CẦN CÓ CÁC QUY ĐỊNH CHO DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC THỰC HIỆN LUẬT CẠNH TRANH

Cạnh tranh là một hiện tượng gắn liền với kinh tế thị trường. Thực tiễn nhiều nước đã chứng minh, nếu được kiểm soát tốt, cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, cho công chúng tiêu dùng, vì họ có thể hưởng những dịch vụ với giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn. Có nhiều cách hiểu khác nhau về cạnh tranh, song tựu trung lại, có thể quan niệm : Cạnh tranh là việc các nhà kinh doanh sử dụng những phương thức khác nhau để giành ưu thế thương trường về mình so với các đối thủ khác. Cạnh tranh là quá trình nhà kinh doanh “giành” lấy khách hàng cho mình bằng cách cung cấp những điều kiện tốt hơn so với đối thủ về giá cả, chất lượng hoặc các dịch vụ hỗ trợ khác. Pháp luật về cạnh tranh xuất hiện từ khá lâu. Công ước Pa-ri (1883) được ghi nhận là văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến khái niệm cạnh tranh thông qua việc quy định những hành vi cạnh tranh bất chính và biện pháp xử lý chúng. Hiện nay, ở hầu khắp các nước có nền kinh tế thị trường đều đã có Luật Cạnh tranh. Các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Cộng hòa Liên bang Nga, Trung Quốc,… cũng đã lần lượt ban hành Luật Cạnh tranh. Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại các hình thức cạnh tranh. Căn cứ vào mức độ chi phối của nhà nước, có cạnh tranh tự do và cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước. Cạnh tranh tự do là hình thức cạnh tranh trên cơ sở nền kinh tế phát triển tự do, không có sự can thiệp của Nhà nước. Giá cả chịu sự chi phối hoàn toàn của thị trường. Cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước là hình thức cạnh tranh diễn ra trong một nền kinh tế có sự điều tiết của Nhà nước thông qua một số công cụ quản lý như pháp luật, chính sách tài chính, thuế… Căn cứ vào mức độ chi phối của doanh nghiệp đối với thị trường, có cạnh tranh hoàn hảo và cạnh tranh không hoàn hảo. Cạnh tranh hoàn hảo là hình thức cạnh tranh trong đó giá cả hàng hóa không bị chi phối bởi yếu tố nào khác ngoài quy luật cung – cầu. Không một nhà kinh doanh nào đủ lớn để có thể tác động đến giá cả trên thị trường. Cạnh tranh không hoàn hảo là hình thức cạnh tranh trong đó có một số nhà kinh doanh đủ lớn có thể chi phối giá cả trên thị trường. Đây là sự manh nha của hình thức độc quyền sau này. Căn cứ tính chất và các phương thức mà nhà kinh doanh sử dụng, nên có thể là cạnh tranh lành mạnh hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Cạnh tranh lành mạnh là hình thức cạnh tranh hoàn toàn dựa trên những phương pháp hợp pháp và hợp đạo đức kinh doanh ; không có những thủ đoạn, những hành vi gian dối, tiêu diệt lẫn nhau. Cạnh tranh không lành mạnh là hình thức cạnh tranh, theo đó, một số nhà kinh doanh sử dụng các thủ đoạn gian dối, hối lộ, ăn cắp độc quyền sở hữu công nghiệp… nhằm giành phần thắng về mình và loại trừ đối thủ cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh có tác động tích cực và tiêu cực : - Tác động tích cực : . Đáp ứng thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng ở mức cao nhất. . Đảm bảo cho người tiêu dùng được thỏa mãn yêu cầu cao hơn, với giá cả rẻ nhất. . Khuyến khích nhà kinh doanh tích cực áp dụng công nghệ mới nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, bán sản phẩm rẻ hơn. . Từ ba yếu tố trên dẫn đến sự tăng trưởng nhanh, liên tục của nền kinh tế. - Tác động tiêu cực : . Nhà kinh doanh vì lợi nhuận nên bằng mọi cách thu hút khách hàng, do vậy có thể áp dụng những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như : đầu cơ, phá giá, làm hàng giả, hàng kém phẩm chất. . Cạnh tranh dẫn đến phá sản các doanh nghiệp yếu, đưa đến những gánh nặng cho nhà nước như thất nghiệp, các tệ nạn khác. . Cạnh tranh thường dẫn đến việc một số doanh nghiệp ngày càng mạnh lên, độc chiếm thị trường và trở thành độc quyền. Dù còn một số dị biệt song nhìn chung Luật Cạnh tranh của các quốc gia đều có một số nội dung về cơ bản thống nhất như sau : - Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Hội nghề nghiệp và giữa các Hội nghề nghiệp bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng các hình thức khác nhằm tạo ra các rào cản gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường. - Địa vị thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền của một hay một nhóm doanh nghiệp nhằm khai thác một cách thái quá sức mạnh thị trường cốt mưu đạt một trong các mục đích : hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp khác hoặc loại bỏ đối thủ, thu lợi bất chính. - Tập trung quyền lực kinh tế bằng cách hợp nhất, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp. Pháp luật cạnh tranh cấm trường hợp tập trung kinh tế bằng các hình thức trên để tạo ra hoặc tăng cường vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền của doanh nghiệp và hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường (trừ trường hợp sự tập trung đó là nhằm tạo ra lợi ích thiết thực cho nền kinh tế và lợi ích đó phải lớn hơn lợi ích tạo ra từ vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền). - Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như : từ chối giao dịch một cách bất hợp lý, giả mạo chỉ dẫn thương mại, xâm phạm bí mật kinh doanh, gièm pha đối thủ kinh doanh, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên của đối thủ cạnh tranh, bán phá giá, quảng cáo gian dối, khuyến mãi không lành mạnh, v.v.. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong nhiều năm dưới thời kỳ bao cấp mang một đặc trưng cơ bản là sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp thông qua hệ thống các chỉ tiêu pháp lệnh mang tính hoạch định sẵn từ cơ quan nhà nước trung ương. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, mức độ độc quyền có giảm đi nhưng nhìn chung vẫn còn. Mặt khác, do chưa có sự phân định rõ ràng giữa độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp, nên doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được trao quá nhiều quyền hạn, vô hình chung dẫn đến tình trạng độc quyền. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, ta có thể thấy tính chất độc quyền của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam mang một số đặc điểm như sau : - Độc quyền của DNNN được hình thành trên cơ sở các quyết sách mang tính hành chính – kinh tế của Nhà nước chứ không phải là kết quả của quá trình cạnh tranh như quy luật vốn có của nó. Tính chất độc quyền của DNNN không phản ánh năng lực nội tại của doanh nghiệp mà là do tác động ngoại lai. Vì vậy, tính chất độc quyền của DNNN thường đi liền với tính cửa quyền (vốn xa lạ với hoạt động kinh doanh), biểu hiện trì trệ kém hiệu quả, thua lỗ triền miên, khả năng thích nghi và chuyển đổi kịp với những đòi hỏi của cơ chế mới rất kém. - Nhiều tổng công ty nhà nước được hình thành không phải trên cơ sở tự nguyện của các doanh nghiệp thành viên nhằm liên kết tạo thế mạnh trong kinh doanh mà là do những quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, sự gắn kết trong tổng công ty rất kém, lỏng lẻo, cục bộ… ; mặt khác, sự liên kết các doanh nghiệp dựa trên tính chất ngành nghề, vì vậy dễ dẫn đến tình trạng độc quyền bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra DNNN còn được hưởng một số ưu đãi của Nhà nước về vốn, tài chính, giá cả v.v. Điều này làm cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế – vốn là một điều kiện cơ bản của luật cạnh tranh – trở nên khó thực hiện. Các ưu đãi này mới thoạt nhìn có vẻ như là thế mạnh của DNNN, song về lâu dài sẽ làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào Nhà nước và làm cho DNNN gặp nhiều khó khăn khi bao cấp của Nhà nước không còn. - Với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta với sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân ngày càng giữ một vai trò quan trọng, đòi hỏi Nhà nước phải ban hành Luật Cạnh tranh, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho mọi đối tượng vừa cạnh tranh vừa hợp tác phát triển. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là khi ban hành luật cạnh tranh với những đặc thù về nội dung của nó như đã nói, Nhà nước phải giải quyết một mâu thuẫn là xây dựng vị thế chủ đạo của kinh tế nhà nước nhưng trong sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Bởi vậy, phải có luật cạnh tranh để tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mặt khác, phải dành một số ưu đãi đặc thù cho DNNN nhằm thực hiện có hiệu quả những chính sách kinh tế – xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng, để giải quyết mâu thuẫn này, khi xây dựng Luật Cạnh tranh, cần chú ý giải quyết những vấn đề sau : Một là, về tên gọi của luật, nên sử dụng tên gọi của luật sắp ban hành là “Luật Cạnh tranh và Kiểm soát độc quyền”. Ở đây, độc quyền tự bản thân nó không phải hoàn toàn xấu, nếu độc quyền đó là sự cần thiết vì những lợi ích lớn hơn ở cấp độ vĩ mô. Khái niệm “kiểm soát độc quyền” cho thấy khả năng tồn tại độc quyền trong một số ngành, lĩnh vực cần thiết, nhưng đây là sự độc quyền chủ động, có cân nhắc, tính toán và có phương thức thực hiện độc quyền đúng đắn. Giữ độc quyền trong quá nhiều lĩnh vực vì độc quyền rất dễ dẫn đến những sự dựa dẫm, kinh doanh kém hiệu quả. Mặt khác, càng ít lĩnh vực độc quyền, Nhà nước càng dễ kiểm soát hơn. Hai là, cần phân biệt rõ độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp. Tùy thuộc vào các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế tại từng thời kỳ, Nhà nước có quyền ấn định những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước giữ độc quyền. Đó là những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Phương thức thực hiện độc quyền nhà nước cũng cần thay đổi. Trước đây, độc quyền nhà nước đồng nhất với độc quyền doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là sẽ có một số doanh nghiệp nhà nước được hưởng những ưu đãi đặc biệt so với các doanh nghiệp khác. Nay cần phải điều chỉnh lại theo hướng : Nhà nước giữ độc quyền nhưng có thể cho phép nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia nhưng phải tuân theo những quy định đặc thù của Nhà nước. Điều này tạo khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện đơn đặt hàng của Nhà nước thông qua đấu thầu công khai. Nhà nước độc quyền một số lĩnh vực nhưng Nhà nước không tự mình lập các doanh nghiệp để thực hiện độc quyền, mà chỉ ban hành các chuẩn mực, quy tắc, yêu cầu để bất kỳ doanh nghiệp nào, nếu có đủ điều kiện đều có thể tham gia. Đây chính là cách tốt nhất để giải quyết hai yêu cầu vốn mâu thuẫn nhau về bản chất : cạnh tranh và độc quyền. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX cũng chỉ rõ vấn đề này : Bảo hộ cần thiết, có điều kiện đối với những ngành, lĩnh vực, sản phẩm quan trọng. Thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực cần thiết, nhưng không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Xóa bao cấp, đồng thời có chính sách đầu tư đúng đắn và hỗ trợ phù hợp đối với những ngành, lĩnh vực sản phẩm cần ưu tiên phát triển. Ba là, vấn đề lợi ích quốc gia trong quan niệm và đối xử với DNNN khi thực thi “Luật Cạnh tranh và Kiểm soát độc quyền”. Ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi giống Việt Nam (như Nga, Trung Quốc…), khi xây dựng Luật Cạnh tranh họ cũng thường áp dụng một số miễn trừ đối với DNNN trong một số lĩnh vực để bảo đảm lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, xu hướng chung là ngày càng giảm dần tính đặc miễn này. Pháp luật về cạnh tranh của Việt Nam không nhất thiết phải lặp lại điều đó ; song cũng cần lưu ý về những “mẫu số chung” mà pháp luật cạnh tranh nào cũng phải tuân thủ. Trong một số lĩnh vực độc quyền ở nước ta hiện nay, các DNNN buộc người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ của họ với giá cao, được ấn định trước và không có những lời giải thích hợp lý về cơ cấu giá. Thậm chí, các DNNN này còn tính cả những tổn thất trong khâu lưu thông (như tổn thất trong dẫn nước, dẫn điện…) Chúng tôi cho rằng, mục đích sâu xa của việc nắm giữ độc quyền của Nhà nước cũng là nhằm hướng đến lợi ích của nhân dân. Vì vậy, song song với chế định đặc thù của DNNN trong luật cạnh tranh, cần phải có những quy định khác ràng buộc hoạt động của DNNN, cải tiến quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và tham gia thị trường với chất lượng phục vụ tốt hơn. Đây là điều rất cần thiết nhằm từng bước trang bị cho DNNN khả năng tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế, sắp tới là gia nhập AFTA và WTO. Tư tưởng này đã được quán triệt tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa IX. Vấn đề đặt ra là, nhanh chóng vận dụng tư tưởng của Nghị quyết để ban hành các văn bản pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của DNNN. Bốn là liên quan đến hoàn thiện việc cạnh tranh cần phải chú ý vấn đề cạnh tranh giữa các DNNN. Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam có một số đặc thù so với các nước : Nó thoát thai từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, với thành phần kinh tế chủ yếu là DNNN và nó đã phát triển về số lượng trong hầu khắp các ngành, lĩnh vực, các địa phương. Do vậy, khi chuyển sang kinh tế thị trường, hiện tượng cạnh tranh giữa các DNNN là tất yếu. Mặt khác, nhiều tổng công ty của chúng ta hình thành theo kiểu số cộng các DNNN hiện hữu (cùng ngành hoặc cùng một địa bàn) ; nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thành viên là một điều không thể tránh khỏi. Về nguyên tắc chung, cạnh tranh giữa các DNNN mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và cho cả chính doanh nghiệp (qua việc cải tiến công nghệ, quản lý…). Tuy nhiên, mặt trái của cạnh tranh cũng không thể không tính đến là do lợi ích cục bộ hoặc do sử dụng các hình thức cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến có thể gây thiệt hại cho một bộ phận DNNN ; và xét trên tổng thể, cũng là thiệt hại chung cho kinh tế nhà nước. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần phải xử lý tính chất đặc thù của DNNN trong môi trường cạnh tranh, có thể bằng một chế định riêng trong luật hoặc một số quy định mang tính ngoại lệ đối với các loại hành vi cạnh tranh. Điều này sẽ đảm bảo vừa có một “luật chơi” chung cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, vừa đảm bảo thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật