BÙI MẠNH HẢI (Bài được viết trước thời điểm Luật SHTT năm 2005 được ban hành)
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ phát triển rực rỡ của khoa học và công nghệ và được chứng kiến thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ vào một nền kinh tế mang bản chất hoàn toàn mới – nền kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế tri thức, kết cấu giá trị của sản phẩm, dịch vụ có sự thay đổi cơ bản – hàm lượng vật chất ngày càng giảm và ngược lại hàm lượng trí tuệ không ngừng tăng lên. Đối với một số sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng trí tuệ chiếm giá trị gần như tuyệt đối, trong số đó không thể không kể đến phần mềm máy tính. Có thể nói rằng không một ngành công nghiệp nào cần ít vốn đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất nhưng mang lại giá trị tăng cao như ngành công nghiệp phần mềm.
Tuy nhiên, một trong những đặc điểm ưu việt của sản phẩm phần mềm – đặc điểm dễ sao chép, nhân bản – lại trở thành một nguyên nhân cơ bản là nạn sao chép trái phép làm cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp này nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì lẽ đó, để phát triển ngành công nghiệp này, bên cạnh những chính sách ưu đãi khác, cần phải có một cơ chế bảo hộ hữu hiệu chống lại việc sao chép trái phép phần mềm.
Sớm tiên đoán trước được vai trò của ngành công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng trong nền kinh tế quốc dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra chiến lược đồng bộ nhằm phát triển ngành công nghiệp này từ rất sớm và coi đó là một lĩnh vực mũi nhọn có tính chất đột phá cần được ưu tiên đầu tư, phát triển. Cùng với các chính sách, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, ưu đãi về thuế quan, tài chính v.v. cho ngành công nghiệp phần mềm, việc hoàn thiện và kiện toàn hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và phần mềm máy tính nói riêng cũng được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm thoả đáng. Cụ thể là, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và những nhiệm vụ đến năm 2010 đã đề ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ …”; Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị (Khoá VIII) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã giao cho “Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc rà soát lại và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh việc ứng dụng và phát triển CNTT…”; và Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã bổ sung nhiệm vụ “Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ …”.
Quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, với nền tảng là Phần thứ sáu Bộ luật Dân sự. Theo đó, các thành quả
sáng tạo trí tuệ được Nhà nước thừa nhận là tài sản tư hữu và được bảo hộ. Phần mềm máy tính cũng là một sản phẩm trí tuệ được bảo hộ theo Bộ Luật Dân sự nói trên (phần mềm máy tính được bảo hộ như tác phẩm viết).
Có thể nói rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã cơ bản thoả mãn tính đầy đủ về nội dung theo yêu cầu chung của quốc tế, đặc biệt là các yêu cầu của Tổ chức Thương mại tế giới (WTO). Việt Nam đã dành cho chủ sở hữu phần mềm máy tính đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền của mình, bao gồm biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự. Tuy nhiên trong thực tế, các doanh nghiệp phần mềm trong và ngoài nước hiện đang đối mặt với vấn nạn sao chép, mua bán, sử dụng phần mềm bất hợp pháp đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam. Với mong muốn tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và phục vụ công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, vào tháng 9 năm 2004, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị thực thi quyền Sở hữu trí tuệ toàn quốc nhằm đánh giá một cách toàn diện về công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, qua đó đề ra những quyết sách, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này. Trong Hội nghị này, các đại biểu đã vạch ra và chia sẻ một số điểm chung cơ bản là nguyên nhân làm giảm hiệu quả công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là:
1. Các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam chủ yếu nằm trong các văn bản pháp quy, do đó làm giảm thiểu hiệu lực của các quy định này;
2. Biện pháp thực thi theo trình tự dân sự chưa được chú ý đúng mức, các biện pháp thực thi hành chính vẫn được áp dụng phổ biến (không phù hợp với bản chất dân sự của quyền sở hữu trí tuệ);
3. Còn thiếu các quy định về trình tự, thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại toà án;
4. Có quá nhiều cơ quan thực thi hành chính nhưng việc phân định trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan này chưa rõ ràng;
5. Nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế.
Nhận thấy rõ những bất cập trong hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ
trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và trình Chính phủ “Đề án hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ” và “Đề án nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ”. Hai đề án này đã được trình Chính phủ trong năm 2004, theo đó trong những năm tới, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt nam sẽ có những định hướng cơ bản sau (những thay đổi có liên quan đến việc bảo hộ phần mềm máy tính):
1. Các quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền đối với phần mềm máy tính, sẽ được quy định trong một văn bản luật duy nhất – Luật sở hữu trí tuệ, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. Luật sở hữu trí tuệ sẽ quy định đầy đủ mọi khía cạnh về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (dân sự, hành chính) và đề cao vai trò của chủ sở hữu trí tuệ trong việc bảo vệ quyền của mình.
2. Nâng cao vai trò của hệ thống toà án trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tiến dần tới chỗ đưa hầu hết các tranh châp về quyền sở hữu trí tuệ giải quyết tại toà án.
3. Bố trí lại hệ thống các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo trình tự hành chính theo hướng giảm bớt đầu mối, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể là: Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới; Cơ quan công an chịu trách nhiệm điều tra, phát hiện các vụ việc xâm phạm, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm; Cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong nội địa; Cơ quan thanh tra chuyên ngành khoa học – công nghệ, văn hoá – thông tin chịu trách nhiệm điều phối, tổ chức công tác thực thi hành chính. Tăng mức phạt tương xứng với hành vi xâm phạm không những không thu được lợi mà còn phải chịu thiệt hại do hành vi xâm phạm của mình.
4. Tiếp tục các hoạt động phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo, đào tạo v.v…
Việt Nam đang trong quá trình đàm phán gia nhập WTO với nhiều thách thức và cơ hội, một trong những thách thức đó là việc thực hiện cam kết bảo hộ và thực thi đầy đủ và có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS của WTO. Để thực hiện đầy đủ cam kết này, ngoài những chính sách, biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành, rất cần đến sự hỗ trợ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm từ phía các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như Hoa Kỳ. Việc chủ động và hợp tác trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình từ phía các chủ sở hữu phần mềm luôn đóng vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là thiết yếu, trong việc bảo hộ phần mềm máy tính. Vì vậy chúng tôi kêu gọi sự hợp tác tích cực từ phía các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh phần mềm máy tính nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc làm trong sạch môi trường kinh doanh phần mềm ở Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển ngành công nghiệp phần mềm non trẻ nhưng đầy triển vọng của Việt Nam.
Mặt khác, cũng như các nước đang phát triển khác trong khu vực, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu sử dụng phần mềm phục vụ mục tiêu tin học hoá hệ thống quản lý xã hội và phát triển giáo dục, đào tạo và việc tôn trọng, bảo vệ quyền tác giả phần mềm máy tính. Không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp mà một bộ phận lớn công chúng cũng có nhu cầu sử dụng các phần mềm thông dụng phục vụ mục đích cá nhân, trong khi giá bán các phần mềm này lại khá cao so với thu nhập của người dân.
Vì vậy, các hãng sản xuất các loại phần mềm thông dụng này cần có chính sách hỗ trợ, giảm giá đối với các đối tượng tiêu dùng Việt Nam, qua đó góp phần tạo lập thói quen sử dụng phần mềm hợp pháp.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"