CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT NGÂN HÀNG VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ

TS. NGUYỄN VĂN TUYẾN – KHOA PHÁP LUẬT KINH TẾ – ĐHL HÀ NỘI 1. Hoàn thiện các quy định về ngân hàng trung ương Sau gần hai mươi năm chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường, môi trường pháp lí cho hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đã từng bước được xây dựng và ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực pháp lí quốc tế. Tuy nhiên, trước những đổi thay lớn lao của nền kinh tế chuyển đổi đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với sức ép của xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khung pháp lí hiện hành cho hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được tìm hiểu, nghiên cứu để từ đó xây dựng các giải pháp hoàn thiện.   a. Những hạn chế và bất cập Cùng với thời gian, sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế chuyển đổi trong bối cảnh hội nhập đã khiến cho pháp luật ngân hàng Việt Nam bộc lộ dần những hạn chế và bất cập, điển hình là những hạn chế, bất cập về cách tiếp cận khi quy định vị trí pháp lí, chức năng, cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan phát hành tiền quốc gia (ngân hàng trung ương). Nhiều quy định hiện hành của Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam đã và đang thể hiện lối tư duy và cách tiếp cận cũ, mang nhiều dấu ấn của cơ chế quản lí hành chính bao cấp trong thời kì kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Các quy định này tỏ ra không phù hợp với thông lệ chung trên thế giới về địa vị pháp lí của cơ quan phát hành tiền quốc gia. Điều đó được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau đây: - Việc đặt tên cho cơ quan phát hành tiền quốc gia là “Ngân hàng nhà nước Việt Nam” không phản ánh được chính xác bản chất cũng như chức năng cơ bản của cơ quan này, vốn dĩ là ngân hàng trung ương của Việt Nam. Cách gọi tên như hiện nay chỉ phản ánh được tính chất sở hữu nhà nước đối với cơ quan này chứ không phản ánh được bản chất đích thực và chức năng chính của nó là chức năng ngân hàng trung ương. - Các chức năng của Ngân hàng nhà nước hiện nay cũng được quy định theo hướng quá coi trọng chức năng quản lí nhà nước về ngân hàng, trong khi chức năng ngân hàng trung ương lại được quan tâm không thỏa đáng. - Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam còn nặng nề, cồng kềnh (với hệ thống 64 chi nhánh Ngân hàng nhà nước đặt tại các tỉnh, thành phố thuộc trung ương). Việc quy định mô hình tổ chức như vậy dường như chỉ nhằm thực hiện chức năng quản lí hành chính nhà nước chứ không có nhiều tác dụng trong việc thực hiện chức năng ngân hàng trung ương. - Các quy định về hoạt động của Ngân hàng nhà nước còn thể hiện tư duy sử dụng mạnh mẽ các biện pháp hành chính trong quá trình quản lí nhà nước cũng như thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và giám sát an toàn đối với hệ thống ngân hàng. b. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về ngân hàng trung ương Xuất phát từ nhận thức cho rằng ngân hàng trung ương là một thiết chế đặc biệt, xét trong bối cảnh và các mục tiêu cơ bản như đã phân tích ở trên, việc hoàn thiện pháp luật về ngân hàng trung ương ở Việt Nam cần hướng tới các giải pháp lớn sau đây: Thứ nhất, đổi tên “Ngân hàng nhà nước Việt Nam” thành tên “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” đồng thời cũng đổi tên “Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam” thành “Luật ngân hàng quốc gia Việt Nam”. Vấn đề này có vẻ như chỉ mang tính hình thức nhưng chúng tôi cho rằng đây là nhu cầu cần thiết và cấp bách, vì các lí do sau đây: - Tên gọi “Ngân hàng nhà nước Việt Nam” chỉ phản ánh được khía cạnh sở hữu đối với cơ quan đặc biệt này chứ không phản ánh được bản chất là ngân hàng trung ương của nước Việt Nam và các chức năng vốn có của nó so với các ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường. - Việc đổi tên gọi “Ngân hàng nhà nước Việt Nam” thành “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” không những cho phép khẳng định yếu tố chủ quyền quốc gia về tiền tệ mà còn khẳng định rõ bản chất của cơ quan này là ngân hàng trung ương của nước Việt Nam có chủ quyền. Đây là sự tuyên bố cần thiết trước thế giới về chủ quyền tiền tệ của nước Việt Nam và đồng thời cũng phản ánh sự tương đồng của pháp luật Việt Nam so với pháp luật các nước về địa vị pháp lí của cơ quan phát hành tiền. - Tên gọi “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” thể hiện sự nhấn mạnh đến yếu tố chủ quyền quốc gia về tiền tệ hơn là khía cạnh sở hữu của cơ quan phát hành tiền. Tên gọi này ít gây ra sự tranh cãi trong dư luận và cũng dễ dàng được thế giới chấp nhận hơn và do đó không gây ra các hiệu ứng bất lợi cho quá trình hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam vào sân chơi toàn cầu. Thứ hai, chuyển dần chức năng quản lí hành chính nhà nước về ngân hàng của cơ quan phát hành tiền quốc gia thành chức năng giám sát và kiểm soát hệ thống ngân hàng bằng cách tăng cường các quy định mang tính kinh tế về hoạt động của ngân hàng trung ương và giảm bớt các quy định mang tính hành chính hóa đối với hoạt động của cơ quan này. Đây là xu hướng phát triển phù hợp với trào lưu chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới.() Điều này rất có lợi cho Việt Nam trong quá trình hội nhập bởi lẽ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách ngân hàng trung ương để nó phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế bao giờ cũng dễ được các bên đối tác nước ngoài chấp nhận. Thứ ba, cải cách mạnh mẽ cơ cấu tổ chức của ngân hàng trung ương bằng cách giảm bớt số lượng các chi nhánh cấp tỉnh, chỉ nên đặt các chi nhánh cấp vùng. Đứng trước yêu cầu tinh giản biên chế bộ máy và nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng trung ương như hiện nay thì rõ ràng đây là giải pháp lựa chọn hợp lí và rất cần thiết. Hơn nữa, so với các tiêu chuẩn chung của một ngân hàng trung ương theo thông lệ quốc tế thì việc duy trì bộ máy quá cồng kềnh và mang tính hành chính sẽ không thích hợp với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây cũng là điều được khuyến nghị thường xuyên bởi các chuyên gia nước ngoài đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng. Thứ tư, nâng cao tính độc lập về tổ chức và hoạt động của ngân hàng trung ương trong mối quan hệ với Chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội, các nhóm lợi ích chính trị khác. Thực tế cho thấy do vị trí pháp lí đặc biệt của mình, các quyết định của ngân hàng trung ương thường ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của Chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội và các nhóm lợi ích khác, kể cả giới doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vì thế, các chủ thể này luôn có xu hướng tìm cách tác động bằng cách này hay cách khác đến các quyết định và chính sách cụ thể của ngân hàng trung ương, chẳng hạn như chính sách tiền tệ quốc gia, chính sách phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng… Điều này có thể gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế và lợi ích chung của toàn xã hội, ví dụ như tình trạng lạm phát, vấn đề việc làm, mức thu nhập và mức sống thực tế của người lao động, thậm chí là sự ảnh hưởng đến các quyết định của nhà đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế thị trường. Các phân tích này cho thấy sự cần thiết phải ban hành những quy định nhằm nâng cao tính độc lập của ngân hàng trung ương trong mối quan hệ với các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. 2. Hoàn thiện các quy định về tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng Mặc dù Luật các tổ chức tín dụng đã bắt đầu xây dựng các nền tảng pháp lí quan trọng cho hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế đang chuyển đổi ở Việt Nam nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số quy định trong đạo luật này vẫn thể hiện những rào cản đối với quá trình tự do hóa, công khai và minh bạch hóa hoạt động ngân hàng. a. Những hạn chế và bất cập Theo ý kiến chúng tôi, những hạn chế và bất cập đáng kể nhất của các quy định hiện hành về tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác chính là sự yếu kém về tính công khai, minh bạch, tính hiệu quả của các quy định pháp luật. Đây là vấn đề đáng quan ngại nhất của hệ thống pháp luật kinh doanh nói chung và pháp luật về kinh doanh ngân hàng nói riêng trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện lộ trình hội nhập quốc tế một cách đầy đủ và toàn diện. Những điểm hạn chế này được thể hiện trên các khía cạnh sau đây: - Các quy định hiện hành về quy trình, thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho tổ chức tín dụng vẫn thể hiện tư duy quản lí hành chính cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt cần thiết và dường như chưa tính đến các yếu tố kinh tế của các quy định đó. Điều này thể hiện ở chỗ, để thực thi các quy định hiện hành về cấp giấy phép thành lập và hoạt động, cả phía chính quyền (Ngân hàng nhà nước Việt Nam) và phía doanh nghiệp (các tổ chức tín dụng) đều phải mất khá nhiều thời gian và chi phí cho việc làm thủ tục thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thành lập, hoạt động ngân hàng.() Hệ quả này rõ ràng là không tốt trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức tham gia một cách đầy đủ vào sân chơi toàn cầu với những quy tắc và luật lệ khắt khe của nó, cùng với đòi hỏi cao về tính công khai, minh bạch của các thủ tục hành chính cho môi trường kinh doanh. - Các quy định hiện hành về hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng chưa đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa các loại hình tổ chức tín dụng, thiếu tính công khai, minh bạch, gây nhiều phiền phức và làm tăng chi phí giao dịch cho các tổ chức tín dụng và khách hàng của họ.() Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng,() Nhà nước vẫn chủ trương phát triển các tổ chức tín dụng nhà nước theo hướng tập trung các nguồn lực và tạo điều kiện cho các tổ chức này giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trên thị trường dịch vụ ngân hàng. Mặt khác, khoản 2 và 3 Điều 12 của đạo luật này cũng thể hiện tư tưởng hạn chế quyền tham gia hoạt động ngân hàng tại Việt Nam của các tổ chức tín dụng nước ngoài. Chủ trương này có vẻ không thực sự thích hợp trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng, cam kết minh bạch hóa hệ thống pháp luật, giảm chi phí giao dịch cho các bên liên quan và cam kết đối xử bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ ngân hàng theo nguyên tắc đối xử quốc gia và nguyên tắc đối xử tối huệ quốc. Có thể nhận thấy ngoài một số quy định khá hợp lí về các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (Điều 77, 78, 79, 80, 81 Luật các tổ chức tín dụng) thì nhiều quy định hiện hành về nhận tiền gửi, cho vay, chiết khấu, bảo lãnh ngân hàng, cho thuê tài chính, dịch vụ thanh toán, hoạt động kinh doanh ngoại hối… tỏ ra không phù hợp với thông lệ quốc tế và không phù hợp với tinh thần của các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng.() - Pháp luật ngân hàng Việt Nam còn thiếu nhiều quy định quan trọng, cần thiết và có tính chất nền tảng cho các hoạt động ngân hàng hiện đại. Ví dụ điển hình là sự thiếu vắng quy định cụ thể về cho thuê tài chính đối với bất động sản; quy định về quyền bình đẳng trong việc gửi tiền tiết kiệm (bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ) tại tổ chức tín dụng của khách hàng là mọi tổ chức, cá nhân, kể cả các tổ chức kinh doanh và người không cư trú; quy định bình đẳng về giới hạn an toàn trong hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong nước và tổ chức tín dụng nước ngoài có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam; quy định bình đẳng về quyền phát hành thẻ và cung cấp không giới hạn các dịch vụ thẻ tại Việt Nam giữa các tổ chức tín dụng nước ngoài và các tổ chức tín dụng trong nước… Thực tế cho thấy sự thiếu vắng các quy định này không chỉ dẫn đến hậu quả làm giảm khả năng cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước trên con đường hội nhập mà còn tạo ra những khoảng cách giống như sự phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng trong nước với các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Có thể xem đây là bất lợi đáng kể cho việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng. b. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về tổ chức tín dụng Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng pháp luật hiện hành về tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác, chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này cần hướng tới các giải pháp lớn sau đây: Thứ nhất, nhận thức lại khái niệm dịch vụ ngân hàng và thống nhất quan niệm về dịch vụ ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế. Theo quy định chung của Hiệp định GATS, không có một khái niệm riêng cho dịch vụ ngân hàng mà trên thực tế, dịch vụ này (giống như dịch vụ về bảo hiểm và chứng khoán) được coi như một loại hình dịch vụ tài chính. Cũng theo Hiệp định này, dịch vụ tài chính là bất kì dịch vụ nào có tính chất tài chính, do một nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một thành viên thực hiện.() Dịch vụ tài chính bao gồm mọi dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ liên quan tới bảo hiểm, mọi dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác. Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác (trừ bảo hiểm) được chia thành các tiểu ngành dưới đây: 1) Nhận tiền gửi hoặc đặt cọc và các khoản tiền có thể thanh toán khác của công chúng; 2) Cho vay dưới các hình thức, bao gồm tín dụng tiêu dùng, tín dụng thế chấp, bao tiêu nợ và tài trợ các giao dịch thương mại; 3) Thuê mua tài chính; 4) Mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và báo nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng; 5) Bảo lãnh cam kết; 6) Kinh doanh tài khoản của mình hoặc của khách hàng, dù tại sở giao dịch và trên thị trường không chính thức hoặc các giao dịch khác về: a. Công cụ thị trường tiền tệ (gồm séc, hoá đơn, chứng chỉ tiền gửi); b. Ngoại hối; c. Các sản phẩm tài chính phái sinh, bao gồm nhưng không hạn chế các hợp đồng kì hạn hoặc hợp đồng quyền chọn; d. Các sản phẩm dựa trên tỉ giá hối đoái và lãi suất, bao gồm các sản phẩm như hoán vụ, hợp đồng tỉ giá kì hạn; đ. Chứng khoán có thể chuyển nhượng; e. Các công cụ có thể chuyển nhượng khác và các tài sản tài chính, kể cả kim khí quý. 7) Tham gia vào việc phát hành mọi chứng khoán, kể cả bảo lãnh phát hành và chào bán như đại lí (dù công khai hoặc theo thoả thuận riêng) và cung cấp dịch vụ liên quan tới việc phát hành đó; 8) Môi giới tiền tệ; 9) Quản lí tài sản, như tiền mặt hoặc quản lí danh mục đầu tư, mọi hình thức quản lí đầu tư tập thể, quản lí hưu trí, dịch vụ bảo quản, lưu giữ và tín thác; 10) Các dịch vụ thanh toán và quyết toán tài sản tài chính, bao gồm chứng khoán, các sản phẩm tài chính phái sinh và các công cụ thanh toán khác; 11) Cung cấp và chuyển thông tin về tài chính, xử lí dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác; 12) Các dịch vụ tư vấn, trung gian môi giới và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác liên quan đến các hoạt động nêu trong điểm (1) đến (11), kể cả tham khảo và phân tích tín dụng, nghiên cứu, tư vấn đầu tư và danh mục đầu tư, tư vấn mua sắm và về cơ cấu lại chiến lược doanh nghiệp. Như vậy, theo thông lệ quốc tế, dịch vụ ngân hàng là khái niệm rất rộng, bao gồm tất cả các hoạt động ngân hàng của một tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng trên thị trường vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện hành tại, quan niệm về dịch vụ ngân hàng lại được hiểu khá hẹp, không bao gồm hoạt động huy động vốn và hoạt động tín dụng. Sự khác biệt này có thể dẫn tới những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật Việt Nam đối với các hoạt động ngân hàng do tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng của các nước thành viên WTO thực hiện tại Việt Nam. Điều đó cho thấy yêu cầu cần thiết và cấp bách của việc thay đổi quan niệm về dịch vụ ngân hàng trong pháp luật Việt Nam trên cơ sở thừa nhận tính hợp lí của khái niệm dịch vụ ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế như Hiệp định GATS đã ghi nhận. Sự thay đổi này tất yếu dẫn đến những thay đổi quan trọng trong pháp luật hiện hành ở Việt Nam về mỗi loại hình dịch vụ ngân hàng, chẳng hạn như các quy định về nhận tiền gửi, cấp tín dụng hay các quy định về dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân quỹ, dịch vụ bảo quản hiện vật quý và dịch vụ tín thác… Thứ hai, quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng nhưng đồng thời phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động cấp giấy phép. Giải pháp này nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng trên thị trường sau khi đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Quan trọng hơn, đây còn là giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của các quy định về quản lí, giám sát từ phía Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng, góp phần làm giảm chi phí giao dịch và chi phí gia nhập thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam. Thứ ba, trên cơ sở nhận thức lại về vai trò của Nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng nên chuyển giao một số vấn đề hiện đang được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng sang cho Hiệp hội ngân hàng quy định, ví dụ như các quy định về điều kiện giao dịch; quy trình nghiệp vụ giao dịch; điều lệ mẫu và hợp đồng mẫu; nội quy và quy chế hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng trên thị trường. Sự phân quyền này là hợp lí bởi lẽ trong nền kinh tế thị trường, cho dù đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù như lĩnh vực dịch vụ ngân hàng thì Nhà nước cũng chỉ nên can thiệp bằng các quy định có tính chất nền tảng và ở tầm vĩ mô còn các quy định liên quan đến chuyên môn và nghiệp vụ kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng thì nên để cho các hiệp hội nghề nghiệp (ví dụ như Hiệp hội ngân hàng) quy định có tính hướng dẫn. Giải pháp này vừa làm giảm gánh nặng quản lí của Nhà nước, vừa phát huy được vai trò tích cực của hiệp hội nghề nghiệp trong quá trình tham gia quản lí, giám sát đối với thị trường, đặc biệt là loại hình thị trường có nhiều đặc thù về nghiệp vụ kinh tế như thị trường dịch vụ ngân hàng. Thứ tư, sửa đổi, bổ sung và ban hành thêm một số quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch và tính hiệu quả cho pháp luật ngân hàng. Giải pháp này được xem là cần thiết và có tính đột phá nhằm cải thiện nhanh chóng môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam. Theo ý kiến chúng tôi, các quy định cần được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhằm minh bạch hóa môi trường pháp lí cho hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam bao gồm: - Sửa đổi các quy định về điều kiện cấp giấy phép đối với các tổ chức nước ngoài có hoạt động dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam, theo hướng đảm bảo sự bình đẳng về các điều kiện cấp giấy phép giữa tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng trong nước với tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006 về tổ chức và hoạt động của ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam theo hướng bổ sung thêm quy định về việc cấp giấy phép hoạt động ngân hàng tại Việt Nam cho các tổ chức nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng. Giải pháp này nhằm đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch của pháp luật Việt Nam về việc tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các tổ chức nước ngoài muốn cung ứng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam. Đây cũng chính là cách để Việt Nam thực hiện đúng các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng. - Sửa đổi quy định về chủ thể gửi tiền tiết kiệm tại tổ chức tín dụng theo hướng cho phép mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, kể cả các tổ chức kinh doanh đều được gửi tiết kiệm tại ngân hàng bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ. - Sửa đổi các quy định về huy động vốn theo hướng quy định bình đẳng về giới hạn an toàn trong hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong nước và tổ chức tín dụng nước ngoài có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. - Sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ thanh toán theo hướng quy định bình đẳng về quyền phát hành thẻ và cung cấp không giới hạn các dịch vụ thẻ tại Việt Nam giữa các tổ chức tín dụng nước ngoài và các tổ chức tín dụng trong nước. - Sửa đổi các quy định về cho thuê tài chính hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng cho thuê tài chính, bao gồm cả động sản và bất động sản. Giải pháp này không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu thực tế của cả bên thuê và bên cho thuê trong quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính mà còn đảm bảo cho pháp luật Việt Nam về dịch vụ cho thuê tài chính phù hợp hơn với thông lệ quốc tế về gi

([i]). Trên thế giới, pháp luật về ngân hàng trung ương của các nước rất ít khi đề cập chức năng quản lí nhà nước về ngân hàng của cơ quan phát hành tiền quốc gia mà chủ yếu đề cập hoạt động này dưới danh nghĩa là chức năng giám sát và kiểm soát an toàn của hệ thống ngân hàng; xem: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, “Luật ngân hàng trung ương một số nước” (tài liệu hội thảo), Hà Nội 1996. ([ii]). Theo quy định tại Điều 24 Luật các tổ chức tín dụng, thời hạn thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho một tổ chức tín dụng là 90 ngày. Tuy nhiên, sau đó, nếu được cấp giấy phép thì tổ chức tín dụng còn phải tiến hành việc đăng kí kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng kí kinh doanh (Điều 27 Luật các tổ chức tín dụng). Hiện tại đây là hai thủ tục khác nhau và được tiến hành tại hai cơ quan nhà nước khác nhau trong khi xu hướng chung là đối với các hoạt động thương mại đặc thù như dịch vụ tài chính, ngân hàng, việc cấp giấy phép thành lập, hoạt động và đăng kí kinh doanh được nhập chung làm một nhằm giảm thời gian giao dịch, chi phí giao dịch cho các bên trong quá trình thực thi pháp luật. ([iii]). Theo quy định của Nghị định của Chính phủ số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006 về tổ chức và hoạt động của ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, việc cấp giấy phép hoạt động ngân hàng tại Việt Nam cho các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng của nước ngoài phải tuân thủ khá nhiều điều kiện (ngoài các điều kiện chung giống như các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng trong nước); mặt khác, việc cấp các giấy phép này như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào cơ quan có thẩm quyền là Ngân hàng nhà nước chứ không thể hiện một cách rõ ràng tư tưởng thực hiện đúng các cam kết quốc tế về chế độ đối xử quốc gia. Điều này có thể đánh giá như là sự thiếu tính minh bạch của các quy định pháp luật. ([iv]).Xem: Khoản 2 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng. ([v]). Hiện tại, các quy định của Luật các tổ chức tín dụng về việc mở chi nhánh và văn phòng đại diện tại Việt Nam chỉ áp dụng đối với các tổ chức tín dụng nước ngoài chứ không áp dụng cho các tổ chức kinh tế khác của nước ngoài có hoạt động ngân hàng. Để hướng dẫn chi tiết quy định này, Nghị định của Chính phủ số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006 về tổ chức và hoạt động của ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam cũng không dự liệu về khả năng cấp giấy phép thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện cho các tổ chức nước ngoài có hoạt động ngân hàng nhưng không phải là tổ chức tín dụng. Điều này dẫn tới hệ quả là nhu cầu cung cấp dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam của các tổ chức này không thể đáp ứng bằng các quy định hiện hành và do đó, các quy định này cũng đi ngược lại với tinh thần chung của các cam kết quốc tế của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng cho các tổ chức kinh tế nước ngoài. ([vi]). Nhà cung cấp dịch vụ tài chính là pháp nhân hoặc thể nhân của một thành viên muốn cung cấp hoặc đang cung cấp những dịch vụ tài chính nhưng thuật ngữ “nhà cung cấp dịch vụ tài chính” không bao gồm tổ chức công.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật