HƯƠNG THỦY – Báo Đại Đoàn kết
Lo ngại đợt tăng lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay lần này sẽ ảnh hưởng tới ngay cả bản thân các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả khiến đồng vốn không thể sinh lời mà bị “chôn chặt “trong các ngân hàng, nhiều chuyên gia và các nhà kinh tế bắt đầu cảnh báo về sự “nguy hiểm’ của cuộc đua lãi suất mới.
Các ngân hàng thương mại vẫn “dè dặt” trước việc tăng lãi suất
Ngân hàng Đông Nam Á (SeAbank) là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống các Ngân hàng thương mại Cổ phần tiến hành tăng lãi suất sau khi quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản lên 14% của ngân hàng nhà nước được áp dụng vào ngày 11-6. Với chương trình huy động “Tiết kiệm Siêu lãi suất Mới”, mức lãi suất cao nhất lên tới 19,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, SeABank được xem là ngân hàng đi tiên phong trong cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động VND. Tiếp sau SeAbank là hàng loạt các ngân hàng tiếp tục thông báo tăng lãi suất. Cũng trong ngày 11-6, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) chính thức thông báo huy động vốn với lãi suất 17,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) cũng đưa ra mức tương đương… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngân hàng đánh giá, “đỉnh” lãi suất mới này của SeAbank sẽ không thể có ngân hàng nào vượt qua.
Tuy nhiên, so với đợt tăng lãi suất vào giữa tháng 5 vừa qua thì với lần tăng lãi suất cơ bản lần này của ngân hàng nhà nước, phản ứng của các ngân hàng có vẻ dè dặt hơn. Cho đến thời điểm này (12-6) nhìn chung các ngân hàng thương mại vẫn còn “nghe ngóng”.
Giải thích lý do cho phản ứng có phần “thận trọng” lần này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhận định: “các ngân hàng sẽ không ồ ạt tăng lãi suất như lần tăng lãi suất cơ bản trước, bởi với mức lãi suất cho vay tối đa 21%, trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, đầu ra của vốn vay sẽ không hiệu quả. Khi ấy các ngân hàng sẽ phải cân nhắc nhu cầu nguồn vốn để nâng mức lãi suất huy động tương ứng”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, rõ ràng những chính sách điều hành nhằm biện pháp thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã bước đầu có tác dụng “lan tỏa”.
Ông James Adam, Phó Giám đốc Ngân hàng thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ quan điểm đồng tình với việc hạn chế tín dụng và khuyến khích các biện pháp khác để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, ông James Adam cũng cảnh báo: “Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ cuộc đua lãi suất mới đang ngấm ngầm diễn ra trong hệ thống ngân hàng. Vì nền kinh tế đang thiếu niềm tin, và những cuộc chạy đua huy động tiền gửi từ túi ngân hàng này sang túi ngân hàng kia chẳng hiệu quả gì, chỉ làm tâm lý dân chúng và doanh nghiệp hoang mang thêm”.
Cũng đánh giá về việc sử dụng công cụ lãi suất trong thời gian gần đây, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Nhung (Ngân hàng nhà nước) cho rằng: “Các nước không bị tình trạng đô la hoá và có mặt bằng lãi suất thấp có thể sử dụng để kiếm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thả tỷ giá tương đối tự do. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với mặt bằng lãi suất cao trong khu vực và trên thế giới và với bối cảnh khá tự do hoá các giao dịch vốn thì biện pháp tăng lãi suất để thắt chặt tín dụng sẽ khó phát huy tác dụng. Cụ thể, khi lãi suất lên cao, do chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước, với bối cảnh lãi suất trên thị trường quốc tế có xu hướng giảm càng làm tăng luồng vốn đổ vào Việt Nam. Tín dụng bằng USD tăng nhanh. Khi đó, áp lực lạm phát không giảm mà còn tăng”.
Lãi suất thách thức các doanh nghiệp!
Thông qua công cụ điều hành lãi suất, có thể nói, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn đánh giá, đến thời điểm này, Chính phủ phải thận trọng hơn trước vấn đề: Nếu mức lãi suất cơ bản là 14% vẫn không hấp dẫn khi đem so sánh với mức lạm phát của nền kinh tế thì liệu nó có được tiếp tục nâng lên nữa hay không? Hay là phải chấp nhận tăng lãi suất mà vẫn không hút được tiền về, tiền vẫn tiếp tục được “rót” vào USD và vàng như trong lần tăng lãi suất trước.
Trước “ngưỡng cửa” cuộc đua lãi suất mới chắc chắn sẽ hấp dẫn người có nhu cầu gửi tiền, tuy nhiên, khó khăn không chỉ đặt lên vai các doanh nghiệp đi vay do lãi suất tăng cao mà còn là thách thức không nhỏ đối với bản thân các ngân hàng thương mại.
Ý kiến chung trong cộng đồng doanh nghiệp lo ngại, việc lãi suất cho vay bị đẩy lên tới 21% có thể khiến các doanh nghiệp không chịu đựng được, hạn chế khả năng kinh doanh và tăng trưởng của doanh nghiệp. Như vậy, liệu rằng có đi ngược với mục tiêu chống lạm phát hay không?
Tuy nhiên, một số ý kiến “triệt để” khác lại cho rằng, trước tình trạng lãi suất cho vay cao như hiện nay, các doanh nghiệp và ngân hàng đều phải tính toán cẩn thận, biết đâu đây là một quá trình sàng lọc tự nhiên để tìm ra các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, triệt tiêu các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Viêt Nam cho rằng: Nếu xét về góc độ mục tiêu chung và mục tiêu sàng lọc các doanh nghiệp hiệu quả thì việc nâng lãi suất như vừa qua là đạt được mục đích”. “Vấn đề còn lại là, nâng lãi suất đến mức nào thì các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả chịu được. Chính vì vậy, nghệ thuật điều chỉnh thể nào để vừa phù hợp vừa đạt mục đích là điều cần được cân nhắc”, ông Huỳnh nói.
Nhìn một cách tổng thể, ông Huỳnh đánh giá, song song với việc nâng lãi suất để thu hút vốn, kiềm chế lạm phát, hạn chế nhập siêu, Chính phủ cần phải tiếp tục tích cực đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính… nhằm giảm bớt chi phí chờ đợi, nâng cao hiệu quả vốn vay của doanh nghiệp. Bởi xét cho cùng, nâng lãi suất để hạ chứ không phải nâng mãi. Mục tiêu cuối cùng của nền kinh tế chính là kiềm chế lạm phát để hạ dần lãi suất, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của doanh nghiệp./.
Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central Fied , Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"