CÁC QUAN NGẠI THƯƠNG MẠI LIÊN QUAN ĐẾN TBT VÀ ĐỘNG THÁI CỦA VIỆT NAM

LÊ QUỐC BẢO Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong khoảng 10 năm (từ năm 1995 đến 2005) đã có 133 quan ngại thương mại liên quan đến TBT (Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại) và số lượng các quan ngại mới mỗi năm một tăng. Vậy các quan ngại thương mại liên quan đến TBT là gì? Ảnh hưởng của nó đến các nước thành viên ra sao, và chúng ta phải làm gì trước những quan ngại này? Các quan ngại thương mại liên quan đến TBT Các quan ngại thương mại (Trade concern) liên quan đến TBT là sự quan tâm của một hoặc nhiều nước thành viên WTO đối với các quy định nêu trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của một nước thành viên khác và cho rằng, các quy định này có hoặc có thể sẽ tác động tiêu cực đến thương mại của họ. Theo thống kê của WTO, từ năm 1995 đến năm 2005 có khoảng 133 quan ngại đã được đưa ra, và số lượng quan ngại mới mi năm đều tăng theo thời gian. Nếu xét theo nhóm nước, thì nhóm các nước phát triển có số quan ngại nhiều hơn so với các nước đang phát triển. Các quan ngại tập trung vào 9 nguyên nhân chủ yếu sau: Các quy định đưa ra thiếu cơ sở khoa học; nhằm vào các mục tiêu không hợp pháp/không hợp lý; tác động tiêu cực đến thương mại; mang tính phân biệt đối xử; không sử dụng tiêu chuẩn quốc tế khi đưa ra quy định; các quy định phức tạp, thiếu sự thông hiểu; là rào cản không cần thiết đối với thương mại; không đảm bảo tính công khai, minh bạch khi đưa ra quy định; các nguyên nhân khác. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến và chiếm tỷ lệ cao là: Các quy định phức tạp, thiếu sự thông hiểu (chiếm 50%), là rào cản không cần thiết đối với thương mại (chiếm 62%) và không đảm bảo tính công khai, minh bạch (chiếm 80%). Các quan ngại đề cập đến các sản phẩm/lĩnh vực nào? Có 5 nhóm sản phẩm/lĩnh vực mà các quan ngại đề cập là: Các sản phẩm thực phẩm, đồ uống giải khát và rượu; sản phẩm hoá chất; dệt may; máy móc, cơ khí và thiết bị điện; phương tiện giao thông (đường bộ/thuỷ/hàng không) và trang thiết bị giao thông có liên quan. Dưới đây là một số quan ngại tiêu biểu:   Đối với nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống giải khát và rượu: Trong cuộc họp lần thứ 3 của Ủy ban về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO (gọi tắt là Ủy ban TBT) vào tháng 11.2007, đại diện Achentina đã đưa ra quan ngại về ảnh hưởng của quy chế ghi nhãn và quảng cáo rượu nho, rượu tinh chiết và đồ uống từ malts (loại đồ uống được làm từ mạch nha) mà Hoa Kỳ dự kiến ban hành và áp dụng. Đại diện Achentina cho rằng, việc Hoa Kỳ bắt buộc ghi trên nhãn các thông tin về hàm lượng cồn dưới dạng % cồn theo dung tích cũng như việc công bố về calorie, carbonhydrates, mỡ, đạm và các thông tin dinh dưỡng khác là trái với Điều 2.2 của Hiệp định TBT và cản trở quá mức cần thiết để đạt được mục tiêu hợp pháp. Đại diện Achentina cho rằng, có những cách khác có hiệu quả, thích hợp và hợp pháp (legitimate) để giảm thiểu nguy cơ nhưng chưa được phía Hoa Kỳ xem xét. Hoa Kỳ đã biện minh về vấn đề này bằng việc nhắc đến các bệnh mạn tính phổ biến ở người dân là do việc dùng rượu cồn thái quá. Tuy nhiên, đại diện Achentina cho rằng, không có những bằng chứng để biện minh cho biện pháp mới này của Hoa Kỳ hoặc cho thấy các thông tin được cung cấp hiện nay cho người tiêu dùng là chưa đủ. Việc cung cấp các thông tin bổ sung cho người tiêu dùng có thể sẽ tạo ra chi phí cao hơn vì phải dùng thiết bị in nhãn, thiết kế lại nhãn và các chi phí trang bị phòng thử nghiệm để tiến hành các phép thử cần thiết. Đại diện Achentina khẳng định, các quy định này sẽ gây những hậu quả tiêu cực đối với việc tiếp cận của các sản phẩm có liên quan vào thị trường Hoa Kỳ, vì vậy Hoa Kỳ cần xem xét các quy định của các tổ chức quốc tế có liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực rượu vang. Theo đại diện của Achentina thì không tổ chức nào trong số này quy định phải ghi nhãn dinh dưỡng đối với rượu vang và đến nay không có nước thành viên WTO nào có yêu cầu tương tự. Trong cuộc họp này, Đài Loan cũng đưa ra dự thảo sửa đổi tiêu chuẩn vệ sinh đối với sản phẩm rượu cồn, cụ thể là việc ghi nhãn các chất phụ gia. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, dự thảo tiêu chuẩn có thể gây ra những khó khăn nghiêm trọng đối với các nhà xuất khẩu rượu và cồn, vì một số chất phụ gia được EC cũng như các tiêu chuẩn tương ứng của CODEX (Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn thực phẩm) cho phép nhưng lại không được đưa vào trong dự thảo. Theo EC, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho việc cần phải loại trừ các chất phụ gia thực phẩm như vậy ra khỏi danh mục dự kiến của cơ quan có thẩm quyền và yêu cầu Đài Loan phải sớm thông báo cho Ủy ban TBT, đồng thời cung cấp danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng cùng với giải trình về những loại trừ đó. Nhóm sản phẩm hoá chất: Mới đây Na Uy đã đưa ra Dự thảo quy chuẩn về một số hoá chất nguy hiểm dùng trong các sản phẩm tiêu dùng, trong đó cho biết, sẽ cấm sử dụng 18 chất trong hàng loạt sản phẩm tiêu dùng khác nhau. Một số nước thành viên WTO và các đại diện công nghiệp đã gửi ý kiến góp ý tới Điểm hỏi đáp của Na Uy. Các góp ý này đặt dấu hỏi về căn cứ kỹ thuật để đưa ra quyết định như vậy và lo ngại rằng, việc tuân thủ quy định này sẽ là gánh nặng chi phí không cần thiết và trong nhiều trường hợp thiếu các chất thay thế. Trong nhóm sản phẩm hoá chất, mới đây các nước đặc biệt lo ngại trước Quy định của EC về Đăng ký, đánh giá và cấp phép sử dụng hóa chất (REACH). Vấn đề này đã được khởi xướng từ tháng 3.2003 và được thảo luận liên tục trong 17 phiên họp của Ủy ban TBT. Tại cuộc họp tháng 7.2008 vừa qua của Ủy ban TBT, các nước thành viên cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng áp dụng các quy định của REACH vì sự phức tạp và thiếu các hướng dẫn đầy đủ của EC. Một số nước cho rằng, quy định của REACH là rào cản thương mại quá mức cần thiết để theo đuổi các mục tiêu hợp pháp như bảo vệ sức khỏe và môi trường. Do vậy, EC cần xem xét lại các quy định này và quy định chỉ nên được áp dụng khi có những bằng chứng khoa học đầy đủ và thuyết phục. Cho đến nay, đã có 23 nước thành viên WTO và nhiều doanh nghiệp lớn, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa ra nhiều câu hỏi về nội dung quy định của REACH và việc áp dụng các quy định này. Đồng thời, các nước thành viên WTO vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các quy định của REACH và các ảnh hưởng của nó đối với thương mại quốc tế để góp ý với EC. Máy móc, cơ khí và thiết bị điện: Đại diện của EC đã thông báo cho Ủy ban TBT góp ý của mình gửi cho Ấn Độ về các sản phẩm điện như ổ cắm, phích cắm và một số sản phẩm điện khác phải chứng nhận bắt buộc bởi Cơ quan Tiêu chuẩn Ấn Độ, bày tỏ quan ngại rằng, không biết các yêu cầu này có dựa theo tiêu chuẩn quốc tế hay không; đồng thời nhấn mạnh, Ấn Độ cần xem xét áp dụng các biện pháp khác ít hạn chế thương mại hơn và muốn Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu nêu trong Chỉ thị về thiết bị điện – điện áp thấp mà EC đang áp dụng. Phương tiện giao thông: Một số nước quan ngại về quy định của Quatar đối với lốp ô tô, đặc biệt về việc ghi nhãn các thông số kỹ thuật của vải bố, nhiệt độ chịu nhiệt của lốp và không có những ngoại lệ. Như vậy, có thể dẫn đến những trở ngại không cần thiết đối với thương mại. Về mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, đại diện của EC yêu cầu Ấn Độ cho biết các quy định mà Ấn Độ dự kiến áp dụng có dựa trên tiêu chuẩn quốc tế UNECE số 22 hay không. Nếu không, đề nghị cho biết sự khác nhau giữa tiêu chuẩn của Ấn Độ và tiêu chuẩn của UNECE và tại sao tiêu chuẩn của UNECE không có hiệu quả hoặc không thích hợp để thực hiện mục tiêu hợp pháp mà Ấn Độ theo đuổi. Động thái của Việt Nam Một câu hỏi đặt ra là, Việt Nam phải làm gì đối với các quan ngại thương mại về TBT? Có 2 động thái Việt Nam cần phải thực hiện, đó là: Đưa quan ngại của mình ra trước Ủy ban TBT và xử lý các quan ngại của các thành viên khác. Để có thể đưa quan ngại của mình ra trước Ủy ban TBT, Việt Nam cần thường xuyên nghiên cứu thông báo của các nước thành viên khác, ngoài ra cần tập hợp những kiến nghị của các điểm TBT địa phương trong cả nước, các cơ quan quản lý, các hiệp hội doanh nghiệp…, từ đó hình thành quan điểm và tiến tới hành động. Hành động ở đây được hiểu là phải tiến hành thực hiện các bước theo trình tự đã được WTO quy định, bao gồm: Gửi đến Điểm hỏi đáp của nước có liên quan văn bản góp ý, trong đó trình bày sự quan tâm, lo ngại của mình về quy định/biện pháp mà thành viên đó đã hoặc dự kiến đưa ra; yêu cầu Điểm hỏi đáp đó giải thích hoặc yêu cầu tham vấn với cơ quan có thẩm quyền của nước có liên quan; tiến hành tham vấn song phương với cơ quan có thẩm quyền của nước có liên quan. Và nếu cần thiết, đưa quan ngại của mình ra cuộc họp của Ủy ban TBT. Đối với việc xử lý các quan ngại của các thành viên khác, Văn phòng TBT Việt Nam tiếp nhận góp ý về các quy chuẩn kỹ thuật mà các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam dự kiến ban hành và áp dụng từ Điểm TBT hoặc cơ quan có thẩm quyền của thành viên khác. Văn phòng TBT Việt Nam và/hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ giải thích về nội dung thông báo/dự thảo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá hợp quy. Tiếp đó, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp nhận yêu cầu tham vấn với cơ quan có thẩm quyền của thành viên khác, tiến hành tham vấn song phương. Nếu tham vấn song phương không đạt kết quả, Việt Nam sẽ phải giải trình về quan ngại mà các thành viên đưa ra trước Ủy ban TBT. Trong một số trường hợp, các quan ngại thương mại về TBT không được giải quyết thoả đáng sẽ dẫn tới tranh chấp, kiện cáo thương mại mà WTO phải giải quyết theo quy trình nêu trong Nghị định thư của WTO về quy chế và thủ tục giải quyết tranh chấp. Việt Nam đã có những quan ngại hay tranh chấp thương mại trong WTO nào chưa? Việt Nam là thành viên chính thức của WTO từ ngày 11.1.2007. Là một thành viên mới trên cơ sở kết thúc một giai đoạn đàm phán lâu dài, các quy định của Việt Nam liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật khác của hàng hoá đã được rà soát, sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo sự phù hợp với các nguyên tắc của WTO nói chung và Hiệp định TBT nói riêng. Các cơ quan của Việt Nam luôn tuân thủ chặt chẽ cam kết của Việt Nam đưa ra đối với Hiệp định TBT, đặc biệt liên quan đến quy định không phân biệt đối xử, không cản trở thương mại quá mức cần thiết, công khai, minh bạch… Vì vậy, đến nay chưa có nước thành viên nào đưa ra quan ngại về các quy định kỹ thuật của Việt Nam tại diễn đàn của Ủy ban TBT của WTO. Đối với các quy định của các nước thành viên khác, các cơ quan của Việt Nam, dựa trên các thông tin do Văn phòng TBT Việt Nam cung cấp, có trách nhiệm nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, lợi ích của người tiêu dùng và/hoặc an ninh quốc gia để có những hành động phù hợp với các quy chế và thủ tục của WTO. Việc nghiên cứu này còn chưa có được sự phối hợp chặt chẽ của các bên có liên quan như người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, các nhà khoa học và các nhà quản lý. Vì thế cần được làm tốt hơn trong thời gian tới. Ban liên ngành về TBT được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 26.5.2005, đóng vai trò liên kết các bộ/ngành và địa phương trong việc thực thi các nghĩa vụ theo Hiệp định TBT cũng như đề xuất các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích thương mại cũng như tiêu dùng của Việt Nam. Trong cuộc họp mới đây của Ban, các quan ngại thương mại về TBT trong khuôn khổ WTO đã được thảo luận, quy trình đưa ra hoặc xử lý quan ngại, tranh chấp thương mại đã được soạn thảo. Hy vọng với những nỗ lực như vậy, Việt Nam sẽ chủ động hơn đối với các quan ngại và tranh chấp thương mại về TBT (nếu có) trong thương mại quốc tế  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật