm việc và tham dự tranh luận mà không cần phải thường trực có mặt tại trụ sở, và do đó, cơ sở vật chất cũng không phải là một vấn đề quan trọng. Sự đóng góp và tham gia làm việc có thể được xúc tiến ngay, mà theo tôi biết, giới luật học người Việt hải ngoại, nếu được nghiêm chính chính thức mời tham dự, họ sẽ đóng góp hoàn toàn tình nguyện. Viện công pháp quốc tế này sẽ cùng làm việc với một Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Kinh Tế Quốc Gia theo mô hình tương tự. Mỗi dự luật, một điều khoản hiệp ước quốc tế mà Việt Nam muốn tham gia, Viện sẽ cung cấp một diễn đàn tranh luận đối lập. Tôi hình dung chức năng của Viện này như là một tòa án Mỹ vậy. Luật sư của hai phía nguyên đơn và bị đơn sẽ hết sức bảo vệ và biện hộ cho quan điểm của mình trên cơ sở dữ kiện và bằng chứng khách quan với những phân tích chiến lược trên căn bản dữ kiện có sẵn. Thêm vào đó là những đề nghị cho sự chọn lựa chính sách, bao gồm luôn cả ngôn từ của hiệp ước. Các cơ chế quyết định chính sách, như là chánh án, sẽ lắng nghe và đánh giá lập trường của mỗi bên để đi đến một kết luận có cơ sở tri kiến và thông hiểu. Viện này cũng sẽ chủ động tổ chức những cuộc gặp mặt theo kiểu “trại hè sáng tác” cho giới văn học, những buổi retreats nhằm tạo cơ hội làm việc và khơi động trí tuệ cho giới chuyên gia luật học. Với mô hình của Viện nghiên cứu này, hoa quả của trí thức luật học Việt Nam sẽ có cơ hội đơm nở . Việt Nam ta có đất, có hạt giống chất xám tốt. Nhu cầu khẩn cấp là dựng nên một khu vườn để tạo điều kiện cho hạt giống được nảy mầm và sinh trưởng. *** Từ những vấn đề thực tế ở trên, để kết thúc tôi xin nói như vậy. Từ trong suốt hai thế kỷ qua, lịch sử dân tộc Việt Nam đã được chuyển hướng từ sự thẩm nhập văn minh Đông phương sang đến sự đối chọi với văn minh Tây phương; mà trong đó, tiến trình đối tác với Hoa Kỳ trong thời gian tới – nhất là trên bình diện pháp chế – vừa là cơ hội cũng như là thử thách cho Việt Nam để chúng ta tự chuyển hóa. Dân tộc ta định nghĩa chính mình từ bản sắc của đối thủ và bản chất của đối tác. Bản chất văn minh phương Tây, nói theo Charles DeMotte là “một nỗ lực thanh lọc năng động cảm xúc quá đáng của con người bằng sự thăng hóa hương vị thẩm mỹ và đức hạnh bằng lý trí.” (The Inner Side of History, 1997). Hiện đại hóa không còn có con đường nào khác hơn là Tây phương hóa – dù đó là điều mà chúng ta có muốn hay không. Cả thế giới, tiếc thay, rồi cũng sẽ phải đi theo con lộ này. Đây là con đường lao khổ và bất tận. Cho dù ở bất cứ thời đại hay hoàn cảnh nào, làm người Việt Nam tham dự vào con đường lịch sử này vẫn là một điều hân hạnh.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật