Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đặt ra những vận hội và thách thức mới, làm thay đổi sâu sắc toàn bộ đời sống kinh tế- xã hội của thế giới và nước ta. Những lợi thế không thể phủ nhận của thương mại điện tử đòi hỏi phải có sự thích ứng nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình giao lưu thương mại không chỉ được khắc phục bằng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, mà đòi hỏi cần phải có một khung pháp lý đầy đủ. Kinh nghiệm cho thấy, để thúc đẩy thương mại điện tử, Nhà nước phải giữ vai trò tiên phong trên cả hai lĩnh vực: cung ứng dịch vụ điện tử và xây dựng hệ thống văn bản đầy đủ, thống nhất và cụ thể để điều chỉnh quan hệ thương mại điện tử. Nếu thiếu các quy phạm pháp luật, các doanh nghiệp, người tiêu dùng phải gánh chịu nhiều rủi ro và thiếu sự an toàn trong giao dịch, làm cho những ưu thế rõ nét về thời gian, chi phí của thương mại điện tử không được khẳng định.
Để xây dựng khung pháp luật thống nhất cho thương mại điện tử, chúng ta cần nghiên cứu và tìm ra các đặc trưng của thương mại điện tử. So với thương mại truyền thống, thương mại điện tử có một số điểm khác biệt cơ bản:
Một là, các bên tiến hành giao dịch trong thương mại điện tử không tiếp xúc trực tiếp với nhau và không đòi hỏi phải biết nhau từ trước. Từ khi xuất hiện mạng In-tơ-nét, việc trao đổi thông tin, các hoạt động thương mại đa dạng đã mở rộng nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới với số lượng người tham gia ngày càng gia tăng. Những người tham gia dù là doanh nghiệp hay cá nhân, có thể đã biết hoặc hoàn toàn chưa biết nhau bao giờ. Thương mại điện tử cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua bán của con người mà trong đó người mua người bán có thể giao dịch với đối tác ở bất cứ đâu, mà không cần qua khâu trung gian hỗ trợ của bất cứ công ty thương mại nào; tạo điều kiện cho tất cả mọi người có cơ hội ngang nhau tham gia thị trường giao dịch toàn cầu.
Hai là, các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện với sự tồn tại của khái niệm biên giới quốc gia, còn thương mại điện tử được thực hiện trong một thị trường không biên giới, tác động trực tiếp tới môi trường cạnh tranh toàn cầu. Thương mại điện tử phát triển, máy tính cá nhân trở thành cửa sổ cho doanh nghiệp hướng ra thị trường thế giới. Không chỉ các công ty hàng đầu thế giới, bất kể doanh nghiệp lớn, nhỏ, lâu hay mới thành lập đều có thể mở rộng giao dịch thương mại của mình tới bất cứ nơi đâu theo hướng cạnh tranh quốc tế, giành giật thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và đối tác thương mại.
Ba là, trong hoạt động giao dịch thương mại điện tử đều có sự tham gia của ít nhất ba chủ thể, trong đó có một bên không thể thiếu đựợc là người cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực. Nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chứng thực có nhiệm vụ chuyển đi, lưu giữ các thông tin giữa các bên tham gia giao dịch, đồng thời họ cũng xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch thương mại điện tử .
Bốn là, đối với thương mại truyền thống, mạng lưới thông tin chỉ là phương tiện để trao đổi dữ liệu, còn đối với thương mại điện tử thì mạng lưới thông tin chính là thị trường.Thông qua thương mại điện tử, nhiều loại hình kinh doanh mới được hình thành, như các nhà trung gian ảo làm các dịch vụ môi giới, trọng tài cho giới kinh doanh và tiêu dùng; các siêu thị ảo được hình thành để cung cấp hàng hoá và dịch vụ trên mạng máy tính. Tính năng dễ sử dụng, hình thức vui mắt, dễ hiểu của các trang Web dành cho thương mại điện tử là những yếu tố quyết định thu hút khách hàng. Giá cả trở nên không quan trọng bằng tính dễ sử dụng và tiện ích mà thương mại điện tử đem lại. Trong thương mại điện tử, bản chất của thông tin không thay đổi, chỉ biến đổi cách thức khởi tạo, trao đổi, bảo quản thông tin, hoàn toàn không thay đổi những chức năng cơ bản của thông tin đối với các bên tham gia truyền thống của hợp đồng. Trong thương mại truyền thống, nếu có nhiều bên tham gia thì phải tốn một khối lượng lớn giấy tờ giao dịch về hợp đồng; trong khi đó nếu giao dịch bằng thương mại điện tử thì tiết kiệm được nhiều giấy tờ và thời gian. Tuy nhiên, các
chứng từ được thể hiện bằng
giấy tờ, cho đến nay lại có ưu thế hơn hẳn trong vai trò
chứng cứ nếu xảy ra tranh chấp.
Các yêu cầu về mặt pháp lý của việc phát triển thương mại điện tử .
Thứ nhất, giá trị pháp lý của các hình thức thông tin điện tử
. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, có rất nhiều giao dịch dân sự, thương mại yêu cầu phải được thực hiện dưới hình thức văn bản, đặc biệt là đối với các hợp đồng kinh tế. Theo quan niệm lâu nay của lập pháp và tư pháp, văn bản được hiểu là văn bản trên giấy tờ, dưới hình thức viết. Nếu các hình thức thông tin điện tử không được ghi nhận về mặt pháp lý là một hình thức của văn bản, các hợp đồng giao kết trên mạng sẽ bị coi là hợp đồng vô hiệu do không đáp ứng được yêu cầu về mặt hình thức của hợp đồng. Nếu các hợp đồng dân sự, thương mại được thể hiện dưới hình thức viết và chữ ký tay thì những ưu thế của giao dịch thương mại điện tử sẽ không được tận dụng. Việc xoá bỏ rào cản đầu tiên ảnh hưởng đến sự phát triển của thương mại điện tử là Nhà nước phải ghi nhận về mặt pháp lý đối với các giá trị của văn bản giao dịch thông qua phương tiện điện tử bằng hai cách:
+ Đưa ra khái niệm văn bản điện tử và quy định quy chế riêng với những đặc trưng của loại văn bản này;
+ Coi các hình thức thông tin điện tử như là văn bản và có giá trị tương đương văn bản viết, nếu văn bản điện tử chứa các thông tin, có thể lưu giữ, tham chiếu lại khi cần thiết; bảo đảm tính xác thực của thông tin; bảo đảm tính toàn vẹn của thông tin.
Thứ hai, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Trong giao dịch thương mại điện tử, các yêu cầu về đặc trưng của chữ ký tay có thể đáp ứng bằng chữ ký điện tử. Về mặt công nghệ và pháp lý, chữ ký điện tử phải đáp ứng được sự an toàn và thể hiện ý chí của các bên tham gia giao dịch về thông tin chứa đựng trong văn bản điện tử. Trên thế giới, nhiều công nghệ và quy trình được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi nhằm nhận dạng và chứng thực cá nhân như công nghệ số, mật lệnh nhận dạng, dấu hiệu hoặc thẻ thông minh, sinh trắc học, dữ liệu điện tử đơn giản, chữ ký kỹ thuật số. Luật pháp sẽ tập trung đặt ra yêu cầu về nhận dạng chữ ký điện tử cho phép các bên không liên quan hoặc có ít thông tin về nhau có thể xác định độ tin cậy của chữ ký điện tử bằng một cơ quan trung gian.
Thứ ba, vấn đề bản gốc. Bản gốc thể hiện tính toàn vẹn của thông tin chứa đựng trong văn bản. Trong giao dịch qua mạng tin học, vấn đề bản gốc đặt ra gắn liền với việc sử dụng chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử không những chỉ xác định người ký mà còn nhằm xác minh cho tính toàn vẹn của nội dung thông tin chứa trong văn bản. Sử dụng chữ ký điện tử đồng nghĩa với mã hoá tài liệu được ký kết. Việc giải quyết trọn vẹn về mặt pháp lý ba vấn đề liên hệ mật thiết với nhau:
văn bản, chữ ký, bản gốc trong thương mại điện tử đem lại cho văn bản điện tử giá trị pháp lý ngang với văn bản truyền thống.
Thứ tư, giá trị chứng cứ của văn bản điện tử. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, khi giá trị của văn bản điện tử không được đứng ngang hàng với văn bản viết truyền thống trong quan hệ tố tụng, thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ thường lựa chọn văn bản viết khi tiến hành giao kết hợp đồng dân sự, thương mại. Tuy vậy, khi xác định một văn bản điện tử có
giá trị chứng cứ, các thẩm phán phải kiểm định độ tin cậy của hệ thống bảo mật, mã hoá văn bản điện tử, bảo đảm yêu cầu về tính nguyên vẹn của thông tin chứa đựng trong văn bản.
* * *
Có thể nói ở một mức độ nhất định, pháp luật Việt Nam đã có những thừa nhận cần thiết tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của thương mại điện tử. Điều này được thể hiện rõ nét khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280-TTg ngày 29-4-1997 về việc xây dựng mạng tin học diện rộng để truyền nhận thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước và Quyết định số 300/TTg ngày 8-5-1997 về việc bổ nhiệm các thành viên Ban điều phối quốc gia mạng In-tơ-nét. Việc thừa nhận giá trị pháp lý của các văn bản điện tử đã được pháp luật Việt Nam đề cập. Nghị định 101- CP ngày 23-9-1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điểm của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: "Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương, văn bản quy phạm luật của Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân ban hành được gửi, lưu giữ trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ có giá trị như bản gốc…". Một số quy định cụ thể khác trong pháp luật Việt Nam về hợp đồng kinh tế cũng đã thừa nhận các văn bản telex, fax… là những bằng chứng văn bản xác nhận việc giao kết hợp đồng. Khẳng định công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, ngày 17- 10- 2000, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 58/CT-TW "Về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa" và ngày 5-6-2000, Chính phủ ra Nghị quyết số 7/2000/NQ-CP "Về xây dựng và phát triển công nghệ phần mềm giai đoạn 2000- 2005". Thực tiễn hoạt động của một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Ca- na-đa, Xinh-ga-po, các tổ chức quốc tế và thực tiễn của Việt Nam giúp chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để hướng tới xây dựng một khung pháp luật hoàn chỉnh cho hoạt động của thương mại điện tử.
Vấn đề đầu tiên là phải đi tới một
khái niệm thống nhất về thương mại điện tử phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vì hiện nay khái niệm này được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo đa số ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng, định nghĩa thương mại điện tử theo nghĩa rộng (là các hoạt động thương mại có sử dụng các thiết bị điện tử trong giao dịch) sẽ là phù hợp với Việt Nam. Theo điều tra của Bộ Thương mại (tính đến tháng 8-2004), nước ta có khoảng hơn 20 Website bán hàng và cung ứng dịch vụ, hơn mười sàn giao dịch dành cho phương thức kinh doanh B2B (Business to Business). Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng Website riêng, hoặc tham gia các hình thức ứng dụng thương mại điện tử khác nhau, như tài chính, ngân hàng…Tốc độ đường truyền tăng, phí dịch vụ In-tơ-nét và viễn thông giảm mạnh. Nhiều dịch vụ mới xuất hiện trên mạng như: du lịch, mua vé máy bay, giáo dục trực tuyến, tư vấn…Thanh toán điện tử bắt đầu được nghiên cứu, triển khai tại các ngân hàng Công thương, Ngoại thương. Nhưng do chưa có luật, nên các giao dịch điện tử vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay dự thảo Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội giao cho Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì soạn thảo; Pháp lệnh Thương mại điện tử giao cho Bộ Thương mại chủ trì soạn thảo.
Hai là, về nội dung những vấn đề cần được pháp luật điều chỉnh. Để hoàn chỉnh khung pháp luật về thương mại điện tử, cần rà soát lại toàn bộ các quy định của pháp luật hiện hành nhằm phát hiện những điểm không phù hợp để điều chỉnh, những điểm còn thiếu để bổ sung. Có thể chú trọng một số vấn đề sau:
-
Hình thức pháp lý của các giao dịch điện tử. Thương mại điện tử dựa vào các giao dịch điện tử, khác với giao dịch truyền thống bằng văn bản. Hiện nay, ngoài Luật Thương mại quy định điện báo, telex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác là hình thức hợp pháp đối với hợp đồng mua bán hàng hoá; nhưng pháp luật về hợp đồng cũng như thực tiễn xét xử chưa từng xem giao dịch điện tử là hợp đồng. Pháp luật về hợp đồng của nước ta quy định hình thức hợp pháp của hợp đồng phải là văn bản. Điều này đặt ra vấn đề về giá trị pháp lý và khả năng bảo đảm thực hiện hợp đồng của thương mại điện tử, cũng như các vấn đề cụ thể như thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng thương mại điện tử, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, sửa đổi, bổ sung và chấm dứt hợp đồng… vẫn chưa được đề cập.
-
Vấn đề thuế trong hợp đồng thương mại điện tử. Sự tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng tạo ra các mối quan ngại về thuế. Các cơ quan thuế thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế, thuế suất. Trong trường hợp một công ty thương mại điện tử ở một nước có số lượng lớn khách hàng ở các quốc gia khác nhau thường tạo ra sự bất đồng giữa hai cơ quan thuế hai nước về thẩm quyền, ai được quyền thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… Đặc biệt rất khó xác định được cơ sở thường trú, địa điểm giao dịch, nơi tiêu thụ trong những trường hợp như vậy.
-
Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Phần lớn đối tượng trong thương mại điện tử là các ấn phẩm trí tuệ, đặc biệt là các sản phẩm có thể số hoá. Các chức năng và kỹ thuật công nghệ trong thương mại điện tử có thể cho phép các chủ thể tham gia nhân bản không hạn chế số lượng các sản phẩm sở hữu trí tuệ với chất lượng không đổi, đồng thời cho phép chuyển, gửi không hạn chế về mặt số lượng các bản sao đến các địa chỉ trên toàn cầu trong khoảng thời gian nhanh nhất. In-tơ-nét với các hacker được coi là máy copy khổng lồ, vi phạm thường xuyên quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn chưa hoàn chỉnh, hiệu quả thấp. Đây thực sự là một thách thức đối với pháp luật để vừa bảo vệ được quyền lợi và khuyến khích chủ sở hữu trí tuệ, vừa bảo đảm cho sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
-
Bảo vệ người tiêu dùng. Trong thương mại điện tử, quy cách hàng hoá, chất lượng hàng hoá đều ở dạng số, người mua không có điều kiện biết được chất lượng hàng hoá trước khi mua. Cho nên sự rủi ro đối với người mua trong thương mại điện tử sẽ cao hơn so với thương mại truyền thống, đó là chưa kể tới khả năng bị nhầm lẫn các cơ sở dữ liệu, bị lừa gạt bởi các thông tin và các tổ chức bất hợp pháp trên mạng.
- An toàn dữ liệu và bảo mật thông tin. Hằng ngày, hằng giờ trên thế giới thông tin điện tử và In-tơ-nét, số vụ tấn công của các hacker vào các Website ngày càng gia tăng và mức độ nghiêm trọng hơn, ban đầu chỉ là để chứng tỏ mình, sau đó chuyển hướng nhằm mục đích trục lợi… Hiện nay, Bộ luật hình sự nước ta đã quy định một số hành vi bị coi là tội phạm như hành vi sử dụng trái phép thông tin trên mạng, hành vi tạo ra và tán phát virut trên máy tính… Nhưng trên thực tế, chúng ta chưa xử lý và truy tố hành vi của một hacker nào. Pháp luật cần bổ sung các quy định về an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin, đồng thời cũng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
- Giải quyết tranh chấp. Sự phát triển nhanh chóng thương mại điện tử đã làm gia tăng số lượng các vụ tranh chấp phát sinh từ giao dịch điện tử. Tranh chấp trong thương mại điện tử thường xảy ra giữa các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn luật áp dụng, địa điểm và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là vấn đề không đơn giản, bởi nó đụng chạm đến các vấn đề phức tạp nhất của tư pháp quốc tế, như nơi thường trú, nơi diễn ra giao dịch, nơi có hàng hoá…; trong khi đó những yếu tố này gần như không tồn tại trong thế giới ảo của thương mại điện tử .
Thương mại điện tử là phương thức mới trong hoạt động thương mại toàn cầu, áp dụng thương mại điện tử đã và đang là sự lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực pháp lý, bảo đảm sự tin cậy cần thiết cho quá trình hội nhập và phát triển ở nước ta.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"