Cạnh tranh tự do, công bằng sẽ thúc đẩy sản xuất, kích thích doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm. Theo TS. Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng, đây là phương thuốc căn bản nhất để chống lạm phát.
Lạm phát thấp, cao tùy “độ mở”
TS. Nguyễn Vân Nam cho rằng muốn có cạnh tranh tự do, công bằng thì trước hết đặc quyền, đặc lợi của một số doanh nghiệp phải bị xóa bỏ và thị trường phải được đảm bảo tự do cho nhiều đối tượng tham gia cạnh tranh. Thực tế đã chứng minh rất rõ thị trường ở lĩnh vực nào có độ mở càng cao thì ở đó giá cả càng có xu hướng rẻ. Mặt hàng điện tử là một ví dụ thú vị. Bất chấp lạm phát đang diễn ra, giá các mặt hàng này hầu như không tăng, thậm chí còn giảm.
Vì sao vậy? Vì điện tử là lĩnh vực mà mức độ cạnh tranh hiện nay hết sức khốc liệt, hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới như LG, Philips, Sony, Sumsung, Toshiba… đều đã hiện diện tại Việt Nam. Chưa nói, chính sách thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng điện tử khá thông thoáng khi thuế nhập khẩu được giảm sớm hơn so với lộ trình cam kết với WTO.
Tuy nhiên, theo ông Nam, hiện tượng hàng điện tử chưa phổ biến. Nhiều lĩnh vực kinh doanh hiện vẫn do doanh nghiệp nhà nước độc quyền, chi phối hoặc mức độ mở cửa thấp, khiến cho giá cả bị móp méo theo xu hướng không có lợi cho người tiêu dùng. Ví dụ như trong lĩnh vực xe ô tô, giá xe trên thị trường hiện vẫn rất cao. Dư luận vẫn phàn nàn các liên doanh sản xuất xe trong nước thì được o bế, còn xe nhập khẩu thì bị đánh thuế cao mặc dù đã có sự nới lỏng kể từ khi chúng ta gia nhập WTO.
Hoặc có những lĩnh vực tuy Nhà nước kêu gọi đầu tư nhưng khi nhà đầu tư vào lại gặp phải những rào cản vô lý. Ví dụ như lĩnh vực điện, để đầu tư vào lĩnh vực này doanh nghiệp phải trải qua thủ tục rất phức tạp, có khi kéo dài đến vài năm trời. Trong đó công việc được các doanh nghiệp xem là đau đầu nhất là bị bắt buộc phải đàm phán giá bán điện với tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị đang độc quyền toàn bộ các khâu truyền tải, phân phối, bán lẻ.
“Đây là chuyện hết sức phi lý. Nhà nước chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh mà lại bắt nhà đầu tư đi “xin” đơn vị đang độc quyền để được họ cho phép bán và bán với giá nào thì còn đâu cạnh tranh? Đã từng có rất nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nên có một chính sách giá điện quốc gia thống nhất, minh bạch cho các nhà đầu tư nhưng không hiểu sao đề nghị này vẫn rơi vào im lặng?” – một nhà đầu tư phát biểu.
Trong khi đó, các cam kết với WTO về mở cửa thị trường cũng chưa được thực thi đầy đủ, đặc biệt là trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối. Cho đến nay, sau gần một năm rưỡi gia nhập WTO, nhưng nghị định hướng dẫn về thực hiện các cam kết với WTO vẫn chưa ban hành, gây rất nhiều ách tắc cho các nhà đầu tư.
Riêng lĩnh vực nhập khẩu, phân phối, phải tới gần đây Bộ Công thương mới có văn bản giải tỏa một số rào cản trái với cam kết như chỉ cho phép nhà nhập khẩu được quyền bán lại hàng hóa nhập khẩu cho một thương nhân có quyền phân phối trong nước…Tất cả những hạn chế trên đã ảnh hưởng đáng kể tới cạnh tranh tự do của các doanh nghiệp – một cách gián tiếp không chỉ ngăn cản cuộc đua hạ giá thành sản phẩm mà còn gây ra những tiêu cực trên thị trường như chuyện sốt giá, đầu cơ, móc ngoặc…
Tập tư duy cạnh tranh
Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Vân Nam cho rằng để đảm bảo quyền cạnh tranh tự do, công bằng thì ngoài việc mở cửa thị trường, còn phải có một khung pháp luật về cạnh tranh phù hợp. “Phải tập một thói quen là khi xảy ra tranh chấp trong kinh doanh các doanh nghiệp luôn luôn nghĩ tới Luật Cạnh tranh, sử dụng Luật Cạnh tranh như một công cụ để giải quyết. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cạnh tranh cần sớm đưa ra một vụ án mẫu về cạnh tranh để xét xử, làm gương”. Tiếc rằng, theo ông Nam, Luật Cạnh tranh đã không đi vào cuộc sống.
Việc thỏa thuận hiệp thương tăng giá giữa các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu; thỏa thuận về ấn định lãi suất trần của các thành viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng; vụ Vinapco không bán xăng cho Pacific Airlines hoặc việc cấu kết tăng giá hàng hóa…, theo ông Nam, doanh nghiệp đều có thể khởi kiện lên Cục Quản lý cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua vào năm 2004 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2005 nhưng đến nay vẫn chưa có một vụ việc cạnh tranh nào được xử lý bằng luật mặc dù vi phạm xảy ra thường xuyên. Hàng loạt hành vi có dấu hiệu vi phạm như: việc thỏa thuận hiệp thương tăng giá giữa các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu; thỏa thuận về ấn định lãi suất trần của các thành viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng; vụ Vinapco không bán xăng cho Pacific Airlines hoặc việc cấu kết tăng giá hàng hóa…, theo ông Nam, doanh nghiệp đều có thể khởi kiện lên Cục Quản lý cạnh tranh.
Và ngay cả khi không có đơn khởi kiện, cơ quan này cũng có thể, bằng thẩm quyền của mình, tự động điều tra và xử phạt đối với các hành vi phạm luật. Thế nhưng, trên thực tế các doanh nghiệp và người tiêu dùng lại có thói quen hoặc là bỏ lơ vì ngại tốn công tốn của hoặc gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan hành chính không có thẩm quyền giải quyết, thậm chí “tố” lên cả các cấp trung ương cao nhất.
Ví dụ như trong vụ Vinapco, bên bị xâm phạm là Pacific Airlines đã gửi đơn lên Chính phủ kêu cứu. Chính phủ ngay sau đó theo “quán tính” đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm. “Thói quen xử lý nội bộ như vậy đã làm cho pháp luật về cạnh tranh cũng như vai trò xét xử của cơ quan quản lý cạnh tranh bị vô hiệu hoàn toàn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho Luật Cạnh tranh không thể đi vào cuộc sống” – ông Nam nói.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"