CÁC ĐỘNG LỰC CỦA MUA BÁN DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Trong suốt quá trình hơn 20 năm đổi mới, kinh tế nước ta đã và đang phát triển theo chiều hướng tích cực, các doanh nghiệp (DN) được thành lập ngày càng nhiều và hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Sự ra đời và phát triển của các DN Việt Nam không nằm ngoài quy luật phát triển DN trên thế giới, bên cạnh đó việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã tạo điều kiện cho các DN trong nước và DN nước ngoài có thêm nhiều điều kiện và cơ hội đầu tư. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, thị trường mua bán DN đã và đang phát triển theo xu hướng của thế giới, điều đó phù hợp với quá trình mở cửa và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Các động lực cơ bản cho sự gia tăng hoạt động mua bán DN ở Việt Nam trong những năm gần đây như sau: Thứ nhất, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao. Trong suốt 05 năm qua, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 7,5%/năm. Theo số liệu dự báo của Business Monitor International Ltd (BMI), Việt Nam sẽ khắc phục được khủng hoảng kinh tế tài chính trong thời gian ngắn hạn và sẽ dần lấy lại được tốc độ tăng trưởng GDP cao. Mục tiêu đến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 DN. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu thu hút hơn nữa nguồn đầu tư nước ngoài và phát triển mạnh mẽ, đồng bộ các loại thị trường… Đây chính là những cơ sở và điều kiện quan trọng để hoạt động mua bán sáp nhập DN tại Việt Nam có thể nhanh chóng phát triển và hình thành nên một thị trường mua bán sáp nhập DN trong những năm tới. Các chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng thị trường mua bán, sáp nhập công ty ở VN đang trở thành một thị trường tiềm năng, với mức phát triển lên tới 30% – 40%/năm. Không chỉ lạc quan về kinh tế Việt Nam, BMI cũng dự đoán sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, tạo tiền đề cho các dòng vốn FDI dồi dào vào Việt Nam trong thời gian tới.   512984.JPG Thứ hai, xuất hiện ngày càng nhiều nhu cầu bán và nhu cầu mua DN. Nhu cầu về mua bán DN tại Việt Nam xuất hiện ở cả các DN trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Các tổ chức tài chính, các tập đoàn kinh tế nước ngoài sử dụng công cụ mua bán DN nhằm rút ngắn con đường phát triển cũng như mở rộng thị trường, mở rộng ngành nghề kinh doanh và tăng tính cạnh tranh tại Việt Nam. Về phần mình, các DN trong nước thông qua sáp nhập có thể tiếp cận nhanh với công nghệ, kinh nghiệm quản lý, các kỹ năng về thị trường và xuất khẩu. Nhìn chung, cả hai phía đều hướng tới tiết kiệm chi phí và đạt được nhiều lợi ích như gia tăng thị phần, tập trung nguồn lực nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, nguồn cung cho thị trường là những DN không chống chọi được với sự cạnh tranh của kinh tế thị trường do thiếu vốn hoặc thiếu kinh nghiệm quản lý,… thay vì tự giải thể hoặc phá sản họ đã trở thành đối tượng cho các nhà đầu tư mới khác ở trong nước và nước ngoài mua lại để bước vào hoạt động kinh doanh trên thị trường. Hoặc đơn thuần là những DN muốn kiếm lời thông qua việc thành lập và bán DN như các DN trong lĩnh vực bất động sản (thành lập một DN quản lý một dự án bất động sản rồi bán DN đó đi để kiếm lời). Đã có những phát biểu rằng hơn 50% trong số 300.000 DN vừa và nhỏ của Việt Nam có thể sát nhập với một đối tác khác trong vòng 6 năm tới do đòi hỏi cạnh tranh trên thị trường nội địa và quan trọng hơn là trên trường quốc tế. Trong các nhu cầu mua bán công ty, nhu cầu đầu tư vào các ngân hàng, nhà máy nhiệt điện, bất động sản cao cấp, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, căn hộ để bán và cho thuê, bệnh viện cao cấp, khu nghỉ dưỡng cao cấp, siêu thị… được thống kê chiếm tỉ trọng lớn nhất. 512985.JPG Thứ ba, sự ngày càng minh bạch của pháp luật Việt Nam. Việc ra đời các luật và nghị định về kinh doanh như Luật DN (2005), Luật Đầu tư (2005) và Luật chứng khoán (2007), Luật thuế thu nhập DN (2008),… giúp cho thị trường tài chính nói chung và thị trường mua bán, sáp nhập DN nói riêng trở nên minh bạch hơn thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước. Trong đó, hai cơ sở pháp lý quan trọng định hướng cho hoạt động mua bán sáp nhập DN hiện nay ở Việt Nam là Cam kết gia nhập WTO và Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 quy định chi tiết Luật DN. Trong cam kết WTO có quy định về tỉ lệ vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các DN ở Việt Nam, cụ thể: Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép mua cổ phần trong các DN Việt Nam với tỉ lệ không vượt quá 30% tổng vốn điều lệ của DN nếu không có quy định khác. Một năm sau khi gia nhập, hạn chế 30% cổ phần nước ngoài trong việc mua cổ phần của các DN Việt Nam sẽ được bãi bỏ, ngoại trừ đối với việc góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các ngân hàng thương mại cổ phần và các ngành không cam kết trong biểu cam kết này. Tiếp đó, việc ban hành Nghị định 139/2007/NĐ-CP, Chính phủ đã khẳng định một cách rõ ràng hơn sự bình đẳng đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong đó nổi bật là quyền đầu tư và góp vốn mua cổ phần trong DN Việt Nam dù còn một số phân biệt nhất định. Theo đó, tất cả các tổ chức là pháp nhân, gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài, không phân biệt nơi đăng ký trụ sở chính và mọi cá nhân, không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú, đều có quyền góp vốn, mua cổ phần với mức không hạn chế tại DN, trừ một số trường hợp (công ty cổ phần niêm yết; DN ngành nghề kinh doanh có điều kiện do pháp luật chuyên ngành quy định; DN nhà nước cổ phần hoá và DN kinh doanh dịch vụ áp dụng theo Biểu cam kết về thương mại dịch vụ với WTO). Tuy nhiên, khi chúng ta thực thi lộ trình cam kết với WTO, những lĩnh vực hạn chế nói trên trong tương lai cũng sẽ không tồn tại đối với đầu tư nước ngoài. Thứ tư, sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty tư vấn trong lĩnh vực mua bán sáp nhập và nhượng quyền thương hiệu cũng phần nào cho thấy sức hấp dẫn của hoạt động mua bán sáp nhập DN. Tại Việt Nam, đã có một số DN được coi là chuyên nghiệp trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập DN như IDJ, Tigerinvest, First Asia Limited và mới đây là Công ty cổ phần Mua bán DN và Kết nối đầu tư quốc tế (ICE)… đồng thời, nhiều DN đã thành lập bộ phận chuyên trách về mua bán sáp nhập DN như PricewaterhouseCoopers, Earnst &Young, các công ty chứng khoán,… Trên đây là những nguyên nhân chính quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán DN ở Việt Nam. Ngoài những nguyên nhân này, còn có thể kể đến các nguyên nhân khác như sự ổn định về chính trị của Việt Nam, xu hướng hình thành các Tập đoàn kinh tế đa ngành,…  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật