CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SANG LOẠI HÌNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN: CÒN NGUYÊN VẸN “NHỮNG NÚT THẮT”

LG. VŨ XUÂN TIỀN – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam Sự kiện hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cấp tốc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên theo Nghị định số 25/2010/NĐ-CP (NĐ25) đã và đang… chìm dần với thông tin: về cơ bản đã về đích đúng hạn. Song, các DNNN sau khi chuyển đổi sẽ như thế nào? Mạnh hơn, giẫm chân tại chỗ hay yếu đi? Đó là những câu hỏi không thể bỏ qua. Nhìn vào thực tế có thể thấy, việc các DNNN chuyển thành công ty TNHH một thành viên theo NĐ25 vừa qua, thực chất chỉ là tạo ra những chiếc “bình mới” cho một “chất rượu” cũ mà thôi. Các DNNN sau khi chuyển đổi sẽ chưa (hoặc không) có sự thay đổi đáng kể nào về quản trị doanh nghiệp – khâu quyết định đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhận định trên là dựa vào chính những quy định trong NĐ25. Các công ty TNHH một thành viên ra đời từ NĐ25 phải được gọi đúng tên là công ty TNHH nhà nước một thành viên. Bởi lẽ, Nhà nước vẫn là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của những công ty đó. Cụm từ “Nhà nước một thành viên” đã được sử dụng để đặt tên cho một số DNNN trước đây. Song, trong lần chuyển đổi này, cụm từ trên đã không được sử dụng để tránh vi phạm nguyên tắc “thương mại không phân biệt đối xử” – một trong những nguyên tắc cơ bản của WTO mà Việt Nam là thành viên. Vì “Nhà nước vẫn là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ” cho nên các “nút thắt” trong công tác quản trị các DNNN vẫn còn nguyên vẹn đối với các công ty TNHH một thành viên hình thành sau chuyển đổi. Các “nút thắt” đó chính là những câu hỏi đang rất cần được giải đáp một cách thỏa đáng. Ai là chủ sở hữu của công ty? Điều 3 NĐ25 quy định: “Nhà nước là chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do mình nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ. Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ”. Song, nhà nước luôn luôn là một danh từ chung, không chỉ cụ thể là ai. Vì vậy, trong trường hợp này, chủ sở hữu vẫn không được xác định.   NĐ25 có chỉ rõ hơn: “Mỗi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước hoặc thành lập mới chỉ do một tổ chức được phân công, phân cấp dưới đây thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là chủ sở hữu)…”. Và các tổ chức đó là: Thủ tướng Chính phủ hoặc một tổ chức được Chính phủ phân công; bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là ủy ban nhân dân cấp tỉnh); công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ – công ty con, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong một số trường hợp. Rõ ràng, việc xác định “chủ sở hữu của công ty” vẫn như trước đây, tức là, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước lại là “chủ sở hữu” của các đơn vị kinh doanh! Chủ sở hữu là con người cụ thể nào? Chủ sở hữu một công ty không thể là một cơ quan, tổ chức mà phải là một con người cụ thể. Quy định tại NĐ25 cho thấy tùy theo từng công ty, chủ sở hữu sẽ là Thủ tướng Chính phủ; bộ trưởng; chủ tịch UBND cấp tỉnh; người được công ty mẹ hoặc SCIC giao quyền. Câu hỏi được đặt ra là, liệu các quan chức trong bộ máy công quyền (Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh) có đủ điều kiện (ít nhất là về thời gian) để thực hiện các quyền của chủ sở hữu hay không? Câu trả lời là không! Chẳng hạn, một vị chủ tịch UBND cấp tỉnh với hàng trăm cuộc họp mỗi tháng và phải chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động trên địa bàn tỉnh thì lấy đâu ra thời gian để “thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu công ty”? Hơn nữa, quản lý một công ty kinh doanh liên quan đến rất nhiều vấn đề từ kinh tế, kỹ thuật đến lao động, đất đai, pháp luật và tập quán quốc tế… Do đó, không phải cứ xin ý kiến là chủ sở hữu có thể “cho ý kiến” được ngay. Tất yếu phải có các cơ quan tham mưu, nghiên cứu và trình lên ý kiến giải quyết. Và không loại trừ trường hợp khi ý kiến chấp thuận được thông báo thì thời cơ kinh doanh đã… mất! Với những “chủ sở hữu” không phải là quan chức mà là đại diện của công ty mẹ hoặc SCIC thì câu hỏi đặt ra lại là họ có dám “cho ý kiến” không? Vốn của công ty là vốn nhà nước. Do dó, nếu “cho ý kiến” kịp thời nhưng gặp rủi ro, kinh doanh thua lỗ, liệu họ có tránh khỏi tội “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng”? Vì vậy, để chắc chắn, đến lượt mình, họ lại đi “xin ý kiến” cấp trên trước khi “cho ý kiến” với người “xin ý kiến”! Những quy trình “xin” và “cho” ý kiến nêu trên là xa lạ đối với hoạt động kinh doanh trong kinh tế thị trường! Ai sẽ chịu trách nhiệm khi công ty mất vốn? Theo NĐ25, tham gia quản lý điều hành công ty TNHH một thành viên có: chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty trong mô hình không có hội đồng thành viên. Câu hỏi được đặt ra là nếu do quản lý yếu kém, công ty bị mất vốn thì ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào? Theo Luật Doanh nghiệp, chủ sở hữu sẽ là người chịu trách nhiệm toàn diện và cao nhất là mất hết số vốn đầu tư của mình. Song, trong công ty TNHH nhà nước một thành viên, vốn của công ty là vốn của Nhà nước – là tiền đóng thuế của nhân dân. Số vốn đó không thuộc sở hữu của một cá nhân nào. Do đó, những “chủ sở hữu” của công ty chẳng có gì để mất. Khi công ty thua lỗ và mất vốn, cao lắm, các “chủ sở hữu” được yêu cầu “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” hoặc kỷ luật hành chính. Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty cũng sẽ vô can. Bởi lẽ, trước khi thực hiện những việc quan trọng, họ đã “xin” ý kiến chủ sở hữu và được chấp thuận. Việc không thành công là do khách quan, do năng lực có hạn và hàng ngàn lý do khác đầy sức thuyết phục! Hơn nữa, họ cũng chỉ là người được chủ sở hữu “thuê quản lý” không có hợp đồng. Căn cứ pháp lý nào để quy trách nhiệm cho họ phải bồi thường thiệt hại cho công ty? Như vậy, có thể thấy, khi còn là DNNN, doanh nghiệp mất vốn, phá sản đã không có ai chịu trách nhiệm, vậy mà khi chuyển sang công ty TNHH nhà nước một thành viên cũng sẽ không có ai chịu trách nhiệm chuyện công ty bị mất vốn. Chỉ có nhân dân – những người đóng thuế – là bị mất mà không biết kêu ai? Cần làm gì? Có thể khẳng định rằng, khi còn duy trì nguyên tắc “Nhà nước làm chủ sở hữu” của công ty thì không có câu trả lời triệt để cho những câu hỏi đã nêu. Bởi lẽ, vốn nói chung, hay vốn trong kinh doanh của mọi doanh nghiệp chỉ được bảo toàn và sử dụng có hiệu quả khi có một chủ sở hữu đích thực. Vì vậy, xin kiến nghị vài giải pháp trong tương lai: 1. Nhanh chóng thực hiện cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê những công ty TNHH nhà nước một thành viên sau chuyển đổi. Chuyển đổi hình thức sở hữu DNNN nhằm thu hút vốn đầu tư trong nhân dân, nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là mục tiêu đã được đặt ra từ lâu của Đảng và Nhà nước ta. Nhà nước đã nêu rõ chỉ giữ và góp vốn chi phối trong khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng. Vì vậy, không có một lý do gì để trì hoãn quá trình này. 2. Để quản lý phần vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân trong những trường hợp cần thiết, cần mạnh dạn bỏ cơ chế chủ quản như hiện nay. Không thể và không nên giao cho một quan chức, công chức trong bộ máy công quyền làm “chủ sở hữu” hoặc “đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp”. 3. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, luật về thuê quản lý doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tổ chức lại SCIC thành một doanh nghiệp có chức năng nhận ủy thác đầu tư của Nhà nước để đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp khác trong cả nước được phép nhận ủy thác đầu tư vốn của Nhà nước để đầu tư vào các doanh nghiệp, công trình, dự án nếu đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật. 4. Với những doanh nghiệp do quản lý, điều hành yếu kém, dẫn đến bờ vực phá sản cần xử lý nghiêm khắc.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật