“Nếu lỗ còn kéo dài thì phải kiên quyết sắp xếp lại bằng cách cổ phần hoá, bán, khoán hay cho thuê doanh nghiệp”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn DũngVới những kết quả như trên, ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng các tập đoàn, tổng công ty đã đóng góp lớn cho việc ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế, giúp GDP vẫn tăng trưởng ở mức khá cao (5,32%). Nhưng có thể thấy ngay những kết quả ấy chỉ cao so với kế hoạch năm, vốn được xây dựng với các chỉ tiêu thấp từ cuối năm 2008 do dự báo tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, so với kết quả của năm 2008 – là năm nền kinh tế cũng rất khó khăn cho các doanh nghiệp do lạm phát tăng cao và kéo dài, thì kết quả ấy chỉ ở mức thấp. Nếu so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng của khối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thấp hơn. Những chỉ tiêu tăng trưởng ở mức chỉ vài phần trăm ấy thật không tương xứng với những nguồn lực lớn của nền kinh tế như tài nguyên, đất đai, vốn… mà Nhà nước đã trao cho các “quả đấm thép” của nền kinh tế và với sự độc quyền trong một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí… Cũng phải nói thêm là trong năm 2009, các tập đoàn, tổng công ty đã được nhận rất nhiều hỗ trợ từ Chính phủ theo các chương trình kích thích kinh tế: hỗ trợ lãi suất, giảm, giãn thuế, tăng cường vốn đầu tư… Nhưng hiệu quả của các chương trình, dự án đầu tư lớn mà khối doanh nghiệp này thực hiện, theo chính đánh giá của ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp là có vấn đề. Theo ông Phạm Viết Muôn, các tập đoàn, tổng công ty chưa đạt mức tăng trưởng cao, chưa tận dụng được lợi thế của các doanh nghiệp có quy mô lớn, đầu tư còn dàn trải chưa tương xứng với nguồn vốn được huy động. “Một số công trình đầu tư còn kéo dài, hiệu quả thấp làm cho năng suất lao động thấp. Chi phí sản xuất tính cho một đơn vị sản phẩm chưa cắt giảm tích cực nên giá thành sản phẩm cao, chất lượng sản phẩm chưa ổn định”, ông Muôn nói. Ông Muôn cũng liệt kê ra nhiều dự án, chương trình lớn mà nhiều tập đoàn, tổng công ty chậm thực hiện trong năm qua như: các dự án nguồn điện; một số dự án đóng tàu, xây dựng nhà máy đóng tàu của tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, các dự án của tổng công ty Thép; các chương trình, dự án phát triển cao su tại Tây Nguyên của tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam… Mặc dù có nhiều lời động viên, khen ngợi các tập đoàn, tổng công ty trong vai trò điều tiết, hỗ trợ ổn định kinh tế, giữ vững những cân đối vĩ mô… nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phàn nàn các tập đoàn, tổng công ty về những vấn đề: năng suất lao động, các chỉ tiêu lao động tổng hợp của khối này còn thấp, hiệu quả cạnh tranh thấp, đầu tư còn dàn trải, lãng phí. Một số tổng công ty lớn còn xảy ra thua lỗ. “Báo cáo năm nào cũng thấy (tổng công ty) Dâu tằm tơ, Vận tải đường thuỷ… thua lỗ. Vì sao không giải quyết được? Phải nghiêm túc kiểm điểm nguyên nhân để khắc phục ngay. Nếu lỗ còn kéo dài thì phải kiên quyết sắp xếp lại bằng cách cổ phần hoá, bán, khoán hay cho thuê doanh nghiệp”, người đứng đầu Chính phủ nói. Tại hội nghị năm nay, vẫn theo thói quen, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đều tranh thủ xin: tổng công ty Hàng hải đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ ra quốc tế, tăng bảo lãnh tín dụng để các tập đoàn, tổng công ty được vay nhiều hơn; tổng công ty Thép xin lập hàng rào kỹ thuật chặn thép cán nguội, thép cuộn… nhập khẩu quá lớn từ bên ngoài; VNPT xin giải quyết vấn đề mua ngoại tệ, EVN đòi tăng đầu tư để cải tạo lưới điện, bớt xả nước để tiết kiệm 3.600 tỉ đồng/năm… Những đề nghị này, có cái hợp lý, có cái không hợp lý nhưng thường thì những đề xuất, nếu hợp lý, của những “anh cả đỏ” của nền kinh tế (chữ dùng của một lãnh đạo nhà nước) thường sớm được giải quyết hơn là những lời đề nghị từ khối các doanh nghiệp tư nhân. Xin được nhiều, được cho nhiều, sức khoẻ của các tập đoàn, tổng công ty tuy cơ bản còn tốt nhưng đã không được như Chính phủ mong đợi năm qua. Năm nay, họ được Thủ tướng giao nhiệm vụ mới: rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung đẩy nhanh các dự án, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế; giúp Chính phủ kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh việc sắp xếp lại doanh nghiệp… Nếu các tập đoàn, tổng công ty thực hiện tốt được những điều này, may ra Chính phủ mới “khoẻ”.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"