CHUYỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN: NHỮNG KHÍA CẠNH PHÁP LÝ

Ngày 14 tháng 9 năm 2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/CP về “Chuyển doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành công ty TNHH một thành viên” (sau đây gọi tắt là Nghị định 63/CP). Sự ra đời của chủ trương trên được đánh giá là một trong những bước đi quan trọng của Nhà nước trong nỗ lực đổi mới cơ chế tổ chức quản lý DNNN, nhằm khắc phục tình trạng kém hiệu quả của DNNN kéo dài trong nhiều năm. Chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên là một mô hình doanh nghiệp được đề cập đến trong Luật doanh nghiệp (12.6.1999). Điều 46 của Luật định nghĩa: Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức làm chủ sở hữu, chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp. Như vậy, Luật doanh nghiệp xác định rõ, chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên ở đây phải là một tổ chức. Nghị định 03/CP ngày 3.2.2000 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp đã liệt kê 16 loại tổ chức khác nhau làm chủ sở hữu công ty bao gồm các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế,….   Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có quyền hạn rất lớn đối với các mặt tổ chức hoạt động và quản lý công ty. Quyền quyết định của chủ sở hữu công ty về mặt tài chính được xác lập dựa trên giá trị của tài sản chứ không mang tính chất quản lý hiện vật như trong doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn, việc quyết định các dự án đầu tư, bán tài sản có giá trị lớn, thông qua các hợp đồng vay, cho vay… nếu giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty thì phải thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu. Chủ sở hữu cũng giữ vai trò quyết định đối với bộ máy tổ chức quản lý thông qua quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý như thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, giám đốc … Thật ra, mô hình công ty TNHH một thành viên với tính cách là một sáng tạo của các nhà lập pháp, đã xuất hiện từ lâu trong các văn bản luật thực định và trong thực tiễn kinh doanh ở nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, “thành viên” trong luật công ty các nước được hiểu phổ biến là một cá nhân chứ không nhất thiết phải là một tổ chức như quan niệm của Luật doanh nghiệp Việt Nam. Trong quan niệm khoa học pháp lý, công ty TNHH một thành viên, ngoài những ưu điểm của công ty TNHH  nói chung, còn thể hiện hai ưu điểm riêng sau : -  Một là, do công ty thuộc về một người, tức là một cá nhân, tổ chức làm chủ sở hữu. Tính chất “một chủ” tạo cho người chủ sở hữu công ty có một quyền quyết định rất lớn, hạn chế tình trạng chia sẻ quyền lực trong công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên, hoặc thậm chí “pha loãng” quyền lực  trong công ty cổ phần. Chủ sở hữu có quyền quyết định về các mặt đầu tư, quyết định chiến lược kinh doanh, tổ chức quản lý, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân khác. Về mặt này, ta thấy chủ sở hữu có quyền hạn giống như một doanh nghiệp tư nhân. -  Hai là, tuy giống như doanh nghiệp tư nhân về quyền hạn nhưng chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên lại chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi vốn điều lệ của doanh nghiệp. Nói cách khác, chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn số vốn mà họ đưa vào kinh doanh. Điều này tạo nên sự tách bạch rõ ràng về tài sản của chủ sở hữu và tài sản của công ty (là một pháp nhân). Sự phân định rõ ràng này giúp nhà đầu tư có thể giới hạn sự rủi ro mà không bị ràng buộc giới hạn về quyền năng như thường thấy ở các loại hình công ty khác. Nội dung cơ bản Chủ trương chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên quy định tại Nghị định 63/CP thể hiện một số nội dung cơ bản sau : - Xác định chỉ có một tổ chức là chủ sở hữu hoặc được ủy quyền là đại diện chủ sở hữu. Các cơ quan không được ủy quyền đại diện chủ sở hữu không có quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp (chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo luật định). Điều này nhằm trả lời dứt khoát câu hỏi : Ai là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước ? Chấm dứt cách hiểu chung chung là: Nhà nước là chủ sở hữu (vì nhà nước là một thiết chế) mà chỉ định rõ một pháp nhân làm chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu. - Từ xác định trên, Nghị định 63/CP đã chỉ ra một cách rõ ràng sự phân công trong quan hệ quản lý, qua đó có thể xác định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi thành viên tham gia quản lý doanh nghiệp nhà nước. Chủ sở hữu hầu như có toàn quyền, quyết định về nhiều mặt hoạt động của công ty như : điều chỉnh vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn, quyết định đầu tư, mua bán tài sản, quyết định các hợp đồng vay, cho vay có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty. Các dự án đầu tư, mua bán tài sản doanh nghiệp như vậy không cần phải qua nhiều cấp, nhiều bộ, ngành phê duyệt như trước mà chỉ cần một cấp (chủ sở hữu). Hội đồng quản trị tổng công ty – với tư cách là đại diện chủ sở hữu – có toàn quyền quyết định đầu tư, mua bán tài sản của doanh nghiệp thành viên, do vậy việc xử lý các vấn đề trong hoạt động của tổng công ty nhanh hơn, chủ động hơn. - Quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng quản trị và tổng giám đốc trở nên rõ ràng hơn theo Luật doanh nghiệp. Hội đồng quản trị có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, quyết định mức lương đối với Tổng giám đốc (giám đốc) công ty. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó tổng giám đốc (phó giám đốc) công ty theo đề nghị của tổng giám đốc (giám đốc). Có quyền kiểm tra, giám sát tổng giám đốc (giám đốc) trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. - Tổng giám đốc (giám đốc) là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty; có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý công ty, trừ cấp phó tổng giám đốc (phó giám đốc). Quyền hạn được xác định rõ ràng, do vậy trách nhiệm cũng được quy định cụ thể Theo đó, Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu công ty và pháp luật về thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình. Trường hợp để công ty bị thua lỗ thì tùy theo mức độ hội đồng quản trị và tổng giám đốc (giám đốc) sẽ bị cách chức hoặc bồi thường thiệt hại. - Một nội dung cũng rất quan trọng của Nghị định 63/CP là xác định lại một cách rõ ràng tính chất trách nhiệm hữu hạn của doanh nghiệp nhà nước đối với các nghĩa vụ  tài sản trong phạm vi vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đây là điều cần thiết, không chỉ trong quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp khác, mà còn là giữa doanh nghiệp với Nhà nước; chấm dứt tình trạng dựa dẫm, trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước. Có người ví điều này như là sự kiện “cắt cuống rốn” để cho đứa trẻ chào đời và tồn tại một cách độc lập. - Cuối cùng, Nghị định 63/CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên còn nhằm tạo ra một mặt bằng pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động, đảm bảo thực thi các giá trị của kinh tế thị trường về tính năng động và cạnh tranh. Nghị định 63/CP cũng mở ra khả năng xây dựng Luật doanh nghiệp mới trên cơ sở thống nhất Luật doanh nghiệp nhà nước (20.4.1995) và Luật doanh nghiệp hiện hành (12.6.1999). Đây là một trong những chủ trương hoàn thiện khung pháp luật phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đề cập đến trong các văn kiện của Đảng gần đây. Những vướng mắc Tuy nhiên, quá trình chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên theo Nghị định 63/CP đòi hỏi phải giải quyết một số vướng mắc về mặt pháp lý sau : Một là, phải trả lời câu hỏi : sau khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên, doanh nghiệp có còn chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp nhà nước hay không ? Có ý kiến cho rằng sau khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên, thì các lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp (12.6.1999), còn việc thực hiện quyền sở hữu tài sản vẫn theo Luật doanh nghiệp nhà nước (20.4.1995). Điều này là không thực tế. Trong hoạt động của doanh nghiệp, yếu tố sở hữu và yếu tố kinh doanh gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó chế độ pháp lý về sở hữu chi phối mức độ quyền năng của doanh nghiệp trong kinh doanh. Chúng tôi cho rằng, cần phải xác định rõ ràng là sau khi chuyển đổi, công ty TNHH một thành viên phải hoạt động theo Luật doanh nghiệp, chứ không thể tiếp tục dùng Luật doanh nghiệp nhà nước (20.4.1995) và các văn bản dưới luật có liên quan để điều chỉnh hoạt động của nó. Điều này sẽ tạo nên tình trạng “xung đột pháp luật” khi cùng lúc tồn tại nhiều văn bản pháp luật với nhiều quy định khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, cùng điều chỉnh một loại doanh nghiệp. Cũng cần có những quy định kịp thời để hạn chế tình trạng : các quy định của Luật thì thông thoáng, nhưng các văn bản dưới luật và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan tài chính, Cục quản lý tài sản doanh nghiệp và các cơ quan chức năng khác ở địa phương vẫn đối xử với công ty đã chuyển đổi như là một doanh nghiệp nhà nước với tất cả mọi hạn chế, ràng buộc mà chúng ta từng biết. Chẳng hạn, về vấn đề sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 63/CP xác định mỗi công ty TNHH một thành viên chỉ có một tổ chức là chủ sở hữu hoặc được ủy quyền đại diện chủ sở hữu; đó là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hội đồng quản trị tổng công ty. Chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu có một quyền hạn rộng lớn trong việc quyết định hoạt động kinh doanh, quyết định về tổ chức bộ máy quản lý công ty, về tài chính công ty,….Điều này mâu thuẫn với Luật doanh nghiệp nhà nước. Luật doanh nghiệp nhà nước quy định các Bộ, các UBND cấp tỉnh chỉ được phân cấp thực hiện một số quyền của chủ sở hữu, còn việc quản lý vốn, tài sản nhà nước thuộc doanh nghiệp là thẩm quyền của ngành tài chính theo Nghị định 59/CP (3.10.1996) và Nghị định 27/CP (20.4.1999). Do vậy, việc quyết định các vấn đề trong hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp đều phải có ý kiến của Bộ tài chính. Quy định này rõ ràng gây bất lợi cho việc thực thi Nghị định 63/CP. Các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi được dự báo sẽ gặp khó khăn trong quan hệ với các cơ quan chức năng, vì khung pháp luật của vấn đề này hiện chưa thống nhất. Hai là, cần lưu ý về khía cạnh kỹ thuật pháp lý. Nghị định 63/CP là một văn bản dưới luật không thể điều chỉnh những nội dung mà xét ra mâu thuẫn với Luật doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, sau khi ban hành Luật doanh nghiệp nhà nước đã có hàng loạt các nghị định, thông tư trong đó có các quy định quan trọng như Nghị định 59/CP, Nghị định 27/CP về quản lý tài chính, Thông tư 05 của Bộ lao động, thương binh và xã hội,….Vì vậy, để thực thi Nghị định 63/CP cần phải điều chỉnh cả các văn bản vừa nêu để tạo ra “mặt bằng pháp lý”. Nếu không, trong quá trình vận dụng các cơ quan quản lý sẽ có cách hiểu và thực thi khác nhau, triệt tiêu mọi nỗ lực của một chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Ba là, một vấn đề khác là theo các quy định hiện nay, chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên có thể là một doanh nghiệp nhà nước. Nói cách khác, doanh nghiệp có thể chuyển một bộ phận hạch toán phụ thuộc của mình thành công ty TNHH một thành viên nhằm thực thi chiến lược mở rộng kinh doanh mà không chia sẻ vốn với chủ đầu tư khác. Điều này dẫn đến hệ quả là công ty “mẹ” thì hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước còn công ty “con” thì hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Thực tế điều này sẽ dẫn đến nhiều rắc rối trong quản lý cũng như giải quyết các vấn đề giải thể, phá sản doanh nghiệp. Tóm lại, chúng tôi cho rằng để thực thi có hiệu quả nghị định 63/CP, trước mắt, cần phải nhanh chóng sửa đổi Luật doanh nghiệp nhà nước, một số các nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, về lâu dài và căn cơ hơn, chúng tôi cho rằng cần ban hành một Luật doanh nghiệp như Đảng ta đã chủ trương trong phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001 – 2005.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật