CHÍNH SÁCH LÃI SUẤT DƯƠNG: HAI NGHỊCH LÝ

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH Xét trên bình diện tổng thể, mục tiêu của việc thực hiện chính sách lãi suất thực dương không có gì khác hơn là bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế của những người có vốn và những người sử dụng vốn. Và để thực hiện được điều đó, người sử dụng vốn phải trích một phần lãi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình để trả cho người có vốn. Thế nhưng, dường như hiện đang thiếu những tiền đề quan trọng bậc nhất để thực hiện chính sách quan trọng này, cho nên đang góp phần đẩy các DN – những chủ thể sử dụng vốn chủ yếu, vào tình trạng khó càng thêm khó hiện nay, còn hiệu quả của nó chắc chắn cũng hạn chế. “Theo đuôi” thị trường và những tác động “ngược”? Trước hết, đối với những người có vốn, trong điều kiện lạm phát, lãi suất thực dương có nghĩa là khoản lãi mà người sử dụng vốn trả cho họ sau thời gian giao quyền sử dụng vốn phải cao hơn tốc độ lạm phát, hiện được tính bằng tốc độ tăng giá tiêu dùng – CPI. Và để thực hiện được mục tiêu này, tiền đề cơ bản không thể thiếu đầu tiên là phải dự báo được tốc độ tăng lạm phát ở ngay thời điểm giao và nhận quyền sử dụng vốn để làm chuẩn. Bởi lẽ, nếu tốc độ tăng lạm phát thực tế càng cao hơn dự báo, tức là phát sinh lãi suất thực âm càng lớn, người có vốn càng bị thiệt, và ngược lại, người sử dụng vốn càng được lợi, còn những hậu quả tất yếu phát sinh càng nghiêm trọng. Và ngược lại, nếu tốc độ tăng lạm phát thực tế càng thấp hơn dự báo, tức là phát sinh thực dương càng lớn, phần lợi của người có vốn càng lớn, và ngược lại, phần thiệt của người sử dụng vốn càng lớn, còn những hậu quả tất yếu phát sinh cũng càng nghiêm trọng. Còn “kịch bản” trung gian là tốc độ lạm phát thực tế vừa bằng lãi suất thì đương nhiên người sử dụng vốn được hưởng phần thực dương kỳ vọng của người có vốn, nhưng hậu quả tất yếu phát sinh cũng không quá lớn như hai “kịch bản” lãi suất thực âm và thực dương nói trên.   Nếu phân đoạn riêng năm 2007 và 10 tháng đầu năm 2008 thì có thể thấy lạm phát và lãi suất cơ bản ở hai cung bậc khác nhau, nhưng diễn biến thực tế còn phức tạp hơn rất nhiều. Đó là, trong năm 2007, trong khi mục tiêu là kiềm chế lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (mục tiêu là 8,5%; thực hiện 8,48%), còn thực tế là 12,63%, nhưng lãi suất cơ bản (LSCB) vẫn chỉ duy trì ở mức 8,25%/năm giống như năm 2006. Rõ ràng, xét trên lý thuyết, với biên độ giao dịch (BĐGD) không vượt 150% LSCB, lãi suất cho vay (LSCV) tối đa có thể lên tới 12,375%/năm, nếu trừ lùi tối thiểu 3,0%/năm chi phí và lợi nhuận của các tổ chức tín dụng, thì lãi suất huy động (LSHĐ) tối đa của các tổ chức này cũng chỉ có thể là 9,375%/năm, cho nên thấp rất xa so với lạm phát thực tế. Đây là điều hết sức phi lý, bởi lạm phát năm 2006 chỉ cao hơn một nửa (6,6%), trong khi các mức lãi suất này thì vẫn giữ nguyên. Bước sang năm 2008, với mục tiêu kiềm chế lạm phát ban đầu thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5-9%, LSCB ban đầu vẫn được neo ở mức 8,25%/năm, từ tháng 2 bắt đầu được tăng “nhỏ giọt” lên 8,75%/năm và duy trì đến hết trung tuần tháng 5 mới có bước tăng vọt lên 12%/năm, trong khi lạm phát đã tăng đại nhảy vọt lên 15,96%. Điều đáng nói nữa là, sau khi mục tiêu kiềm chế lạm phát lần đầu tiên được “vô định hình”, bởi theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 là “tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các giải pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần”, cho dù lạm phát trong tháng 6 đã hạ nhiệt rất mạnh so với tháng 5 (2,14% so với kỷ lục 3,91%), nhưng LSCB lại được đẩy thêm 2% nữa để đạt kỷ lục 14%/năm kể từ ngày 11/6. Tiếp theo, trong khi kỷ lục LSCB này được duy trì trong suốt trong quý III vừa qua, thì lạm phát lại chỉ là 2,89%, còn trong tháng 10, khi lạm phát “âm” xuất hiện, thì LSCB cũng chỉ được giảm “nhỏ giọt” xuống 13%/năm và ngày 5/11 vừa qua tiếp tục được giảm xuống 12%/năm. Tuy nhiên, nếu xét tình hình cụ thể qua từng tháng, có thể thấy rất rõ sự “lỗi nhịp” thường xuyên của LSCB so với thực tế lạm phát. Trước hết, nếu xét trên tổng thể, cả 22 tháng vừa qua đều có thể coi là lạm phát phi mã, bởi CPI tăng tổng cộng 36,98%, bình quân tăng 1,51%/tháng, tương ứng với tăng 19,70%/năm. Không những thế, trong suốt 9 tháng lạm phát tăng phi mã tiếp theo, do LSCB mãi tới đầu tháng 2/2008, tức là sau 4 tháng lạm phát tăng phi mã mới tăng và cũng chỉ tăng không đáng kể lên 8,75%/năm và đến ngày 19/5 mới được tăng đại nhảy vọt lên 12%/năm, cho nên trong 9 tháng này thì có tới 4 tháng có mức lãi suất 8,25%/năm; 4 tháng lãi suất 8,75%/năm và tính tròn thì chỉ có 1 tháng lãi suất 12%/năm, lãi suất bình quân chung chỉ là 8,89%/năm. Do vậy, với BĐGD tối đa vẫn là 150%, LSCV tối đa cũng chỉ là 13,335%/năm, LSHĐ tối đa nói chung cũng chỉ khoảng 10%/năm, cho nên người có vốn gửi vào ngân hàng đều bị lỗ rất nặng. Rõ ràng, với mức chênh lệch quá lớn như vậy, đương nhiên người có vốn không thể ưu tiên cho kênh đầu tư này, mà tăng cường chi tiêu, cho nên “vòng xoáy” lạm phát càng mạnh thêm, còn chính các ngân hàng và cả các “thượng đế” ở phía đầu ra của các định chế tín dụng này đều lâm vào tình trạng “khát” vốn. Ngược lại, do 4 tháng gần đây CPI chỉ tăng thấp như vậy, nhưng do LSCB đã được đẩy lên mức kỷ lục 14%/năm từ ngày 11/6 và đến ngày 1/10 vừa qua mới giảm xuống 13%/năm, tính bình quân chung là 13,75%/năm, các mối quan hệ tay ba nói trên lại diễn ra theo một chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Đó là, với BĐGD tối đa không đổi, LSCV tối đa là 20,625%/năm, LSHĐ dao động ở khoảng 18%/năm, cho nên những người có vốn sẽ tăng cường đẩy vốn vào ngân hàng để hưởng lãi lớn chưa từng có so với hai giai đoạn trước. Do vậy, xét trên quy mô tổng thể của nền kinh tế, trong điều kiện giá cả đã hạ nhiệt mạnh, thay vì yêu cầu đặt ra là phải tăng cường chi tiêu để đẩy giá cả thị trường lên, thì “bệnh lười chi tiêu” của người tiêu dùng lại càng nặng thêm, và do vậy, xu thế hạ nhiệt giá cả thị trường lại càng mạnh hơn. Ngược lại, đối với các DN sản xuất, kinh doanh, lãi suất vay vốn ngân hàng như vậy đương nhiên lại càng cao “một trời một vực” so với giá bán các sản phẩm ngày càng giảm mạnh của mình, cho nên khó khăn càng chồng chất. Tất cả những điều nói trên cũng có nghĩa là, điểm mấu chốt trong câu chuyện thực hành chính sách lãi suất thực dương chính là, trong giai đoạn chín tháng lạm phát nóng bỏng nhất đã qua, nó đã “âm” quá sâu, cho nên không có tác dụng “hút bớt” tiền tệ khỏi lưu thông, đồng nghĩa với việc không có tác dụng chống lạm phát, hoặc chí ít là tác dụng chống lạm phát không thể như mong muốn. Và ngược lại, trong 4 tháng lạm phát đã hạ nhiệt rất mạnh gần đây, với việc LSCB đã được đẩy lên rất cao và mới chỉ giảm “nhỏ giọt” từ đầu tháng 10 và gần đây cũng chỉ giảm “nhỏ giọt” thêm một lần nữa, thay vì phải đẩy tiền tệ ra lưu thông, các ngân hàng lại đóng vai trò của những “cỗ máy hút tiền về” khiến “căn bệnh lười chi tiêu” của người tiêu dùng sẽ càng trầm trọng hơn, còn các DN sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn lãi suất vay vốn cao ngất ngưởng trong khi giá sản phẩm tiêu thụ trên thị trường chắc chắn sẽ còn giảm tiếp, cho nên giảm phát sẽ là hệ quả đang đón đợi ở phía trước. Diễn biến điều chỉnh lãi suất cơ bản từ đầu năm đến nay
LSCB đã được đẩy lên rất cao và mới chỉ giảm “nhỏ giọt” từ đầu tháng 10 và gần đây cũng chỉ giảm “nhỏ giọt” thêm một lần nữa. Còn các DN sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn lãi suất vay vốn cao ngất ngưởng trong khi giá sản phẩm tiêu thụ trên thị trường chắc chắn sẽ còn giảm tiếp.
Việc “chưa bao giờ vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại tốt như lúc này” như xác nhận của lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, vì đang có nhiều chục ngàn tỷ đồng “chết cóng” trong két vào cuối tháng 10 như một số thông tin gần đây cho thấy chắc chắn cũng bắt nguồn từ “nghịch cảnh” giữa hai đầu vào và đầu ra nói trên, còn bên cạnh đó là hàng chục nghìn DN đang rất khó khăn, thậm chí “chới với bên bờ vực phá sản” vì đang đứng giữa ba “làn đạn”: giá vốn quá cao, giá nguyên liệu đầu vào chưa giảm mạnh, nhưng giá sản phẩm đã tụt dốc. Những điều nói trên hiển nhiên có nghĩa là, nếu như LSCB được đẩy lên cao ngay từ đầu quý IV/2007 thì chắc chắn lạm phát không thể cao đến như vậy và kéo dài tới 9 tháng liền như vậy; và ngược lại, nếu LSCB kịp thời cắt giảm ngay từ đầu quý III, hoặc chí ít là từ tháng 9 vừa qua thì có lẽ gía tiêu dùng cũng không “rơi tự do” như 2 tháng vừa qua. Những điều nói trên cũng có nghĩa là, trong bối cảnh CPI có nhiều khả năng sẽ giảm hoặc chỉ tăng nhẹ ngay cả trong “mùa tiêu dùng” sôi động nhất hằng năm trong thời gian tới vừa do những yếu tố trong nước, vừa do những tác động của sốt lạnh từ thị trường thế giới đang dồn dập tràn vào, việc cắt giảm LSCB mạnh hơn nữa chắc chắn sẽ làm dịu bớt những bất hợp lý trong mối quan hệ “tay ba” giữa người có vốn – ngân hàng – DN sản xuất, kinh doanh như nói trên. Và nếu vậy, chắc chắn nguy cơ đình đốn sản xuất mà nhiều chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn DN đang phải đối mặt chắc chắn sẽ được hạn chế đáng kể. Cần xem lại chính sách lãi suất thực dương? Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, giải pháp cắt giảm mạnh LSCB về cột mốc O đã và đang được hàng loạt quốc gia áp dụng, cho nên LSCB 12%/năm của nước ta càng trở nên cao ngất ngưởng. Sở dĩ như vậy chính là vì tốc độ tăng CPI lâu nay vẫn được coi là tốc độ lạm phát và tốc độ tăng này được sử dụng làm chuẩn để xác định lãi suất thực dương. Câu hỏi được đặt ra ở đây là, như thực tế cho thấy, “thủ phạm chính” gây ra tình trạng CPI tăng phi mã trong thời gian qua chính là giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, cho nên việc lấy tốc độ tăng của CPI làm chuẩn để xác định lãi suất thực dương như trong bối cảnh hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng một bộ phận nhỏ dân cư đã giàu thì càng giàu thêm, còn các DN sản xuất, kinh doanh, những chủ thể chủ yếu sử dụng vốn thì “méo mặt” khi phải trả khoản lạm phát không có thực ấy. Cụ thể là, đối với những chủ sở hữu có tiền tỷ gửi vào ngân hàng, chắc chắn là khoản vốn và lãi khi đáo hạn ấy không phải để chi tiêu cho nhóm hàng lương thực, thực phẩm, mà dùng mua sắm những hàng hóa khác, hoặc những việc khác không hề tăng giá phi mã như vậy, thậm chí có thể còn hạ giá. Trong khi đó, sản phẩm của hàng loạt những DN sử  dụng vốn vay này để sản xuất thì lại không được giá trên thị trường giống như hàng lương thực, thực phẩm, thậm chí giá còn bị giảm, cho nên các DN này đương nhiên “bị oan” khi phải trả cả những khoản tăng giá này, cho nên khó sẽ chồng lên khó. Những điều này cho thấy rằng, chỉ khi nguyên tắc lãi suất thực dương được xác định trên cơ sở lạm phát cơ bản như thông lệ quốc tế thì sự bất công này mới được khắc phục. Nói tóm lại, thực tế thi hành chính sách lãi suất thực dương của nước ta cũng còn nhiều bất cập, cho nên không chỉ ít hiệu quả, thậm chí còn làm phát sinh hậu quả tai hại, mà cái khó đẩy cho doanh nhân nước ta hiện đang là quá lớn. Nói một cách tổng quát, để chính sách lãi suất dương phát huy được hiệu quả vốn có tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định, vấn đề mấu chốt là, thay vì “đuổi theo” thị trường một cách chậm chạp như hiện nay, lãi suất phải được đẩy lên ngay từ khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu bị “gia nhiệt”, và ngược lại, phải được kéo xuống khi bắt đầu có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật