CHƯA YÊN TÂM VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

TBKTSG - Trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào cuối tuần trước, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian để làm rõ mục tiêu, phân tích tính hiệu quả của chương trình kích cầu và các giải pháp ngăn chặn nguy cơ tái lạm phát. Tuy nhiên, một số đại biểu chưa thể yên tâm khi các doanh nghiệp nhà nước, khu vực hiện đang nắm giữ phần lớn tài sản và đóng góp tới 40% GDP của quốc gia, vẫn chưa thực sự hoạt động có hiệu quả. Gói kích cầu của Việt Nam có tổng giá trị 145.000 tỉ đồng, trong đó 17.000 tỉ dành hỗ trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp và phần để tăng đầu tư công chiếm 90.000 tỉ đồng. Chắc chắn, các doanh nghiệp nhà nước và công ty mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối sẽ được trao vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình đầu tư kích cầu của Chính phủ. Do vậy, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến hiệu quả của chương trình cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế. Theo bà Phạm Thị Loan, đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Hà Nội, khối doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 400.000 tỉ đồng vốn nhà nước nhưng năm 2008 chỉ nộp cho ngân sách 52.000 tỉ đồng, trong khi khu vực tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp tới 65.000 tỉ đồng.   Nếu trừ ra số thu từ một số nguồn chủ lực thuộc các ngành dầu khí, viễn thông, phần nộp ngân sách của các doanh nghiệp nhà nước còn lại còn nhỏ hơn rất nhiều. Rõ ràng, mức đóng góp kể trên chưa tương xứng với những lợi thế hơn hẳn so với các thành phần kinh tế khác về đất đai, điều kiện tiếp cận các nguồn tín dụng, quyền khai thác nguồn tài nguyên và xuất nhập khẩu các sản phẩm quan trọng cũng như lợi thế trong việc nhận thầu những dự án lớn. Hiện nay, một trong những bất cập lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển (IDS), để tạo ra một đơn vị GDP, khối doanh nghiệp nhà nước phải tiêu tốn một lượng vốn đầu tư nhiều gấp 2,23 lần so với khu vực kinh tế tư nhân. Tình trạng nhóm doanh nghiệp có hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp nhất, nhưng lại có cơ hội và điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận các nguồn tín dụng cũng như các chương trình đầu tư bằng ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, không chỉ ảnh hưởng xấu tới chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, mà còn là mầm mống gây lạm phát. Gói kích cầu của Chính phủ không chỉ nhằm cứu doanh nghiệp, mà còn hướng đến mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế để trong tương lai kinh tế Việt Nam có thể phát triển bền vững. Đề án tái cấu trúc sẽ tập trung vào nghiên cứu mô hình phát triển, cơ cấu ngành, cơ cấu doanh nghiệp, cơ cấu đầu tư… Hy vọng thông qua chương trình này, Chính phủ sẽ giải quyết được những bất cập tồn tại lâu nay trong khối doanh nghiệp nhà nước. Đây chính là chìa khóa để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật