CẢNH BÁO RỦI RO ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM VIỆT NAM

THS. TRỊNH THANH HOAN – Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam
Sức yếu, gánh nặng, đường xa, kẻ trục lợi thường xuyên rình rập, có lúc sử dụng đại lý như “nuôi ong tay áo”… Những nguy cơ rủi ro đang là vấn đề rất nhức nhối trong các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chất và lượng, đánh dấu bước phát triển căn bản từ một thị trường độc quyền Nhà nước sang một thị trường khá hoàn chỉnh theo cơ chế kinh tế thị trường với sự tham gia của đủ mọi thành phần kinh tế (Nhà nước, cổ phần, liên doanh, 100% vốn nước ngoài). Sau 10 năm mở cửa thị trường, hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng. Từ chỗ quy mô thị trường bảo hiểm chỉ là 703 tỷ đồng vào năm 1993, đến 2004  đã lên tới 14.232 tỷ đồng với 26 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm gồm: 14 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 6 doanh nghiệp hoạt động môi giới bảo hiểm và 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Đến nay, thị trường bảo hiểm đã từng bước hội nhập với thị trường bảo hiểm khu vực và quốc tế thông qua cơ chế hợp tác thương mại, dịch vụ tài chính đa phương hoặc song phương, với các nước ASEAN, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, v.v… Tuy nhiên,  thị trường bảo hiểm Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề. Ngoài những khó khăn do chính sách bảo hiểm chưa hoàn thiện thì nguy cơ rủi ro trong các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang là vấn đề rất nhức nhối. Vốn nhỏ, rủi ro tiềm ẩn cao Các công ty bảo hiểm trước khi phát hành một đơn bảo hiểm đều phải đánh giá rủi ro được bảo hiểm, xem xét các yếu tố dẫn đến sự tăng giảm rủi ro… Từ đó mới đưa ra quyết định chấp nhận hay từ chối rủi ro với phạm vi bảo hiểm như thế nào, tỷ lệ phí bảo hiểm là bao nhiêu cho phù hợp. Nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ đánh giá được rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, còn nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa xem xét một cách thấu đáo những rủi ro tiềm ẩn trong chính bản thân doanh nghiệp mình.   ở Việt Nam hiện nay, chưa có một tổ chức nào đánh giá chất lượng hoạt động (xếp loại, xếp hạng) của các công ty bảo hiểm. Vì vậy, có tình trạng là khả năng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam không tương xứng với giá trị tài sản được bảo hiểm mà vẫn nhận bảo hiểm. Từ đó, dẫn đến trách nhiệm và lợi ích của công ty bảo hiểm là không tương xứng. Thêm vào đó, việc cạnh tranh không lành mạnh về hạ phí bảo hiểm dưới mức an toàn, tăng hoa hồng quá mức quy định… càng làm tăng rủi ro của các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam. Nguy cơ phá sản, làm ăn thua lỗ, không thu xếp được tái bảo hiểm, mất uy tín, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh… là khá cao. Trên thế giới lâu nay đã có nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp theo lĩnh vực hoạt động, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm (như A.M.Best, Standard & Poor’s…). Các tổ chức này hoạt động một cách khách quan, không phụ thuộc vào bất kỳ một công ty bảo hiểm nào. Hàng năm, họ căn cứ vào khả năng tài chính, chỉ tiêu chất lượng hoạt động của các công ty bảo hiểm ở nhiều khu vực trên thế giới để có đánh giá, phân loại, xếp hạng cho các công ty bảo hiểm theo một chuẩn mực quy ước. Đây là cơ sở để khách hàng quyết định lựa chọn nên tham gia bảo hiểm với công ty bảo hiểm này hay với một công ty bảo hiểm khác nhằm hạn chế rủi ro. Trục lợi bảo hiểm vẫn luôn là thách thức của doanh nghiệp Một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là vấn đề trục lợi bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm làm giảm lợi nhuận, khiến cho hiệu quả sản xuất kinh doanh bị hạn chế, thậm chí có những tác động xấu đến uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm. Thế nhưng trục lợi bảo hiểm đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi ở nhiều nghiệp vụ bảo hiểm. Trong việc cấp đơn bảo hiểm, do tính minh bạch chưa cao nên người tham gia bảo hiểm có xu hướng trục lợi bảo hiểm. Tình trạng khách hàng tham gia bảo hiểm ở nhiều công ty bảo hiểm tại cùng một thời điểm để trục lợi không phải là hiếm (như vụ ông Nguyễn Văn U. ở Hải Dương tham gia bảo hiểm nhân thọ tại hai doanh nghiệp bảo hiểm lớn với tổng số tiền bảo hiểm lên tới trên 1 tỷ đồng Việt Nam trong khi biết mình có căn bệnh nan y không thể chữa khỏi là một ví dụ điển hình đã được nhiều cơ quan báo chí đưa tin)… Đối với một số lĩnh vực, khách hàng thực hiện hành vi trục lợi như một điều “hiển nhiên” và có tính “thường xuyên”! Cụ thể: Hàng hóa được yêu cầu bảo hiểm trong hành trình vận chuyển, nhưng chưa đóng phí bảo hiểm; khi biết hàng về đến nơi an toàn rồi khách hàng xin hủy đơn bảo hiểm hoặc hủy hợp đồng bảo hiểm để trốn tránh trách nhiệm đóng phí. Có chủ hàng biết tin hàng hóa của mình bị tổn thất rồi mới đến mua bảo hiểm hoặc thông đồng với cán bộ của doanh nghiệp bảo hiểm để mua bảo hiểm và nhận bồi thường cho tổn thất đó. Cũng có trường hợp trục lợi bị phát hiện khi hàng hóa được mua bảo hiểm vận chuyển trên một con tàu ma tức là con tàu đó không tồn tại thực tế. Khách hàng lừa đảo mua bảo hiểm rồi quy cho tàu “mất tích” để trục lợi đòi bồi thường toàn bộ… Trong bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tàu thuyền, trục lợi bảo hiểm được thực hiện thông qua việc hợp lý hóa ngày và hiệu lực bảo hiểm. Còn có việc tạo hiện trường giả các vụ tai nạn xe cơ giới, cháy hoặc chìm tàu, cố ý gây tai nạn trong bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm, gian lận đối với người thứ ba (không bồi thường cho người thứ ba, mặc dù đã nhận tiền bảo hiểm, hoặc đã đòi người thứ ba có liên đới bồi thường, song không khai báo với doanh nghiệp bảo hiểm…) v.v… Rủi ro bắt nguồn từ đại lý Trong bảo hiểm nhân thọ, tình trạng đại lý chạy theo doanh thu, không làm đúng các quy trình tác nghiệp đang ngày càng phổ biến. Thực tế cho thấy, việc làm này đã dẫn đến sự tranh chấp khi giải quyết bồi thường bảo hiểm. Đó là: kê khai giấy yêu cầu bảo hiểm hộ khách hàng, không trực tiếp gặp người tham gia bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm để kiểm tra tình trạng tài chính và sức khoẻ của họ, phản ánh sai tình trạng sức khoẻ và khả năng/ tình trạng tài chính của khách hàng trong báo cáo đại lý, chuyển về công ty giấy yêu cầu bảo hiểm không đúng chữ ký của khách hàng, không hướng dẫn khách hàng kê khai đầy đủ, trung thực giấy yêu cầu bảo hiểm. Ngoài ra, nhiều đại lý cũng đã giải thích chưa đầy đủ, không rõ điều khoản của hợp đồng, thậm chí thông đồng với khách hàng, cố tình làm sai lệch hồ sơ giải quyết quyền lợi bảo hiểm, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm. Tình trạng các nhân viên bảo hiểm do vô tình hay cố ý ghi sai ngày tham gia bảo hiểm trên giấy chứng nhận bảo hiểm, hoặc đại lý bảo hiểm thông đồng với khách hàng, thậm chí, họ có thể vạch “đường đi nước bước” cho khách hàng lợi dụng kẽ hở về giấy tờ, thủ tục giám định để trục lợi… Hiện tượng khai sai, khai khống tai nạn của người tham gia bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm có hành vi thông đồng với những người liên quan như: y, bác sĩ, công an, những người làm chứng trong các vụ tai nạn… đang khá phổ biến ở Việt Nam. Giải pháp phòng tránh rủi ro đối với doanh nghiệp bảo hiểm Để phòng tránh có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực và “rủi ro” cho mình, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải có một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, không những thành thục và giỏi chuyên môn mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp; quan tâm đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và trao đổi thông tin bảo hiểm giữa các doanh nghiệp trong nước; áp dụng phương thức thanh toán điện tử qua ngân hàng, giảm bớt thu chi tiền mặt; áp dụng hệ thống cảnh báo rủi ro đối với thị trường bảo hiểm và thị trường tài chính như hệ thống cảnh báo sớm EWS (Early Warning System)… Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cần tổ chức theo dõi, quản lý và giám sát cán bộ nhân viên, hoạt động của đại lý và môi giới bảo hiểm; kiểm tra, giám sát và nâng cao khả năng đánh giá rủi ro trước và sau khi nhận bảo hiểm; nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư phát triển nguồn vốn để có thể bù đắp được đối với những rủi ro có tính chất thảm họa. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, đồng thời có sự kiểm tra tính trung thực của thông tin đó. Cần đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp: khi bên mua bảo hiểm không thực hiện, thực hiện không đúng các nghĩa vụ cam kết, trường hợp rủi ro gia tăng và bên mua bảo hiểm không chấp nhận sự tăng phí bảo hiểm. Có quyền từ chối bồi thường, từ chối trả tiền bảo hiểm khi sự kiện xảy ra bị loại trừ, không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Ngoài ra cần yêu cầu bên mua bảo hiểm thực hiện các biện pháp đề phòng rủi ro, hạn chế tổn thất nhằm nâng cao tính trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, tránh tình trạng ỷ lại hoàn toàn vào doanh nghiệp bảo hiểm. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước: cần rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm; áp dụng các biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm minh đối với hành vi vi phạm pháp luật của các đơn vị kinh doanh bảo hiểm và các đơn vị, cá nhân tham gia bảo hiểm. Đây cũng chính là yêu cầu tất yếu khi nước ta chuẩn bị gia nhập các tổ chức quốc tế như WTO và khi AFTA cũng như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng có đầy đủ hiệu lực. Xếp hạng cụ thể như sau: Presentation1

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật