CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO CHO KINH TẾ VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG NHANH VÀ BỀN VỮNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

VỤ CHIẾN LƯỢC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC Trong giai đoạn 2008 – 2009 nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là diễn biến bất thường của cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ, lan rộng ra toàn cầu làm kinh tế thế giới suy giảm mạnh. Kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, lạm phát gia tăng làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Chính vì vậy, ngày 12/01/2009, Viện khoa học Tài chính – Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo “Chính sách, giải pháp đảm bảo cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn hiện nay”. Bài viết này nêu lên những nét chính được nhiều người quan tâm đó là: (i) hiểu thế nào là chất lượng tăng trưởng; (ii) những hạn chế của mô hình tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay, (iii) những giải pháp khắc phục và bài học kinh nghiệm từ Hàn quốc. Chất lượng tăng trưởng được hiểu đó là tốc độ tăng trưởng cao cần được duy trì trong dài hạn kéo dài trong nhiều năm khoảng 20 năm và tăng trưởng cần phải có đóng góp trực tiếp vào phúc lợi xã hội, cụ thể là phân phối thành quả của phát triển và xoá đói giảm nghèo. Với khái niệm này, cách nhìn nhận về tăng trưởng kinh tế trở nên toàn diện hơn. Chất lượng tăng trưởng là vấn đề được quan tâm nổi bật và là tâm điểm của chiến lược phát triển bền vững mà các nước phát triển đang theo đuổi. Theo quan điểm tăng trưởng bền vững thì chất lượng tăng trưởng được đánh giá bởi sự phát triển ổn định về kinh tế – xã hội, môi trường trong sạch, nền văn hoá giữ được bản sắc dân tộc và lành mạnh, yếu tố con người được đề cao, quyền dân chủ của công dân được đảm bảo. Để làm rõ hơn khái niệm này, các diễn giả đã đề cập đến 3 loại mô hình tăng trưởng: - Mô hình tăng trưởng trì trệ: nền kinh tế có thể đạt tăng trưởng trong một giai đoạn ngắn nhưng tốc độ tăng có xu hướng giảm dần, dẫn đến trì trệ và khó duy trì tăng trưởng được lâu dài. Mô hình tăng trưởng loại này thường không bền vững. Lý do chính là đầu tư quá thấp vào hình thành các loại tài sản vốn nhất là vào vốn con người và vốn tài nguyên và hiệu quả đầu tư công rất thấp.   - Mô hình tăng trưởng bị bóp méo: tăng trưởng có được chủ yếu dựa vào khai thác quá mức vốn tài nguyên, trợ cấp vật chất một cách rộng rãi bằng nhiều biện pháp như miễn thuế, cho khất nợ thuế, cấp vốn ưu đãi đầu tư và trợ cấp tín dụng đầu tư… Trong khi đó, đầu tư vào vốn con người và đổi mới công nghệ còn chậm. So với loại thứ nhất, mô hình tăng trưởng bị bóp méo tốt hơn cho người nghèo và cải thiện phúc lợi nói chung. Với mô hình này, tăng trưởng có thể đạt được chừng nào Nhà nước vẫn có khả năng duy trì các khoản trợ cấp vốn vật chất. Tuy nhiên, trong dài hạn nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những méo mó về cơ cấu và hệ quả là tăng trưởng không bền vững, đặc biệt đối với các nước nghèo, ngân sách hạn hẹp. - Mô hình tăng trưởng bền vững: các loại tài sản vốn được hình thành và đầu tư cân đối, không bị bóp méo. Đầu tư của Nhà nước chú trọng tới các lĩnh vực tạo tác động lan toả, tích cực tới cả nền kinh tế, như đầu tư cho giáo dục, y tế và bảo vệ vốn tài nguyên. So với hai loại mô hình trên, tăng trưởng theo mô hình này đạt được mục tiêu tăng phúc lợi và xoá đói nghèo. Các nền kinh tế tăng trưởng bền vững thường có Chính phủ năng động và quản lý nhà nước hiệu quả. So sánh mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cho thấy mô hình tăng trưởng của Việt Nam gần 20 năm qua là rất thành công, nhưng nếu so với mô hình tăng trưởng trong khu vực thì bộc lộ một số hạn chế đó là sự hụt hơi trong tăng trưởng và phát triển thể hiện có những năm GDP khoảng 9%, có những năm giảm xuống 4 – 5%, lạm phát năm 1994 là 14,5%, năm 2008 là 19,9%, như vậy so với mô hình tăng trưởng quốc tế thì mô hình tăng trưởng của Việt Nam có những hạn chế tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững chưa cao, tính ổn định trong kinh tế vĩ mô có vấn đề. Cụ thể: - Chi phí sản xuất cao, năng lực cạnh tranh và khả năng sinh lợi giảm dần. - Tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên vật liệu gây ảnh hưởng lớn cho môi trường sinh thái. - Khả năng hội nhập và thích ứng với điều kiện mới chậm. - Năng lực hấp thụ thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất yếu, thiếu động lực phát triển. Nguyên nhân của hạn chế là do: (i) thất thoát sử dụng nguồn tài chính quốc gia – đây là nguyên nhân đáng quan ngại, khu vực doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn lực kém hiệu quả. Việc hiện thực hoá kế hoạch phát triển của Việt Nam là rất kém, tổ chức triển khai trong thực tế còn nhiều hạn chế, tính triệt để trong cải cách nhất là trong khu vực nhà nước diễn ra chậm; (ii) động lực phát triển chưa đủ mạnh bố trí và phân bổ nguồn lực chưa hợp lý thể hiện ở cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước, định hướng xuất khẩu hạn chế ở các ngành các khu vực không có lợi thế dẫn đến bảo hộ tràn lan kém hiệu quả. Môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2007, 2008 tụt hạng so với các năm trước. Hệ thống đòn bẩy kinh tế tài chính của Việt Nam thiếu tập trung. Sự bất cập thể chế kinh tế dẫn đến sức bật của nền kinh tế kém kìm hãm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng nhanh và bền vững vấn đề là ở khả năng huy động nguồn lực, tài lực, trí lực ở Việt Nam, khi được bố trí nguồn lực hợp lý sẽ tạo ra động lực phát triển. Trong thời gian tới Việt Nam cần tạo động lực cho doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân cụ thể giải phóng sức sản xuất của khu vực nhà nước, cải cách và nâng cao hiệu quả của các tập đoàn tài chính, điều chỉnh nguồn lực đầu tư phát triển của nhà nước, đầu tư của Việt Nam gắn kết với các dự án hiệu quả. Để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng và bền vững, cần quan tâm các giải pháp trọng tâm sau: - Phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống ổn định để phát triển và phát triển trong ổn định. Đây là biện pháp tiên quyết; trong đó luôn chủ động để bảo đảm ở mức tốt nhất các cam đối kinh tế vĩ mô, kịp thời có biện pháp xử lý hoặc làm giảm các biểu hiện như thâm hụt quá mức cán cân thanh toán, nhập siêu, tình trạng căng thẳng và mất cân đối về vốn đầu tư, nợ tồn đọng vốn đầu tư… - Tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh hơn, ổn định hơn, minh bạch hơn các quy định pháp luật, chính sách để huy động tối đa mọi nguồn lực, trước hết là nội lực về vốn, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, công nghệ, lao động … tập trung cho lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao và mang lại hiệu quả kinh tế. - Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khuyến khích các thành phần kinh tế, sớm cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế cả trong nông nghiệp và công nghiệp. - Phát triển nguồn nhân lực đây là vấn đề mang tính lâu dài. Nhà nước cần có biện pháp mạnh và nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những năm 2020 và những thập niên sau nữa. - Phát triển nhanh số lượng gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, phát huy tối đa năng lực của kinh tế dân doanh và kinh tế đầu tư nước ngoài. - Hội nhập sâu và rộng vào đời sống kinh tế quốc tế sẽ tạo ra những thuận lợi cho nền kinh tế và cũng đặt nền kinh tế trước nhiều thách thức và khó khăn vì vậy Việt Nam phải chủ động trong việc thực hiện các cam kết với các tổ chức quốc tế. - Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung giải quyết tốt vấn đề tổ chức bộ máy và cán bộ công chức theo hướng tinh gọn, rõ ràng về trách nhiệm, gắn quyền với trách nhiệm, đề cao vai trò và tính kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật và trách nhiệm công vụ, xử lý thật nghiêm vi phạm. Tuy nhiên đây là vấn đề rất phức tạp và cam go nhưng Việt Nam phải quyết tâm thực hiện để tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh nghiệm của Hàn Quốc - Cách đây 10 năm Hàn Quốc đã trải qua những giai đoạn tăng trưởng và phát triển rất khó khăn giống Việt Nam hiện nay. - Tuy nhiên để phát triển bền vững Hàn Quốc đã chú trọng và quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao tạo ra đội ngũ công nhân đáp ứng được sự phát triển của công nghệ thông tin, quan tâm đến môi trường đầu tư, an sinh xã hội, xoá dần khoảng cách giầu nghèo, phát triển dân số phù hợp với phát triển kinh tế, quan tâm đến năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm lượng rác thải công nghiệp và sử dụng nhiều năng lượng mặt trời…. Tất cả những nội dung trên đều được Chính phủ và Quốc hội Hàn Quốc cụ thể hoá qua những văn kiện, nghị quyết và pháp luật. Chính vì vậy kết quả tăng trưởng là rất khả thi và bền vững. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra hiện nay, Việt Nam cần đưa ra chiến lược phát triển mới bền vững hơn, ngoài những giải pháp nêu trên còn cần tập trung vào việc tăng cường giám sát thị trường, cơ cấu lại hệ thống tài chính, tăng tính công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế. Bên cạnh đó cần quan tâm nhiều hơn đến an sinh xã hội và cải thiện môi trường sinh thái. Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở nhiều nơi, xen kẽ trong nhiều hoạt động của con người, gây ra sự thiếu bền vững ngay trong quá trình phát triển như sự kiện chôn rác thải độc hại của nhà máy Huyndai – VinaShin, việc thải trực tiếp chất thải công nghiệp xuống sông của Công ty Vedan…. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Vì vậy chiến lược phát triển bền vững phải đặt việc cải thiện môi trường sinh thái là giải pháp không thể thiếu được.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật