Cần hoàn thiện các quy định về chấm dứt việc nuôi con nuôi và hủy việc nuôi con nuôi

Việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Với mục đích như vậy, quan hệ này thường rất chặt chẽ và bền vững, không thể dễ dàng phá vỡ được. Tuy nhiên vì không gắn bó trên cơ sở huyết thống, nên quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chỉ tồn tại về mặt pháp lý. 1. Chấm dứt việc nuôi con nuôi: (1)Nếu trong quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con đẻ, tình cảm cha mẹ và con hình thành một cách tự nhiên, thì trong quan hệ nhận nuôi con nuôi, tình cảm giữa hai bên đòi hỏi phải có một quá trình thử thách, trải nghiệm và xây dựng. Điều đó hoàn toàn không dễ dàng, mà nó đòi hỏi sự cố gắng của cả hai phía. Vì vậy, trong những trường hợp nhất định, việc nuôi con nuôi có thể chấm dứt. Xuất phát từ thực tiễn nuôi con nuôi, pháp luật nước ta đã quy định về việc chấm dứt nuôi con nuôi trong Luật HN&GĐ năm 1986 và Luật HN&GĐ năm 2000. Nhưng thế nào là chấm dứt việc nuôi con nuôi thì chưa được quy định, mà theo chúng tôi thì đây là khái niệm có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để phân biệt với huỷ việc nuôi con nuôi. Luật HN&GĐ năm 2000 mới chỉ quy định về căn cứ, quyền yêu cầu và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt nuôi con nuôi tại các Điều 76, 77, 78. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các quy định của pháp luật về vấn đề này còn có một số điểm bất cập, không phù hợp với thực tiễn, mục đích cũng như bản chất của việc nuôi con nuôi. Có thể thấy điều đó qua một số nội dung sau: 1.1. Khái niệm chấm dứt việc nuôi con nuôi: Chấm dứt việc nuôi con nuôi chỉ đặt ra trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định, xuất phát từ yêu cầu của các bên chủ thể và phải được Toà án quyết định. Việc nhận nuôi con nuôi phải có sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới có giá trị pháp lý, do đó việc chấm dứt nuôi con nuôi cũng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, vì việc nhận nuôi con nuôi hay chấm dứt nuôi con nuôi có ảnh hưởng sâu sắc đến quyền, lợi ích của cả hai phía: người nhận nuôi và người con nuôi, đồng thời còn ảnh hưởng tới lợi ích chung của xã hội. Chấm dứt việc nuôi con nuôi được áp dụng trong trường hợp việc nuôi con nuôi đã được thực hiện, đã có hiệu lực thực tế, tức là quan hệ cha mẹ và con giữa người nuôi và con nuôi đã được thiết lập. Chấm dứt nuôi con nuôi tức là chấm dứt quan hệ cha mẹ và con đó giữa hai bên. Từ những đặc điểm cơ bản đó có thể đưa ra khái niệm chấm dứt việc nuôi con nuôi như sau: Chấm dứt việc nuôi con nuôi là việc chấm dứt quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa cha mẹ nuôi và con nuôi do Toà án quyết định khi có những căn cứ mà pháp luật quy định theo yêu cầu của những người có quyền yêu cầu. 1.2. Căn cứ chấm dứt nuôi con nuôi: *Căn cứ thứ nhất: Theo quy định tại Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000, một trong những căn cứ chấm dứt nuôi con nuôi là: “Cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi” ( khoản 1 Điều 76). Quy định này không phù hợp với mục đích và bản chất của việc nuôi con nuôi. Khi nhận nuôi con nuôi, cả hai bên đều nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con. Quan hệ cha mẹ và con là bền vững, chặt chẽ, không thể chấm dứt một cách dễ dàng, đơn giản. Hơn nữa, tình cảm gắn bó thực sự giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng không thể “tự nguyện chấm dứt” là chấm dứt được. Nếu không vì những lý do khác gây ảnh hưởng sâu sắc, làm sứt mẻ, thương tổn về tình cảm giữa hai bên cha mẹ nuôi và con nuôi, làm cho quan hệ nuôi con nuôi khó có thể tiếp tục, thì việc chấm dứt nuôi con nuôi đương nhiên không xảy ra. Do đó nếu không có lý do nghiêm trọng gì thì cha mẹ nuôi và con nuôi cũng không bao giờ tự nguyện thoả thuận chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Quan hệ nuôi con nuôi được thiết lập trên cơ sở tình cảm giữa hai bên và tình cảm đó luôn được củng cố, vun đắp qua năm tháng mà hai bên cùng chung sống, nên không thể dễ dàng xoá bỏ hay mất đi được. Vì lẽ đó, quy định này có phần không phù hợp với thực tiễn. Trước đây, pháp luật phong kiến cho phép con nuôi được trở về nhà cha mẹ đẻ của mình khi “con trai trưởng, con trai thứ nhà người con nuôi đều chết mất cả, không có ai nối dõi cho hai thân sinh ra mình, thì người con nuôi ấy được trình bày tình đó với cha mẹ nuôi, chọn người khác làm con trưởng rồi bản thân người con nuôi mới được về chịu tang báo hiếu cho cha mẹ sinh ra mình…Nếu không có mạng lệnh của cha mẹ nuôi mà tự tiện bỏ nhà ấy về nhà mình thì sẽ bị khép vào tội bất hiếu”(2) hoặc khi “cha mẹ nuôi kia có con, mà cha mẹ đẻ không có con nữa, nay muốn trở về, cho phép”(3). Tuy nhiên việc cho phép con nuôi trở về nhà cha mẹ đẻ của mình không phải là chấm dứt việc nuôi con nuôi. Bởi vì “trong trường hợp này, người con nuôi nói trên vẫn lui xuống làm con thứ của cha mẹ nuôi để đền báo cái công nuôi nấng từ trước”(4). Pháp luật phong kiến rất coi trọng chữ hiếu. Đạo hiếu đòi hỏi con cái (con đẻ cũng như con nuôi) phải hết sức thành kính phụng dưỡng, kính trọng và vâng lời cha mẹ, ông bà, nhất là những người có công nuôi dưỡng mình. Do đó, việc chấm dứt nuôi con nuôi theo pháp luật phong kiến hầu như không đặt ra. Con nuôi cũng như con đẻ có thể bị cha mẹ từ khi con có những hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi du đãng, lăng mạ ông bà, cha mẹ thân thuộc…(5) Trong thực tiễn xét xử có thể xảy ra tình huống cha mẹ đẻ trong hoàn cảnh quá khó khăn đã đồng ý cho con mình làm con nuôi người khác, việc nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký theo thủ tục luật định. Sau này, cha mẹ đẻ có kinh tế khá giả nên muốn nhận lại con. Cả hai bên, cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi đều tự nguyện và có yêu cầu chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Đó là trường hợp của bố mẹ cháu Đoàn Văn T và mẹ nuôi là Đoàn Thị Trang D tại quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh. (6)Vậy trong trường hợp này có căn cứ để chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi không? Căn cứ theo quy định tại Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000 thì không có căn cứ để chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp này, vì giữa cha mẹ nuôi và con nuôi hoàn toàn không có mâu thuẫn, không có các dấu hiệu được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 76. Nhưng không thể áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 76 vì trong trường hợp trên không phải là người con nuôi tự nguyện chấm dứt mà là cha mẹ đẻ của người con nuôi yêu cầu chấm dứt. Vì vậy, đầu năm 2004, khi có đơn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi, Toà án quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh đã từ chối thụ lý với lý do không có tranh chấp. Đến nay, theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) thì đây là một loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, tuy nhiên về luật nội dung thì không có căn cứ để giải quyết, như đã phân tích ở trên. Đây là thực tiễn cần sớm có quy định cụ thể tương ứng để Toà án có căn cứ giải quyết khi các đương sự có yêu cầu. Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, cần bỏ quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000 vì nó không phù hợp với thực tiễn, với mục đích và bản chất của việc nuôi con nuôi, làm giảm ý nghĩa của việc nuôi con nuôi. *Căn cứ thứ hai, “Con nuôi bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của cha, mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha, mẹ nuôi hoặc có hành vi phá tán tài sản của cha, mẹ nuôi” (khoản 2 Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000). Căn cứ này có thể coi đó là lỗi của người con nuôi đối với cha, mẹ nuôi. Cần lưu ý rằng, con nuôi phải có những hành vi này đối với chính cha, mẹ nuôi thì mới là căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi; còn nếu con nuôi có những hành vi này đối với người khác thì không phải là căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi.(7) *Căn cứ thứ ba, “Cha mẹ nuôi đã có các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 67 hoặc khoản 5 Điều 69 của Luật này” (khoản 3 Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000). Khoản 3 Điều 67 quy định: “Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác”. Khoản 5 Điều 69 quy định: “Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Qua các quy định trên cho thấy, khi cha mẹ nuôi có một trong những hành vi trên thì được coi là có căn cứ cho việc yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Mặc dù các quy định trên không nêu rõ những hành vi này của cha mẹ nuôi là đối với con nuôi hay đối với bất cứ người nào khác, nhưng cần phải hiểu rằng đó là những hành vi của cha mẹ nuôi đối với con nuôi trong quá trình thực hiện việc nuôi con nuôi, thì mới trở thành căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi. Đây là những hành vi có lỗi của cha, mẹ nuôi, xâm phạm một cách nghiêm trọng đến lợi ích của người con nuôi. Vì vậy khi cha, mẹ nuôi có một trong những hành vi trên thì con nuôi hoặc người giám hộ của con nuôi có thể yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Điều 76 viện dẫn đến khoản 5 Điều 69 Luật HN&GĐ năm 2000. Tuy nhiên quy định tại khoản 5 Điều 69 lại chưa rõ ràng, chưa có sự phân biệt giữa hành vi và tội phạm, quy định lẫn lộn giữa nhóm hành vi và nhóm tội phạm làm cho điều luật lủng củng, khó hiểu. Điều gây ra sự khó hiểu và lủng củng trong đoạn này là ở chỗ sử dụng từ không nhất quán, xắp xếp lộn xộn giữa hành vi và tội phạm, có chỗ thì sử dụng từ “tội” như “các tội xâm phạm tình dục trẻ em”, nhưng toàn bộ các hành vi được liệt kê ở đoạn giữa thì lại không sử dụng từ này, nên làm cho người đọc không hiểu những hành vi đó đã bị xác định là tội phạm hay chưa, như hành vi dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em và ý cuối cùng của khoản này lại không dùng từ “tội” mà dùng từ “hành vi” , đó là” có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”…Với cách diễn đạt như vậy tại khoản 5 Điều 69 làm cho điều luật khó hiểu, khó áp dụng. Do đó, theo chúng tôi, cách quy định tại khoản 3 Điều 76 là chưa rõ ràng, có thể đưa tới nhiều cách áp dụng pháp luật, cách hiểu khác nhau. Do đó cần quy định cụ thể, trực tiếp, theo hướng: Được coi là căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi khi cha, mẹ nuôi đã có một trong các hành vi sau: lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội; ngược đãi hoặc hành hạ con nuôi; hoặc cha, mẹ nuôi đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi … 1.3. Về hậu quả pháp lý của việc chấm dứt nuôi con nuôi: Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt nuôi con nuôi quy định tại Điều 78 Luật HN&GĐ năm 2000 cụ thể hơn so với quy định tại Điều 39 Luật HN&GĐ năm 1986, tuy nhiên mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ với người con đã làm con nuôi như thế nào thì pháp luật chưa có quy định rõ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật HN&GĐ năm 2000 thì “khi chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Toà án, các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng chấm dứt; nếu con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Toà án ra quyết định giao người đó cho cha mẹ đẻ hoặc cá nhân, tổ chức trông nom, nuôi dưỡng”. Quy định này có thể hiểu là khi việc nuôi con nuôi chấm dứt sẽ phát sinh hậu quả pháp lý theo hai hướng: - Một là, chấm dứt mọi quan hệ về nhân thân và về tài sản giữa cha mẹ nuôi và con nuôi kể từ thời điểm quyết định của Toà án về chấm dứt việc nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật. - Hai là, khôi phục lại quan hệ cha mẹ và con giữa cha mẹ đẻ và người đã làm con nuôi. Tuy nhiên vấn đề này chưa được pháp luật quy định rõ ràng nên còn có quan điểm khác nhau. Nhưng theo chúng tôi, điều rõ ràng là hậu quả của việc chấm dứt nuôi con nuôi có mối liên hệ chặt chẽ và tuỳ thuộc vào hậu quả pháp lý của việc nhận nuôi con nuôi. Vấn đề là ở chỗ, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ thừa nhận một hình thức nuôi con nuôi duy nhất là nuôi con nuôi đơn giản – việc nuôi con nuôi không làm chấm dứt các mối liên hệ pháp lý giữa cha mẹ đẻ với người con đã cho làm con nuôi. Điều đó cũng có thể được hiểu là các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ với con được cho làm con nuôi không hề bị thay đổi, vẫn giữ nguyên, mặc dù có sự kiện nhận nuôi con nuôi. Do vậy trong thực tế có những trường hợp việc nuôi con nuôi được xác lập về mặt pháp lý (có đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền) nhưng giữa cha mẹ nuôi và con nuôi không hề tồn tại quan hệ cha mẹ và con, thậm chí ngay cả việc chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi; con nuôi vẫn sống trong gia đình cha mẹ đẻ của mình như không có việc nhận nuôi con nuôi. Theo quy định tại Điều 74 Luật HN&GĐ năm 2000 thì “giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của Luật này, kể từ thời điểm đăng ký việc nuôi con nuôi”, nhưng các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con đã cho làm con nuôi như thế nào thì pháp luật không có quy định, trừ quyền thừa kế và một số quyền nhân thân gắn liền với con liệt sĩ, con thương binh, con của người có công với cách mạng thì có quy định rõ là vẫn được giữ nguyên. Còn các quyền và nghĩa vụ khác của cha mẹ đẻ đối với con cho làm con nuôi không có quy định cụ thể, nên có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Như vậy khi xảy ra tranh chấp về quyền cha mẹ giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi trong quá trình thực hiện việc nuôi con nuôi sẽ không có căn cứ để giải quyết, do đó khó bảo vệ được quyền lợi chính đáng của cả hai bên cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Vì vậy, theo chúng tôi cần có quy định cụ thể theo hướng khi việc nuôi con nuôi được xác lập thì những quyền nào của cha mẹ đẻ đối với người con đó sẽ chấm dứt, quyền nào vẫn tồn tại, và khi chấm dứt việc nuôi con nuôi thì những quyền nào bị chấm dứt trước đây giữa cha mẹ đẻ và con sẽ được khôi phục lại. Theo quan điểm của chúng tôi, khi xác lập quan hệ nuôi con nuôi trước pháp luật thì trách nhiệm cha mẹ của cha mẹ đẻ đã được chuyển giao một cách hợp pháp sang cho cha mẹ nuôi. Vì vậy giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có tất cả các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con. Do đó các quyền gắn liền với trách nhiệm của cha mẹ đối với con phải được chuyển sang cho cha mẹ nuôi, như quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, quyềm mang họ tên của cha mẹ nuôi, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con nuôi gây ra… Khi có quyết định của Toà án về chấm dứt việc nuôi con nuôi thì những quyền và nghĩa vụ nào đã được chuyển giao cho cha mẹ nuôi sẽ được khôi phục đối với cha mẹ đẻ. Tuy nhiên những điều đó cần được pháp luật quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc. 2. Hủy việc nuôi con nuôi: Huỷ việc nuôi con nuôi lần đầu được quy định tại Điều 24 Luật HN&GĐ năm 1959: “…Toà án nhân dân có thể huỷ bỏ việc công nhận ấy, khi bản thân người con nuôi hoặc bất cứ người nào, tổ chức nào yêu cầu, vì lợi ích của người con nuôi”.Tuy nhiên khái niệm “huỷ bỏ” trong điều luật này được hiểu và áp dụng trong thực tiễn xét xử bao hàm cả việc chấm dứt nuôi con nuôi. Luật HN&GĐ năm 1986 không quy định về huỷ việc nuôi con nuôi, mà chỉ quy định việc chấm dứt nuôi con nuôi tại Điều 39. Tuy nhiên trong thực tế xét xử, nếu có sự vi phạm một trong các điều kiện của việc nuôi con nuôi khi xác lập quan hệ nuôi con nuôi, Toà án vẫn áp dụng Điều 39 Luật HN&GĐ năm 1986 để tuyên huỷ việc nuôi con nuôi đó, bởi vì việc nuôi con nuôi đó là không hợp pháp. Luật HN&GĐ năm 2000 cũng không có quy định nào về huỷ việc nuôi con nuôi, mặc dù vấn đề này có thể nảy sinh trong thực tiễn xét xử. Ví dụ: Khi việc nhận nuôi con nuôi vi phạm một trong các điều kiện của việc nuôi con nuôi, như vi phạm độ tuổi, thiếu sự tự nguyện của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, có sự gian lận về nguồn gốc của đứa trẻ v.v…hoặc nhận nuôi con nuôi nhằm những mục đích trái pháp luật như sử dụng con nuôi vào mục đích mại dâm, mua bán ma tuý… Những trường hợp này không thuộc các trường hợp chấm dứt nuôi con nuôi được quy định tại Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000 nên không thể áp dụng để giải quyết. Do đó với quy định của pháp luật hiện hành thì không có cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm điều kiện nuôi con nuôi khi xác lập quan hệ nuôi con nuôi. Như vậy, pháp luật chưa có quy định cụ thể phân biệt giữa huỷ việc nuôi con nuôi và chấm dứt việc nuôi con nuôi. Theo chúng tôi cần phải có quy định cụ thể về huỷ việc nuôi con nuôi, vì huỷ việc nuôi con nuôi hoàn toàn khác với chấm dứt việc nuôi con nuôi về bản chất, căn cứ và hậu quả pháp lý. - Về bản chất pháp lý: Huỷ việc nuôi con nuôi là thái độ của nhà nước không công nhận việc nuôi con nuôi do sự vi phạm một trong các điều kiện của việc nuôi con nuôi. Việc nuôi con nuôi đó là không có giá trị pháp lý. Huỷ việc nuôi con nuôi có ý nghĩa như chế tài đối với việc vi phạm điều kiện nuôi con nuôi. Còn chấm dứt việc nuôi con nuôi không phải là chế tài. - Căn cứ pháp lý: Căn cứ để huỷ việc nuôi con nuôi là sự vi phạm một trong các điều kiện đã được pháp luật quy định đối với việc nuôi con nuôi. Ví dụ: thiếu sự đồng ý của cha hoặc mẹ đẻ hoặc của người giám hộ của đứa trẻ; việc nuôi con nuôi không đúng với mục đích của nó; người nhận nuôi không có đủ các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật…Các căn cứ này xuất hiện khi xác lập việc nuôi con nuôi. Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi là những căn cứ được quy định tại Điều 76 Luật HN&GĐ năm 2000. Các căn cứ này thường là hành vi có lỗi của người nuôi hoặc con nuôi đối với nhau nảy sinh trong quá trình thực hiện việc nuôi con nuôi, làm cho việc nuôi con nuôi khó có thể tiếp tục một cách bình thường. Ví dụ: Con nuôi xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể, nhân phẩm của cha mẹ nuôi, phá tán tài sản của cha mẹ nuôi; cha mẹ nuôi đối xử tàn tệ với con nuôi… - Hậu quả pháp lý: Việc chấm dứt nuôi con nuôi không có hiệu lực hồi tố, không xoá bỏ hiệu lực của việc nuôi con nuôi đó trong quá khứ, mà chỉ làm chấm dứt quan hệ cha mẹ và con giữa người nuôi và con nuôi từ thời điểm quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật. Ngược lại, khi bị huỷ, giữa người nuôi và con nuôi không tồn tại quan hệ cha mẹ và con trong suốt khoảng thời gian kể từ khi xác lập quan hệ nuôi con nuôi đến khi có quyết định huỷ việc nuôi con nuôi. Huỷ việc nuôi con nuôi có hiệu lực hồi tố và xoá bỏ mọi giá trị của việc nuôi con nuôi trong quá khứ như chưa hề có việc nhận nuôi con nuôi.(8) Hiện nay, bên cạnh việc nhận nuôi con nuôi với bản chất nhân đạo và mục đích tốt đẹp của nó là xác lập quan hệ cha mẹ và con, hình thành quan hệ gia đình bền vững giữa hai bên, vẫn còn tồn tại những trường hợp núp dưới danh nghĩa nhận nuôi con nuôi để nhằm những mục đích khác có tính chất vụ lợi, và vẫn còn sự vi phạm các điều kiện của việc nuôi con nuôi, thậm chí là cố tình vi phạm. Vì vậy, thiết nghĩ pháp luật cần có quy định cụ thể về huỷ việc nuôi con nuôi, tạo cơ sở pháp lý cho việc xét xử chính xác, phù hợp với thực tế khách quan và bản chất của việc nuôi con nuôi, qua đó bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi, đặc biệt là lợi ích của người con nuôi. (1) Xem Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam lược khảo, Sài gòn 1970. (2) Đoạn 110 Hồng đức thiện chính thư- Nam hà ấn quán. Sài gòn 1959. (3) Điều 76 Hoàng Việt luật lệ (4) Đoạn 110 Hồng đức thiện chính thư- Nam hà ấn quán. Sài gòn 1959. (5) Xem Đoạn 269 Hồng đức thiện chính thư Nam hà ấn quán. Sài gòn 1959, và Quốc Triều hình luật, lịch sử hình thành, nội dung và giá trị, Lê Thị Sơn chủ biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2004, tr. 407 (6) Xem Phạm Tấn, “Chấm dứt nuôi con nuôi: Không phải cứ “thôi” là được!”, Pháp luật, chuyên đề số 2 tháng 10/2004, tr.14-15 (7) Về vấn đề này có thể tham khảo bài của tác giả Dương Quốc Thành “Việc áp dụng khoản 2 Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình về khước từ con nuôi”, Tạp chí Toà án nhân dân số 4/2003, tr 17-18. (8) Xem Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật lược giảng – Luật Gia đình, Sài gòn 1973. tr.197 SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN SỐ 24 NĂM 2005 - THS. NGUYỄN PHƯƠNG LAN – Khoa Luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật